Đánh giá về mối quan hệ hợp tác song phương giữa Na Uy và Việt Nam trong giai đoạn hiện nay, bà Tone Skogen cho biết Na Uy và Việt Nam có mối quan hệ chính trị tốt đẹp. Trong năm 2016, hai nước sẽ kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao.
Na Uy và Việt Nam có mối quan hệ lành mạnh và thịnh vượng, với sự hợp tác trong nhiều lĩnh vực như năng lượng, quản trị, thủy sản, môi trường và biến đổi khí hậu, nhân quyền và bình đẳng giới, trong đó có những lĩnh vực hợp tác mới đang nổi lên trong vài năm qua.
Mối quan hệ giữa hai nước đã chuyển từ chủ yếu là viện trợ phát triển trở thành quan hệ hợp tác với tư cách là đối tác về các vấn đề cùng quan tâm và quan trọng.
Hội chợ Du lịch “Reiselivmessen” Oslo 2016, với sự phối hợp tham gia của Văn phòng đại diện VietnamAirlines tại châu Âu và công ty du lịch SaigonTour của một người Na Uy yêu Việt Nam. (Nguồn: TTXVN). |
Việc tăng cường quan hệ giữa Na Uy và Việt Nam cũng được nhấn mạnh trong Thông cáo chung giữa hai nước do Thủ tướng Chính phủ Na Uy và Thủ tướng Chính phủ Việt Nam công bố năm ngoái về phát triển khuôn khổ đối tác.
Bước tiếp theo sẽ là ký kết một thỏa thuận về quan hệ đối tác. Hai nước phối hợp cùng nhau trên một số vấn đề toàn cầu và khu vực, đồng thời cam kết thúc đẩy hệ thống đa phương, hợp tác với nhau về các vấn đề toàn cầu như chống biến đổi khí hậu, cải tổ Liên hợp quốc, các mục tiêu phát triển bền vững (SDG) và quyền con người.
Về những lĩnh vực ưu tiên của Na Uy trong việc tăng cường hợp tác với Việt Nam, Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao Na Uy cho rằng Na Uy và Việt Nam tự hào là hai trong số các nước xuất khẩu thủy sản lớn nhất trên thế giới.
Việt Nam đang trở thành thị trường hấp dẫn đối với các nhà xuất khẩu thủy sản của Na Uy. Đó là nhờ thị trường tiêu dùng Việt Nam đang quan tâm nhiều hơn đến cá hồi Na Uy, cùng với việc Việt Nam đạt được tăng trưởng kinh tế thật ấn tượng và có tầng lớp trung lưu đang phát triển nhanh chóng.
Đánh giá về tiềm năng kinh doanh tại Việt Nam của các doanh nghiệp Na Uy và triển vọng hợp tác đầu tư, thương mại giữa hai nước trong thời gian tới, bà Tone Skogen nhấn mạnh nhiều công ty Na Uy đã được thành lập tại Việt Nam. Các công ty Việt Nam và Na Uy có lợi ích bổ sung cho nhau trong nhiều lĩnh vực, bao gồm cả dịch vụ hàng hải, công nghiệp hàng hải, hàng tiêu dùng, công nghệ thông tin và công nghệ xanh.
Việc ký kết Hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa khối mậu dịch tự do châu Âu (EFTA) trong đó có Na Uy và Việt Nam sẽ là bước tiến quan trọng. Một môi trường kinh doanh ổn định và có thể dự đoán là điều rất quan trọng để cho các doanh nghiệp quốc tế và Na Uy hoạt động tại Việt Nam. Do đó cam kết của Việt Nam về cải cách cơ cấu và kinh tế có ý nghĩa rất tích cực. Phía Na Uy rất coi trọng các cuộc đàm phán FTA đang diễn ra giữa EFTA và Việt Nam. Các cuộc đàm phán này là một công cụ quan trọng trong việc hiện thực hóa hơn nữa các tiềm năng lớn về thương mại và đầu tư.
Thương mại hàng hóa giữa Việt Nam và Na Uy đã phát triển đáng kể trong thập kỷ qua, nhưng giá trị thương mại giữa hai nước vẫn còn khá khiêm tốn, mới đạt khoảng 550 triệu USD trong năm 2015. Trên thực tế còn có những tiềm năng chưa được khai thác như trong lĩnh vực thương mại dịch vụ liên quan đến hàng hải và năng lượng trong tương lai.
Đánh giá về tầm nhìn và kỳ vọng của Na Uy đối với quan hệ đối tác với ASEAN, nhất là lĩnh vực ưu tiên của Na Uy trong hợp tác với ASEAN, bà Tone Skogen nhấn mạnh Na Uy đánh giá cao sự hợp tác chặt chẽ với ASEAN. Na Uy rất cám ơn sự hỗ trợ của Việt Nam trong việc đưa Na Uy đến gần hơn với ASEAN.
Bên cạnh việc đánh giá cao nền tảng đối thoại và hợp tác doanh nghiệp hiện nay, Na Uy nhận thấy quan hệ Đối tác đối thoại lĩnh vực là một mốc quan trọng trong quan hệ thực chất và ngày càng tăng giữa Na Uy và ASEAN.
Hai bên có nhiều vấn đề để thảo luận, bao gồm cả những thách thức toàn cầu và khu vực như biến đổi khí hậu, hội nhập toàn cầu và khu vực về kinh tế, cải tổ Liên hợp quốc, năng lượng, các vấn đề hàng hải bao gồm cả cướp biển và tội phạm xuyên biên giới, chính sách an ninh và hòa bình và các vấn đề hòa giải và hòa bình.
Các ưu tiên cho Na Uy hợp tác với ASEAN bao gồm phát triển bền vững, hỗ trợ cho hội nhập kinh tế và tạo điều kiện thuận lợi cho khung khổ thương mại và đầu tư.
Ở khu vực ASEAN có sự hiện diện lớn của các công ty Na Uy. Phía Na Uy tin rằng Cộng đồng Kinh tế ASEAN có thể kích thích thương mại nội khối ASEAN, mang lại lợi ích cho các công ty Việt Nam và các nước khác của ASEAN, đồng thời còn tạo sự quan tâm và cơ hội hơn nữa cho các công ty Na Uy kinh doanh với khu vực, cũng như trong khu vực ASEAN./.