📞

Viết tiếp câu chuyện thần kỳ hậu Covid-19

Minh Anh 11:00 | 05/04/2021
Lần lượt vượt qua "sóng dữ" Covid-19 lần thứ nhất, thứ hai, rồi thứ ba, Việt Nam được thế giới nhắc đến như một điều kỳ diệu trong phòng, chống đại dịch. Chúng ta tự hào về điều kỳ diệu đó, nhưng cũng cần tự hỏi làm thế nào để hậu Covid-19, đất nước ta có thể kéo dài thêm câu chuyện thần kỳ về kinh tế Việt Nam.
Việt Nam được thế giới nhắc đến như một điều kỳ diệu trong phòng, chống đại dịch Covid-19.

Theo công bố mới nhất, GDP quý I/2021 ước tính tăng 4,48% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng 3,68% của quý I/2020. Năm 2020, kinh tế Việt Nam cũng ghi điểm khi tăng 2,91%, thuộc nhóm tăng trưởng kinh tế cao nhất thế giới trong đại dịch Covid-19.

Xuyên suốt thời gian qua, nổi bật lên cùng sự chủ động, chỉ đạo, điều hành quyết liệt, kịp thời, cũng như tinh thần vững vàng của Đảng, Chính phủ là sự nỗ lực, đồng lòng của các cấp, các ngành, người dân và doanh nghiệp để không ngừng thực hiện hiệu quả mục tiêu kép là vừa phòng chống dịch bệnh tốt, vừa phát triển kinh tế.

Thị trường Việt Nam trên thế giới bị co hẹp lại, các hoạt động trong nền kinh tế bị chững lại, các tác nhân trong, ngoài khiến nền kinh tế không khỏi lao đao, do chịu nhiều tác động xấu từ đại dịch Covid-19.

Tuy nhiên, ngoài việc lo lắng về các ảnh hưởng mang tính giai đoạn, không ít người trong giới chuyên gia kinh tế có ý kiến rằng, kinh tế Việt Nam hậu Covid-19 chỉ là triệu chứng, các vấn đề nội tại cũng là các vấn đề không kém phần nguy hiểm, đặc biệt khi nó vẫn tồn tại trong giai đoạn kinh tế khó khăn, càng đòi hỏi phải nhanh chóng đổi mới về nền tảng.

Những vấn đề đặt ra hiện nay để phát triển được và phát triển bền vững, đòi hỏi nền kinh tế phải chủ động đổi mới tư duy, xóa bỏ những tồn tại, cởi bỏ những nút thắt cũ, kiện toàn cơ chế quản lý, chuyển đổi mô hình phát triển, cải cách thể chế kinh tế-xã hội.

Nền kinh tế Việt Nam bước đầu đã tạo ra hình hài cho câu chuyện về đột phá, phát triển nhưng để tạo thành bước ngoặt thì vẫn còn là hành trình dài. Bởi những đòi hỏi để tạo ra đột phá của nền kinh tế rất lớn, trong khi những yêu cầu được cải thiện vẫn còn rất nhiều, từ việc cải thiện thị trường, nhân tố sản xuất (đất đai, lao động…), về vấn đề đầu tư và nâng cao chất lượng hạ tầng... Trong đó, điểm khó khăn nhất bao giờ cũng là tự hoàn thiện và tự thay đổi mình.

Trong "cuộc chiến" chống Covid-19, nếu so sánh thực chất trang thiết bị y tế thì chúng ta còn nhiều khó khăn hơn so với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới, nhưng chúng ta đã chống dịch thành công và chia sẻ kịp thời cùng cộng đồng quốc tế, đã làm nên hình ảnh, thương hiệu Việt Nam an toàn, nghĩa tình, thân thiện, hấp dẫn.

Trong "cuộc chiến" vực dậy nền kinh tế hậu Covid-19, tất nhiên, vẫn còn rất nhiều việc cần phải làm nhưng bài học “chủ động, điều hành quyết liệt, kịp thời, tinh thần vững vàng và cùng nỗ lực, đồng lòng” chắc chắn vẫn còn nguyên giá trị. Tận dụng tốt cơ hội, nhanh chóng vượt qua thách thức, câu chuyện thần kỳ Việt Nam sẽ tiếp tục được thế giới ca ngợi.