Xuất khẩu ngày 13-17/9: Chính quyền Đông Hưng (Quảng Tây, Trung Quốc) thông báo tạm dừng thông quan nhập khẩu đối với mặt hàng thanh long của Việt Nam qua khu vực cầu phao tạm Đông Hưng từ 15 - 21/9/2021. (Nguồn: ĐT) |
Trung Quốc tạm dừng nhập khẩu thanh long tại cầu phao tạm Đông Hưng
Bộ Công Thương vừa nhận được thông tin từ Sở Công Thương tỉnh Quảng Ninh về việc chính quyền Đông Hưng, Quảng Tây (Trung Quốc) thông báo tạm dừng thông quan nhập khẩu đối với mặt hàng thanh long của Việt Nam qua khu vực cầu phao tạm Đông Hưng trong vòng 7 ngày, từ 15 - 21/9/2021 do phát hiện virus SARS-CoV-2 trên bao bì bọc quả thanh long và thùng catton đựng thanh long nhập khẩu từ Việt Nam.
Theo thông báo của chính quyền Đông Hưng, sau 23h ngày 21/9, mặt hàng thanh long sẽ tự động được khôi phục thông quan nhập khẩu qua địa điểm này.
Tuy nhiên, nếu tiếp tục phát hiện virus SARS-CoV-2 (bằng phương pháp xét nghiệm PCR) trên thanh long hoặc mặt hàng khác, cơ quan phòng chống dịch Covid-19 chính quyền Đông Hưng sẽ gia hạn thời gian tạm dừng thông quan nhập khẩu thêm 1 tuần đối với mặt hàng đó. Nếu phát hiện 3 lần dương tính, mặt hàng đó sẽ bị tạm dừng thông quan 4 tuần.
Vì vậy, Sở Công Thương Quảng Ninh đã có văn bản thông báo tới Sở Công Thương các địa phương, doanh nghiệp, thương nhân thường xuyên hoạt động xuất khẩu tại điểm xuất hàng Km 3+4 để chủ động phương án phân luồng hàng hóa.
Bộ Công Thương khuyến cáo các doanh nghiệp xuất khẩu thanh long chủ động theo dõi, cập nhật thông tin và trao đổi với đối tác Trung Quốc để thay đổi địa điểm giao nhận hàng phù hợp.
Đồng thời, yêu cầu các tỉnh, thành phố, doanh nghiệp học tập kinh nghiệm của tỉnh Bắc Giang chủ động kiểm tra, rà soát quy trình thu hoạch, đóng gói, chế biến và vận chuyển nông sản, nhất là trái cây để giúp đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm trong bối cảnh dịch Covid-19.
Dự báo xuất khẩu cà phê sang Hàn Quốc tăng
Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, năm 2020 và những tháng đầu năm 2021, nhập khẩu cà phê của Hàn Quốc tăng do nhu cầu tiêu thụ cà phê tại nhà tăng mạnh bởi ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Vì vậy, các chuyên gia cho rằng xuất khẩu cà phê của Việt Nam sang Hàn Quốc được dự báo sẽ có cơ hội tăng trưởng trong thời gian tới.
Tin liên quan |
Chuyển đổi số nông nghiệp, thay đổi tư duy, phát huy vai trò trụ đỡ của nền kinh tế trong và sau Covid-19 |
Theo Cục Xuất nhập khẩu, thị phần cà phê của Việt Nam trong tổng lượng nhập khẩu của Hàn Quốc tăng nhẹ từ 20,35% trong 6 tháng đầu năm 2020 lên 20,56% trong 6 tháng đầu năm 2021.
Dẫn số liệu thống kê từ Trung tâm Thương mại Quốc tế, Cục Xuất Nhập khẩu đã chỉ rõ, nhập khẩu cà phê của Hàn Quốc trong 6 tháng đầu năm 2021 đạt 94,84 nghìn tấn, trị giá 432,45 triệu USD, tăng 11,7% về lượng và tăng 30,3% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.
Theo Cục Xuất Nhập khẩu, giá cà phê của Hàn Quốc đạt mức 4.560 USD/tấn, tăng 16,6% so với 6 tháng đầu năm 2020; trong đó, giá nhập khẩu bình quân cà phê của Hàn Quốc từ các thị trường chính tăng nhưng giá nhập khẩu từ Brazil và Việt Nam giảm.
