📞

Vụ Nga bắn cảnh cáo tàu Anh trên Biển Đen: Khi 'lằn ranh đỏ' bị vi phạm

Thế Anh 17:54 | 25/06/2021
Vụ Nga nổ súng cảnh cáo tàu khu trục Defender của Anh ở ngoài khơi Mũi Fiolent thuộc bán đảo Crimea có thể là dấu hiệu khởi đầu cho căng thẳng leo thang.
Theo thông báo của quân đội Nga ngày 23/6, Hạm đội Biển Đen của nước này cùng các lực lượng hỗ trợ đã nổ súng cảnh cáo tàu khu trục Defender của Anh ở ngoài khơi Mũi Fiolent thuộc bán đảo Crimea. (Nguồn: Colombia News)

Theo thông báo của quân đội Nga ngày 23/6, Hạm đội Biển Đen của nước này cùng các lực lượng hỗ trợ đã nổ súng cảnh cáo tàu khu trục Defender của Anh ở ngoài khơi Mũi Fiolent thuộc bán đảo Crimea.

Nga coi là "vụ khiêu khích"

Thông báo cho biết vì tàu Anh đã đi qua đường biên giới trên biển của Nga ở Biển Đen, nên phía Nga buộc phải có biện pháp cảnh cáo bằng sử dụng vũ khí, nhưng không có bất kỳ phản ứng nào từ phía tàu chiến của hải quân Hoàng gia Anh.

Cụ thể, tàu tuần tra biên giới của Hạm đội Biển Đen đã tiến hành bắn cảnh cáo 2 lần. Tiếp theo, máy bay ném bom Su-24M thuộc Hạm đội Biển Đen đã thực hiện ném bom cảnh báo dọc đường đi của tàu khu trục. Tổng cộng, 4 quả bom OFAB-250 đã được ném xuống. Vài phút sau, tàu Defender rời khỏi khu vực này.

Ngay sau đó, Tùy viên quân sự Anh đã được triệu tập tới Bộ Quốc phòng Nga và được thông báo về quan điểm của Bộ này liên quan đến tàu khu trục Defender trong sự cố ở Biển Đen.

Hành động của tàu khu trục Hải quân Anh bị Bộ Quốc phòng Nga coi là vi phạm nghiêm trọng Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982.

Theo Bộ Quốc phòng Nga, tàu khu trục Defender hoạt động ở phần Tây Bắc của Biển Đen đã xâm phạm biên giới hiện nay của Liên bang Nga và đã đi sâu 3 km vào lãnh hải gần Mũi Fiolent. Tàu khu trục này trước đó đã được cảnh báo về khả năng sử dụng vũ khí trong trường hợp tiếp tục hiện diện bất hợp pháp trong lãnh hải của Liên bang Nga.

Thủy thủ đoàn của tàu khu trục Anh đã không phản hồi các tín hiệu cảnh báo rõ ràng theo luật biển, hậu quả là tàu tuần tra Nga buộc phải nổ súng cảnh báo. Một máy bay Su-24M của Nga cũng đã thực hiện ném bom đề phòng dọc theo hành trình của tàu khu trục Anh.

Đại diện cơ quan quân sự Nga kêu gọi phía Anh tiến hành điều tra kỹ hành động của thủy thủ đoàn tàu khu trục Defender để ngăn chặn những vụ việc tương tự xảy ra trong tương lai.

Trước đó, phát biểu tại Hội nghị An ninh quốc tế ở Moscow, Tổng tham mưu trưởng của Nga Valery Gerasimov lưu ý rằng các tàu của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) là "những kẻ khiêu khích chính" ở Biển Đen và Baltic.

Thượng nghị sỹ Nga Alexei Pushkov chỉ ra rằng mục tiêu chính của tàu khu trục Anh là dàn xếp một vụ khiêu khích “để kiểm tra phản ứng của Nga, tạo cơ sở cho một vụ bê bối quốc tế mới và một cuộc tấn công (thông tin) cuồng loạn mới chống Nga”.

Cựu Tư lệnh Hạm đội Biển Đen, Đô đốc Vladimir Komoedov nhấn mạnh rằng ở nước Nga, không ai vui với những "vị khách" có hành động như vậy. Tàu chiến của các nước không thuộc Biển Đen không bị cấm đi vào khu vực biển này. Các tàu đi qua vùng biển này trước đây đều tuân thủ Công ước Montreux và chưa bao giờ có hành động "đi quá giới hạn" như vậy.

