📞

Xuất khẩu ngày 14-18/8: Nhãn Việt 'đắt khách' tại siêu thị Thái Lan; Bộ Công Thương triển khai loạt giải pháp điều hành xuất khẩu gạo

Vân Chi 13:00 | 18/08/2023
Nhãn Việt "đắt khách tại siêu thị Thái Lan, giá bán lên tới 230.000 đồng/kg; Bộ Công Thương triển khai loạt giải pháp điều hành xuất khẩu gạo... là những tin nổi bật trong bản tin xuất khẩu ngày 14-18/8.

Nhãn Việt "đắt khách tại siêu thị Thái Lan, giá bán lên tới 230.000 đồng/kg

Ngày 18/8/2023, người tiêu dùng thăm quan và mua sắm tại siêu thị Tops (nằm trong Trung tâm thương mại CentralwOrld (thủ đô Bangkok, Thái Lan), có thể mua trái nhãn nhập khẩu từ Việt Nam – loại nhãn theo tiêu chuẩn Global GAP, thu hoạch tại vùng trồng có mã số đạt chuẩn đủ điều kiện để xuất khẩu đi thị trường Thái Lan.

Đây là kết quả sau nhiều nỗ lực của Central Retail Việt Nam và đối tác trong việc thúc đẩy xuất khẩu trái nhãn của Việt Nam sang thị trường Thái Lan qua kênh bán lẻ hiện đại.

Với giá bán khuyến mãi hấp dẫn 259 Baht/500g, giảm giá chỉ còn 169 Baht/500g (khoảng 230.000 đồng/kg), dự kiến, có khoảng 2,3 tấn nhãn đến từ vùng đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam sẽ được tiêu thụ trên hệ thống bán lẻ Tops của Central Retail Thái Lan trong dịp này.

Ông Paul Le - Phó Chủ tịch Tập đoàn Central Retail tại Việt Nam - cho biết, hiện nay, trái nhãn của Việt Nam đang vào mùa. Năm ngoái, Central Retail Việt Nam đã thử nghiệm xuất khẩu gần 1 tấn trái nhãn sang Thái Lan, và chúng tôi nhận thấy người tiêu dùng Thái Lan rất thích sản phẩm này. Đây cũng là lý do, năm nay chúng tôi xuất khẩu nhãn sang Thái Lan tăng trưởng 140% so với năm ngoái. Chúng tôi cũng đang nỗ lực để có thể xuất khẩu trái nhãn của Việt Nam sang Thái Lan tăng trưởng đều đặn qua từng năm.

Trước đó, vào giữa tháng 7 năm nay, Central Retail Việt Nam đã phối hợp cùng đối tác thực hiện xuất khẩu chính ngạch 3 tấn vải thiều Lục Ngạn, Bắc Giang sang thị trường Thái Lan.

Trái vải của Việt Nam đã được bày bán bắt mắt trên quầy kệ của hệ thống đại siêu thị Tops, Central Food Hall (chuỗi kinh doanh bán lẻ thực phẩm của tập đoàn Central Group) để bán cho người tiêu dùng ở thủ đô Bangkok. Giá bán vải thiều của Việt Nam tại Thái Lan là 259 bath/hộp, tương đương 173.000 đồng/kg.

Việc Central Retail phối hợp cùng đối tác liên tiếp thực hiện xuất khẩu thành công trái vải và nhãn sang Thái Lan, cho thấy thị trường này có nhiều tiềm năng, và nhiều cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam tìm kiếm cơ hội hợp tác, kinh doanh.

Bộ Công Thương triển khai loạt giải pháp điều hành xuất khẩu gạo

Thông tin từ Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), thời gian qua, tình hình thương mại lương thực toàn cầu diễn biến phức tạp, khó lường do tác động bởi nhiều yếu tố như lệnh cấm xuất khẩu gạo tại một số nước (Ấn Độ, UAE, Nga); hiện tượng El Nino gây ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất lương thực, ngũ cốc tại nhiều khu vực; diễn biến địa chính trị còn diễn biến phức tạp (Nga tuyên bố rút khỏi thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen)...

Điều này đã tác động mạnh đến nguồn cung sản lượng gạo toàn cầu, làm quan ngại về các vấn đề an ninh lương thực thế giới cũng như ảnh hưởng đến xu hướng phục hồi kinh tế của nhiều quốc gia khi tình trạng lạm phát chưa được cải thiện.

Trong bối cảnh tình hình lương thực thế giới có nhiều biến động, Bộ Công Thương đã triển khai loạt giải pháp điều hành xuất khẩu gạo. (Nguồn: Báo Lao động)

Là đơn vị chịu trách nhiệm quản lý nhà nước về thương mại gạo, trước bối cảnh diễn biến khó lường của thị trường toàn cầu, đồng thời, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 610/CĐ-TTg ngày 03/7/2023 về việc tăng cường thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu gạo và Chỉ thị số 24/CT-TTg ngày 5/8/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia và thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu gạo bền vững trong giai đoạn hiện nay, Bộ Công Thương đã có văn bản đề nghị Hiệp hội Lương thực Việt Nam và các thương nhân thực hiện nghiêm túc quy định tại Nghị định 107/2018/NĐ-CP.