6 tháng đầu năm 2021, Hàn Quốc tăng nhập khẩu cà phê từ hầu hết các thị trường cung cấp chính. Số liệu thống kê cho thấy, nhập khẩu cà phê của Hàn Quốc từ Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2021 đạt xấp xỉ 19,5 nghìn tấn, trị giá 30,82 triệu USD, tăng 12,8% về lượng và tăng 5,2% về trị giá so với 6 tháng đầu năm 2020.
Xuất khẩu gỗ sang thị trường Mỹ rất khả quan
Số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tới thị trường Mỹ trong tháng 8/2021 đạt 540 triệu USD, giảm 24,2% so với tháng 8/2020. Tuy nhiên, lũy kế 8 tháng đầu năm 2021, kim ngạch xuất khẩu vẫn đạt 6,4 tỷ USD, tăng 60% so với cùng kỳ năm 2020.
Lý giải về điều này, ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFOREST), cho biết, đơn hàng của các doanh nghiệp xuất khẩu vẫn về nhiều nhưng do quan ngại giá cước vận tải đang ngày càng tăng cao. Hơn nữa, tình hình trở nên nghiêm trọng khi dịch Covid-19 bùng phát trở lại tại các trung tâm chế biến gỗ lớn, đặc biệt là Bình Dương và Đồng Nai kể từ hồi tháng 4/2021.
Theo VIFOREST, sự phục hồi của nền kinh tế Mỹ đang thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ đồ gỗ tại thị trường này, nhất là dịp cuối năm. Tổng nhu cầu có thể lên tới 100 tỷ USD trong năm 2021 khi nền kinh tế này được dự báo tăng trưởng 6-7%. Do đó, cơ hội xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tới thị trường Mỹ rất khả quan nếu tình hình dịch bệnh được kiểm soát.
Đáng chú ý, theo nguồn mordorintelligence.com, dự báo thị trường đồ nội thất gia đình của Mỹ tăng trưởng bình quân 3% trong giai đoạn 2021-2026 với động lực chính là thị trường xây dựng nhà đang cải thiện. Điều này thúc đẩy việc nhập khẩu các sản phẩm gỗ và đồ gỗ trong khi nguồn cung tại Mỹ không đáp ứng được nhu cầu.
Tuy nhiên, bên cạnh những khó khăn do dịch bệnh, ngành gỗ cũng tiềm ẩn những rủi ro khác. Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) vừa cảnh báo 10 sản phẩm có nguy cơ bị áp dụng biện pháp chống lẩn tránh, gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp hoặc biện pháp phòng vệ thương mại, trong đó có 3 mặt hàng gỗ gồm: Gỗ dán từ nguyên liệu gỗ cứng, tủ gỗ, ghế sofa có khung gỗ, các mặt hàng này đều xuất khẩu tới thị trường Mỹ.
Lũy kế 8 tháng năm 2021, xuất khẩu gạo đạt 3,93 triệu tấn, kim ngạch đạt 2,1 tỉ USD, giảm 13,4% về lượng và 5,5% về giá trị so với cùng kỳ năm trước. (Nguồn: Vietnamplus) |
Xuất khẩu gạo trầm lắng
Trong các mặt hàng nông, lâm, thủy sản xuất khẩu bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, gạo là mặt hàng bị tác động khá lớn, sụt giảm tới 14,8% so với cùng kỳ năm trước.
Theo các thương nhân, từ tháng 5 đến nay thị trường xuất khẩu gạo bắt đầu trầm lắng. Số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, trong tháng 8.2021, cả nước xuất khẩu 440 nghìn tấn gạo, đạt trị giá 210 triệu USD.
Lũy kế 8 tháng năm 2021, xuất khẩu gạo đạt 3,93 triệu tấn, kim ngạch đạt 2,1 tỉ USD, giảm 13,4% về lượng và 5,5% về giá trị so với cùng kỳ năm trước.
