Phong tỏa hoạt động vận tải hàng hóa tới tỉnh Kaliningrad của Nga, Lithuania đang đối mặt với nhiều hậu quả khó lường. (Nguồn: Daily Mail) |
"Quân bài" có thực sự lợi hại?
Trả lời báo giới, chính trị gia người Nga Alexander Nosovich cảnh báo việc Lithuania hạn chế quá cảnh bằng đường sắt tới tỉnh Kaliningrad của Nga sẽ khiến một nửa số hàng nằm trong lệnh trừng phạt chống Nga của châu Âu từ nay sẽ không được đi qua lãnh thổ của Lithuania để tới Kaliningrad.
Cụ thể danh mục hàng hóa bị hạn chế bao gồm sắt thép, trứng cá, rượu bia, phân bón, gỗ, các sản phẩm từ gỗ, thủy tinh, than, xăng dầu, các sản phẩm từ dầu... Lệnh cấm này bắt đầu có hiệu lực từ 20/6.
Đã 30 năm nay, giới chính trị Lithuania thường tự hào rằng họ nắm trong tay "quân bài" cấm Nga quá cảnh tới Kaliningrad, tỉnh tách rời của Nga nằm giữa Lithuania và Ba Lan. Và đến nay Lithuania đã thực sự quyết định hành động như vậy.
Tuy nhiên, việc hạn chế Nga quá cảnh tới Kaliningrad dường như không quá nghiêm trọng và không gây thiệt hại gì đáng kể đối với Moscow.
Theo chính trị gia Alexander Nosovich, cách đây 20 năm, Kaliningrad đã mua điện của nhà máy điện hạt nhân Ignalina, hiện nay tỉnh này cũng xây dựng nhà máy điện của riêng mình.
Về khí đốt, Kaliningrad có kho chứa khí thiên nhiên hóa lỏng Marshal Vasilevsky, đề phòng trường hợp Lithuania khóa đường ống dẫn khí.
Về việc quá cảnh qua Lithuania, quan chức tỉnh Kaliningrad cho biết hạm đội dân sự Baltic của Nga hoàn toàn có đủ năng lực để vận chuyển tất cả hàng hóa cho tỉnh này, nếu Lithuania cấm vận đường sắt đối với Nga.
"Vấn đề là chúng tôi thực hiện công việc này nhanh chóng như thế nào mà thôi. Chắc chắn sẽ không có chuyện gián đoạn nguồn cung, sẽ không có cảnh tượng những giá hàng trống rỗng trong các cửa hàng của Kaliningrad", quan chức tỉnh Kaliningrad tuyên bố.
5 biện pháp Nga có thể đáp trả
Bàn về việc Nga có thể đáp trả do Lithuania phong tỏa hoạt động vận tải hàng hóa tới tỉnh Kaliningrad, chính trị gia Alexander Nosovich đưa ra 5 khả năng.
Một là, Nga có thể thu hồi công nhận độc lập đối với Lithuania.
Nga từng ra quyết định kiểm tra tính hợp pháp của việc công nhận nền độc lập của các quốc gia Baltic, bao gồm Estonia, Latvia và Lithuania, vào năm 1991. Thực tế pháp lý là Hội đồng nhà nước vi hiến của Gorbachev không đủ thẩm quyền đưa ra quyết định xem xét lại biên giới hoặc chia tách lãnh thổ của Liên Xô. Mới đây, đại biểu Duma (hạ viện) Nga Yevgeny Fedorov đã đưa ra một bộ luật tương ứng về vấn đề này.
Hai là, rút khỏi hiệp ước với Liên minh châu Âu (EU) về Lithuania. Ông Dmitry Rogozin, Trưởng đoàn đàm phán Moscow-Bruxelles năm 2002-2003 khẳng định rằng Nga đã thỏa thuận với EU là nước này chỉ công nhận biên giới của Lithuania nếu quốc gia Baltic này chấp nhận điều kiện để cho công dân và hàng hóa của Nga quá cảnh đến và đi từ Kaliningrad. Nhờ có sự công nhận này của Nga mà Lithuania được gia nhập EU và khối NATO.
Ba là, Nga có khả năng "đòi lại" thành phố Klaipeda của Lithuania. Nếu EU rút khỏi hiệp ước, thì Nga cũng có thể hành động tương tự như vậy. Và hậu quả của việc này thật khôn lường đối với châu Âu và NATO.
Chính trị gia Nosovich dẫn lại quyết định của Hội nghị Potsdam nhằm chấm dứt Thế chiến II. Theo đó, Đức phải bàn giao thành phố Memel (tức Klaipeda ngày nay của Lithuania) và Konigsberg (tức là Kaliningrad ngày nay của Nga) cho Liên Xô.
Sau này, lãnh tụ Liên Xô Joseph Stalin đã quyết định trao Kaliningrad cho Liên bang Nga và Klaipeda cho Lithuania. Vì vậy, không loại trừ khả năng Nga sẽ "đòi lại" Klaipeda từ tay Lithuania.
Bốn là, thiết lập hành lang Suwalki. Giới chuyên gia nhận định rằng biện pháp cực đoan nhất của Nga có thể làm là thiết lập một hành lang trên bộ Suwalki có chiều dài gần 100km, nằm giữa Lithuania và Ba Lan, nối liền Belarus với Kaliningrad. Dĩ nhiên, việc này sẽ là lời tuyên chiến với NATO.
Trưởng Ban Đối ngoại Đảng nước Nga thống nhất, Phó chủ tịch Ủy ban đối ngoại Hội đồng liên bang Andrey Klimov nhận định rằng hành động phong tỏa giao thông với Kaliningrad của Vilnius chẳng khác nào tự mình đạp đổ cái ghế mà chính Lithuania đang ngồi với tư cách là thành viên EU.
Theo ông Andrey Klimov, nếu EU không thay đổi được quan điểm của Lithuania, thì tư cách thành viên EU của nước này có thể trở nên bất hợp pháp và Nga có thể sử dụng mọi biện pháp để giải quyết vấn đề quá cảnh Kaliningrad do Vilnius gây ra.
Năm là, cắt toàn bộ hệ thống năng lượng của Lithuania. Có lẽ đây là biện pháp hiệu nghiệm nhất về kinh tế, trước những động thái của Vilnius đối với Moscow.
Năm quốc gia bao gồm Belarus, Nga, Estonia, Latvia, Lithuania (BRELL) được kết nối với nhau bởi một hệ thống năng lượng chung. Các nước Baltic đã tuyên bố muốn ra khỏi hệ thống này và kết nối với hệ thống năng lượng của EU.
Việc chuyển đổi này sẽ rất tốn kém và khó khăn đối với họ, vậy nên các nước Baltic vẫn phụ thuộc rất nhiều vào nguồn điện của Nga. Do đó, biện pháp Nga có thể tính toán tới là loại Lithuania ra khỏi hệ thống năng lượng chung BRELL và điều này cũng không gây ảnh hưởng tiêu cực đối với Kaliningrad.