TIN LIÊN QUAN | |
Thúc đẩy việc quảng bá di sản văn hóa Việt Nam tại Myanmar | |
Việt Nam – Myanmar: Tiếp tục gặt hái nhiều thành quả mới |
Trong hai năm qua, kể từ khi quan hệ Đối tác Hợp tác Toàn diện được thiết lập tháng 8/2017 nhân chuyến thăm cấp Nhà nước của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến Myanmar và được cụ thể hoá hơn trong chuyến thăm chính thức Việt Nam của Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi (4/2018), quan hệ giữa Việt Nam và Myanmar không ngừng phát triển trên mọi lĩnh vực.
Đại sứ Việt Nam tại Myanmar Luận Thùy Dương. (Nguồn: ĐSQ) |
Những bước tiến mạnh mẽ
Quan hệ chính trị giữa hai nước ngày càng được củng cố, đặc biệt là sự tin cậy chính trị tiếp tục được tăng cường. Lãnh đạo cấp cao hai nước đã nhấn mạnh việc tiếp tục trao đổi đoàn lãnh đạo các cấp và trên tất cả các kênh, bao gồm kênh Đảng, kênh Chính phủ, kênh Quốc hội và giao lưu nhân dân. Quan hệ giữa Đảng Cộng sản Việt Nam với Đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (NLD) cầm quyền và Đảng Đoàn kết và Phát triển Liên bang (USDP) của Myanmar tiếp tục được duy trì và thúc đẩy. Quốc hội hai nước có sự hợp tác và phối hợp hành động chặt chẽ, có hiệu quả tại các diễn đàn liên nghị viện khu vực và quốc tế, nhất là trong khuôn khổ Liên minh Nghị viện Thế giới (IPU), AIPA...
Hai nước cũng đã trao đổi các biện pháp để thúc đẩy hợp tác du lịch, văn hoá, giáo dục và truyền thông, từ đó thúc đẩy giao lưu nhân dân. Các chương trình trao đổi học sinh, sinh viên các cấp học giữa hai nước đã được hai bên bàn tới. Quan hệ giữa các địa phương Việt Nam và các địa phương Myanmar (TP Hà Nội - thủ đô Nay Pyi Taw, TP Đà Nẵng - TP Mandalay, TP Hồ Chí Minh - TP Yangon) được tăng cường.
Các hoạt động ngoại giao kinh tế, hỗ trợ thương mại và quan hệ kinh tế giữa hai nước ngày càng sôi động hơn. Kim ngạch thương mại hai chiều năm 2018 đạt hơn 870 triệu USD, trong đó Việt Nam xuất siêu hơn 700 triệu USD. Myanmar là một trong số ít các thị trường mà Việt Nam xuất siêu và Việt Nam hiện là đối tác thương mại lớn thứ 10 của Myanmar.
Về đầu tư, Việt Nam đã ổn định ở vị trí nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ 7 trong số 49 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Myanmar, đứng thứ 3 trong ASEAN (sau Singapore và Thái Lan) với tổng vốn đăng ký tính đến nay là gần 2,2 tỷ USD, chiếm 2,8% tổng số vốn đầu tư vào Myanmar. Đến nay đã có hơn 200 doanh nghiệp Việt Nam có hiện diện thương mại và đầu tư tại Myanmar dưới nhiều hình thức.
Hợp tác Quốc phòng hai nước ngày càng chặt chẽ, sâu sắc và đã đi vào thực chất hơn so với thời gian trước. Hai nước tiếp tục triển khai hiệu quả các thỏa thuận đã đạt được trong khuôn khổ song phương và đa phương; tiến hành trao đổi đoàn quân sự các cấp, đồng thời mở rộng hợp tác sang các lĩnh vực khác như đào tạo, quân y, tìm kiếm cứu nạn, giao lưu thể thao, chia sẻ thông tin và công nghệ kỹ thuật quân sự.
Hợp tác về an ninh giữa hai nước được đẩy mạnh từ sau khi đạt được Thỏa thuận hợp tác giữa Bộ Công an Việt Nam và Bộ Nội vụ Myanmar tháng 11/2013. Gần đây nhất, tháng 2/2019, nhân chuyến thăm và dự Hội nghị song phương cấp Bộ trưởng Việt Nam - Myanmar lần thứ 3 của Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, hai bên đã ký Thỏa thuận sửa đổi, bổ sung Hiệp định giữa Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam và Chính phủ CHLB Myanmar trong lĩnh vực phòng, chống tội phạm, là cơ sở pháp lý lâu dài cho các hoạt động hợp tác trong tương lai.
