📞

Vụ cô giáo tố bị trù dập: Đâu là ‘cái khiên’ lớn để nhà giáo bảo vệ chính mình?

Nguyệt Anh 13:46 | 01/04/2021
Là người quan tâm sâu sắc vụ cô giáo tố bị trù dập ở trường Sài Sơn B, nhà báo Hoàng Nguyên Vũ (cựu phóng viên báo Phụ nữ TP. HCM, hiện là chuyên gia đối ngoại truyền thông khối Quảng cáo trực tuyến, Công ty cổ phần VCCorp) chia sẻ, thời nào cũng thế, học trò như tờ giấy trắng, việc vẽ lên cái gì là từ thầy cô, gia đình và xã hội.
Là người quan tâm sâu sắc đến vụ cô giáo tố bị trù dập, nhà báo Hoàng Nguyên Vũ nhận định, nghĩ cho học trò cũng là một cái khiên lớn để nhà giáo bảo vệ chính mình.

Từ câu chuyện cô giáo tố bị trù dập với những luồng ý kiến trái chiều những ngày qua, ông nghĩ gì về văn hóa học đường?

Qua các chia sẻ trên trang cá nhân, ngoài những bình luận trái chiều, đã có rất nhiều giáo viên nhắn tin cho tôi.

Họ tâm sự về những nỗi khổ tương tự cô giáo Nguyễn Thị Tuất ở trường Sài Sơn B, cũng như chia sẻ những điều ức chế, những áp lực mà họ gặp phải trong môi trường giáo dục của họ.

Tôi nghĩ, văn hoá học đường đang xuống cấp. Đã không ít điều xảy ra, cư xử không đẹp với nhau, công luận cũng đã phản ánh nhiều.

Học trò đánh nhau; thầy cô đánh học trò, học trò vô lễ với thầy cô, học trò hết bức xúc trong trường đem bức xúc lên mạng...

Ta luôn được dạy "Tiên học lễ, hậu học văn", văn ở đâu, lễ ở đâu giữa những lộn xộn như một cái hàng không mấy trật tự. Nói đúng hơn, lễ nghĩa thực sự đang chông chênh giữa cơ chế thị trường.

Người ta đã để đồng tiền ảnh hưởng nhiều đến con trẻ, đến lối dạy dỗ, đến cách cư xử với nhau trong học đường. Đồng thời, người ta để cái tôi và quyền lợi của chính họ lấn át đi điều thiêng liêng, đó là giáo dục.

Chưa nói đến việc ai đúng ai sai trong câu chuyện này tuy nhiên những hành động của học sinh phản chiếu đạo đức học đường đang có vấn đề và xuống cấp trầm trọng?

Chúng ta phải xác định đạo đức đó là gì và phải nhìn từ nhiều phía. Đạo đức đến từ những thầy cô giáo đối xử với nhau và đối xử với học trò; đạo đức của học trò đối xử với nhau và đối xử với thầy cô giáo.

Tôi vẫn nghĩ, thời nào cũng thế, học trò như tờ giấy trắng, việc vẽ lên cái gì là từ thầy cô, gia đình và xã hội.

Tôi từng nghe câu chuyện một em nhỏ không chơi với bạn vì mẹ bạn bảo là “nếu cha mẹ bạn đó đi xe máy thì đừng chơi”. Tôi cũng đã chứng kiến nhiều em nhỏ hỗn hào thét vào mặt bà nội - là hàng xóm nhà tôi.

"Ta luôn được dạy 'Tiên học lễ, hậu học văn', văn ở đâu, lễ ở đâu giữa những lộn xộn như một cái hàng không mấy trật tự. Nói đúng hơn, lễ nghĩa thực sự đang chông chênh giữa cơ chế thị trường", nhà báo Hoàng Nguyên Vũ.

Tôi thấy, hầu hết các đứa trẻ tôi gặp đều vô tư chơi điện thoại. Chưa kể đến việc, nhiều em lên mạng chửi nhau rất tục vì là fan hâm mộ của mấy ca sĩ đang lời qua tiếng lại trên báo.

Hình như phụ huynh và nhà trường đang đứng ngoài sự "xuống cấp" ấy, đứng ngoài sự "rơi tự do" ấy. Xã hội với không ít thứ lộn xộn đang làm chủ cảm xúc và nhận thức của lũ trẻ. Điều này vô cùng nguy hiểm.

