Các công ty nước ngoài, bao gồm công ty Mỹ, có thể bị tổn hại về lợi ích bởi các chính sách quản lý chặt chẽ hơn của chính phủ Trung Quốc. (Nguồn: Reuters) |
Nghiên cứu mới cho thấy, các chính sách thương mại này đã đặt người Mỹ và các công ty của nền kinh tế số 1 thế giới vào vị trí ưu tiên cuối cùng.
Gậy ông đập lưng ông?
Ông Henry Gao, Phó Giáo sư Luật tại Đại học Quản lý Singapore, một chuyên gia hàng đầu về thương mại, trong một nghiên cứu mới cho Quỹ Quốc gia về chính sách Mỹ nhận định: “Các quy định của Bắc Kinh đã ảnh hưởng đến các công ty Mỹ và Trung Quốc. Nhưng các chính sách thương mại do chính quyền Mỹ thực hiện đã hạn chế nghiêm trọng khả năng của Washington trong việc bảo vệ các doanh nghiệp Mỹ tại thị trường Trung Quốc”.
Theo ông Gao, “trừ khi chính phủ Mỹ thay đổi hướng đi, các công ty nước này sẽ bị đặt vào tình thế bất lợi kinh tế đáng kể ở phần lớn châu Á”.
Vào năm 2021, Trung Quốc đã thực hiện một loạt động thái, bao gồm việc đình chỉ phát hành lần đầu ra công chúng (IPO) của tập đoàn Ant Financial, điều tra Alibaba vì vi phạm chống độc quyền và Didi vì vấn đề an ninh mạng, áp đặt các hạn chế mới đối với trò chơi máy tính và cấm dạy thêm.
Chuyên gia Gao chỉ ra: "Trong khi các quyết định trên ảnh hưởng lớn tới thị trường, mọi người thường cho rằng chúng chỉ liên quan đến các công ty của Trung Quốc và không đánh giá cao những tác động rộng lớn hơn đối với các doanh nghiệp nước ngoài".
Phó Giáo sư Gao giải thích, các công ty nước ngoài, bao gồm công ty Mỹ, có thể bị tổn hại về lợi ích bởi các chính sách quản lý chặt chẽ hơn của chính phủ Trung Quốc.
Chúng bao gồm các lợi ích đầu tư, chẳng hạn như việc buộc phải thoái vốn khỏi một lĩnh vực hoặc phải đối mặt với lệnh cấm mới đối với đầu tư nước ngoài. Các nhà xuất khẩu của Mỹ cũng có thể phải chịu chi phí giao dịch hoặc thương mại đáng kể khi các quy định quản lý chặt chẽ hơn.
Các chính phủ thường bảo vệ lợi ích của các công ty của đất nước họ và việc bảo vệ như vậy là lý do chính để chính quyền ông Trump viện dẫn khi phát động cuộc chiến thương mại chống lại Trung Quốc vào năm 2018. Báo cáo Mục 301 năm 2018 của Mỹ về Trung Quốc trích dẫn các chính sách điều tiết của Bắc Kinh và các thực tiễn khác để biện minh cho các mức thuế của Mỹ đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc.
Theo ông Gao, “mặc dù trong những năm gần đây, nhiều nhà hoạch định chính sách của Mỹ đã nói rằng các hành động thương mại chống lại Trung Quốc là do cách đối xử của Bắc Kinh đối với các công ty Mỹ, nhưng chính các chính sách bảo hộ của Washington đã hạn chế khả năng của chính phủ nước này trong việc phản ứng với các chính sách của Trung Quốc”.
Cụ thể, các chính sách thương mại của Mỹ đã hạn chế khả năng của chính nước này trong việc tìm cách khắc phục, thay đổi hoặc khuyến khích việc cải thiện các chính sách quản lý của Trung Quốc - những chính sách có thể gây thiệt hại cho công ty Mỹ.
Chuyên gia của Đại học Quản lý Singapore nhận định: “Ngay cả khi Mỹ đã vượt qua một số rào cản và thắng kiện Trung Quốc tại Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), nước này vẫn sẽ không thể hưởng thành quả của mình do sự tê liệt của Cơ quan Phúc thẩm WTO, trước sự tắc nghẽn dai dẳng của việc khởi động quy trình bổ nhiệm các thẩm phán của cả chính quyền ông Trump và ông Biden.
Nói một cách đơn giản, ngay cả khi Trung Quốc thua kiện, họ có thể chỉ cần kháng cáo và biến chiến thắng của Mỹ thành ‘giấy vụn’, khiến nước này không còn cách nào để giải quyết”.
Mỹ cần làm gì?
