TIN LIÊN QUAN | |
Thủ tướng Thái Lan: Quan hệ với Việt Nam đang ở giai đoạn tốt đẹp nhất | |
Cộng đồng người Việt tại tỉnh Udon Thani, Thái Lan phát triển mạnh mẽ |
Đấu tranh cho một kỳ tích
Tháng 3/1962, Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Dean Rusk và người đồng cấp Thái Lan Thanat Khoman ký Tuyên bố chung về việc Mỹ cam kết hỗ trợ, bảo vệ và viện trợ cho Thái Lan. Những năm đầu thập niên 1970, những chiếc máy bay Mỹ đã cất cánh từ căn cứ quân sự ở Thái Lan để tấn công Việt Nam.
Thủ tướng Thái Lan, Tướng Kriangsak Chomanan đón Thủ tướng Phạm Văn Đồng trong chuyến thăm chính thức Thái Lan đầu tiên của một Thủ tướng Việt Nam, tháng 9/1978. |
Sau năm 1975, bối cảnh quốc tế và khu vực có nhiều thuận lợi hơn cho việc bình thường hóa quan hệ Việt Nam-Thái Lan. Những can thiệp bên ngoài không còn mạnh mẽ như trước, Mỹ rút quân khỏi Đông Nam Á… Xu hướng bình thường hóa quan hệ là tất yếu dù còn diễn ra chậm chạp. Lúc này, yếu tố khu vực Đông Nam Á bắt đầu nổi lên và ngày càng thể hiện rõ trong quan hệ Việt Nam-Thái Lan. Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN lần thứ tám (5/1975) tại Kuala Lumpur (Malaysia) đã ra thông cáo chung nhấn mạnh về cơ hội hợp tác khu vực. Thái Lan đã có những điều chỉnh trong chính sách đối ngoại. Tháng 8/1976, Thái Lan và Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao, mở ra trang sử mới cho quan hệ của cả hai dân tộc.
Sự kiện lịch sử đó sẽ không trở thành hiện thực nếu không có những người như nguyên Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Thái Lan Bhichai Rattakul.
Trong một dịp chia sẻ với phóng viên TG&VN, ông Bhichai Rattakul cho biết ông cực lực phản đối Tuyên bố chung tháng 3/1962 và đã tranh luận gay gắt với Bộ trưởng Ngoại giao Thanat Khoman tại Quốc hội. Khi trở thành Bộ trưởng Ngoại giao, ông tuyên bố rõ ràng rằng, Thái Lan sẽ thực hiện chính sách đối ngoại thân thiện với tất cả các nước láng giềng như Việt Nam, Campuchia, Lào, Myanmar...
Con đường từ tư duy đến hành động, hiện thực hóa chính sách của ông Bhichai Rattakul không hề dễ dàng. Ông kể, lúc đó, với tư cách là Đảng viên đảng Dân chủ, một chính trị gia, ông nhận thấy mối quan hệ hữu nghị với các nước láng giềng có ý nghĩa sống còn đối với Thái Lan. Ông đã phải tranh đấu trong nội bộ Thái Lan và cả bên ngoài, trong đó có Mỹ.
Nhà ngoại giao kỳ cựu cho biết, việc đàm phán Hiệp định thiết lập quan hệ ngoại giao Thái Lan – Việt Nam chỉ mất hai ngày, nhưng quá trình thương thảo diễn ra trong nhiều tháng trước đó. Thông qua văn phòng tại Liên hợp quốc, ông Bhichai Rattakul đề nghị Đại sứ Thái Lan và Đại sứ Việt Nam tiến hành đối thoại. Cuộc đối thoại lần này đã không đạt kết quả song không làm ông Bhichai Rattakul nản lòng.
Ông nhớ, vào lúc 10 giờ sáng ngày 6/8/1976 tại Hà Nội, hai bên có một cuộc họp. Trước khi bắt đầu, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Nguyễn Duy Trinh khi ấy có đề xuất: "Trước khi bắt đầu cuộc họp sáng nay, chúng ta hãy cùng ăn chút kem nhé". Sau khi ăn xong, hai bên bắt đầu đàm phán để hoàn tất các thỏa thuận. Ông Bhichai Rattakul cảm nhận chính những cây kem đó đã dẫn tới thỏa thuận và giúp hai bên nhất trí được rất nhiều điểm còn tranh cãi.
Chuyến thăm lịch sử
Quan hệ hai nước vẫn có nhiều sóng gió sau năm 1976 và chỉ thực sự được bình thường hóa đầu năm 1978, khi Việt Nam có Đại sứ quán ở Bangkok tháng 2/1978 và Thái Lan có Đại sứ quán ở Hà Nội tháng 3/1978.
Cựu Đại sứ Việt Nam tại Thái Lan Đỗ Ngọc Dương đã từng viết về chuyến thăm chính thức Thái Lan đầu tiên của Thủ tướng Việt Nam Phạm Văn Đồng từ ngày 6-10/9/1978, theo lời mời của Thủ tướng Vương quốc Thái Lan, Đại tướng Kriangsak Chomanan. Theo ông Đỗ Ngọc Dương, chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh tình hình biên giới phía Tây Nam và phía Bắc của Việt Nam đang diễn biến rất căng thẳng. Nhưng Nhà Vua, Thủ tướng, Chính phủ và nhân dân Thái Lan đã đón tiếp Đoàn Việt Nam với nghi lễ trọng thị, thân tình và chu đáo, với nhiều hoạt động diễn ra liên tục trong năm ngày.
