Bấm nút triển khai chương trình hỗ trợ thông tin xuất khẩu. (Nguồn: Bộ Công Thương) |
Bộ Công Thương khởi động chương trình hỗ trợ thông tin xuất khẩu quy mô lớn
Chiều 18/11, Bộ Công Thương đã tổ chức Lễ khởi động chuỗi chương trình tư vấn, cung cấp thông tin cho địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp Việt Nam về thị trường xuất nhập khẩu.
Thông tin về chương trình, ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương) - cho hay chuỗi chương trình tư vấn, cung cấp thông tin tập trung vào các nhóm nội dung gồm: cung cấp thông tin cập nhật về các quy định, tiêu chuẩn, điều kiện xuất nhập khẩu của các nước trên thế giới, các cam kết quốc tế về sản phẩm xuất, nhập khẩu.
Theo ông Phú, chuỗi chương trình sẽ được triển khai từ ngày 19/11 và kéo dài trong vòng 1 tháng với mật độ lớn, tần suất cao gồm 20 phiên tư vấn theo hình thức trực tuyến kết hợp trực tiếp, tập trung vào các thị trường tiềm năng.
"Dự kiến chương trình sẽ là hoạt động xúc tiến thương mại thường niên của Bộ Công Thương, quy mô 50-60 phiên tư vấn/năm", ông Phú thông tin.
Năm 2021, xuất khẩu dệt may có thể cán mốc 38 tỷ USD
Số liệu của Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) cho thấy, ngành dệt may đạt kim ngạch xuất khẩu khoảng 32 tỷ USD trong 10 tháng qua, tăng gần 11% so với cùng kỳ 2020. Hai tháng còn lại của năm, xuất khẩu dự kiến đạt 3 tỷ USD mỗi tháng, cả năm có thể đạt khoảng 38 tỷ USD.
Theo Vitas, những đợt giãn cách xã hội kéo dài tại các tỉnh phía Nam trong đợt dịch thứ 4 đã khiến công suất ngành giảm khoảng một nửa, ảnh hưởng lớn tới chuỗi cung ứng trong nước, quốc tế.
Tin liên quan |
Hậu Covid-19, để trở lại ‘lợi hại hơn xưa’, đâu là những con át chủ bài của ngành dệt may? |
Nhờ các biện pháp nới lỏng giãn cách từ đầu tháng 10, sản xuất dệt may, nhất là ở khu vực TP HCM và các tỉnh thành phía Nam, đã hồi phục nhanh chóng. Tỷ lệ người lao động trở lại các nhà máy làm việc đạt hơn 90%.
Sợi là lĩnh vực đóng góp đáng kể vào tăng trưởng xuất khẩu của dệt may năm nay, với 4,5 tỷ USD trong 10 tháng và dự kiến cả năm khoảng 5,3 tỷ USD. Ngoài ra xuất khẩu vải cũng có thể đạt khoảng 2,4 tỷ USD đến cuối năm nay.
Ngoài các mặt hàng truyền thống, Việt Nam cũng xuất lượng lớn sản phẩm vải làm lốp xe, vải làm đường vào các thị trường như Mỹ, Ấn Độ, Canada... với trị giá gần 640 triệu USD trong 10 tháng qua, tăng gấp rưỡi so với cùng kỳ 2020.
Đánh giá nhu cầu thị trường thế giới với các sản phẩm may mặc trong năm 2022 sẽ tăng nhanh chóng cùng việc mở cửa trở lại của các quốc gia, Vitas dự báo xuất khẩu dệt may năm sau có thể đạt 43-43,5 tỷ USD.
Nhưng để đạt mục tiêu này, hiệp hội lưu ý các doanh nghiệp sản xuất dệt may trong nước cần bắt kịp xu hướng tiêu dùng, đẩy mạnh dùng nguyên liệu đầu vào có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng... để tận dụng lợi thế từ các thị trường xuất khẩu truyền thống như Mỹ, EU, các thị trường thuộc khối Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) hay Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP)... Việc này cũng nhằm khẳng định chiến lược sản xuất, tăng trưởng xanh và phát triển bền vững của ngành dệt may.
