📞

WHO công bố 6 nguyên tắc hướng dẫn việc thiết kế và sử dụng AI trong y tế

Chu Văn 09:44 | 02/07/2021
Việc sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) ngày càng tăng trong y tế tạo ra cả cơ hội và thách thức cho các Chính phủ, nhà cung cấp và cộng đồng. AI có nhiều hứa hẹn trong việc cải thiện việc cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe và y học trên toàn thế giới, nhưng điều này chỉ đạt được khi đạo đức và quyền con người được đặt làm trọng tâm trong quá trình thiết kế, triển khai và sử dụng.
Theo WHO, trí tuệ nhân tạo hứa hẹn sẽ cải thiện việc cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe trên toàn thế giới nếu đạo đức và quyền con người được đặt làm trọng tâm trong quá trình thiết kế.

Ngày 28/6, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công bố Báo cáo Đạo đức và quản trị trí tuệ nhân tạo trong y tế, là báo cáo toàn cầu đầu tiên về vấn đề này và là kết quả 2 năm tham vấn của hội đồng các chuyên gia quốc tế của WHO.

Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết, báo cáo cung cấp các hướng dẫn quan trọng cho các nước nhằm tối đa hóa lợi ích cũng như giảm thiểu các nguy cơ của AI.

AI đã được sử dụng ở một số nước phát triển nhằm nâng cao tốc độ và độ chính xác của việc chẩn đoán, hỗ trợ chăm sóc lâm sàng, tăng cường nghiên cứu và phát triển thuốc và hỗ trợ nhiều trong y tế công cộng như theo dõi bệnh dịch, ứng phó bệnh dịch và quản lý hệ thống y tế.

AI cũng cho phép bệnh nhân quản lý các vấn đề sức khỏe cũng như hiểu được các nhu cầu y tế của họ, nó cũng giúp các nước nghèo tài nguyên và các cộng đồng ở khu vực nông thôn tiếp cận tốt hơn với các dịch vụ y tế.

Mặc dù vậy, báo cáo cũng nêu cần đề phòng việc đánh giá quá mức về lợi ích của AI trong y tế, đặc biệt trong bối cảnh cần chi phí, đầu tư và chiến lược để đạt được mục tiêu bao phủ y tế toàn cầu.

Báo cáo cũng chỉ ra những thách thức và nguy cơ như: sử dụng dữ liệu một cách phi đạo đức, vấn đề an toàn của bệnh nhân, an ninh mạng, việc sử dụng AI không được kiểm soát có thể khiến quyền và lợi ích của bệnh nhân và của cộng đồng bị phụ thuộc vào lợi ích thương mại của các công ty công nghệ hoặc của các chính phủ trong giám sát và kiểm soát xã hội.

Do đó, các hệ thống AI cần được thiết kế cẩn thận để phản ánh sự đa dạng của các môi trường kinh tế xã hội và hệ thống y tế, đi kèm với đào tạo về kỹ năng kỹ thuật số, tăng cường sự tham gia cộng đồng và nâng cao nhận thức, đặc biệt là đối với hàng triệu nhân viên y tế.

Các chính phủ, nhà cung cấp và người lập trình phải làm việc cùng nhau để giải quyết các mối quan tâm về vấn đề đạo đức và nhân quyền ở mọi giai đoạn của quá trình thiết kế, phát triển và triển khai AI.

Sáu nguyên tắc để đảm bảo AI hoạt động vì lợi ích công cộng ở tất cả các quốc gia

Để hạn chế rủi ro và tối đa hóa các cơ hội nội tại của việc sử dụng AI cho sức khỏe, WHO đưa ra 6 nguyên tắc sau đây làm cơ sở cho các quy định và quản trị AI:

Bảo vệ quyền tự chủ của con người: Trong bối cảnh chăm sóc y tế, con người cần duy trì quyền kiểm soát các hệ thống chăm sóc sức khỏe và các quyết định y tế; quyền riêng tư và bí mật cần được bảo vệ, và bệnh nhân phải đưa ra sự đồng ý hợp lệ được thông qua các khuôn khổ pháp lý thích hợp để bảo vệ dữ liệu.

Thúc đẩy hạnh phúc và an toàn của con người và lợi ích công cộng: Các nhà thiết kế công nghệ AI phải đáp ứng các yêu cầu quy định về an toàn, độ chính xác và hiệu quả đối với các trường hợp sử dụng hoặc chỉ định được xác định rõ ràng. Phải có các biện pháp kiểm soát chất lượng trong thực tế và cải tiến chất lượng trong việc sử dụng AI.

Đảm bảo tính minh bạch, dễ giải thích và dễ hiểu: Tính minh bạch yêu cầu phải công bố hoặc ghi chép đầy đủ thông tin trước khi thiết kế hoặc triển khai công nghệ AI. Những thông tin đó phải dễ dàng tiếp cận và tạo điều kiện thuận lợi cho việc tham vấn và tranh luận có ý nghĩa của cộng đồng về cách công nghệ được thiết kế và cách nên hoặc không nên sử dụng công nghệ.

Tăng cường trách nhiệm và trách nhiệm giải trình đối với các bên liên quan: Mặc dù các công nghệ AI thực hiện các nhiệm vụ cụ thể, các bên liên quan có trách nhiệm đảm bảo rằng chúng được sử dụng trong các điều kiện thích hợp và bởi những người được đào tạo thích hợp. Cần có các cơ chế hiệu quả để đặt câu hỏi và giải quyết vấn đề cho các cá nhân và nhóm bị ảnh hưởng bất lợi bởi các quyết định dựa trên thuật toán.

Đảm bảo tính bao trùm và tiếp cận công bằng: Tính bao trùm đòi hỏi AI cho y tế phải được thiết kế để khuyến khích sử dụng và tiếp cận công bằng rộng rãi nhất có thể, không phân biệt tuổi tác, giới tính, thu nhập, chủng tộc, dân tộc, khuynh hướng tình dục, khả năng hoặc các đặc điểm khác được bảo vệ theo các quy định về quyền con người.

Thúc đẩy các giải pháp AI đáp ứng nhanh và bền vững: Các nhà thiết kế, nhà phát triển và người dùng cần đánh giá liên tục và minh bạch các ứng dụng AI trong quá trình sử dụng thực tế để xác định xem AI có đáp ứng đầy đủ và thích hợp với các kỳ vọng và yêu cầu hay không. Hệ thống AI cũng nên được thiết kế để giảm thiểu hậu quả môi trường và tăng hiệu quả sử dụng năng lượng. Các Chính phủ và công ty nên giải quyết những gián đoạn có thể có tại nơi làm việc, bao gồm đào tạo cho nhân viên chăm sóc sức khỏe để thích ứng với việc sử dụng hệ thống AI và khả năng mất việc làm do sử dụng các hệ thống tự động.

Những nguyên tắc này sẽ hướng dẫn hoạt động của WHO trong tương lai nhằm hỗ trợ các nỗ lực nhằm đảm bảo rằng toàn bộ tiềm năng của AI đối với chăm sóc y tế và sức khỏe cộng đồng sẽ được sử dụng vì lợi ích của tất cả mọi người.

(theo Phái đoàn Việt Nam tại Geneva)