Đại tướng Võ Nguyên Giáp (giữa) cùng ông De Turenne (bên phải) và ông Burchett (bên trái). |
Dưới đây là ba mẩu chuyện nhỏ của Đại sứ Phạm Hải Bằng, nguyên cán bộ báo TG&VN Nguyễn Xuân Nho, và Đại sứ Nguyễn Trí Quang về một hình tượng người đại tướng vĩ đại vẫn luôn sống mãi trong lòng nhân dân.
‘Mọi chức vụ đều là tạm thời nhưng danh hiệu Đại tướng là mãi mãi’
Đầu năm 1982, đoàn làm phim Việt Nam-một thiên lịch sử truyền hình do nhà báo, đạo diễn người Pháp Henri De Turenne phụ trách đến Hà Nội để triển khai một dự án đầy tham vọng là tái hiện toàn bộ lịch sử Việt Nam qua ống kính truyền hình.
Nhóm làm phim Pháp được phân công tái hiện lịch sử Việt Nam từ khi dựng nước đến trận Điện Biên Phủ. Các giai đoạn còn lại do các hãng truyền hình của Anh và Mỹ đảm nhận.
Nhờ sự giúp đỡ của Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch và uy tín của nhà báo nổi tiếng người Australia Wilfred Burchett - cố vấn của đoàn, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, lúc đó đang giữ cương vị Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (HĐBT) đồng ý gặp và trả lời phỏng vấn đoàn về cuộc kháng chiến chống Pháp và chiến dịch Điện Biên phủ.
Khi đến Khách sạn Thống Nhất (hiện nay là Khách sạn Metropole), ông Henri De Turenne đem theo một vali sách về cuộc chiến của Pháp ở Đông Dương và trận Điện Biên Phủ.
Trước đó, nhà báo, đạo diễn người Pháp này đã bỏ rất nhiều công sức để nghiên cứu về chiến dịch Điện Biên cũng như những chiến dịch quân sự nổi tiếng thế giới.
Là một trong số những nhà báo hiếm hoi của nước Pháp được nhận giải thưởng báo chí Albert Londres, từng gặp và phỏng vấn nhiều nhân vật nổi tiếng ở nhiều nước nhưng ông tỏ ra cân nhắc về từng chi tiết trước cuộc gặp Đại tướng, kể cả việc nên xưng hô là Phó Chủ tịch HĐBT hay Đại tướng.
Hôm đó, đoàn làm phim đã hoàn tất mọi công tác chuẩn bị tại Nhà khách Chính phủ từ rất sớm. Khi Đại tướng Võ Nguyên Giáp bước vào, ông De Turenne ra đón và nói: “Thưa Đại tướng, xin phép cho tôi được gọi Ngài là Tướng quân. Mọi chức vụ đều là tạm thời nhưng danh hiệu Đại tướng là mãi mãi.Tôi là Henri De Turenne”.
Đại tướng bắt tay vị nhà báo trưởng đoàn và hỏi: “Ông có phải là hậu duệ của Nguyên soái De Turenne, người nổi tiếng trong lịch sử vì thường ngủ bên các khẩu pháo ngay từ tuổi thiếu niên?”.
Một thoáng ngạc nhiên hiện trên nét mặt, ông De Turenne đáp: “Thưa Đại tướng, đúng vậy. Cha tôi cũng là một quân nhân”. Bầu không khí của cuộc phỏng vấn ngay từ phút đầu bỗng trở nên thân mật hơn.
Cuộc phỏng vấn một “nhân vật lịch sử sống” (như các nhà báo nước ngoài lúc đó thường gọi Đại tướng) bởi một nhà báo, hậu duệ của một nhân vật lịch sử Pháp bắt đầu.
Lần đầu tiên, Đại tướng Võ Nguyên Giáp kể lại trước ống kính truyền hình Pháp những diễn biến của trận Điện Biên Phủ, những giờ phút khó khăn nhất trong cuộc đời vị Tổng tư lệnh tối cao khi quyết định kéo pháo vào và kéo pháo ra, chuyển từ "đánh nhanh, thắng nhanh" sang "đánh chậm, tiến chắc"...