Hai Thủ tướng đã đến tỉnh Narathivat ở phía Nam của Thái Lan để yết kiến Nhà Vua Bumibol Adulyadej. Nhà Vua đã vui vẻ tiếp Thủ tướng và nhắc đến việc Phó Thủ tướng Nguyễn Duy Trinh đã đến chào ở một tỉnh phía Bắc, nay lại gặp Thủ tướng Phạm Văn Đồng ở một tỉnh cực Nam.
Tại các cuộc hội đàm và chiêu đãi, Thủ tướng Kriangsak Chomanan đã thay mặt Chính phủ, nhân dân Thái Lan chào mừng Thủ tướng Phạm Văn Đồng và Đoàn đại biểu nước ta đến thăm chính thức Thái Lan. Thủ tướng Kriangsak Chomanan cho rằng: “Theo quan điểm của Thái Lan, chuyến thăm lần này của Thủ tướng Phạm Văn Đồng đặt cơ sở và nền tảng vững chắc lâu dài cho tình hữu nghị, sự tin cậy thật sự giữa nhân dân hai nước. Tôi hy vọng, cuộc gặp giữa chúng ta lần này là một mẫu mực tốt đẹp và sẽ chứng tỏ chúng ta mong muốn tồn tại hòa bình với các nước láng giềng có chế độ chính trị và xã hội khác nhau”.
Trong lời đáp, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã chân thành cảm ơn Thủ tướng Kriangsak Chomanan, Chính phủ Vương quốc Thái Lan về cuộc đón tiếp trọng thể và nồng nhiệt dành cho đoàn. “Chuyến thăm của tôi là cơ hội tốt để có thể trực tiếp hiểu biết thêm về đất nước tươi đẹp của các bạn, về những công trình thành tựu nghệ thuật nổi tiếng, về những bước phát triển mới của các bạn trên các lĩnh vực kinh tế và văn hóa, nhất là con người Thái Lan cần cù và sáng tạo, có nhiều đức tính đẹp đẽ, gần gũi với con người Việt Nam. Tại sân bay cũng như dọc những con đường Bangkok, bà con Thái Lan đã chào đón chúng tôi bằng những khóe mắt, nụ cười cởi mở, đượm tình hữu nghị ấm áp, để lại những ấn tượng đẹp đẽ trong tâm trí tôi”, Thủ tướng Phạm Văn Đồng chia sẻ.
Theo lời kể của cựu Đại sứ Đỗ Ngọc Dương, ngoài hoạt động chính thức, để bày tỏ tình cảm quý mến và thân thiết, Thủ tướng Thái Lan đã mời Thủ tướng Phạm Văn Đồng đến thăm nhà ông và ăn cơm trưa thân mật. Khi Thủ tướng Phạm Văn Đồng đến, Thủ tướng Kriangsak Chomanan đã đón ở cổng và dẫn người đồng cấp đi dạo phong cảnh đẹp ở khuôn viên xung quanh ngôi biệt thự sang trọng. Hai Thủ tướng không đề cập gì đến chính trị mà chỉ nói những điểm tương đồng về văn hóa và đời sống của nhân dân hai nước. Khi chia tay, Thủ tướng Thái Lan đã tặng Thủ tướng nước ta một giỏ phong lan rất đẹp.
Có thể khẳng định chuyến thăm Thái Lan của Thủ tướng Phạm Văn Đồng và Đoàn đại biểu nước ta đã thành công rất tốt đẹp. Trong suy nghĩ của cựu Đại sứ Đỗ Ngọc Dương, đó là sự nỗ lực và quyết tâm của cả hai bên. Riêng về phía Việt Nam phải nói đến đóng góp quan trọng của Thủ tướng Phạm Văn Đồng, vị Thủ tướng giữ chức vụ này nhiều năm nhất ở Việt Nam. Ông còn là nhà ngoại giao kiệt xuất, tranh thủ được tình cảm của Nhà Vua, Thủ tướng, chính giới, nhân dân và dư luận báo chí của Thái Lan.
Văn hóa Việt tại Udon Thani, Thái Lan được tích cực giữ gìn Chiều tối 17/5, Thứ trưởng Ngoại giao Vũ Hồng Nam đã đến dâng hương tưởng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Khu di tích ... |
Mong chùa Việt đổ chuông khắp nước Thái Đó là ước nguyện của ông Lương Xuân Hòa (Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân Việt-Thái, Phó Chủ tịch Hội người Việt Nam tại ... |
Việt Nam - Thái Lan: Giàu tiềm năng phát triển du lịch Đó là nhận xét của Bà Napasorn Kakai, Giám đốc Tổng cục Du lịch Thái Lan - Văn phòng đại diện tại thành phố Hồ ... |