Trong đó, thường xuyên duy trì mức dự trữ lưu thông tối thiểu, đảm bảo cân đối xuất khẩu và tiêu dùng nội địa, góp phần bình ổn giá thóc, gạo tại thị trường trong nước đồng thời báo cáo tình hình lượng thóc, gạo tồn kho, tình hình ký kết hợp đồng và thực hiện hợp đồng xuất khẩu theo quy định hiện hành. Đồng thời, chủ động bám sát tình hình thị thường thương mại toàn cầu để tổ chức phương án sản xuất, giao dịch đàm phán phù hợp, bảo đảm hiệu quả xuất khẩu.

Để công tác phối hợp chặt chẽ giữa các Bộ, ngành, địa phương, Hiệp hội Lương thực và các thương nhân, Bộ Công Thương đã chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thành phố Cần Thơ tổ chức Hội nghị triển khai công tác điều hành xuất khẩu gạo vào ngày 4/8. Trên cơ sở đó, cùng thống nhất triển khai quyết liệt nhóm giải pháp để đảm bảo nguồn cung, bình ổn giá lương thực trong nước và tạo thuận lợi, hạn chế rủi ro cho hoạt động kinh doanh xuất khẩu gạo trong những tháng cuối năm.

Nhằm cân đối cung cầu, bình ổn giá, đảm bảo an ninh lương thực trong nước, Bộ Công Thương đã có văn bản đề nghị UBND các địa phương thực hiện trách nhiệm đã quy định tại Nghị định số 107/2018/NĐ-CP.

Theo đó, chỉ đạo Sở Công Thương đôn đốc các doanh nghiệp tham gia Chương trình Bình ổn thị trường trên địa bàn có phương án về nguồn hàng thóc, gạo để đảm bảo cung ứng cho thị trường từ nay đến cuối năm. Chỉ đạo các doanh nghiệp xuất khẩu gạo trên địa bàn duy trì lượng thóc, gạo dự trữ bình ổn thị trường theo quy định để sẵn sàng cung ứng ra thị trường khi cần thiết.

Ngoài ra, chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng tại các địa phương để theo dõi sát tình hình, kiểm tra, giám sát hoạt động sản xuất, lưu thông, tiêu thụ lúa, gạo trên địa bàn và việc duy trì mức dự trữ lưu thông tối thiểu của các thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo theo quy định; xử lý nghiêm các trường hợp đầu cơ, trục lợi bất chính, đẩy giá lúa gạo lên cao bất hợp lý, gây bất ổn thị trường trong nước.

Để tiếp tục triển khai thực hiện những nhiệm vụ được giao tại Công điện số 610/CĐ-TTg và Chỉ thị số 24/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia và thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu gạo bền vững trong giai đoạn hiện nay, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ban hành Chỉ thị số 07/CT-BCT ngày 15/8/2023 về tăng cường công tác thông tin thị trường, xúc tiến thương mại, phát triển thị trường xuất khẩu gạo và bình ổn thị trường trong nước trong giai đoạn hiện nay. Theo đó, giao nhiệm vụ cho các đơn vị chức năng thuộc Bộ Công Thương, Sở Công Thương các địa phương, Hiệp hội Lương thực Việt Nam và thương nhân tập trung triển khai các nhóm giải pháp.

Cụ thể, về hoàn thiện thể chế, khẩn trương rà soát, hoàn thiện Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 107/2018/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh xuất khẩu nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý cho cơ chế xuất khẩu gạo, tạo môi trường kinh doanh minh bạch, công bằng và thuận lợi cho các thương nhân xuất khẩu gạo.

Đối với công tác tìm kiếm, thông tin và phát triển thị trường, tiếp tục theo dõi sát tình hình thị trường thương mại gạo thế giới, động thái của các nước sản xuất, xuất khẩu lớn và kịp thời thông tin tới các bộ, ngành, Hiệp hội Lương thực Việt Nam, thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo để chủ động, điều tiết hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu gạo, bảo đảm phù hợp, hiệu quả.

Đồng thời, chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan triển khai các chương trình, hoạt động giao thương, quảng bá sản phẩm, xúc tiến thương mại gạo phù hợp với tình hình mới để nâng cao giá trị sản phẩm gạo của Việt Nam. Phối hợp với Bộ Ngoại giao, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khai thác tốt cơ chế ưu đãi của các FTA mà nước ta là thành viên để chủ động đàm phán với các đối tác nhằm đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, chiếm lĩnh các thị trường mới, tiềm năng và nâng cao tính cạnh tranh cho ngành hàng gạo Việt Nam.

