📞

Vụ việc nhà sáng lập WikiLeaks: Vì sao Mỹ chấp nhận 'giơ cao đánh khẽ', ai đứng sau những 'cú quay xe'?

Vy Anh 14:11 | 30/06/2024
Nếu không có nỗ lực ngoại giao thầm lặng của chính phủ Australia trong đó có Thủ tướng Anthony Albanese, tự do của nhà sáng lập WikiLeaks Julian Assange có lẽ không đến sớm như vậy.
Cử chỉ của nhà sáng lập WikiLeaks Julian Assange sau khi hạ cánh xuống căn cứ không quân RAAF Fairbairn ở Canberra, Australia ngày 26/6, kết thúc câu chuyện pháp lý kéo dài 14 năm. (Nguồn: AP)

Câu nói "đinh đóng cột" của Thủ tướng Albanese

Sau khi nhà sáng lập WikiLeaks Julian Assange được Tòa án Quận phía Bắc Quần đảo Mariana của Mỹ ra lệnh thả tự do ngày 26/6, kết thúc cuộc chiến pháp lý kéo dài 14 năm, đội ngũ pháp lý của ông Asssange đã dành lời cám ơn đầu tiên tới Thủ tướng Australia Anthony Albanese vì đã giúp họ giành được kết quả này.

Theo bà Jennifer Robinson, luật sư người Australia đại diện cho ông Assange, hoạt động ngoại giao thầm lặng và vận động hành lang tích cực của chính phủ Australia với các cơ quan có thẩm quyền cao nhất ở Mỹ đã đóng vai trò quan trọng giúp ông Assange được trả tự do sau 5 năm bị giam cầm trong một nhà tù ở Anh và 7 năm ẩn náu trong Đại sứ quán Ecuador tại London.

Phát biểu với các phóng viên bên ngoài phòng xử án ở đảo Saipan, luật sư Robinson nói: “Bất kỳ khi nào các quan chức Australia gặp gỡ các cơ quan thẩm quyền của Mỹ, họ đều nhấn mạnh rằng họ đang hành động dưới sự chỉ đạo của Thủ tướng Australia”.

Về phần mình, Thủ tướng Albanese tuyên bố việc trả tự do cho ông Assange là một chiến thắng cho đất nước. Chính phủ Australia đã tận dụng các mối quan hệ an ninh mật thiết với Washington và London để củng cố lập trường của mình nhằm giải quyết tình thế khó khăn của một công dân Australia.

Phát biểu trước Quốc hội ngày 26/6, Thủ tướng Albanese nêu rõ: “Công việc này rất phức tạp và đã được cân nhắc kỹ lưỡng. Đây chính là hành động bảo vệ công dân Australia trên toàn thế giới".

Ông Assange đã phải đối mặt với mức án tù tối đa là 175 năm với 17 tội danh vi phạm Đạo luật gián điệp của Mỹ và một tội danh liên quan đến tin tặc.

Theo một thỏa thuận được tiết lộ ngày 25/6, ông Assange đã nhận tội một cáo buộc gián điệp duy nhất và được thả tự do. Thỏa thuận này được cho là một thành công lớn trong bối cảnh Mỹ phải đối mặt với những thách thức ngày càng tăng ở Anh về tính hợp pháp của việc dẫn độ ông Assange, trong khi các nhà lập pháp và nhà ngoại giao Australia lại gây căng thẳng ở Washington và London.

Ngoại giao thầm lặng

Từ năm 2023, hàng chục nhà lập pháp Australia tham gia ủng hộ chiến dịch đưa ông Assange về nước. Tháng 2 vừa qua, Quốc hội Australia thông qua một kiến nghị kêu gọi trả tự do cho ông Assange.

Nhà lập pháp bảo thủ người Australia Barnaby Joyce, cựu Phó Thủ tướng, nằm trong nhóm chính trị gia đa đảng đã tới Washington vào tháng 9/2023 để vận động hành lang. Ông Joyce ngày 26/6 cho biết trong chuyến đi, các chính trị gia Australia muốn nhấn mạnh phải có một giải pháp cho vụ việc, nếu không sẽ làm suy yếu liên minh an ninh Australia-Mỹ.

Một quan chức chính phủ Australia giấu tên cho biết bước đột phá lớn đầu tiên đối với vụ việc của ông Assange là vào tháng 1/2021, khi Bộ trưởng Tư pháp lúc đó là ông Mark Dreyfus ra tuyên bố kêu gọi chấm dứt vụ án chống lại ông Assange sau khi một tòa án Anh phát hiện ra rằng việc dẫn độ ông sang Mỹ là bất công.

