TIN LIÊN QUAN | |
Đối tác tích cực và có trách nhiệm trong APEC | |
APEC 2017: Bốn thách thức đối với ngành khai khoáng |
Giám đốc điều hành Ban Thư ký APEC Alan Bollard chia sẻ những nội dung quan trọng với TG&VN trước thềm Hội nghị các quan chức cao cấp APEC lần hai (SOM 2) tại Hà Nội.
Giám đốc điều hành Ban Thư ký APEC Alan Bollard. (Ảnh: Nguyên Hồng) |
Suy nghĩ của ông về định hướng kinh tế của Việt Nam cũng như vị thế của nền kinh tế này trong khu vực?
Nền kinh tế Việt Nam vẫn đang có mức tăng trưởng khá tốt trong khi tăng trưởng của các nền kinh tế khu vực đang có phần chậm lại. Điều này rất đáng khích lệ, nhưng thể hiện thực tế là GDP tính theo đầu người của Việt Nam vẫn còn rất thấp so với mức chuẩn của APEC và tức là Việt Nam cũng phải cạnh tranh tương đối trong khu vực. Chúng tôi cho rằng nền kinh tế Việt Nam vẫn đang hưởng lợi từ sự phát triển mạnh mẽ của thương mại và hội nhập kinh tế khu vực. Việc này liên quan chặt chẽ đến các mục tiêu của APEC.
APEC đánh giá thế nào về chiều hướng chống toàn cầu hóa và chủ nghĩa bảo hộ hiện nay? Tác động của xu hướng này tới các nền kinh tế thành viên APEC?
Một thời gian sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, chúng ta đã hiểu rằng các mẫu hình thương mại đang thay đổi và thái độ của người dân cũng có những chuyển biến. Đặc biệt là năm nay, chúng ta đã chứng kiến công chúng tại một số nền kinh tế phát triển ở châu Âu và ở Mỹ ngày càng có thái độ cho rằng toàn cầu hóa không mang lại nhiều lợi ích như trước, lại còn dẫn tới mất việc làm, giảm thu nhập và bất bình đẳng. Những điều này không phản ánh được hết nếu nhìn vào các con số, nhưng rõ ràng người dân có phản ứng chống lại toàn cầu hóa.
Tại cuộc họp năm ngoái ở Lima, Peru, Chủ tịch nước Trần Đại Quang và các nhà lãnh đạo APEC đã đi đến kết luận rằng họ muốn APEC chú trọng "toàn cầu hóa bao trùm", quan tâm nhiều hơn đến cả những người được và người mất. Các nhà lãnh đạo còn cho rằng cần tập trung hơn nữa vào "toàn cầu hóa mới", nghĩa là không chỉ về sản xuất mà còn về dịch vụ, ngành tạo ra hầu hết việc làm ở các nền kinh tế hiện nay. Các nhà lãnh đạo cũng nhấn mạnh cần phải tập trung hơn nữa vào “toàn cầu hóa mềm”, theo cách tiếp cận hoạch định chính sách của APEC là tự nguyện, đồng thuận và không tính đến chủ quyền quốc gia.
Trong bối cảnh đặc biệt quan trọng như hiện nay, hợp tác trong APEC có thể là cách tốt nhất để có những bước tiến. Ví dụ điển hình là cách Việt Nam thúc đẩy chương trình làm việc được APEC đề ra để hiện thực hóa Khu vực Thương mại Tự do châu Á-Thái Bình Dương (FTAAP).
Ông đánh giá thế nào về vai trò chủ nhà APEC 2017 của Việt Nam?
Vị trí Chủ tịch và chủ nhà APEC được luân chuyển mỗi năm trong các nền kinh tế thành viên. Chủ tịch APEC có ảnh hưởng rất lớn tới định hướng hoạt động của APEC trong suốt năm đó thông qua việc đưa ra chủ đề cũng như các ưu tiên. Việt Nam vẫn rất chú trọng tới chủ nghĩa khu vực mở, vì vậy, các bạn đang ở vị thế rất thuận lợi để chủ trì các hội nghị APEC năm nay, trong khi một số nền kinh tế lại nghi ngờ về lợi ích của toàn cầu hoá. Các ưu tiên của APEC phản ánh mối quan tâm liên tục tới tổ chức kinh tế khu vực, tăng trưởng bền vững, tăng trưởng chỉ có lợi cho nhân dân khu vực, hiện đại hoá vai trò của các doanh nghiệp nhỏ trong kỷ nguyên số và cải thiện an ninh lương thực, nông nghiệp trong tình hình biến đổi khí hậu hiện nay. Đây là những ưu tiên của toàn khu vực.
Toàn cảnh Hội nghị lần thứ nhất các quan chức cao cấp APEC. (Ảnh: Nguyên Hồng) |
Ông đánh giá thế nào về công tác tổ chức APEC của Việt Nam cho tới thời điểm hiện tại?
Tổ chức APEC là công việc phức tạp, tốn kém và khó khăn cho chủ nhà. Cho tới thời điểm hiện tại, Việt Nam đã có công tác tổ chức rất tốt và chu đáo khi phân công công việc cho các cán bộ có chất lượng cao, trao đổi các ưu tiên cùng các nền kinh tế APEC và lên một kế hoạch hoạt động tỉ mỉ cho cả năm. Mọi việc đều tiến triển rất tốt và Việt Nam đã nhận được sự ủng hộ từ các nền kinh tế khác.
