Sự hồi phục ngoạn mục của kinh tế Việt Nam sau nhiều khó khăn mang tính lịch sử, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. |
Tờ Bloomberg viết, kinh tế Việt Nam vẫn phục hồi mạnh mẽ bất chấp bất ổn toàn cầu. Nền kinh tế Việt Nam đã tăng trưởng với tốc độ nhanh nhất trong gần một thập kỷ vượt mọi ước tính, nhờ xuất khẩu mạnh mẽ và sản xuất phục hồi, giúp bù đắp những rủi ro do đại dịch Covid-19 và giá dầu tăng.
Sử dụng các cụm từ khá ấn tượng, như “phục hồi ngoạn mục”, “cường quốc xuất khẩu Đông Nam Á"..., các hãng truyền thông quốc tế cũng ca ngợi nền kinh tế Việt Nam được hưởng lợi từ gói hỗ trợ phục hồi, kích cầu kinh tế - tức gói tài khoá trị giá 347 nghìn tỷ đồng (khoảng 15 tỷ USD) và một chính sách tiền tệ linh hoạt, thông thoáng, giúp Ngân hàng Nhà nước trở thành một trong số ít ngân hàng trên thế giới không rơi vào vòng chu kỳ thắt chặt chính sách tiền tệ. Việt Nam cũng đang nổi lên như một điểm đến hấp dẫn đầu tư nước ngoài, trong bối cảnh chuỗi cung ứng toàn cầu bị gián đoạn.
Hãng xếp hạng tín nhiệm toàn cầu S&P nâng hạng tín nhiệm quốc gia dài hạn của Việt Nam lên mức BB+ với triển vọng ổn định, thể hiện góc nhìn tích cực đối với Việt Nam trên thị trường vốn quốc tế. Chỉ số "Chất lượng sống" của Việt Nam xếp vị trí 62/165, tăng 39 bậc chỉ sau 1 năm. Chỉ số công khai minh bạch ngân sách năm 2021 tăng 9 bậc so với 2019, xếp thứ 68/120 quốc gia, vùng lãnh thổ.
Tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương và Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6/2022, Chính phủ khẳng định, tình hình kinh tế-xã hội tháng Sáu và sáu tháng năm 2022 khởi sắc trên hầu hết các lĩnh vực, tăng trưởng ấn tượng, kinh tế phục hồi toàn diện, nhiều chỉ số vượt kế hoạch đề ra.
Nửa chặng đường tiếp theo, Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB)... tiếp tục tin tưởng vào Việt Nam, đưa ra dự báo tăng trưởng khá cao, lần lượt ở mức 5,8%, 6,0%, 6,5%.
Tuy nhiên, dù có ý kiến nhận xét, “Việt Nam dường như đang đi ngược xu thế suy giảm toàn cầu”, thì những dự báo trên, cũng như mục tiêu tăng trưởng năm 2022 đạt 6,5% vẫn là thách thức lớn. Bởi trong khó khăn chung, dự báo cập nhật về tăng trưởng GDP toàn cầu đều bị đánh tụt, xuống 3% (giảm từ 4,5%) như dự báo của OECD; hay 3,6% (giảm 0,8 điểm phần trăm) của IMF; hay bi quan như dự báo của WB-chỉ khoảng 2,9% (giảm từ 4,1%).
Với những diễn biến hiện tại, chưa thể nói đại dịch đã ở sau lưng, xung đột Nga-Ukraine sớm chấm dứt, mọi thứ sẽ nhanh chóng trở lại bình thường. Kinh tế Việt Nam có độ mở lớn nên chịu tác động đan xen nhiều mặt, bởi tình hình chính trị thế giới phức tạp, khó lường.
Do đó, một giải pháp an toàn vẫn nên được ưu tiên, như chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính: “Ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn”, bởi dù tăng trưởng ấn tượng, nhưng về tổng thể, điều kiện khó khăn, thách thức vẫn nhiều hơn thuận lợi và thời cơ.
| Tăng tính tự chủ để tạo động lực mới, thúc đẩy kinh tế Việt Nam phát triển nhanh và bền vững Xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ là quan điểm xuyên suốt và nhất quán của Việt Nam kể từ khi thực hiện ... |
| Nền kinh tế trên đà phục hồi vững chắc, S&P nâng hạng tín nhiệm dài hạn của Việt Nam Bộ Tài chính cho biết, ngày 26/5, Tổ chức xếp hạng tín nhiệm S&P Global Ratings nâng xếp hạng tín nhiệm quốc gia dài hạn ... |