Cuộc phỏng vấn kết thúc, Đại tướng nhận lời chụp ảnh chung và hỏi thăm từng thành viên trong đoàn làm phim. Sau khi chia tay Đại tướng, hai nhà báo Wilfred Burchett và Henri De Turenne cùng các thành viên trong đoàn đều tự nhiên, cùng thốt lên đầy khâm phục: “Ông đúng là một vị tướng vĩ đại!”.
Vị Đại tướng thần tượng
Sau khi tốt nghiệp trường Đại học Kỹ thuật Prague (CH Czech), ông Nguyễn Xuân Nho được gọi lên giúp việc tại Đại sứ quán Việt Nam tại Czech và 6 tháng sau, được vào biên chế chính thức.
Trong thời gian 6 năm ở Đại sứ quán Việt Nam tại Czech, ông Nho may mắn được làm phiên dịch cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp hai lần khi Đại tướng thăm Czech.
Tuy sang thăm với chức danh Phó Thủ tướng, nhưng chính phủ Czech bấy giờ đón ông với tư cách là một vị tướng huyền thoại, vừa thân tình vừa trọng thị, vượt ngoài mọi nghi thức lễ tân.
Khi ấy đoàn Việt Nam thăm nước ngoài tối giản, gọn nhẹ, đoàn Đại tướng được bố trí nghỉ tại Nhà khách Chính phủ. Phòng của ông Nho nhỏ gọn, được bố trí gần cạnh Trưởng đoàn.
Đêm khuya khoảng 1 giờ sáng, ông Nho đang cọc cạch gõ máy chữ làm tin và báo cáo thì thấy Đại tướng sang. Đại tướng đọc qua bản tin và cười rất hồn hậu, bảo: "Đúng là các nhà ngoại giao làm báo, bản tin nào cũng có mấy câu như nhau”. Rồi Đại tướng còn sửa cho ông Nho thêm nhiều lỗi nữa.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong chuyến thăm Slovakia, ông Nguyễn Xuân Nho (đeo kính, hàng sau). |
Ngoài chương trình ở Prague, đoàn còn đi Bratislava, nay là thủ đô của Cộng hòa Slovakia. Đi trên tàu trên sông Danube, Đại tướng lẳng lặng ghi chép, vẽ sơ đồ. Người tháp tùng Czech bảo ông Nho rằng: “Chắc Đại tướng đang suy ngẫm về vị trí chiến lược của Czech”.
Khi được phía bạn mời nghỉ dưỡng bệnh 1 tuần tại thành phố điện ảnh Karlovy Vary, thành phố du lịch suối khoáng nổi tiếng thế giới, có khu nghỉ dưỡng cao cấp dành cho lãnh đạo của Czech và các nước bạn, Đại tướng chấp hành mọi quy định điều trị khắt khe của các bác sĩ Czech, từ tắm bùn khoáng nóng, cho đến uống nước suối khoáng 3 lần một ngày...
Hàng ngày Đại tướng đi bộ leo dốc 2 lần, tối về chơi piano. Cán bộ nhân viên khu nghỉ dưỡng coi Đại tướng như thần tượng.
Có hôm ra phố mua được một cặp kính lão, tuy gọng thô nhưng nhìn rất rõ, Đại tướng khen: “Đúng là thủy tinh Bohemia có khác!”.
Sau 2 lần vinh dự được gặp Đại tướng từ ngày chập chững vào Ngành, ông Nho không có dịp nào được gặp lại Đại tướng nhưng ông vẫn luôn nhớ mãi hình ảnh và những ấn tượng về vị Đại tướng thần tượng.