Ông đánh giá thế nào về kết quả của SOM 1 và các cuộc họp liên quan được tổ chức tại Nha Trang vừa qua?
Trong một năm, APEC có rất nhiều cuộc họp và đa số là những cuộc họp của các nhóm làm việc chuyên môn, nhằm đem lại những kết quả thực chất, phù hợp với những chỉ đạo của các Bộ trưởng và nhà lãnh đạo. Tại Nha Trang, chúng ta đã có một loạt các cuộc họp thúc đẩy APEC có những bước tiến trong các lĩnh vực đầu tư và thương mại, luật lệ, thay đổi và nâng cao năng lực. Các cuộc họp được tổ chức tốt và phù hợp với thảo luận chung giữa các quan chức cao cấp. Hiện nay, Việt Nam đã tuyên bố các ưu tiên và nhiều sáng kiến, đồng thời khuyến khích các nền kinh tế khác đóng góp ý kiến riêng về các sáng kiến của năm APEC 2017.
Ông so sánh như thế nào giữa các mục tiêu APEC của Việt Nam và mục tiêu tổng thể của các nền kinh tế APEC khác?
Sau rất nhiều cuộc thảo luận với các nền kinh tế khác, Việt Nam đã đưa ra những ưu tiên của mình cho Năm APEC 2017. Sáng kiến của APEC được thực hiện trong nhiều năm. Do vậy, chủ trì APEC 2017, Việt Nam tiếp tục những sáng kiến đã được APEC đề xướng từ các năm trước tại Peru, Philippines và Trung Quốc. Ngoài ra, Việt Nam cũng tiếp tục chủ động đưa ra các sáng kiến riêng song vẫn phù hợp với các mục tiêu APEC. Là nền kinh tế đang phát triển, Việt Nam hiểu rằng cần phải quan tâm tới tất cả các nền kinh tế trong khu vực, từ lớn đến nhỏ, phát triển hay đang phát triển, định hướng kinh tế thị trường ít hay nhiều. Đây cũng sẽ là thử thách đối Việt Nam trong cả năm nay.
Kỳ vọng của ông đối với SOM 2 và Hội nghị các Bộ trưởng APEC phụ trách thương mại tại Hà Nội tới đây?
Các cuộc họp APEC sắp tới sẽ kết hợp các sáng kiến được đề xuất, hoặc đã, đang được tiến hành, để xem xét vào cuối năm nay tại Đà Nẵng. Có vẻ như 2017 là năm rất bận rộn với nhiều ý tưởng mới được nêu ra thảo luận. Việt Nam sẽ tổ chức một cuộc thảo luận định hướng cho APEC trong tương lai và các mục tiêu cần tập trung sau 2020. Sau các cuộc họp mang tính chất kỹ thuật này, chúng ta sẽ có Hội nghị Bộ trưởng Thương mại để xem lại việc thực hiện và định hướng cho cả năm. Chúng ta rất mong chờ Mỹ sẽ có mặt ở cấp cao cũng như muốn được biết chi tiết hơn những suy nghĩ của Mỹ về chính sách thương mại. Mỹ vừa có chính quyền mới và họ nghi ngờ một số sáng kiến thương mại khu vực đang được thực hiện.
Ông mong muốn thấy Việt Nam kết thúc một năm Chủ tịch APEC như thế nào? Tác động của các hoạt động này đối với nhân dân và kinh tế Việt Nam?
Chúng tôi mong muốn thấy các ý tưởng của APEC được hình thành và triển khai với những hành động cụ thể. Chúng tôi muốn được nhìn thấy Năm APEC 2017 thật sôi động. Các nền kinh tế cùng nhau giải quyết những bất đồng về toàn cầu hoá và thúc đẩy cỗ máy tăng trưởng kinh tế quan trọng của khu vực tiếp tục tiến lên. Chúng tôi cũng muốn thấy những lợi ích của Năm APEC 2017 đến được với các nền kinh tế thành viên. Phương cách để làm việc này là phải làm rõ lợi ích của hội nhập kinh tế khu vực. Đây là công việc mà các nhà lãnh đạo APEC cần phải làm vào tháng 11 tới tại Đà Nẵng.
Xin cảm ơn ông!
SOM 2 thảo luận những nội dung then chốt trong APEC Chính sách về phụ nữ và kinh tế, giấy chứng nhận xuất khẩu và hợp tác an toàn thực phẩm là ba vấn đề được ... |
APEC 2017: Công tác y tế sẵn sàng phục vụ SOM 2 Để chăm sóc sức khỏe cho các đại biểu tham dự, Bộ Y tế đã bố trí 2 tổ y tế của Bệnh viện Bạch ... |
Năm APEC 2017: Tầm nhìn và vị thế mới của Việt Nam Đăng cai APEC là thể hiện vai trò năng động, dẫn dắt và trách nhiệm của thành viên của Diễn đàn hợp tác kinh tế ... |