Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm. |
Đến dự Lễ kỉ niệm có bà Nguyễn Thị Hoàng Vân, Phó Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam, ông Chu Công Phùng, Đại sứ, Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam – Myanmar, ông Win Hlaing, Đại sứ Myanmar tại Việt Nam cùng đông đảo đại diện các cơ quan, tổ chức, cán bộ nhân viên sứ quán, các học sinh, sinh viên Myanmar đang sinh sống và học tập tại Việt Nam…
Những bước phát triển phấn khởi
Phát biểu tại buổi lễ, Đại sứ Chu Công Phùng đã điểm lại quá trình phát triển quan hệ giữa Việt Nam và Myanmar. Theo đó, ông cho rằng Việt Nam và Myanmar đều là những quốc gia trong khu vực Đông Nam Á, có nhiều nét tương đồng về lịch sử và phong tục tập quán, nhân dân hai nước sớm có mối quan hệ giao lưu qua lại lẫn nhau. Bốn mươi năm qua kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao đầy đủ đến nay, mối quan hệ Việt Nam - Myanmar đã có những bước phát triển rất đáng phấn khởi.
Về quan hệ chính trị, lãnh đạo cấp cao hai nước đã có nhiều chuyến thăm lẫn nhau. Đó là các chuyến thăm Myanmar của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Đỗ Mười (5/1997), Chủ tịch nước Trần Đức Lương (5/2002), Thủ tướng Võ Văn Kiệt (5/1994) và Thủ tướng Phan Văn Khải (5/2000), gần đây nhất là các chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (12/2011) và Chủ tịch nước Trương Tấn Sang (12/2012). Lãnh đạo cấp cao Myanmar thăm Việt Nam có Chủ tịch Hội đồng Hoà bình và Phát triển Quốc gia, Thống tướng Than Shwe (3/1995 và 3/2003), Thủ tướng Khin Nhun (8/2004) và Thủ tướng Soe Win (4/2005) và đặc biệt là chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Thein Sein (3/2012) và của Chủ tịch Quốc hội Thura U Shwe Mann (9/2014). Các chuyến thăm nói trên đã tạo ra khuôn khổ và những xung lực mới cho mối quan hệ hữu nghị và sự hợp tác nhiều mặt giữa hai nước chúng ta.
Trên cơ sở những phát triển trong quan hệ chính trị, quan hệ kinh tế thương mại giữa hai nước cũng luôn có những tiến triển mới. Kim ngạch thương mại hai chiều tăng trưởng nhanh chóng và ổn định từ mức 10 triệu USD (năm 2001) lên mức 480 triệu USD (năm 2014). Về đầu tư, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã đầu tư vào Myanmar. Đến nay, tổng vốn của các doanh nghiệp Việt Nam đạt khoảng 600 triệu USD, đứng thứ 8 trong số các nước và vùng lãnh thổ đầu tư vào Myanmar. Chúng ta hy vọng kim ngạch thương mại hai chiều đạt 500 triệu USD và mức đầu tư đạt 1 tỷ USD trong năm 2015.
Bên cạnh đó, hai nước thường xuyên duy trì các cơ chế hợp tác hiện có như Ủy ban hỗn hợp về thương mại Việt Nam – Myanmar, hội chợ thương mại hàng năm, tham khảo chính trị thường niên giữa Bộ Ngoại giao hai nước, hợp tác giữa hai thành phố Hồ Chí Minh và Yangoon; hợp tác trong các lĩnh vực nông nghiệp, cây công nghiệp, thủy sản, tài chính - ngân hàng, hàng không, viễn thông, dầu khí, văn hóa, giáo dục, thể dục thể thao, v.v... cũng thu được những kết quả rất đáng phấn khởi. Mặt khác, hai nước tích cực phối hợp với nhau tại các diễn đàn quốc tế và khu vực như tại các Hội nghị ASEAN, Tiểu vùng Mekong (GMS), chiến lược phát triển kinh tế 3 dòng sông (ACMECS)...
Đại sứ Chu Công Phùng bày tỏ tin tưởng, với đà phát triển thuận lợi cùng những kinh nghiệm phong phú của 40 năm giao lưu hợp tác cộng với sự nỗ lực chung của cả hai bên, quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt Việt Nam - Myanmar sẽ tiếp tục gặt hái được nhiều thành quả mới, to lớn hơn nữa, đáp ứng lợi ích thiết thực của hai dân tộc chúng ta, vì hòa bình, ổn định, hợp tác và thịnh vượng trong khu vực và trên thế giới.
