Từ vụ bé gái 5 tuổi bị xâm hại ở Vũng Tàu rúng động dư luận, PGS.TS Trần Thành Nam chia sẻ, bên cạnh dạy kỹ năng, cha mẹ phải luôn nhắc nhở mình cảnh giác với các nguy cơ. |
Câu chuyện bé gái bị xâm hại và bị giết ở Vũng Tàu khiến dư luận phẫn nộ những ngày qua thêm một lần cảnh báo về nạn xâm hại trẻ em và vấn đề giáo dục cho trẻ nhỏ ở nước ta ra sao, thưa ông?
Thực sự đau xót. Đây là bài học đau đớn vì chúng ta cũng đã nói về vấn đề này nhiều rồi. Cũng nói đến các trách nhiệm của nhà trường, của xã hội rồi nhưng theo tôi, vai trò quan trọng nhất trong việc phòng ngừa, phát hiện sớm, ngăn chặn sự xâm hại, tấn công tình dục trẻ phải là cha mẹ.
Nhưng có lẽ vấn đề quan trọng này đã bị cha mẹ xao nhãng đi sau một năm phải đối diện với sự khó khăn và những bất định của đại dịch Covid-19. Đã quên mất việc phải để mắt tới con và nói với con về các nguyên tắc an toàn. Không chỉ quên dạy con về kỹ năng an toàn, cha mẹ hiện dường như quá phân tâm bởi các công việc khác nên đã không nhạy cảm với các nguy cơ xâm hại, những dấu hiệu nhận diện sớm xâm hại.
Đồng thời, phụ huynh sẽ không để ý thủ phạm thường là người quen, có thể đã có một thời gian để nhắm đối tượng, tìm thời điểm, hành động "leo thang" và thực hiện xâm hại.
Đâu đó vẫn rình rập không ít hiểm nguy đối với trẻ dù ở nhà hay ở trường. Để tránh nguy cơ thì chỉ có thể chọn giải pháp phòng ngừa từ bên trong, từ chính gia đình mình thế nào?
Quan trọng là ý thức của phụ huynh. Cần bắt đầu từ ý thức của các phụ huynh. Cha mẹ cần tự nhắc bản thân mình về những nguy cơ trẻ có thể gặp phải tương ứng với từng giai đoạn phát triển lứa tuổi. Ví dụ, giai đoạn từ 3-8 tuổi là có nguy cơ bị xâm hại tình dục cao nhất.
Cha mẹ sẽ luôn phải đấu tranh với những niềm tin sai lầm như: Con tôi sẽ mất đi sự ngây thơ nếu tôi dạy chúng về vấn đề giới tính, tình dục. Dạy con về các nguy cơ bị xâm hại sẽ làm cho con chấn thương tâm lý. Tôi chẳng để con tôi một mình với người khác bao giờ nên chẳng việc gì phải dạy con về các nguy cơ bị quấy rối hay xâm hại. Hay con tôi chẳng cần học về động chạm an toàn hay không an toàn vì chúng luôn kể với tôi mọi thứ…
Và không chỉ dạy kỹ năng cho con, cha mẹ phải luôn nhắc nhở mình cảnh giác với các nguy cơ.
Có phải kỹ năng là một trong những điều mà dường như phần đông các bạn nhỏ đều còn thiếu rất nhiều?
Hình thành được kỹ năng cho con cũng sẽ cần “văn ôn võ luyện”. Con cần được thực hành. Cha mẹ muốn dạy con thì cũng cần phải tìm hiểu và có kỹ năng trước đã.
Chương trình phòng chống xâm hại tình dục cho các bạn nhỏ được triển khai một cách chính thống ở các trường học như trường Mầm non cũng phải dựa trên bằng chứng khoa học chứ không thể làm theo quan điểm niềm tin cá nhân của bất cứ ai.
Bằng chứng nghiên cứu chỉ ra rằng, nội dung của các chương trình giáo dục phòng chống xâm hại tình dục phải nêu các vấn đề chính như: Giới thiệu về hành vi xâm hại, lạm dụng tình dục; Quyền bất khả xâm phạm về thân thể cá nhân; Hành vi dẫn dụ làm thân; Nhận diện các tình huống an toàn và không an toàn; Cách nói không một cách nhất quán và tự tin; Tầm quan trọng và cách thức chia sẻ những bí mật với người lớn; Nhận diện các dạng động chạm phù hợp/không phù hợp.
Về phương pháp tổ chức giảng dạy, phần nhiều các chương trình có hiệu quả đều sử dụng đa dạng các phương pháp trong đó có chiếu phim, đóng vai trong tình huống sân khấu hoá chiếm đa số.
Các phương pháp giảng dạy quy trình hoá từ làm mẫu hành vi – yêu cầu tập luyện đóng vai – đưa ra phản hồi điều chỉnh – tiếp tục thực hành đóng vai – mở rộng các tình huống để khái quát hoá kỹ năng (qua game, bài luận thu hoạch, viết truyện, giải quyết tình huống mẫu). Sử dụng các bài hát, các phương tiện hỗ trợ trình chiếu, hình ảnh và sự phản hồi của người lớn để củng cố thông điệp.
Vì vậy, chúng ta sẽ cần rà soát lại nội dung, phương pháp và hình thức tổ chức của các chương trình giáo dục phòng chống xâm hại hiện hành để đảm bảo tính khoa học và hiệu quả khi giáo dục các em.
Phần lớn các bậc phụ huynh vẫn luôn và đang dạy con, hướng con đến cái đích là trở thành những đứa trẻ ngoan, thành tích học tập tốt. Có phải người lớn vẫn chưa trang bị nhiều cho con những kỹ năng sống, kỹ năng ứng phó với mọi hiểm nguy, khi gặp sự cố sẽ biết phản ứng ra sao để tự biết bảo vệ mình?
Trong bối cảnh hiện nay, không phải người mạnh, người giỏi nhất sẽ chiến thắng mà là những người sống sót và thích nghi tốt nhất.
Vì vậy, ngay từ nhỏ, cha mẹ cần tạo điều kiện cho con có thể rèn luyện các nhóm kỹ năng chuẩn bị cho cuộc sống sự nghiệp sau này. Đó là sự linh hoạt, khả năng đáp ứng, sáng kiến đổi mới, khả năng tự định hướng, năng lực xã hội, lãnh đạo, giao tiếp và hợp tác, trách nhiệm giải trình.
Bên cạnh kỹ năng mềm, cha mẹ cũng cần trang bị cho con những kỹ năng sinh tồn, kỹ năng quản lý sức khỏe trong đó có quản lý sức khỏe tâm thần.
Tôi đã từng có nhiều cơ hội quan sát sinh viên Việt Nam làm việc cùng với các bạn sinh viên quốc tế. Về trí thông minh, chúng ta không thua kém, nhưng sức làm việc của chúng ta quá yếu. Mỗi ngày làm 12 tiếng là đến ngày thứ 3 là đuối sức. Tiếp đến là tính dễ tổn thương về tinh thần và khó hồi phục về tâm lý. Khi có biến cố, khủng hoảng xảy ra, khả năng phục hồi về tâm lý của người Việt trẻ so với các bạn quốc tế thường lâu và khó khăn hơn.
Xin cảm ơn ông!