Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gặp Tổng thống Thụy Sỹ Ueli Maurer trong chương trình tham dự Hội nghị thường niên Diễn đàn Kinh tế thế giới, tại Davos, ngày 25/1/2019. (Nguồn: TTXVN) |
Nhận lời mời của Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, Phó Tổng thống, Bộ trưởng Ngoại giao Thụy Sỹ Ignazio Cassis thăm chính thức Việt Nam từ ngày 4-6/8.
Chuyến thăm của Phó Tổng thống, Bộ trưởng Ngoại giao Thụy Sỹ Ignazio Cassis đặc biệt ý nghĩa khi không chỉ diễn ra vào đúng dịp Quốc khánh Thụy Sỹ lần thứ 730 (1/8/1291), mà còn đánh dấu kỷ niệm 50 năm ngày Việt Nam và Thụy Sỹ thiết lập quan hệ ngoại giao (11/10/1971).
Bày tỏ tự hào khi nhìn lại chặng đường nửa thế kỷ mà quan hệ hai nước đã đi qua, Đại sứ Thụy Sỹ tại Việt Nam Ivo Sieber đánh giá: “Sự phát triển vượt bậc của Việt Nam cùng với cam kết lâu dài của Thụy Sỹ mang lại mối quan hệ hợp tác khiến tôi cảm thấy tự hào khi nhìn lại quãng thời gian qua và tự tin về triển vọng quan hệ này trong tương lai”.
Trong chặng đường 50 năm qua, Việt Nam và Thụy Sỹ đã dày công vun đắp mối quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác tốt đẹp giữa hai nước không ngừng phát triển tích cực trên mọi mặt, đặc biệt là trong lĩnh vực chính trị, ngoại giao, thương mại-đầu tư, hợp tác phát triển và giáo dục đào tạo.
Ngày 11/10/1971, Việt Nam và Thụy Sỹ thiết lập quan hệ ngoại giao. Tháng 2/1973, Thụy Sỹ mở Đại sứ quán tại Hà Nội và tháng 3/1994 mở Lãnh sự quán tại Thành phố Hồ Chí Minh. Ngày 3/7/1984, Việt Nam mở Lãnh sự quán tại Geneva và nâng cấp lên Tổng lãnh sự quán vào ngày 15/12/1994. Ngày 29/11/2000, Việt Nam chính thức khai trương Đại sứ quán tại Bern. |
Người bạn đồng hành đáng tin cậy
Trong bài phỏng vấn gần đây, Đại sứ Việt Nam tại Thụy Sỹ Lê Linh Lan đánh giá trong suốt chiều dài lịch sử nửa thế kỷ, mối quan hệ hữu nghị, hợp tác Việt Nam-Thụy Sỹ đã cùng nhau tiến lên như hai người bạn đồng hành đáng tin cậy.
Tuy xa xôi về địa lý, nhưng dường như Thụy Sỹ lại rất gần gũi và quen thuộc với nhân dân Việt Nam chính nhờ chính sách hội nhập quốc tế sâu rộng, nhờ mối liên kết chính trị, kinh tế, văn hóa và giáo dục.
Có thể nói, thành tựu lớn nhất mà Việt Nam và Thụy Sỹ đã đạt được trong nửa thế kỷ qua chính là sự tin cậy và hiểu biết lẫn nhau trên nhiều lĩnh vực, sự chia sẻ những giá trị chung của toàn cầu và đặc biệt là sự gắn kết giữa nhân dân hai nước.
Trong những năm qua, hai bên thường xuyên trao đổi đoàn và tiếp xúc cấp cao nhân dịp Hội nghị thường niên Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) Davos.
Cơ chế tham vấn chính trị và đối thoại nhân quyền định kỳ song phương là một trong những trụ cột hợp tác ngoại giao, chính trị quan trọng.
Đặc biệt, Việt Nam và Thụy Sỹ duy trì hợp tác hiệu quả, ủng hỗ lẫn nhau trong khuôn khổ các tổ chức quốc tế và diễn đàn đa phương quốc tế như Liên hợp quốc, ASEAN, Hội nghị thượng đỉnh Á-Âu (ASEM).
Hai nước đã có thỏa thuận ủng hộ lẫn nhau ứng cử vào nhiều tổ chức quốc tế quan trọng, đáng chú ý là ứng cử vào vị trí thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (Việt Nam nhiệm kỳ 2020-2021 và Thụy Sỹ nhiệm kỳ 2023-2024).
Là thành viên có trách nhiệm của ASEAN, Việt Nam ủng hộ Thụy Sỹ trở thành đối tác đối thoại lĩnh vực của ASEAN từ năm 2016. Ngoài ra, hai bên cũng phối hợp tích cực trong khuôn khổ hợp tác ASEM.
