Tổng thống Thuỵ Sỹ Ignazio Cassis (giữa) và các lãnh đạo thế giới tại phiên khai mạc Hội nghị cấp cao về Hợp tác phát triển hiệu quả. (Nguồn: Ban tổ chức Hội nghị) |
Từ ngày 12-14/12 tại Geneva đã diễn ra Hội nghị cấp cao về Hợp tác phát triển hiệu quả (GPEDC), đồng tổ chức bởi Đối tác toàn cầu về GPEDC và nước chủ nhà Thụy Sỹ, nhằm thúc đẩy sự phát triển bền vững mạnh mẽ hơn trên thực tế.
Hội nghị được tổ chức theo hình thức kết hợp trực tiếp và trực tuyến, với sự tham dự của 3 nguyên thủ quốc gia gồm Tổng thống Thụy Sỹ Ignazio Cassis, Tổng thống Moldova Maia Sandu và Tổng thống Rwanda Paul Kamage, cùng nhiều lãnh đạo các tổ chức quốc tế.
Sự kiện cũng có sự góp mặt của các nhà lãnh đạo toàn cầu, những người hoạch định chính sách và chương trình hợp tác phát triển, các nhà lãnh đạo xã hội dân sự, lãnh đạo của khu vực tư nhân và các chủ thể quan trọng khác bao gồm ngân hàng đa phương, nhà lập pháp và giới học giả.
Đại biểu Việt Nam tham dự Hội nghị có Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai, Trưởng Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam bên cạnh Liên hợp quốc (LHQ), Tổ chức Thương mại thế giới và các Tổ chức quốc tế khác tại Geneva.
Hội nghị này được GPEDC tổ chức ở thời điểm nửa chặng đường của Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững, trong khi thế giới đang phải đối mặt với đa khủng hoảng. Xung đột và căng thẳng địa chính trị gia tăng, gián đoạn chuỗi cung ứng, khủng hoảng lương thực, sự thu hẹp không gian tài chính, suy giảm niềm tin của công chúng và tình trạng khẩn cấp khí hậu đã kết hợp lại tạo ra một “siêu bão”, gây hậu quả tai hại cho hàng triệu người trên toàn thế giới.
Chỉ số Phát triển con người của UNDP đã lần đầu tiên giảm hai năm liên tiếp kể từ khi Chỉ số này được giới thiệu năm 1990. Do đó, Chương trình nghị sự 2030 chịu sức ép nhân đôi: Một mặt, cần có sự tiến bộ hướng tới các Mục tiêu SDGs vốn đã bị chậm lại do nhiều cuộc khủng hoảng đang diễn ra; mặt khác, cần phải cải thiện khả năng phục hồi của các quốc gia bị đe dọa nhiều nhất bởi biến đổi khí hậu.
Trong bối cảnh đó, Hội nghị cho rằng, hợp tác phát triển phải có khả năng hỗ trợ các quốc gia tiến tới quá trình chuyển đổi sang một tương lai bền vững và thịnh vượng, đặc biệt là về năng lượng xanh và khả năng tiếp cận, tạo ra các hệ thống lương thực có khả năng phục hồi và tận dụng các tiến bộ kỹ thuật số vì lợi ích của tất cả mọi người.
Đồng thời, hợp tác hiệu quả cần hướng đến kết quả, bao gồm tất cả các dạng đối tác, minh bạch và có trách nhiệm giải trình, xây dựng lòng tin cần thiết cho quan hệ đối tác hiệu quả và cải thiện kết quả ở các quốc gia liên quan.
Các nhà lãnh đạo toàn cầu và các bên liên quan cũng nhấn mạnh nhu cầu cần cải tổ cấu trúc tài chính đa phương, giải quyết các nhu cầu cấp thiết của các quốc gia trong việc thực hiện SDGs.
Phó Tổng thư ký LHQ Amina J Mohammed phụ trách thúc đẩy SDGs cho rằng, các tổ chức phát triển đa phương phải phát huy cho thực hiện Chương trình nghị sự 2030 và các SDGs có tính đến thực tế địa phương.
Trong ngắn hạn, các bên tham gia phát triển phải làm việc cùng nhau để tạo thêm không gian tài chính cần thiết cho các quốc gia đầu tư vào quá trình phục hồi - bao gồm cả việc tận dụng tốt hơn các khoản vay từ các ngân hàng phát triển đa phương và ngân hàng phát triển ở mỗi nước, khôi phục và cải thiện Sáng kiến Đình chỉ dịch vụ nợ (DSSI), phân bổ lại tất cả các Quyền rút vốn đặc biệt (SDR) chưa sử dụng.