Đây là những bước phát triển mạnh mẽ trong quan hệ giữa hai nước. Tiềm năng hợp tác giữa hai bên vẫn còn rất lớn và cần phải đưa quan hệ giữa hai nước ngày càng đi vào chiều sâu và hiệu quả hơn, chính vì vậy, Kỳ họp lần thứ 9 Uỷ ban hỗn hợp về hợp tác song phương Việt Nam – Myanmar đã diễn ra tại Hà Nội ngày 11-12/3/2019.
Sáng ngày, 12/3/2019, tại Nhà khách Chính phủ, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh tiếp và hội đàm với Bộ trưởng Hợp tác Quốc tế Myanmar U Kyaw Tin. (Ảnh: Tuấn Anh) |
Tại Kỳ họp, hai bên đã kiểm điểm tình hình hợp tác trên các lĩnh vực kể từ Kỳ họp lần thứ 8 (5/2015); đánh giá cao nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp hai nước đã có nhiều hợp tác hiệu quả, thực chất, đưa quan hệ Đối tác Hợp tác Toàn diện Việt Nam-Myanmar ngày càng đi vào chiều sâu. Tuy nhiên, hai bên cũng thấy rằng hợp tác trong các lĩnh vực giao thông vận tải, nông nghiệp, văn hóa thể thao, du lịch, tài chính, ngân hàng, thông tin – truyền thông, giáo dục – đào tạo…, đã có nhiều thành tựu khả quan song vẫn còn nhiều tiềm năng và thế mạnh cần khai thác trong thời gian tới.
Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh và Bộ trưởng Bộ Hợp tác Quốc tế Myanmar U Kyaw Tin đã ký Biên bản thoả thuận, khẳng định tiếp tục triển khai tích cực các cơ chế hợp tác và chủ động xây dựng Chương trình Hành động triển khai quan hệ Đối tác Hợp tác Toàn diện giai đoạn 2019 – 2023.
Khai thác tiềm năng, tăng cường hiệu quả
Quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại hiện là điểm sáng trong quan hệ giữa hai nước. Trên cơ sở Bản ghi nhớ hợp tác (MOU) đã ký về hợp tác thương mại năm 2017 và với mục tiêu phấn đấu đạt kim ngạch thương mại hai chiều đạt 1 tỷ USD trong năm 2020, thì công tác nghiên cứu thị trường và xúc tiến thương mại cần được đẩy mạnh hơn nữa; khuyến khích trao đổi các đoàn doanh nghiệp đi khảo sát thị trường để tăng cường hiểu biết, tìm kiếm cơ hội hợp tác đầu tư và thương mại cho doanh nghiệp cả hai nước. Hai bên cũng cần thúc đẩy đầu tư vào 8 lĩnh vực mà hai bên có nhu cầu và có tiềm năng: dệt may, công nghiệp tiêu dùng, năng lượng điện, chế biến thực phẩm-nông sản, xây dựng cơ sở hạ tầng, y tế, giáo dục, du lịch…
Về Quốc phòng, hai bên cần tiếp tục thực hiện trao đổi đoàn các cấp, mở rộng cấp quân khu và quân binh chủng, và sớm triển khai Đối thoại Chính sách quốc phòng song phương. Về an ninh, hai bên cần tăng cường hợp tác đi vào thực chất trong việc phòng và chống các loại tội phạm truyền thống, phi truyền thống, tội phạm công nghệ cao, rửa tiền, khủng bố… Nghiên cứu ký kết Hiệp định tương trợ tư pháp giữa hai nước trong thời gian tới.
Về văn hóa, hai bên cần tiếp tục triển khai Chương trình hợp tác văn hóa Việt Nam – Myanmar giai đoạn 2019-2020. Hợp tác giáo dục cần được đẩy mạnh thông qua việc tổ chức các hội thảo, đối thoại, trao đổi sinh viên để thúc đẩy sự hiểu biết lẫn nhau. Trên cơ sở MOU về hợp tác giáo dục giữa hai nước, Bộ Giáo dục và Đào tạo nên sớm thúc đẩy các nội dung hợp tác về giáo dục đã có giữa hai nước, tăng cường hỗ trợ Myanmar trong việc đào tạo nghề và ngoại ngữ và triển khai các nội dung đã cam kết trong Biên bản ghi nhớ.