Nói qua cũng phải nói lại, học sinh giờ thành "ông trời con" không ít, nên thầy cô muốn nghiêm khắc mà uốn nắn cũng không dễ. Họ phải tự bảo vệ họ, đúng hơn họ tự vệ để được yên thân.

Nhưng một mặt, chính người lớn không làm gương thì xuống cấp phải là từ người lớn, chứ không đổ cho con trẻ.

Ai sẽ bảo vệ nhà giáo và làm sao để họ biết tự bảo vệ mình, theo ông?

Tôi có nhiều bạn bè là giáo viên, họ nói rằng, bao nhiêu chuyện xảy ra, quan hệ thầy trò ở những nơi "vô can" cũng không thể nói là không ảnh hưởng.

Theo tôi, nhà giáo phải tự bảo vệ nhà giáo, trước hết mình hãy là một tấm gương về đạo đức, văn hoá và hành xử. Khi bạn bảo tồn được danh dự, chẳng điều gì có thể gây tổn hại cho bạn.

Học trò bây giờ cũng khôn và hiểu biết nhiều. Ở lớp, bạn dạy chúng rất ít để gợi ý việc hãy đi học thêm, thì dù bạn muốn, chúng không thể nhìn bạn một cách tròn trịa hai chữ kính trọng.

Một điều nữa, nghĩ cho học trò cũng là một "cái khiên" lớn để nhà giáo bảo vệ chính mình. Chứ anh suốt ngày lo đấu đá, mà quên mất sứ mệnh của mình là giáo dục, thì xem như anh đã tự tước cái bản ngã thiêng liêng của mình, chứ nói gì đến bảo vệ mình?

Và trách nhiệm của nhà trường đến đâu trong việc bảo vệ giáo viên khi đứng trên bục giảng?

Trách nhiệm xưa nay người ta nói nhiều, nhưng rồi bao thứ xảy ra, người ta lại đặt câu hỏi trách nhiệm. Tôi nghĩ trách nhiệm cần thiết của nhà trường là làm hết trách nhiệm trong quản lý giáo dục, tạo ra môi trường giáo dục tích cực và tôn trọng những gì thiêng liêng nhất của giáo dục.

Như thế, cũng là nhà trường đang bảo vệ học sinh và chính giáo viên của họ. Chứ nhà trường chấp nhận việc học trò chửi mắng cô giáo, đấu tố cô giáo, rồi lại đi đấu đá với chính cô giáo thì... thua.

Có một cô giáo cho rằng: “Giáo viên có sai cũng không đến lượt học sinh phán xét”. Ông nghĩ sao về quan điểm này?

Tôi nghĩ, các em có quyền phản ánh, còn việc phán xét để cho người lớn. Cha ông bảo: đi hỏi già, về nhà hỏi trẻ. Học sinh là người gần cô nhất, là đối tượng giáo dục trực tiếp, nếu không phản ánh thì ai biết sự việc ra sao.

Nhưng phán xét thì không được, nó vượt ngoài ranh giới quan hệ thầy trò và dễ tạo tiền lệ cho những thứ đi quá giới hạn, kéo theo sự vô kỷ luật núp bóng sau cái tự do.

Dù với bất cứ lý do gì thì mục đích của giáo dục là hướng đến những đứa trẻ. Tuy nhiên, học sinh có những phản ứng thiếu giáo dục và hành động bất kính đối với cô giáo của mình thì hệ lụy sẽ ra sao, theo ông?

Tôi có xem bài kiểm tra cô Nguyễn Thị Tuất gửi cho các nhà báo. Nó vượt quá sức tưởng tượng của tôi và rất nhiều người. Nó tiềm ẩn những lo lắng về những cú trượt đạo đức về sau và những hệ luỵ từ lối ứng xử tệ hại của những công dân tương lai.

Nói vậy để chúng ta cùng hiểu, không một ai, không một điều gì được phép làm cho trẻ con trở nên hư hỗn. Hư hỗn khác bộc lộ cá tính. Tôn trọng cá tính học trò thể hiện sự văn minh của giáo dục nhưng để trẻ con hư hỗn là sự bất lực của giáo dục.

Hơn hết, con trẻ hỗn là lỗi lầm lớn nhất của người lớn: gồm người sinh ra, nuôi dạy ở nhà; người nuôi dưỡng ở trường và những người tạo ra sức ảnh hưởng cũng như các giá trị xã hội.

Xin cảm ơn ông!

(thực hiện)