Xét về thị trường xuất khẩu 8 tháng qua, gạo của Việt Nam, xuất khẩu nhiều nhất sang thị trường Philippines, chiếm 36,4% trong tổng lượng và chiếm 35,3% trong tổng kim ngạch gạo xuất khẩu của cả nước; Trung Quốc đứng vị trí thứ 2, chiếm 18%; Bờ Biển Ngà đứng thứ 3, chiếm trên 7%.
Trong 8 tháng qua, xuất khẩu gạo sang Malaysia giảm rất mạnh: Giảm 59,7% về lượng, giảm 50,5% về kim ngạch.
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), giá xuất khẩu gạo trong 2 tuần qua đã tăng và đạt mức 409 USD/tấn (gạo 5% tấm), tạo phấn khởi cho các thương nhân Việt Nam.
Tuy nhiên, nhiều chủ doanh nghiệp cũng tỏ ra sốt ruột khi dịch Covid-19 đang tác động đến hoạt động xuất khẩu gạo, trong khi cuối năm là thời điểm xuất khẩu nhiều nhất để đón đầu sự kiện Noel và năm mới ở các nước châu Âu.
| Kinh tế thế giới nổi bật tuần (10-16/9): Nga ra đòn với công ty công nghệ nước ngoài; Trung Quốc giảm tốc; Mỹ lo thâm hụt ngân sách cao thứ 2 lịch sử |
Xuất khẩu sắt thép tiếp tục vượt mốc 1 tỷ USD
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, trong tháng 8/2021, xuất khẩu sắt thép các loại đạt 1,53 triệu tấn với trị giá gần 1,5 tỷ USD, tăng 33,8% về lượng và tăng 35,2% về trị giá so với tháng trước.
So với tháng 8/2020, trị giá xuất khẩu của mặt hàng này cao gấp 2,5 lần. Đây là tháng có trị giá xuất khẩu sắt thép các loại cao nhất từ trước đến nay và là tháng thứ hai liên tiếp vượt trên 1 tỷ USD.
Trước đó, trong tháng 7/2021, xuất khẩu sắt thép các loại đạt 1,15 triệu tấn với trị giá 1,077 tỷ USD, tăng 12,4% về lượng và tăng 16,8% về trị giá so với tháng 6/2021.
Như vậy, tính từ đầu năm đến hết tháng 8/2021, cả nước xuất khẩu 8,54 triệu tấn sắt thép các loại với trị giá đạt gần 7,1 tỷ USD; tăng 43,4% về lượng và 127% về trị giá so với cùng kỳ năm trước.
Sắt thép các loại được các doanh nghiệp xuất khẩu chủ yếu sang các thị trường: ASEAN đạt 2,7 triệu tấn (xấp xỉ mức xuất khẩu của cùng kỳ năm trước); Trung Quốc đạt 1,8 triệu tấn, giảm 13,2%.
Tuy nhiên, tại hai thị trường Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ, xuất khẩu nhóm hàng này tăng vượt trội. Cụ thể, xuất khẩu sang EU đạt 1,43 triệu tấn, tăng 7,5 lần, sang Mỹ đạt 540 nghìn tấn, tăng gấp 4 lần so với cùng kỳ năm trước.
Từ chiều ngược lại, trong tháng 8/2021, nhập khẩu sắt thép đạt 0,93 tỷ USD. Tính chung 8 tháng năm 2021, nhập khẩu sắt thép đạt hơn 7,73 tỷ USD, tăng gần 43% so với cùng kỳ năm 2020.
| Chuyển đổi số nông nghiệp, thay đổi tư duy, phát huy vai trò trụ đỡ của nền kinh tế trong và sau Covid-19 Thúc đẩy mạnh mẽ quá trình chuyển đổi số, thay thế các mô hình công nghệ nông nghiệp… góp phần đưa đất nước tiến lên, ... |
| Kinh tế thế giới nổi bật tuần (10-16/9): Nga ra đòn với công ty công nghệ nước ngoài; Trung Quốc giảm tốc; Mỹ lo thâm hụt ngân sách cao thứ 2 lịch sử Thâm hụt ngân sách của Mỹ có thể cao thứ 2 trong lịch sử; Nga áp thuế công ty công nghệ nước ngoài; Trung Quốc ... |