Ông Gao lưu ý rằng, có những vấn đề khác với cách tiếp cận của Mỹ: “Ngoài sự tắc nghẽn bất hợp lý trong việc bổ nhiệm các thẩm phán tại Cơ quan Phúc thẩm của WTO, có ít nhất hai sai lầm chiến lược khác trong 5 năm qua mà nếu được khắc phục, có thể đưa các công ty Mỹ vào một vị trí tốt hơn.
Một là cuộc đàm phán Hiệp ước Đầu tư song phương (BIT) giữa Mỹ và Trung Quốc, được khởi động vào năm 2008 và bị đình chỉ vô thời hạn khi ông Trump nhậm chức vào năm 2017.
Hai là việc ông Trump rút Mỹ khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), ngay khi ông bước vào Nhà Trắng. Cả hai thỏa thuận đều bao gồm một số tính năng hữu ích cho các nhà đầu tư Mỹ.
Ông Gao viết: “Thứ nhất, có những cam kết tiếp cận thị trường mở ra nhiều lĩnh vực hơn cho các nhà đầu tư Mỹ. Quan trọng hơn, các thỏa thuận đầu tư như vậy thường bao gồm các cơ chế nhằm đảm bảo rằng một bên sẽ không rút khỏi các cam kết hiện tại.
Vì một số động thái gần đây của Trung Quốc liên quan đến việc cấm các hoạt động kinh doanh, điều khoản này sẽ có ích.
Thứ hai, các hiệp định như vậy thường bao gồm các nghĩa vụ cơ bản bảo nhằm vệ lợi ích của các nhà đầu tư nước ngoài, chẳng hạn như tiêu chuẩn đối xử tối thiểu hoặc đối xử công bằng và bình đẳng, có thể mang lại hiệu quả hữu ích cho các nhà đầu tư nước ngoài khi đối phó với các quy định bột phát từ chính quyền sở tại.
Thứ ba, và quan trọng nhất, cả hai thỏa thuận sẽ bao gồm Cơ chế giải quyết tranh chấp giữa nhà đầu tư-nhà nước (ISDS), cho phép các nhà đầu tư nước ngoài bị ảnh hưởng tìm kiếm trọng tài độc lập. Trong các cuộc phân xử như vậy, các nhà đầu tư thường có cơ hội được bồi thường thỏa đáng tốt hơn nhiều so với các tòa án quốc gia của nước sở tại”.
Chuyên gia Gao khuyến nghị Mỹ quay trở lại Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP, kế thừa của TPP). Điều đó sẽ mang lại cho Mỹ và các công ty nước này đòn bẩy khi Trung Quốc cũng tham gia thỏa thuận.
Chuyên gia khuyến nghị Mỹ quay trở lại CPTPP. (Nguồn: CGTN) |
Ông Gao cảnh báo, “Mỹ cần phải làm điều này nhanh chóng, vì Trung Quốc đã nộp đơn xin gia nhập CPTPP. Mỹ có thời gian từ hai đến ba năm trước khi đơn xin gia nhập của Trung Quốc được thông qua.
Nhưng nếu Washington trì hoãn hơn nữa, sẽ vô cùng khó khăn, nếu không muốn nói là không thể”.
Ông Richard Haass, Chủ tịch Hội đồng Quan hệ đối ngoại Mỹ, nhắc lại những lo ngại của Phó Giáo sư Gao trên tờ Foreign Affairs. “Người thứ hai (ý nói ông Biden) đã tránh được sự cường điệu của người trước (ý nói ông Trump) - người đã rút Mỹ khỏi nhiều hiệp định thương mại ngoại trừ những hiệp định mà chính quyền của ông đàm phán.
Tuy nhiên, chính quyền ông Biden có rất ít động thái thể hiện sự quan tâm đến việc củng cố WTO, đàm phán các hiệp định thương mại mới hoặc gia nhập các hiệp định hiện có, bao gồm CPTPP. Việc đứng ngoài thỏa thuận khiến Mỹ ở ngoài lề của trật tự kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương”.
Chuyên gia Gao lưu ý rằng, các hiệp định thương mại và đầu tư quốc tế cung cấp phương cách để giải quyết những quy định "có vấn đề" của bất kỳ quốc gia nào.
Phó Giáo sư của Đại học Quản lý Singapore kết luận: “Thật không may, nhiều công cụ trong số này không có sẵn cho Mỹ, phần lớn là do Washington đã ‘tự cắt móng vuốt’ của mình bằng cách rút khỏi các hiệp định quốc tế được thiết kế để giải quyết chính xác những vấn đề như vậy.
Thật khó hiểu khi chính quyền ông Biden, với chính sách đối ngoại được tuyên bố là ủng hộ chủ nghĩa đa phương, lại có xu hướng tránh xa các nỗ lực xây dựng quy tắc quốc tế. Với các quy định gần đây của Trung Quốc, Mỹ cần cấp bách quay trở lại đấu trường nhằm xây dựng quy tắc quốc tế”.