Năm 2011, Câu lạc bộ hưu trí Bộ Ngoại giao tổ chức thăm lại Điên Biên. Nhìn những thanh niên dân tộc tự nguyện hướng dẫn đoàn thuộc vanh vách từng sự kiện liên quan đến Tướng Giáp mà lòng những cán bộ ngoại giao một thời thêm ấm áp.
Người dân Điện Biên còn nhớ kỹ địa điểm trực thăng hạ cánh khi đưa Tướng Giáp về dự lễ kỷ niệm 50 năm ngày chiến thắng Điện Biên, nhớ kỹ từng người trong gia đình Đại tướng đã mang chăn ấm và quà cho nhân dân địa phương...
Đi qua khu rừng nguyên sinh, thăm nơi Bác Giáp ở và làm việc, đi theo đường hầm sang căn hầm của Tướng Hoàng Văn Thái, bất chợt trong ông Nho bật lên câu lục bát: “Ước gì rừng lại nguyên sinh. Ước gì người lại nghĩa tình như xưa”.
Đến khi Đại tướng mất, nhìn dòng người lặng lẽ xếp hàng từ Lăng Bác Hồ nối dài đến ngôi nhà số 30 Hoàng Diệu để viếng, ông Nho càng hiểu ra rằng: “Có cái chết hóa thành bất tử”.
Một nhân cách lớn
Khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta bước vào thời kỳ quyết định (1972-1975), tuy rất bận chỉ đạo quân sự, Đại tướng Võ Nguyên Giáp vẫn dành thời gian tiếp và giới thiệu kinh nghiệm Việt Nam cho các đoàn quân sự cấp cao: Syria, Ai Cập, Iraq, Yemen, Palestine... đến Việt Nam theo yêu cầu tha thiết của các bạn.
Lúc bây giờ ông Nguyễn Trí Quang, sau này là Đại sứ Việt Nam tại Iraq và Uzbekistan, là một trong số ít người biết tiếng Arab, lần đầu tiên được Bộ Ngoại giao cử đi dịch cho Đại tướng.
Ông Nguyễn Trí Quang (áo trắng) trong một buổi dịch tiếng Arab cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp. |
Ông Quang chia sẻ đây là một vinh dự lớn với ông vì được trực tiếp dịch cho người mà ông hằng ngưỡng mộ.
Tiếng Arab là ngôn ngữ khó học, mỗi vùng Arab thường nói chen vào thổ ngữ và dịch cho một cây đại thụ của đất nước khiến ông Quang toát mồ hôi.
Đại tướng dường như thấu hiểu cho ông Quang nên nói rất mạch lạc, rõ ràng như một cách ngầm hỗ trợ, tạo điều kiện cho người dịch hiểu và chuyển ngữ dễ dàng hơn.
Được khích lệ, ông Quang thức hàng đêm ở nhà khách 33 Phạm Ngũ Lão chuẩn bị bài dịch để ngày hôm sau dịch cho Đại tướng và đi theo các đoàn.
Có lần Đại tướng quay lại nói với ông Quang: “Cậu mệt rồi à? Tranh thủ ăn đi!”.
Lần khác, ông Quang còn nhận được thiếp mời chiêu đãi ghi rõ: “Đại tướng, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Võ Nguyên Giáp kính mời...”.
Tấm thiệp mời khiến ông Quang vô cùng xúc động vì không nghĩ rằng Đại tướng lại quan tâm và nghĩ đến một nhân viên phiên dịch như mình.
Tấm thiếp mời và ảnh dịch cho Đại tướng ông Quang luôn trân trọng, nâng niu và lưu giữ đến tận nay.
Hơn 30 năm công tác tại các nước Arab, ông Quang từng nhiều dịp được nghe những lời ngợi ca và ngưỡng mộ của nhân dân Arab từ lãnh đạo đến dân thường đối với Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Dù Đại tướng ra đi đã lâu nhưng ông Quang cho rằng, nhân cách lớn của Đại tướng vẫn ở lại với đời, với dân. Vĩ đại là chính ở đấy!