Về lâu dài, những nỗ lực này phải nhằm chuẩn bị cho thế giới đối phó với những cú sốc trong tương lai và tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình chuyển đổi, bao gồm bằng cách điều chỉnh tất cả các hình thức tài trợ phù hợp với SDGs và sử dụng các công cụ đổi mới như Khung hợp tác quốc gia (CCF) và Tài trợ tích hợp khuôn khổ quốc gia (INFF) để đảm bảo chúng phù hợp với các ưu tiên cụ thể của quốc gia.
Hội nghị kết thúc với một tuyên bố nhấn mạnh tầm quan trọng của vai trò và trách nhiện của các lãnh đạo quốc gia trong nỗ lực thúc đẩy Chương trình nghị sự 2030.
Tuyên bố cũng tái khẳng định sự cần thiết phải xây dựng năng lực ở cấp quốc gia, tiếp tục đối thoại tích cực và toàn diện giữa tất cả các bên liên quan về các ưu tiên và chiến lược phát triển, đồng thời tăng cường sự tin cậy lẫn nhau và trách nhiệm giải trình giữa các chủ thể phát triển thông qua dữ liệu tốt hơn và dễ tiếp cận hơn.
Về phía đại diện các nước ASEAN, ngoài các hoạt động chính thức, Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai cùng đại biểu các nước ASEAN tham dự Hội nghị đã tổ chức cuộc gặp trao đổi bên lề Hội nghị, với sự tham gia của các chuyên gia đại diện một số tổ chức quốc tế, gồm: Văn phòng điều phối LHQ về viện trợ nhân đạo (OCHA), Chương trình của LHQ về HIV/AIDS (UNAIDS) và Hội nghị LHQ về Thương mại và phát triển (UNCTAD).
Các cuộc gặp nhằm trao đổi thúc đẩy hợp tác giữa các tổ chức quốc tế và các nước ASEAN cũng như giữa các nước ASEAN về các vấn đề phát triển như ứng phó với thiên tai, bệnh dịch, nhân đạo, thu hút đầu tư ODA/FDI và hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Đối tác toàn cầu về hợp tác phát triển hiệu quả được thành lập tại Diễn đàn cấp cao về hiệu quả viện trợ lần thứ 4 tổ chức tại Busan, Hàn Quốc năm 2011. Hoạt động của GPEDC được hỗ trợ bởi Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) và Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP). Mục tiêu của GPEDC nhằm tối ưu hóa hiệu quả của tất cả các hình thức hợp tác phát triển vì lợi ích chung của con người, trái đất, thịnh vượng và hòa bình. GPEDC được đồng chủ trì bởi đại diện cấp Bộ trưởng/Đại sứ. Các quốc gia Bangladesh, Đức, Indonesia, Malawi, Mexico, Hà Lan, Nigeria, Uganda và Vương quốc Anh đều đã phục vụ với tư cách là đồng Chủ trì. Hiện các đồng Chủ trì của GPEDC gồm: Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Congo, Bộ trưởng Bộ Tài chính Bangladesh, Đại sứ-Trợ lý Tổng giám đốc Cơ quan hợp tác và phát triển Thụy Sỹ (Nguyên Phó Tổng thư ký LHQ về điều phối phát triển), Giám đốc điều hành Mạng lưới viện trợ châu Phi. Kể từ năm 2019, Thụy Sỹ đã đại diện cho các nước tài trợ với tư cách là Đồng Chủ tịch của GPEDC. Với vai trò này, và với tư cách là nước chủ nhà Hội nghị cấp cao nêu trên, Thụy Sỹ chịu trách nhiệm soạn thảo tài liệu kết quả của Hội nghị. Cam kết của Thụy Sỹ đối với cách tiếp cận phối hợp trong hợp tác phát triển nhất quán với ưu tiên thúc đẩy một hệ thống đa phương hiệu quả và linh hoạt, đồng thời cũng phù hợp với mục tiêu của Thụy Sỹ về vai trò thành viên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc từ năm 2023. Ngoài vai trò là nước chủ nhà và Đồng Chủ tịch của Đối tác toàn cầu, Thụy Sỹ còn chủ trì MOPAN, một mạng lưới các nước tài trợ hợp tác giám sát hoạt động của các tổ chức phát triển đa phương. Trong khuôn khổ Hội nghị cấp cao về Hợp tác phát triển bền vững, để đánh dấu kỷ niệm 20 năm thành lập MOPAN, Tổng thống Thụy Sỹ Cassis đã chủ trì một phiên cấp cao bàn về những thách thức của hệ thống đa phương. Kể từ năm 2023, Đồng Chủ tịch GPECD sẽ gồm đại diện của Thuỵ Điển (thay Thụy Sỹ) và đại diện của Indonesia (thay Bangladesh). |