Giữa bối cảnh Mỹ ban hành những quy định nghiêm ngặt đối với doanh nghiệp Trung Quốc niêm yết trên sàn chứng khoán Mỹ, doanh nghiệp Trung Quốc vẫn chạy đua đến Mỹ niêm yết. (Nguồn: CNBC) |
Mặc dù quan hệ Mỹ-Trung vẫn diễn biến căng thẳng, song số lượng doanh nghiệp Trung Quốc niêm yết trên thị trường chứng khoán Mỹ lại tăng lên.
Theo số liệu của hãng tin Bloomberg, từ đầu năm đến nay, doanh nghiệp Trung Quốc đã huy động 6,6 tỷ USD thông qua phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) ở Mỹ, cao gấp 8 lần so với cùng kỳ năm 2020.
Trong khi đó, số liệu của hãng cung cấp dịch vụ tài chính Deloitte tại Trung Quốc ghi nhận 20 công ty Trung Quốc niêm yết trên thị trường chứng khoán Mỹ trong quý I/2021, với tổng giá trị 4,37 tỷ USD, lần lượt tăng 233% về số lượng và 1.081% về giá trị so với cùng kỳ năm 2020.
Hợp tác tăng trưởng ngược xu hướng
Năm 2020, các doanh nghiệp Trung Quốc đã huy động được 15 tỷ USD thông qua hoạt động IPO ở Mỹ, chỉ thấp hơn mức kỷ lục được thiết lập vào năm 2014.
Năm 2021, giữa bối cảnh Mỹ ban hành những quy định nghiêm ngặt đối với doanh nghiệp Trung Quốc niêm yết trên sàn chứng khoán Mỹ, doanh nghiệp Trung Quốc vẫn chạy đua đến Mỹ niêm yết. Sở giao dịch chứng khoán New York dự tính năm nay có khoảng 60 doanh nghiệp Trung Quốc lên kế hoạch niêm yết trên thị trường chứng khoán Mỹ, thậm chí quy mô có thể vượt năm 2020.
Tại sao doanh nghiệp Trung Quốc phải mạo hiểm đến Mỹ niêm yết? Có rất nhiều nguyên nhân đằng sau câu chuyện này. So với Trung Quốc, tính thanh khoản của thị trường vốn Mỹ mạnh hơn, cơ sở đầu tư rộng hơn, trình tự và thủ tục phê duyệt tương đối đơn giản, thuận lợi.
Khi tốc độ chuyển đổi của nền kinh tế Trung Quốc tăng nhanh, đã xuất hiện rất nhiều công ty mô hình mới, giữa bối cảnh thị trường vốn Mỹ thường đánh giá cao và có cái nhìn tích cực đối với các công ty Internet và công ty công nghệ cao.
Ngoài ra, việc niêm yết trên thị trường chứng khoán Mỹ cũng có lợi cho việc nâng cao danh tiếng và uy tín toàn cầu của công ty, từ đó càng dễ dàng thu hút các nhân tài quản lý và công nghệ chất lượng cao.
Có thể thấy rằng cho dù môi trường chính trị Mỹ-Trung thay đổi như thế nào, sự vận động của thị trường vẫn có logic riêng và giữa hai thị trường vẫn có sức hút tự nhiên.
Theo số liệu thống kê do cơ quan Hải quan Trung Quốc công bố ngày 26/4, hoạt động xuất nhập khẩu giữa Trung Quốc và Mỹ tăng mạnh trong quý I/2021, đạt 81,26 tỷ Nhân dân tệ (12,55 tỷ USD), tăng 133,4% so với cùng kỳ, chiếm 12% tổng giá trị xuất nhập khẩu của Trung Quốc.
Sau 100 ngày cầm quyền, chính quyền Tổng thống Joe Biden đã xác lập quy tắc “cạnh tranh, hợp tác, đối đầu” để định nghĩa quan hệ Mỹ-Trung, nhưng trên thực tế 3 phần này không bằng nhau. Trong thiết kế chiến lược đối với Trung Quốc, mặt cạnh tranh, đặc biệt là đối đầu chiếm tỷ trọng lớn nhất.
Một số nhà nghiên cứu đã khái quát cụm từ trên là “huy động sức mạnh toàn chính phủ, toàn xã hội, toàn phương vị, toàn thế giới cạnh tranh với Trung Quốc”. Điển hình là vừa qua Ủy ban đối ngoại Thượng viện Mỹ đã đưa ra “Đạo luật cạnh tranh chiến lược năm 2021” để cạnh tranh toàn diện với Trung Quốc, đồng thời nhận được sự ủng hộ của cả hai đảng.
