TIN LIÊN QUAN | |
Không kích Syria: Vàng thau lẫn lộn | |
Pháp: Hiện trường vụ tấn công hoá học tại Syria đã bị xoá |
Các nhà nghiên cứu chính trị thế giới hẳn không ai không nhớ Chiến tranh Vùng Vịnh lần thứ hai năm 2003, Mỹ cũng từng lấy cớ Iraq sở hữu vũ khí hủy diệt hàng loạt để tấn công nước này, song thực tế Mỹ không tìm ra bằng chứng nào. Các nhà bình luận quốc tế cho rằng đây là một cuộc chiến điển hình về nghệ thuật "tạo cớ" can thiệp quân sự của Mỹ và phương Tây.
Chiến tranh Iraq - Nghệ thuật "tạo cớ" gây chiến
Theo AP, 15 năm về trước, để phát động chiến tranh xâm lược Iraq, tại phiên họp của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ), Ngoại trưởng Mỹ Collin Powell đã giơ ra trước mặt các quan chức một lọ thủy tinh chứa chất bột trắng và một mực khẳng định: “Đây là vũ khí hóa học của Iraq”. Chẳng ai biết thứ bột trắng đó là gì, nhưng với cái cớ Iraq đang sở hữu vũ khí hủy diệt hàng loạt, đe dọa nhân loại, Tổng thống G.W.Bush đã phát động cuộc chiến tranh xâm lược Iraq mà không cần phê chuẩn của HĐBA LHQ.
Ngày 20/3/2003, Liên quân gồm Mỹ, Anh và một số nước bất ngờ tấn công Iraq. Do đã suy yếu từ Chiến tranh Vùng Vịnh lần thứ nhất, nên dù cố gắng, quân đội Iraq cũng không thể trụ vững. Ngày 9/4/2003, Baghdad thất thủ khi quân Mỹ chiếm được dinh Tổng thống Iraq và các bộ, rồi kiểm soát toàn thành phố, chấm dứt thời kỳ cầm quyền của Tổng thống Saddam Hussein. (Ông Hussein bị bắt cuối năm 2003 khi đang lẩn trốn và bị xử tử năm 2006).
Iraq từng có chương trình chế tạo bom hạt nhân nhưng chưa tạo được bom và cũng đã từ bỏ chương trình này. Iraq từng sử dụng vũ khí sinh học và hóa học trong chiến tranh với Iran, nhưng đã ngừng phát triển các loại vũ khí này sau năm 1991, đồng thời tiến hành tiêu hủy chúng. |
Đầu tháng 5/2003, Tổng thống Bush khẳng định nhiệm vụ đã hoàn thành. Tuy nhiên cuộc chiến không kết thúc, kể cả sau này khi đã thành lập được Chính phủ chuyển tiếp vào năm 2005 và một chính phủ thường trực vào năm 2006. Sự sụp đổ của chính quyền Saddam Hussein đã kéo theo tình trạng bất ổn kéo dài ở đất nước này: Các nhóm từng bị chính quyền Saddam trấn áp nay trỗi dậy; Lực lượng của chế độ cũ phản công lại; Xung đột giáo phái và sắc tộc gia tăng… làm cho Iraq những năm 2003-2011 dày đặc các cuộc nổi dậy, ám sát và đánh bom liều chết, tình trạng chưa từng có trước năm 2003.
Điều trớ trêu là để đánh Iraq, người ta lấy cớ "vũ khí hủy diệt hàng loạt", nhưng khi đã đánh xong, vũ khí hủy diệt hàng loạt thì không thấy, chỉ thấy các công ty Mỹ và Anh tấp nập vào khai thác nguồn tài nguyên dầu khí phong phú của quốc gia Trung Đông này. Vì thế mà nhiều người coi Chiến tranh Iraq 2003 thực chất là một cuộc chiến vì dầu mỏ.
Thêm nữa, dù ai cũng biết đó chỉ là cái cớ, nhưng thế giới vẫn bàng hoàng khi Tổng thống Bush lúc sắp kết thúc nhiệm kỳ đã lên truyền hình ABC năm 2008, thú nhận rằng quyết định tiến hành chiến tranh chống lại Saddam Hussein đã dựa trên tin tức tình báo sai và đây là điều hối tiếc lớn nhất trong đời làm tổng thống của ông. Nhưng tất cả đều là sự đã rồi: Chủ quyền bị xâm phạm, chính quyền bị lật đổ, còn người dân Iraq phải hứng chịu bao khổ đau do chiến tranh gây ra.
