📞

Xác định yêu sách chồng lấn trên biển: Các biện pháp khả thi từ góc nhìn của Giáo sư Australia

Vy Anh 19:34 | 21/10/2024
Tại Hội thảo quốc tế "Hợp tác vì biên giới, biển, đảo hòa bình và phát triển", Giáo sư Clive Schofield, Trung tâm Tài nguyên và an ninh đại dương quốc gia Australia tại Đại học Wollongong (Australia) chia sẻ cách tiếp cận trong phân chia các khu vực chồng lấn yêu sách thông qua phân định biển.
Giáo sư Clive Schofield (ngoài cùng bên trái) tham dự Hội thảo và có nhiều chia sẻ liên quan đến yêu sách chồng lấn trên biển. (Ảnh: Tuấn Anh)
Giáo sư Clive Schofield là chuyên gia địa lý biển và học giả luật quốc tế. Ông có 200 ấn phẩm được xuất bản, bao gồm 23 cuốn sách và chuyên khảo trong các lĩnh vực liên quan đến yêu sách chồng lấn trên biển. Ông từng tham gia các quá trình giải quyết hòa bình tranh chấp biên giới – lãnh thổ cùng một số vụ việc phân định biên giới quốc tế tại Tòa án Công lý quốc tế (ICJ).

Số lượng yêu sách gia tăng nhanh

Giáo sư Clive Schofield cho rằng, trong những thập niên trở lại đây, các yêu sách quyền tài phán trên biển đã mở rộng đáng kể. Các yêu sách mở rộng này bị hạn chế bởi khuôn khổ các vùng tài phán trên biển được quy định trong Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS).

Tuy nhiên, do các quốc gia ven biển nằm gần nhau, số lượng các yêu sách biển chồng lấn gia tăng nhanh chóng, trong đó nhiều trường hợp vẫn chưa được giải quyết.

Theo Giáo sư, các quốc gia ven biển thường không xác định chính xác ranh giới yêu sách biển đối với các quốc gia láng giềng, do đó phạm vi khu vực biển có yêu sách chồng lấn và các khu vực tiềm ẩn tranh chấp không được xác định rõ.

Giáo sư Clive Schofield cho biết, thực trạng này xảy ra bất chấp các quốc gia thành viên UNCLOS có nghĩa vụ nộp lưu chiểu thông tin địa lý tới Tổng thư ký Liên hợp quốc để làm rõ vị trí đường cơ sở, ranh giới ngoài của các vùng biển, cũng như các ranh giới biển.

Theo đó, có những “hố đen” trong quản trị đại dương, kẽ hở cho các hoạt động đánh bắt, thương mại trái phép ở các vùng biển tranh chấp. Ở một số trường hợp, những vùng biển tranh chấp đã trở thành điểm nóng khi bất đồng leo thang, làm gia tăng các mối đe dọa đối với hòa bình, an ninh khu vực và thế giới.

Các quốc gia thường nêu ra quyền tài phán với các vùng biển chồng lấn, được viện dẫn theo luật pháp quốc tế, do vậy, nếu không dàn xếp được giữa các quốc gia thì cần phải có biện pháp điều chỉnh tạm thời mà không phương hại đến các nước và thoả thuận cuối cùng.

Có nhiều hình thức dàn xếp như: Hoạch định một khu vực khai thác chung, nơi hai bên có thể hoạt động khai thác đánh bắt cá, thậm chí là khai thác dầu khí; xác định ranh giới tạm thời hoặc thỏa thuận không thực hiện các hoạt động nhất định.

Việt Nam hợp tác thúc đẩy nghề cá, chống đánh bắt bất hợp pháp. (Ảnh: CP)

Cần đạt được thỏa thuận dàn xếp tạm thời

“Cần xác định không gian biển chồng lấn trong tuyên bố chủ quyền và các điều khoản nào có thể áp dụng cho các khu vực có yêu sách chồng lấn. UNCLOS cũng chưa nhất quán và có những điểm khó áp dụng cho những vùng biển cụ thể. Có một sự mơ hồ, không chắc chắn trong việc áp dụng các điều khoản đối với tuyên bố chủ quyền vùng chồng lấn giữa các quốc gia”, Giáo sư phân tích thêm.

Hội thảo quốc tế “Hợp tác vì biên giới, biển, đảo hòa bình và phát triển” do Bộ Ngoại giao phối hợp với Phái đoàn Wallonie-Bruxelles tại Việt Nam tổ chức ngày 8/10 tại Hà Nội.

Hội thảo quy tụ khoảng 200 đại biểu là các học giả trong nước và quốc tế, đại diện các bộ, ngành địa phương biên giới và ven biển.

Việc tổ chức Hội thảo xuất phát từ ý nghĩa của công tác biên giới, lãnh thổ và yêu cầu thực tế khách quan của việc quản lý và hợp tác vì biên giới, biển, đảo hòa bình và phát triển.

Theo vị Giáo sư, cần có một bộ quy tắc ứng xử giữa các quốc gia cùng tuyên bố chủ quyền tại vùng biển chồng lấn đó và phải nỗ lực đạt được thỏa thuận hoặc dàn xếp tạm thời, không có các hành động ngăn cản việc đạt được thỏa thuận chung. Các bên trao đổi nội dung, nội hàm của bộ quy tắc ứng xử trên tinh thần thiện chí, một số trường hợp cần có tham chiếu, tận dụng các tiền lệ, án lệ để đạt được thỏa thuận ứng xử giữa các quốc gia, án lệ Guyana với Suriname là một điển hình.

Trong thời kỳ chuyển tiếp từ khi tranh chấp nổi lên tới khi đạt được dàn xếp, các nước có nghĩa vụ phải nỗ lực hết sức hướng tới thỏa thuận tạm thời có tính chất thực tiễn, nhưng không có nghĩa vụ đạt thỏa thuận và không gây phương hại hoặc cản trở việc đạt được thỏa thuận cuối cùng.

Thêm vào đó, việc tranh chấp chưa được dàn xếp không cản trở các hoạt động kinh tế ở khu vực tranh chấp. Tuy vậy, các nước cũng cần thận trọng trong việc cấp phép những hoạt động nhiều khả năng gây hại vĩnh viễn tới môi trường biển hoặc cản trở việc đạt được thỏa thuận cuối cùng. Ngoài ra, cần lưu ý rằng, các hoạt động thực thi pháp luật cũng có thể khiến việc đạt thỏa thuận thêm khó khăn.