Mặc dù vậy, có một điều khó phủ nhận đó là nền tảng quan hệ Mỹ-Trung mới là khía cạnh hợp tác lớn nhất. Quan hệ kinh tế và thương mại trước đây được cho là “hòn đá tảng” trong quan hệ Mỹ-Trung và đến nay mối liên hệ kinh tế giữa hai nước vẫn khăng khít.
Trong bối cảnh đại dịch Covid-19, hợp tác kinh tế và thương mại Mỹ-Trung vẫn tăng trưởng ngược xu hướng, tổng giá trị thương mại hàng hóa song phương đạt hơn 580 tỷ USD trong năm 2020, tăng 8% so với cùng kỳ.
Về phương diện các vấn đề quốc tế, cho dù phải ứng phó với biến đổi khí hậu, kiểm soát dịch bệnh, hay hồi sinh kinh tế toàn cầu, nếu không có sự tham gia và hợp tác của Trung Quốc thì các tham vọng chiến lược quốc tế của Mỹ sẽ rất khó thực hiện.
Mỹ-Trung vẫn cùng "ngồi một thuyền"
Bất chấp việc lập trường chống Trung Quốc ở nước Mỹ là một sự “đúng đắn chính trị” như thế nào, các dòng chính và dòng phụ trong quan hệ Mỹ-Trung vẫn cần được phân biệt rõ ràng.
Cựu Bộ trưởng Tài chính Mỹ Lawrence Summers đã ví von Mỹ và Trung Quốc cùng ngồi trên một con thuyền đi trên vùng biển đầy sóng gió, do đó cho dù hai nước cảm nhận về nhau như thế nào thì cũng đều phải đưa ra những đảm bảo chiến lược cho nhau, tìm cách hợp tác.
'Ngoại giao bóng bàn' từng là cầu nối cho mối quan hệ Mỹ-Trung. (Nguồn: AP) |
Cách đây không lâu, khi phát biểu tại hoạt động kỷ niệm 50 năm “Ngoại giao bóng bàn” Mỹ-Trung, cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger nói rằng “Ngoại giao bóng bàn” đã thể hiện sự kỳ vọng của nhiều người vào tương lai, nghĩa là nhân dân hai nước có thể hiểu lẫn nhau dựa trên tầm quan trọng của hai nước trong cấu trúc thế giới và nền kinh tế toàn cầu.
Hiện nay, giữa Mỹ và Trung Quốc có những mối liên hệ khó tách rời. Đầu tiên là sự tôn trọng đối với lựa chọn của thị trường, duy trì chuỗi sản xuất toàn cầu. Dường như việc “chia tách” kinh tế Mỹ-Trung là điều không thể, thị trường sẽ phá vỡ rào cản chính trị với sức mạnh to lớn.
Chuỗi sản xuất hoàn chỉnh và hiệu quả mà Trung Quốc đã thiết lập trong mấy chục năm qua không có nước nào và khu vực nào có thể khôi phục và thay thế. Do đó, sự hồi phục của nền kinh tế Mỹ vẫn cần đến chuỗi sản xuất và thị trường khổng lồ của Trung Quốc. Hai cường quốc hợp tác phục hồi kinh tế mới có thể hồi sinh sức sống của nền kinh tế toàn cầu.
Tiếp theo là phối hợp trong quản trị toàn cầu. Hội nghị thượng đỉnh khí hậu đã mở ra một khởi đầu tốt, Mỹ chủ động mời, lãnh đạo Trung Quốc tham gia và phát biểu, thể hiện thiện chí lẫn nhau, tăng thêm lòng tin quản trị khí hậu toàn cầu.
Các chuyên gia cho rằng, thế giới thời kỳ hậu dịch bệnh cần cơ chế phối hợp mới, các nước lớn có thể suy nghĩ và hành động không biên giới, khôi phục chủ nghĩa đa phương để thúc đẩy đổi mới và tiến bộ của quản trị toàn cầu. Tiền đề vận hành hiệu quả của cơ chế phối hợp này là nhìn nhận thế giới dưới lăng kính các chế độ chính trị khác nhau, mô hình quản trị khác khác có thể cùng tồn tại và học tập lẫn nhau.
Mỹ và Trung Quốc là hai trụ cột ứng phó thách thức chung và duy trì trật tự toàn cầu, do đó, việc thiết lập các nguyên tắc cạnh tranh giữa hai nước, đồng thời bổ sung các nhân tố tích cực, thông qua tăng cường đối thoại để xây dựng lại lòng tin chính trị và mở rộng hợp tác là hướng đi của tương lai.
Có thể nói, “cửa sổ” cơ hội để Mỹ và Trung Quốc thiết lập quan hệ nước lớn mang tính xây dựng vẫn còn.