"Chuyện hoang đường" vẫn… tái diễn
Có vẻ như vũ khí hóa học luôn là lý do thích hợp nhất để tiến hành một hành động quân sự chống lại một quốc gia nào đó với danh nghĩa "nhân đạo", "bảo vệ dân thường" và Syria cũng không là ngoại lệ.
15 năm sau cuộc chiến ở Iraq, câu chuyện hoang đường “quân đội Syria được sự bao che và tiếp tay của Nga đã sử dụng vũ khí hóa học sát hại dân thường” một lần nữa được dựng lên. Ngày 7/4/2018, các nguồn tin đối lập thi nhau cáo buộc các lực lượng quân đội Syria (SAA) đã tiến hành cuộc tấn công bằng vũ khí hóa học ở thị trấn Douma do phiến quân đối lập kiểm soát. Theo Tổ chức Y tế Syria-Mỹ, có tới 70 người đã thiệt mạng và hơn 500 người khác phải nhập viện vì vấn đề hô hấp, bất tỉnh, nôn mửa và sùi bọt mép sau khi một cuộc tấn công của SAA nghi sử dụng vũ khí hóa học xảy ra hôm 7/4 tại thị trấn Douma, ngoại ô thủ đô Damascus của Syria. Ngay sau đó, giới truyền thông và tổ chức nhân đạo phương Tây White Helmets loan tin rầm rộ rằng SAA đã sử dụng khí Clo - loại chất hóa học bị cấm... Mặc dù không đưa ra được bất cứ bằng chứng nào xác thực về việc Douma bị SAA tấn công hóa học, song việc Mỹ, Anh và Pháp bất ngờ sử dụng biện pháp quân sự ngay cả khi hành động này chưa được phép của LHQ hay thậm chí diễn ra khi cuộc điều tra của Tổ chức chống vũ khí hóa học (OPCW) đang chuẩn bị bắt đầu, đã làm dấy lên nghi vấn đây chỉ là một vụ việc được dàn dựng để Mỹ và đồng minh chủ động can thiệp quân sự vào Syria.
Tên lửa phòng không Syria đáp trả những đợt tấn công của Mỹ và đồng minh. (Nguồn: AP) |
Trước đó, theo Sputnik, để thế giới tiếp tục phải tin vào câu chuyện vũ khí hóa học, Cục tình báo trung ương Mỹ (CIA) đã phối hợp với Cục tình báo Anh (MI6) dàn dựng chuyện “Nga sử dụng vũ khí hóa học sát hại cựu điệp viên hai mang Sergei Skripal” vào ngày 4/3/2018". Đây được xem là khúc dạo đầu của kịch bản “Syria được Nga bảo lãnh và ủng hộ đã sử dụng vũ khí hóa học sát hại dân thường”.
Tuy nhiên, có một chi tiết quan trọng là năm 2013, theo đề xuất của Nga, Syria đã thực hiện cam kết hủy bỏ hoàn toàn vũ khí hóa học, kể cả các cơ sở nghiên cứu, sản xuất và chế tạo loại vũ khí này dưới sự giám sát và kiểm chứng của OPCW. Trên cơ sở đó, HĐBA LHQ đã nhất trí thông qua Nghị quyết về vũ khí hóa học của Syria, trong đó khẳng định bất cứ sự can thiệp quân sự nào từ bên ngoài vào quốc gia Trung Đông này liên quan tới vũ khí hóa học chỉ được tiến hành sau khi đã có kết quả điều tra xác minh của LHQ. Nhưng bất chấp Nghị quyết này, Mỹ không cần chờ đợi kết quả điều tra của OPCW, Tổng thống Trump đã ra lệnh tấn công Syria. Vì vậy, quyết định này của ông Trump đã bị phản đối ngay trong giới chức ở Mỹ, nhân dân Mỹ và trong nội bộ các nước châu Âu.
Bằng chứng là… ngụy tạo và thêu dệt
Theo RT, ông Igor Konashenkov, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Nga, tuyên bố vụ "tấn công hóa học" ở Douma chỉ là hành động ngụy tạo của London nhằm lấy cớ tấn công Syria.