Theo Đại sứ Lê Linh Lan, hai bên chia sẻ quan điểm tương đồng về các vấn đề quốc tế như việc bảo đảm hòa bình, ổn định, tôn trọng luật pháp quốc tế và việc thực hiện các Mục tiêu Phát triển bền vững của Liên hợp quốc…
Phó Tổng thống, Bộ trưởng Ngoại giao Ignazio Cassis, sinh năm 1961, tốt nghiệp khoa Y học tại Đại học Tổng hợp Zürich và Thạc sĩ Y học, Đại học Tổng hợp Geneva. Ông hành nghề bác sĩ từ năm 1988-1996, đảm nhiệm chức Phó Chủ tịch Liên minh bác sĩ Thụy Sỹ (FMH) từ năm 2008-2012. Ông được bầu vào Hội đồng quốc gia (Hạ viện), đảng FDP năm 2007, Chủ tịch Đảng đoàn FDP tại Hội đồng quốc gia, Chủ nhiệm Ủy ban Y tế của Hội đồng quốc gia năm 2015. Ngày 20/9/2017, ông được bầu vào Hội đồng Liên bang (Chính phủ), từ ngày 1/11/2017 là Bộ trưởng Ngoại giao và từ ngày 1/1/2021 là Phó Tổng thống. |
Hợp tác kinh tế mạnh mẽ
Cùng với sự phát triển kinh tế năng động của Việt Nam trong những thập kỷ gần đây, hợp tác kinh tế song phương đã tiến triển mạnh mẽ.
Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan Việt Nam, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Thụy Sỹ năm 2020 và các năm 2016-2018 duy trì ở mức khoảng 1 tỷ USD, trong đó giá trị nhập khẩu luôn gấp gần 1,5 đến 2 lần xuất khẩu.
Đặc biệt năm 2019, kim ngạch thương mại song phương có bước phát triển vượt bậc, đạt 2,28 tỷ USD, do Thụy Sỹ nhập khẩu đột biến mặt hàng vàng và kim loại quý từ Việt Nam.
Trong khi Thụy Sỹ là đối tác thương mại ngày càng quan trọng của Việt Nam, thì Việt Nam cũng là đối tác thương mại lớn thứ 4 của Thụy Sỹ trong số các nước ASEAN.
Kể từ năm 2020, thương mại song phương giữa hai nước cũng chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng vẫn giữ được đà hợp tác ổn định để chờ cơ hội hồi phục.
Năm tháng đầu năm 2021, tổng kim ngạch xuất khẩu giữa hai nước đạt 364,78 triệu USD, giảm 7,46% so với cùng kỳ năm 2020, trong đó xuất khẩu đạt 77,22 triệu USD giảm 48,3%; nhập khẩu đạt 287,56 triệu USD tăng 17,46% so với cùng kỳ năm 2020.
Trong lĩnh vực đầu tư, theo thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến tháng 5/2021, Thụy Sỹ có 177 dự án đầu tư trực tiếp tại Việt Nam với tổng vốn đăng ký khoảng 1,9 tỷ USD, đứng thứ 20 trong số 140 quốc gia và vùng lãnh thổ có vốn đầu tư trực tiếp vào Việt Nam.
Đầu tư của Thụy Sỹ chủ yếu tập trung vào các ngành xây dựng, văn hóa, y tế, giáo dục, công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ du lịch tại nhiều địa phương của Việt Nam. Đa số các nhà đầu tư Thụy Sỹ lựa chọn hình thức công ty 100% vốn nước ngoài khi đầu tư vào Việt Nam.
Đặc biệt, Hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa Việt Nam và Khối Thương mại tự do châu Âu (EFTA) bao gồm 4 nước Thụy Sỹ, Na Uy, Iceland và Liechtenstein, bắt đầu khởi động đàm phán từ tháng 5/2012 và được kỳ vọng có thể hoàn tất trong năm nay.
Đại sứ Lê Linh Lan và các thành viên Ban điều hành tại Lễ ra mắt Hội Nhịp cầu kinh doanh Việt Nam-Thụy Sỹ. (Nguồn: ĐSQ Việt Nam tại Thụy Sỹ) |
Đánh giá về hợp tác đầu tư thương mại giữa hai nước, Đại sứ Ivo Sieber khẳng định, Việt Nam rất thành công trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế và là một đối tác hấp dẫn đối với các doanh nghiệp Thụy Sỹ.
Nhà ngoại giao Thụy Sỹ cũng cho rằng, những thách thức toàn cầu như biến đổi khí hậu và đại dịch Covid-19 yêu cầu các phương thức hợp tác mới hướng tới tăng trưởng bao trùm và bảo vệ môi trường tốt hơn.
Đồng quan điểm, Đại sứ Lê Linh Lan nhấn mạnh Thụy Sỹ đã và đang đóng góp tích cực vào thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam trên con đường trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, có thu nhập trung bình cao, có thể chế quản lý hiện đại, cạnh tranh, hiệu lực và hiệu quả, tăng trưởng có chất lượng để đảm bảo tính bền vững.