Theo Đô đốc Komoedov, Hạm đội Biển Đen sẽ phải tăng cường khả năng sẵn sàng chiến đấu, đặc biệt là các hệ thống phòng không, lực lượng làm nhiệm vụ riêng biệt và tổ chức theo dõi các tàu có hành vi sai phạm.

... nhưng Anh phủ nhận

Thế nhưng, cùng ngày, trong thông cáo báo chí, Bộ Quốc phòng Anh cho biết "không có phát súng cảnh cáo nào" được bắn vào Defender.

Theo Bộ trên, tàu của Hải quân Anh đi qua lãnh hải Ukraine một cách tự do theo luật pháp quốc tế.

Bộ Quốc phòng Anh nêu rõ: "Chúng tôi tin rằng người Nga đã tiến hành các cuộc tập trận pháo binh ở Biển Đen và cảnh báo trước với cộng đồng hàng hải về các hoạt động của họ. Tàu HMS Defender đã không bị bắn cảnh báo và chúng tôi không chấp nhận những tuyên bố rằng bom đã được thả trên đường di chuyển của tàu”.

Dư luận ở Anh cũng bày tỏ ý kiến về sự việc nghiêm trọng chưa từng có này.

Chuyên gia về Nga Mark Galeotti làm việc tại Viện Nghiên cứu quốc phòng ở London nhận định rằng sứ mệnh của tàu Defender ở Biển Đen liên quan đến chính trị, nhằm thể hiện sự hiện diện trên biển và hỗ trợ Ukraine.

Ông Mark Galeotti nhấn mạnh: “Moscow đã giả mạo tín hiệu GPS, cho thấy rằng Defender đang tiến thẳng đến căn cứ của Hạm đội Biển Đen của Nga ở Sevastopol. Và bây giờ họ nói rằng họ đang cố gắng bảo vệ lãnh thổ khỏi các hoạt động gây hấn”.

Đồng quan điểm, nhà báo người Anh Deborah Haynes tin rằng con tàu không vi phạm biên giới của Nga, mà đang ở vùng biển quốc tế.

Tàu khu trục Defender của Hoàng gia Anh.

Chuyên gia: Tín hiệu nguy hiểm

Biên tập viên James Forsyth của tờ The Spectator nhấn mạnh đến việc đây là lần đầu tiên kể từ sau Chiến tranh Lạnh, Nga sử dụng vũ khí để cảnh báo tàu của một nước NATO.

Trong khi đó, nhà nghiên cứu chính trị quốc tế người Nga Nikolay Vavilov cho rằng các hành động khiêu khích quân sự vượt quá "lằn ranh đỏ" có thể kích hoạt leo thang ngoại giao, các biện pháp trừng phạt mới hoặc các biện pháp nghiêm trọng hơn.

Nhà nghiên cứu đánh giá sẽ không có căng thẳng nào giảm bớt sau cuộc gặp giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Mỹ Joe Biden tại Geneva (Thụy Sỹ).

"Chỉ một người ngây thơ, xa rời thực tế chính trị quốc tế mới có thể tin rằng tình trạng căng thẳng sẽ được xoa dịu. Người ta chỉ có thể hy vọng vào sự hình thành các quy tắc nhất định của trò chơi trong Chiến tranh Lạnh mới. Nhưng ngay cả điều đó có thể cũng không xảy ra”.

Ông Nikolay Vavilov tin rằng các sự kiện trong những ngày gần đây đã minh chứng cho nhận định đó.

Mỹ cho biết họ sẽ bắt đầu triển khai các hệ thống phòng thủ tên lửa ở Ba Lan. Tất nhiên, họ chỉ nhắm vào Iran nhưng sẽ đặt chúng ở phần biên giới giáp với Nga.

Ngoài ra, chuyên gia Vavilov cho rằng có đến 2 sự kiện diễn ra đồng thời trên biển đều mang những tín hiệu nguy hiểm. Đó là vụ việc liên quan đến tàu khu trục Defender nói trên và việc Hạm đội Thái Bình Dương của Nga tập trận gần quần đảo Hawaii của Mỹ, trong đó có hoạt động mô phỏng săn ngầm và chống nhóm tác chiến tàu sân bay đối phương.

Chuyên gia Nga dự báo khả năng "không thể tránh được một cuộc khủng hoảng tên lửa Caribe mới", mặc dù về quy mô có thể không gay cấn như sự kiện năm 1962.

(theo actualcomment.ru)