Khi Công đảng giành được quyền lực vào tháng 5/2022, ông Assange đã nhận được sự ủng hộ ngoại giao tích cực từ chính phủ Australia. Cuối năm đó, Thủ tướng Albanese kêu gọi trả tự do cho ông tại Hạ viện. Đây là lần đầu tiên một thủ tướng nhắc đến ông Assange trong Quốc hội kể từ năm 2012.

Khi đó, Thủ tướng Albanese nêu rõ: “Đủ rồi, đã đến lúc vấn đề này phải được kết thúc. Lập trường của tôi rất rõ ràng và đã được nói rõ với chính quyền Mỹ rằng đã đến lúc vấn đề này phải kết thúc. Ông ấy là một công dân Australia".

Đằng sau hậu trường, Thủ tướng Albanese và các quan chức cấp cao trong nội các bao gồm Ngoại trưởng Penny Wong và Bộ trưởng Tư pháp Dreyfus đã vận động hành lang giải quyết vụ kiện của ông Assange trong các chuyến công du tới Mỹ.

Không chỉ vậy, việc bổ nhiệm ông Stephen Francis Smith và Kevin Rudd vào các vị trí ngoại giao hàng đầu ở London và Washington vào cuối năm 2022 cũng giúp bổ sung thêm hai nhà vận động hành lang đồng cảm với ông Assange. Tháng 4/2023, ông Smith đã đến thăm ông Assange trong nhà tù Belmarsh. Đây là chuyến thăm ông Assange đầu tiên một của nhà ngoại giao hàng đầu Australia tại Vương quốc Anh kể từ khi ông chủ WikiLeaks bị cầm tù 4 năm trước đó.

Mỹ "nể", vì sao?

Theo Giáo sư Mark Kenny tại Đại học Quốc gia Australia, mối quan hệ sâu sắc hơn giữa Australia và Mỹ thông qua hiệp ước an ninh AUKUS đã giúp thúc đẩy các nỗ lực ngoại giao.

Gần đây nhất là vào tháng 7/2023, giới chức Mỹ tỏ ra quyết tâm truy tố ông Assange. Trong tháng đó, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết Australia cần hiểu những lo ngại của Mỹ về vấn đề này. Tuy nhiên, một tháng sau, Đại sứ Mỹ tại Australia Caroline Kennedy cho biết một thỏa thuận là có thể thực hiện được.

Sau khi phái đoàn liên đảng gồm các chính trị gia Australia tới Washington vào tháng 9/2023 để nói chuyện với các nhà lập pháp đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ về vụ ông Assange, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden dường như đã có phản ứng nhẹ nhàng hơn. Khi được giới truyền thông hỏi về yêu cầu của Australia chấm dứt truy tố ông Assange, Tổng thống Biden nói: “Chúng tôi đang xem xét điều đó”.

Tuy nhiên, quyết định của Tòa án Tối cao London vào tháng 5 cho phép ông Assange kháng cáo việc dẫn độ đã tạo ra bước đột phá trong các cuộc đàm phán về thỏa thuận nhận tội.

Quyết định của tòa án có nghĩa là cuộc chiến pháp lý về dẫn độ có thể sẽ bị trì hoãn thêm nhiều tháng nữa. Theo một quan chức chính phủ Australia, kế hoạch ban đầu đưa ông Assange tới New York hoặc Washington để bào chữa đã được đổi thành đưa tới đảo Saipan vì ông Assange phản đối việc vào lục địa Mỹ.

Thỏa thuận nhận tội giữa ông Assange và Bộ Tư pháp Mỹ đã đánh dấu sự kết thúc của một câu chuyện pháp lý liên quan đến một trong những vụ vi phạm an ninh lớn nhất trong lịch sử quân sự Mỹ.

Trong một làn sóng ủng hộ toàn cầu, một chiến dịch tài trợ cộng đồng nhằm quyên góp số tiền 520.000 USD cho các chuyến bay của chính phủ Australia phục vụ vụ kiện đã huy động được gần 418.000 USD tính đến tối 26/6.

Bà Stella, vợ của nhà sáng lập WikiLeaks nói: “Đó là công sức của hàng triệu người. Có những người làm việc thầm lặng phía sau, có người biểu tình trên đường phố trong nhiều ngày, nhiều tuần, nhiều tháng, nhiều năm. Và cuối cùng, chúng tôi đã giành được kết quả”.

(theo Reuters)