Với tư cách Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam – Myanmar, ông Phùng cho biết, trên cơ sở nền tảng của mối quan hệ giao lưu nhân dân hai nước và đáp ứng yêu cầu của nhiều tổ chức và cá nhân trong nước, ngày 26/8/2014 Hội Hữu nghị Việt Nam – Myanmar đã được thành lập. Ngay sau khi được thành lập, Hội đã triển khai một số hoạt động nhằm tăng cường sự giao lưu hiểu biết giữa nhân dân Việt Nam và nhân dân Myanmar, thiết thực góp phần vào việc thúc đẩy sự hợp tác kinh tế thương mại giữa hai nước.
Chung mục tiêu phát triển
Phát biểu tại buổi lễ, Đại sứ Myanmar Win Hlaing cho rằng kể từ sau ngày hai nước chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao ở cấp Đại sứ, bốn thế kỉ qua là khoảng thời gian đủ đầy chứng kiến sự phát triển không ngừng, hợp tác sâu rộng và hiểu biết lẫn nhau trong tình hữu nghị của nhân dân hai nước. Đó cũng là khoảng thời gian hai nước hiểu rõ về nhau và cùng nhau xây dựng quan hệ bền chặt dựa trên nền tảng tin tưởng lẫn nhau giữa những người bạn thân thiết.
Ông cũng khẳng định, sự phát triển quan hệ hữu nghị, hợp tác Myanmar Việt Nam không chỉ mang lại lợi ích vững bền cho hai bên mà còn thúc đẩy hợp tác kinh tế xã hội hai nước. Năm 2015 Myanmar Việt Nam phấn đấu đạt tổng kim ngạch thương mại 500 triệu đô. Myanmar và Việt Nam đã kí hiệp định miễn thị thực cho người mang quốc tịch hai nước theo thời hạn lưu trú nhất định để mở rộng cơ hội giao lưu đi lại cho nhân dân hai nước. Vietnam Airlines mở đường bay thẳng tới Yangon (Myanmar) với tần suất 5 chuyến/tuần từ Hà Nội, và 3 chuyến/tuần từ thành phố Hồ Chí Minh. Thời gian chỉ mất hai giờ đồng hồ để đáp chuyến bay giữa bay giữa hai nước tương đương việc đi thăm họ hàng trong cùng vùng đất nước.
Ngài Đại sứ Myanmar cho rằng Myanmar - Việt Nam đều là những nước đang phát triển vì vậy hai bên có chung những mục tiêu phát triển. “Tiềm năng hợp tác hai nước luôn dồi dào vì chúng ta có lợi ích chung. Hiện tại Myanmar với chính sách hội nhập mở cửa tạo cơ hội đầu tư cho các nhà đầu tư nước ngoài nên chúng tôi muốn Việt Nam tận dụng cơ hội này tăng cường đầu tư hợp tác hơn nữa vào Myanmar”, ông nói.
Đại sứ Win Hlaing cũng bày tỏ, Myanmar thực sự đánh giá cao nỗ lực của Việt Nam trong việc thúc đẩy quan hệ hai nước bằng việc thành lập Hội hữu nghị Việt Nam – Myanmar và cho biết phía Myanmar cũng đang gấp rút thành lập Hội hữu nghị Myanmar - Việt Nam để quan hệ hữu nghị và hợp tác ổn định hai nước ngày càng được tăng cường phát triển.
“Kỉ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoai giao hai nước không chỉ là dịp chúng ta nhìn lại tổng thể mối quan hệ hai nước suốt quãng thời gian qua mà còn quan trọng hơn để đề ra định hướng, để thắt chặt, mở rộng và củng cố quan hệ hai nước trong thời gian tới. Hai nước có chung niềm tự hào của 40 năm vàng son hợp tác hữu nghị vừa qua để cùng nhau chắp cánh cho 4000 năm kim cương phía trước”, ông nói.
Ông Lê Mai, trưởng Ban liên lạc của đoàn 82: "Tôi là người đã từng sang Myanmar năm 1948 nhận viện trợ vũ khí và cùng các bạn Lào đưa số vũ khí đó sang mặt trận Lào, tức là Luang Phrabang hồi giải phóng và lập căn cứ. Đây là một việc có ý nghĩa vì nhờ những vũ khí này mà các chiến sĩ Việt Nam sang mặt trận Lào mới có vũ khí chiến đấu. Nhờ những vũ khí đó mà bộ đội Việt Nam mới có thể hoạt động tại Lào cho tới năm 1954. Nhắc đến sự kiện này, tờ New Light of Myanmar (Ánh sáng Mới của Myanmar) có đăng bài « Quan hệ Việt Nam – Myanmar được thiết lập bằng máu ». Tại sao như vậy ? Vì đoàn viện trợ vũ khí của bạn đi từ Yangon bí mật sang Bangkok rồi vượt sông Mekong sau đó mới sang Lào. Đi đường, đoàn bị lộ và bị phục kích. Nhiều người đã hy sinh…"
Nguyễn Kim