Ngoài ra, hướng dẫn, hỗ trợ thương nhân kinh doanh, xuất khẩu gạo nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh; khả năng đàm phán, ký kết, thực hiện hợp đồng xuất khẩu và xử lý có hiệu quả tranh chấp thương mại quốc tế.

Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, kết hợp linh hoạt, hiệu quả giữa các hình thức thương mại truyền thống và trực tuyến nhằm thúc đẩy quan hệ hợp tác về thương mại gạo với các thị trường truyền thống (như Philippines, Indonesia, khu vực châu Phi, Trung Quốc) và khai thác các thị trường ngách với chủng loại gạo thơm, gạo chất lượng cao mà ta đã thâm nhập được trong các năm vừa qua (như EU, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, khu vực Bắc Mỹ…).

Bộ Công Thương đang phối hợp với Hiệp hội Lương thực Việt Nam tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức của thương nhân về những quy định của các cơ chế hợp tác đa phương và song phương mà nước ta đã ký kết để tận dụng tối đa lượng hạn ngạch thuế quan dành cho Việt Nam.

Đối với công tác kiểm tra, giám sát, Bộ Công Thương đã, đang và sẽ tiếp tục chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương và Hiệp hội Lương thực Việt Nam triển khai kiểm tra thi hành pháp luật về kinh doanh xuất khẩu gạo theo quy định tại Nghị định số 107/2018/NĐ-CP ngày 15/8/2018 của Chính phủ về kinh doanh xuất khẩu gạo.

Bộ Công Thương còn chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường tại địa phương tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng tại các địa phương theo dõi sát tình hình giá gạo, kiểm tra, kiểm soát các cơ sở kinh doanh, đầu mối bán buôn, bán lẻ, các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, các kho nhằm kiểm soát nguồn cung, giá bán, ngăn chặn các hành vi vi phạm về niêm yết giá, đầu cơ, găm hàng, định giá bất hợp lý đối với mặt hàng gạo. Tăng cường kiểm tra, ngăn chặn việc vận chuyển, kinh doanh gạo không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm.

Hiện nay, Bộ Công Thương vẫn đang tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, địa phương để theo dõi sát tình hình thị trường, kịp thời nắm bắt khó khăn vướng mắc của các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu gạo để phối hợp đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu gạo từ nay đến cuối năm.

Thanh long là nông sản thứ hai của Việt Nam ứng dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc carbon. (Nguồn: Báo Công Thương)

Thanh long Bình Thuận thêm lợi thế cạnh tranh

Sau tôm, thanh long là nông sản thứ hai của Việt Nam ứng dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc carbon và đây sẽ là lợi thế cạnh tranh khi xuất khẩu.

Hệ thống truy xuất nguồn gốc điện tử theo dõi xuất xứ và dấu chân carbon trên trái thanh long Bình Thuận giúp người tiêu dùng biết rõ lượng phát thải carbon trong từng công đoạn sản xuất.

Hệ thống này do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) đang triển khai thí điểm trên trái thanh long được trồng tại Bình Thuận, lần đầu tiên giới thiệu tại Hội nghị chuyển đổi số hướng tới nông nghiệp xanh và phát triển bền vững, diễn ra ngày 17/8, tại Hà Nội.

Hệ thống này giúp người tiêu dùng trong nước và các nước nhập khẩu khi mua trái thanh long được trồng tại Bình Thuận có thể quét mã QR truy xuất nguồn gốc để biết rõ lượng khí carbon trong từng công đoạn sản xuất, biết được mức độ thực hành "xanh" hoặc thân thiện với môi trường của loại trái cây này.

Trong hệ thống này, các thiết bị thông minh lắp đặt tại vườn trồng sẽ tự động đo lường phát thải khí carbon và cập nhật lên không gian mạng, cho phép theo dõi và thống kê dấu chân carbon theo thời gian thực.

Đặc biệt, công nghệ này còn phân tích để đưa ra các giải pháp giảm phát thải carbon trong sản xuất. Cụ thể, nếu vườn trồng chuyển đổi sử dụng điện chiếu sáng từ bóng compact sang đèn led sẽ giúp giảm tới 68% lượng phát thải từ sử dụng điện năng.

Ngoài ra, nếu trồng xen cây thân gỗ tại các bờ bao, đường ranh giới, khoảng trống trong vườn sẽ giúp hấp thu đáng kể lượng khí carbon do cây thanh long thải ra. Theo ước tính, nếu vườn trồng 100-300 cây thân gỗ/ha sẽ hấp thụ được 0,9-2,8 tấn CO2/ha/năm, tương đương giảm 20-45% lượng phát thải.

(tổng hợp)