Các nhà phân tích chính trị và giới chuyên gia cũng đồng tình với Nga, cho rằng chính quyền Bashar al-Assad không có bất cứ động cơ nào trong vụ “tấn công vũ khí hóa học đáng ngờ” ở Douma, đồng thời chỉ ra những điểm nghi vấn trong cáo buộc của Mỹ và đồng minh: Thứ nhất, Syria đã tiêu hủy hết vũ khí hóa học bởi quá trình phá hủy toàn bộ kho vũ khí của Syria đã được trực tiếp thực hiện và giám sát bởi các tổ chức quốc tế có uy tín, dưới con mắt dò xét hết sức kỹ lưỡng của Mỹ và NATO. Điều này đã không chỉ được Nga công nhận, mà cả OPCW cũng xác nhận. Hơn nữa, theo sáng kiến "đổi vũ khí lấy hòa bình" do Nga đề xuất, chính phủ Syria đã cho các chuyên gia phương Tây vào thanh sát kho vũ khí hóa học. Việc vận chuyển các vũ khí hóa học ra nước ngoài được chuyên chở bằng chính các chiến hạm của Mỹ và NATO, nằm dưới sự giám sát của các chuyên gia của OPCW. Việc tiêu hủy chúng cũng hoàn toàn do các chuyên gia nước ngoài đảm nhận. Vậy Syria lấy đâu ra vũ khí hóa học để sử dụng?
Thứ hai, Chính phủ Syria không có động cơ sử dụng vũ khí hóa học ở Douma. Hiện nay, SAA gần như giải phóng hoàn toàn khu vực Đông Ghouta, chỉ còn mỗi thị trấn Douma. Giới chuyên gia nhận định rằng, với ưu thế tuyệt đối về không quân và pháo binh, Syria chỉ cần huy động một lực lượng không lớn là có thể đánh bại nhóm phiến quân đối lập “Jaish al-Islam”, chỉ có vẻn vẹn khoảng 1.000 tay súng với vũ khí nghèo nàn, đang kiểm soát thị trấn Douma. Nga tuyên bố rằng, chỉ có “những người thiểu năng trí tuệ” mới nghĩ rằng SAA lại sử dụng loại vũ khí giết người hàng loạt này khi đã giải phóng phần lớn đất nước.
Thứ ba, Mỹ và đồng minh mới có động cơ trong vụ này. Theo giới quan sát, việc một vùng rộng lớn ngay sát thủ đô Damascus nằm trong tay các nhóm đối lập là thắng lợi mang tính chất biểu tượng rất lớn đối với những lực lượng do Mỹ hậu thuẫn. Mỹ dựng lên vở kịch "tấn công vũ khí hóa học ở Douma" nhằm lấy cớ tấn công SAA, bảo vệ các nhóm đối lập được họ hậu thuẫn. Đông Ghouta được các nhóm vũ trang chống chính phủ Syria coi là ‘Thủ đô không chính thức’ của phe đối lập. Vì thế, Nga đã từng nhiều lần bày tỏ thái độ lo ngại về việc, cứ mỗi khi SAA giành thắng lợi quan trọng là phương Tây sẽ tìm mọi cách để ngụy tạo bằng chứng nhằm tấn công chính quyền của ông Assad…
Nói chung, những cáo buộc vô căn cứ của Mỹ và đồng minh, những kết luận không minh bạch của các tổ chức do phương Tây điều khiển, rất có thể sẽ dẫn tới kết cục như Iraq năm 2003. Vì vậy, hy vọng cộng đồng quốc tế tỉnh táo để đưa đất nước này ra khỏi cuộc chiến đã kéo dài 7 năm qua.
Đã gần 5 năm sau khi chính phủ của Tổng thống Syria Bashar al-Assad đồng ý giải giáp vũ khí hóa học dưới sự giám sát và kiểm chứng của OPCW, nhưng những vụ tấn công hóa học nghiêm trọng vẫn xảy ra và lỗi luôn bị quy kết cho quân chính phủ. Theo The New York Times, vụ tấn công diễn ra vào ngày 7/4 tại thị trấn Douma, gần thủ đô Damascus (Syria) là vụ việc mới nhất trong một loạt các vụ tấn công hóa học đã xảy ra tại Syria trong nhiều năm qua. Nhưng nghiêm trọng nhất trong số này là vụ tấn công vào năm 2013 khiến hơn 1.400 người thiệt mạng và làm rung động toàn thế giới. |
Syria: “Cỗ máy chiến tranh” vẫn vững như đồng Các cuộc không kích của Mỹ, Anh và Pháp chỉ mang tính biểu tượng và càng phản ánh rằng phương Tây không thể ngăn Tổng ... |
Đâu là mục tiêu thực sự của cuộc không kích Syria? Sau vụ tấn công bằng tên lửa của Mỹ, Anh và Pháp vào Syria, dư luận quốc tế đã "dậy sóng" với nhiều quan điểm ... |
Mỹ không kích Syria: “Cơn ác mộng” đã được báo trước Dù không có nạn nhân thiệt mạng, dù các bên cố tình phát động chiến tranh rồi lại bí mật báo trước để đối phương ... |