📞

Xây dựng thương hiệu quốc gia xanh Việt Nam: Cơ hội và thách thức

Hải An, Ngọc Minh 07:08 | 23/09/2023
Thương hiệu xanh giúp các quốc gia định vị mình là đất nước dẫn đầu về tính bền vững với các sản phẩm và dịch vụ được công nhận vì sự tôn trọng môi trường và phát triển bền vững.
Thương hiệu quốc gia xanh sẽ có ảnh hưởng ngày một mạnh mẽ hơn, đặc biệt khi nhiều quốc gia đang nỗ lực đạt được 17 Mục tiêu Phát triển bền vững của Liên hợp quốc. (Nguồn: Shutterstock)

Các yếu tố làm nên thương hiệu xanh cho một quốc gia

Tại Diễn đàn Thương hiệu quốc gia Việt Nam 2023 tổ chức hồi tháng 4/2023, trong phiên thảo luận với chủ đề “Định vị Thương hiệu quốc gia Việt Nam xanh”, Tiến sĩ Nancy Snow, Giáo sư danh dự Đại học bang California, Fullerton kiêm cố vấn thương hiệu quốc gia cho chính phủ Nhật Bản cho rằng, thương hiệu quốc gia (tức thương hiệu chung của một quốc gia trong tương quan với các quốc gia khác) cung cấp nền tảng cho tăng trưởng kinh tế dài hạn, nâng cao giá trị tài sản và mang lại lợi thế cạnh tranh, từ đó thu hút đầu tư, khách du lịch và nhiều lợi ích khác.

Bà nhấn mạnh: “Quan ngại xung quanh các vấn đề môi trường và phát triển bền vững đang ngày càng gia tăng. Do đó, thương hiệu quốc gia xanh sẽ có ảnh hưởng ngày một mạnh mẽ hơn, đặc biệt khi nhiều quốc gia đang nỗ lực đạt được 17 Mục tiêu Phát triển bền vững của Liên hợp quốc”.

Cho đến nay, cả giới học thuật lẫn thực tiễn đều chưa đưa ra định nghĩa hay mô hình hoàn chỉnh nào về thương hiệu xanh của một quốc gia. Cách tiếp cận điển hình là tích hợp các vấn đề môi trường và phát triển bền vững vào mô hình thương hiệu quốc gia chung.

Trao đổi với Báo TG&VN, nhóm nghiên cứu của Đại học RMIT do Tiến sĩ Erhan Atay và Tiến sĩ Đặng Thảo Quyên đứng đầu cho rằng, thương hiệu xanh của một quốc gia có thể được định nghĩa là “thương hiệu bao trùm của một đất nước, đặt trọng tâm và đạt kết quả vượt trội trong việc phát triển bền vững mà vẫn bảo vệ môi trường”.

Theo đó, các yếu tố cấu thành thương hiệu xanh của một quốc gia bao gồm nhận định của công dân trong nước và quốc tế về 6 vấn đề chủ yếu gồm:

Một là, các chính sách của chính phủ nhằm phát triển bền vững song song với bảo vệ môi trường.

Hai là, nguồn nhân lực của quốc gia – các kỹ năng và năng lực của nguồn nhân lực, phù hợp với các mục tiêu phát triển bền vững.

Ba là, các mặt hàng xuất khẩu của quốc gia, cụ thể là danh tiếng của các sản phẩm và dịch vụ có chất lượng tốt và thân thiện với môi trường.

Bốn là, sức hấp dẫn của ngành du lịch quốc gia và liệu du lịch có gắn liền với các hoạt động bảo vệ môi trường phù hợp hay không.

Năm là, văn hóa và di sản quốc gia gắn liền với các giá trị môi trường.

Sáu là, khả năng thu hút các cá nhân đến sinh sống, làm việc, học tập hay hấp dẫn các doanh nghiệp đến kinh doanh tại quốc gia, nhờ vào uy tín quốc gia được bồi đắp từ các hành động môi trường tích cực.

Tiến sĩ Erhan Atay cho biết: “Thương hiệu xanh giúp các quốc gia định vị mình là đất nước dẫn đầu về tính bền vững với các sản phẩm và dịch vụ được công nhận vì sự tôn trọng môi trường và phát triển bền vững”.

Cơ hội cho Việt Nam

Theo PGS. TS Ngô Văn Cẩm, Viện Quản trị và Công nghệ FSB - Đại học FPT, Việt Nam đang được đánh giá là quốc gia có rất nhiều tiềm năng về phát triển các lĩnh vực kinh tế xanh, không thâm dụng tài nguyên và lao động bởi Việt Nam có chất lượng nguồn nhân lực cao và đặc biệt, lao động chất xám của nước ta tương đối tốt so với các nước trong khu vực.

Việt Nam có thế mạnh trong lĩnh vực sản xuất chế biến, chế tạo, do vậy, cần lấy đây là yếu tố then chốt để xây dựng hình ảnh và thương hiệu quốc gia. Bên cạnh đó, Việt Nam đã và đang triển khai và cụ thể hóa tăng trưởng xanh thông qua "Chiến lược Quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2011 - 2020 và tầm nhìn đến năm 2050".

Ông Hoàng Minh Chiến - Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công Thương) cho rằng, hiện nay, tăng trưởng xanh được xem là chìa khoá đảm bảo thực hiện các mục tiêu của Chiến lược phát triển kinh tế xã hội từ năm 2021 - 2030, tạo đà cho Việt Nam đẩy mạnh chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo chiều sâu, đảm bảo tính bền vững. Các doanh nghiệp có sản phẩm, dịch vụ đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam là nhân tố tiên phong trong việc xây dựng thương hiệu xanh gắn với phát triển bền vững.