Trong chuyến thăm Việt Nam từ ngày 4-6/8, Phó Tổng thống, Bộ trưởng Ngoại giao Liên bang Thụy Sỹ Ignazio Cassis dự kiến chào xã giao Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, gặp xã giao Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân, hội đàm với Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, gặp Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, tiếp Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng và chủ trì tiệc chiêu đãi kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam-Thụy Sỹ và 730 năm ngày Quốc khánh Thụy Sỹ. |
Những khoảng “đất trống” tiềm năng
Nhìn vào một loạt hợp tác giữa hai quốc gia, có thế thấy rõ ràng quan hệ hợp tác song phương đa dạng trên nhiều lĩnh vực, nhưng vẫn còn nhiều dư địa để phát triển hơn thế.
Về giáo dục-đào tạo, Thụy Sỹ nổi tiếng là trung tâm đào tạo có uy tín trong lĩnh vực ngân hàng, du lịch, bảo hiểm và công nghệ cao.
Hiện nay có khoảng 150 thực tập sinh, sinh viên và nghiên cứu sinh Việt Nam đang theo học tại các trường đại học của nước này.
Thụy Sỹ tích cực giúp đỡ Việt Nam thông qua các dự án hỗ trợ giáo dục về môi trường, quản lý và các dự án đào tạo thạc sỹ, tiến sỹ các chuyên ngành tài chính, ngân hàng, quản trị kinh doanh.
Đặc biệt, hai nước đã ký Bản ghi nhớ về hợp tác trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo trong chuyến thăm Thụy Sỹ của Bộ trưởng Khoa học Công nghệ Chu Ngọc Anh hồi tháng 10/2019.
Về văn hóa - du lịch, hai bên có một số hoạt động trao đổi các đoàn nghệ thuật tham gia biểu diễn tại hai nước.
Năm 2019, Việt Nam đón 36.577 lượt khách Thụy Sỹ đến thăm, tăng 5,9% so với năm 2018. Tuy nhiên, năm 2020 hoạt động du lịch giữa hai nước bị đình trệ do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Về khoa học - kỹ thuật, hai nước đã ký Hiệp định về bảo hộ sở hữu trí tuệ và hợp tác trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ, triển khai Chương trình hợp tác đặc biệt Việt Nam-Thụy Sỹ về sở hữu trí tuệ (SPC) và Dự án hợp tác về sở hữu trí tuệ (SVIP).
Theo Đại sứ Lê Linh Lan, mặc dù đang trên đà phát triển tốt đẹp nhưng quan hệ Việt Nam-Thụy Sỹ vẫn còn rất nhiều khoảng “đất trống” tiềm năng cần khai thác.
Đại sứ Lê Linh Lan nêu rõ bước vào thập niên thứ ba của thế kỷ XXI, thế giới đang chứng kiến những biến động to lớn, sâu sắc và khó lường. Đại dịch Covid-19 đã góp phần đẩy nhanh hơn những chuyển biến sâu sắc trong cục diện quốc tế, tác động đáng kể tới môi trường an ninh và phát triển của các nước vừa và nhỏ như Thụy Sỹ và Việt Nam.
Trong bối cảnh đó, năm 2021 là dịp đặc biệt ý nghĩa để hai nước vui mừng kỷ niệm hành trình nửa thế kỷ của một mối quan hệ hữu nghị truyền thống, hợp tác nhiều mặt.
Đây cũng là cơ hội để hai bên cùng nỗ lực thúc đẩy hợp tác kinh tế, làm sâu sắc các mối quan hệ thương mại đầu tư, hiện thực hóa những tiềm năng to lớn trong quan hệ giữa hai nước để góp phần khắc phục khó khăn và thúc đẩy phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19.
Nữ Đại sứ tin tưởng rằng cơ hội và động lực phát triển quan hệ hợp tác giữa hai nước vẫn còn rất lớn trong bối cảnh vị thế của Việt Nam được nâng cao trong chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu khi hội nhập ngày càng sâu rộng.
Cùng chung niềm tin này, trong bài viết "Một năm rất đặc biệt trong quan hệ Thụy Sỹ-Việt Nam", Đại sứ Ivo Sieber cho rằng sự hợp tác dưới mọi hình thức là chìa khóa để vượt qua những thách thức toàn cầu.
Đại sứ Ivo Sieber nhấn mạnh: “Quan hệ ngoại giao giữa Thụy Sỹ và Việt Nam đã và đang có những thành tựu đầy ấn tượng. Những gì chúng ta cùng nhau đạt được là nền tảng vững chắc cho mối quan hệ đối tác bền vững hơn và chặt chẽ hơn trên con đường phía trước”.
| Thụy Sỹ - Vẻ đẹp đa sắc giữa lòng châu Âu Núi rừng đại ngàn, thung lũng xanh mướt, sông băng hùng vĩ và hơn thế nữa... Chỉ có thể là Thụy Sỹ - "thiên đường ... |
| Điện mừng nhân dịp kỷ niệm Quốc khánh Thụy Sỹ Nhân dịp kỷ niệm 730 năm Quốc khánh Liên bang Thụy Sỹ, Lãnh đạo Việt Nam đã gửi điện mừng. |