Về du lịch, cần tăng cường các hoạt động quảng bá, triển lãm, giới thiệu sản phẩm, dịch vụ du lịch của hai bên. Cần tiếp tục có sự tham gia tích cực và phối hợp chặt chẽ hơn giữa các Bộ, ngành của Việt Nam, đặc biệt là giữa Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch của Việt Nam với Bộ Văn hóa và Tôn giáo và Bộ Khách sạn và Du lịch của Myanmar, trong các hoạt động quảng bá và thúc đẩy hợp tác văn hóa, du lịch giữa hai nước. Khuyến khích sự tham gia của các địa phương trong việc quảng bá du lịch đến từng người dân.
Để quan hệ hợp tác đi vào chiều sâu hơn nữa thì việc tăng cường hiểu biết và phát triển quan hệ hữu nghị giữa nhân dân hai nước là một trong những ưu tiên hàng đầu. Để làm được điều này, ngoài việc trao đổi các đoàn thể nhân dân, các hiệp hội thì cần chú trọng hơn các hoạt động giao lưu thanh niên Việt Nam và Myanmar.
Đối tác tin cậy, ủng hộ lẫn nhau
Về hợp tác song phương trong đa phương, Việt Nam và Myanmar tiếp tục có những hợp tác chặt chẽ tại các diễn đàn khu vực và quốc tế. Hai nước duy trì thường xuyên trao đổi thông tin, tham khảo về các vấn đề mà hai bên cùng quan tâm, luôn thể hiện là đối tác, là bạn bè tin cậy, ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn quốc tế, khu vực và tiểu vùng. Lãnh đạo cấp cao và chính phủ Myanmar đã bày tỏ ủng hộ quan điểm của Việt Nam trong vấn đề Biển Đông qua việc ghi nhận và khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, ổn định, tự do hàng hải, hàng không trong khu vực; nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giải quyết hòa bình các tranh chấp trên cơ sở luật pháp quốc tế, UNCLOS 1982, không đe dọa hoặc sử dụng vũ lực; cam kết ủng hộ thực hiện đầy đủ và hiệu quả DOC và sớm đạt được COC có hiệu lực tại Biển Đông; ủng hộ Việt Nam tham gia ứng cử làm thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.
Trong thời gian tới, hai nước cần tăng cường chia sẻ quan điểm, phối hợp lập trường, ủng hộ lẫn nhau trong các vấn đề hai bên cùng quan tâm như liên kết kinh tế khu vực, an ninh lương thực – nguồn nước – năng lượng, ứng phó với biến đổi khí hậu, giáo dục, phát triển nguồn nhân lực, đào tạo nghề…trong khuôn khổ hợp tác tiểu vùng, khu vực và quốc tế.
Trong khuôn khổ ASEAN, hợp tác Việt Nam và Myanmar luôn đóng góp tích cực vào sự đoàn kết và phát triển của ASEAN. Hướng tới tương lai, hai nước cần tiếp tục hợp tác với nhau và với các nước ASEAN khác vì một Cộng đồng ASEAN đoàn kết và có cùng một tầm nhìn trong tương lai. Việt Nam đang từng bước chuẩn bị đón nhận trách nhiệm Chủ tịch ASEAN trong năm 2020, Myanmar nên cùng các nước thành viên ASEAN khác ủng hộ và chia sẻ với Việt Nam hoàn thành trách nhiệm cao cả này.
Khai mạc Triển lãm tranh Việt Nam – Myanmar “Mỗi bức tranh đều có cuộc sống và tâm hồn riêng, xuất phát từ trái tim và tâm hồn của người họa sĩ”, Đại sứ ... |
Vun đắp quan hệ hữu nghị truyền thống Việt Nam – Myanmar Nhận lời mời của Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Tổng thống Htin Kyaw cùng phu nhân và đoàn đại biểu cấp cao Myanmar đã ... |
Việt Nam – Myanmar: Hướng đến kim ngạch 500 triệu USD trong năm 2015 Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Tổng thống Myanmar Thein Sein nhất trí tiếp tục tăng cường hợp tác trong 12 lĩnh vực ưu tiên ... |