Các chuyên gia nhận định, sản xuất xanh chính là yêu cầu tiên quyết khi thâm nhập thị trường các nước trên thế giới và tham gia vào các hiệp định thương mại (FTA) như Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-Liên minh châu Âu (EVFTA)… bởi những FTA này đều có quy định khắt khe về tiêu chí môi trường. Vì vậy, thực hiện tốt sản xuất xanh cũng là một cơ hội tốt để tận dụng hiệu quả các FTA và đáp ứng yêu cầu của những thị trường khó tính như: Mỹ, Nhật Bản, châu Âu…

Hơn 36 năm đổi mới, Việt Nam đã đạt được một số tiến bộ trong việc xây dựng thương hiệu xanh cho đất nước. Từ năm 1993-2014, đã có 40 triệu người Việt Nam thoát nghèo. Tăng trưởng GDP luôn ở mức cao trong khu vực, hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, hình ảnh Việt Nam ngày càng được nâng cao trên các diễn đàn quốc tế.

Chinh phục thách thức

Tuy nhiên, hiện Việt Nam vẫn đang phải đối mặt với các vấn đề môi trường như ô nhiễm không khí và nước, nạn phá rừng và mất đa dạng sinh học.

Theo chuyên gia RMIT, năm 2022, Việt Nam xếp thứ 56/76 quốc gia về Chỉ số tương lai xanh (Green Future Index - GFI) của Viện Công nghệ Massachusetts và thứ 178/180 quốc gia về Chỉ số hiệu quả môi trường (Environmental Performance Index - EPI) của Đại học Yale.

Trong bối cảnh đó, Việt Nam đã đặt ra các mục tiêu phát triển cho từng ngành nghề dựa trên các mục tiêu môi trường. Tuy nhiên, Việt Nam đang đối mặt với thách thức trong việc đạt được những mục tiêu này do còn phụ thuộc vào các nguồn năng lượng truyền thống như than đá.

Tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc lần thứ 26 (COP26), Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đưa ra cam kết Việt Nam phấn đấu đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 và 2 cam kết khác có liên quan chặt chẽ đến ngành nông nghiệp là: cam kết tham gia sáng kiến “Giảm phát thải khí methan toàn cầu” và cam kết thực hiện “Tuyên bố Glasgow về rừng và sử dụng đất”.

Sản xuất xanh chính là yêu cầu tiên quyết khi thâm nhập thị trường các nước trên thế giới. (Nguồn: clv.vn)

Chính phủ cũng đã có nhiều bước tiến trong việc triển khai mô hình tài chính bền vững, bằng cách xây dựng khuôn khổ bài bản về tài chính xanh cho các dự án khả thi. Khuôn khổ này nhằm thúc đẩy đầu tư vào các dự án thân thiện với môi trường và khuyến khích áp dụng các thông lệ bền vững trong nhiều lĩnh vực khác nhau.

Trả lời câu hỏi Việt Nam cần phải làm gì để thúc đẩy tính bền vững và nhận thức về môi trường ở cấp quốc gia, Tiến sĩ Đặng Thảo Quyên, giảng viên Đại học RMIT, cho rằng: “Việt Nam cần áp dụng các chính sách và thông lệ bền vững, quảng bá sản phẩm và dịch vụ thân thiện với môi trường, đồng thời thu hút người dân và doanh nghiệp cùng nỗ lực cải thiện môi trường. Một cách nữa là đưa các yêu cầu liên quan đến thực hành xanh và bền vững làm tiêu chí bắt buộc cho doanh nghiệp khi bình chọn các Thương hiệu quốc gia của Việt Nam”.

Trao đổi với Báo TG&VN, chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Minh Phong cho rằng: “Xanh hoá để tăng trưởng bền vững mang lại nhiều lợi ích thiết thực cả kinh tế và giá trị vô hình, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp, nhất là trong bối cảnh Việt Nam tham gia sâu rộng vào hội nhập kinh tế quốc tế. Xu hướng tiêu dùng của thế giới và trong nước cũng đang chuyển dịch nhanh sang các sản phẩm thân thiện với môi trường đặt ra những bài toán mới cho doanh nghiệp Việt Nam. Đó là doanh nghiệp phải nâng cao trách nhiệm xã hội, đạo đức kinh doanh, nhất là tuân thủ nghiêm các quy định về môi trường.

Với yêu cầu trên, doanh nghiệp cần phải chuyển đổi sản xuất xanh thông qua đầu tư khoa học, đổi mới công nghệ, nâng cao hiệu quả sản xuất. Gắn liền với quá trình chuyển đổi là tái cơ cấu sản xuất kinh doanh, tiến tới tạm dừng sản xuất sản phẩm có phác thải lớn gây ô nhiễm môi trường và thay thế bằng các dòng sản phẩm thân thiện, tiết kiệm năng lượng”.

Trong khi đó, Giáo sư Robert McClelland, Trưởng khoa Kinh doanh Đại học RMIT Việt Nam, nói: “Bằng cách thúc đẩy các hoạt động và sản phẩm thân thiện với môi trường, Việt Nam có thể trở thành một quốc gia có trách nhiệm và bền vững, thu hút thêm nhiều khách du lịch, người tiêu dùng và nhà đầu tư toàn cầu quan tâm đến bảo vệ môi trường, từ đó thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế”.