Xuất khẩu gạo khó bứt phá
Xuất khẩu gạo trong 2 tháng cuối năm 2021 không bứt phá, dự báo xuất khẩu gạo năm 2021 khó đạt 6,5 triệu tấn như kỳ vọng.
Theo số liệu thống kê mới nhất của Tổng cục Hải quan, tháng 10.2021, xuất khẩu gạo đạt 618.162 tấn, trị giá 321,941 triệu USD, tăng 4,1% lượng và tăng 9,8% về giá trị. Cộng dồn 10 tháng đạt trên 5,183 triệu tấn, trị giá 2,738 tỉ USD, giảm 3,1% về lượng nhưng tăng 3,7% về giá trị.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến dự báo số lượng gạo xuất khẩu năm 2021 có thể không đạt mức 6,5 triệu tấn như kỳ vọng.
Giá thành cao đang làm giảm lợi thế của doanh nghiệp trong đàm phán hợp đồng xuất khẩu gạo. (Nguồn: TTXVN) |
“6,5 triệu tấn thì khó, nhưng ở mức 6- 6,2 triệu tấn thì Việt Nam có thể đạt” – "vua lúa gạo" Phạm Thái Bình nêu ý kiến.
Khảo sát cho thấy, thị trường xuất khẩu gạo trong 2 tháng cuối cùng của năm 2021 không lạc quan như dự báo trước đó, khi rất nhiều doanh nghiệp đang tồn đọng trong kho chưa xuất đi, nhiều doanh nghiệp chưa khai thác thêm được đơn hàng mới…
Tiếp sức cho doanh nghiệp xuất khẩu "vươn ra biển lớn"
Đứng trước nhu cầu, khó khăn của các doanh nghiệp xuất, nhập khẩu, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) và Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) đã triển khai chương trình đào tạo hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ thúc đẩy kinh doanh trực tuyến và thương mại điện tử xuyên biên giới, trong chuỗi các hoạt động xúc tiến thương mại quốc gia và hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu.
Chương trình được phối hợp thực hiện cùng Google và có sự tham gia đồng hành của các đối tác OSB, Alibaba.com và hội viên VECOM như Sapo và iViet, hướng đến mục tiêu giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ có nhận thức về kinh doanh online và chuyển đổi số; sử dụng các công cụ nền tảng mới, trong việc thúc đẩy bán hàng xuât khẩu trực tuyến từ dó từng bước đưa các doanh nghiệp truyền thống lên trực tuyến và sử dụng các công cụ quảng bá, tiếp cận thị trường, để tối ưu hóa sự xuất hiện và bán hàng của doanh nghiệp.
Được biết, chương trình hỗ trợ doanh nghiệp được chia làm hai hợp phần chính gồm: Thúc đẩy kinh doanh trực tuyến và sẵn sàng cho hoạt động xuất khẩu trực tuyến có sự tham gia của đối tác Google, iViet và Sapo; Đào tạo kỹ năng xuất khẩu và vận hành trên các nền tảng bán hàng xuyên biên giới, đối tác OSB và Alibaba.com sẽ là các đơn vị hỗ trợ.
Thông qua các khoá huấn luyện, chương trình mong muốn các học viên là các cán bộ kinh doanh của doanh nghiệp sẽ có khả năng áp dụng ngay và thực tiễn hoạt động của mình. Chương trình đào tạo hoàn toàn miễn phí, đợt 1 diễn ra trong 3 ngày dự kiến sẽ triển khai đào tạo cho các doanh nghiệp bán lẻ, thương mại hay doanh nghiệp sản xuất với các sản phẩm đã và đang có nhu cầu xuất khẩu.
Đặc biệt, sau khoá học chung, một số doanh nghiệp tham gia chương trình sẽ được hỗ trợ trực tiếp trong hoạt động thực tế của doanh nghiệp. Các nội dung chính của khoá học dự kiến gồm: Ecommerce: Thương mại điện tử và Cơ hội Kinh doanh Online, Chiến lược và Công cụ quảng cáo bán hành đa kênh và Sàn thương mại điện tử; Online Export Framework: Ứng dụng các công cụ hỗ trợ xuất khẩu trực tuyến; Kỹ năng xuất khẩu: Xây dựng thương hiệu và quảng bá sản phẩm qua Alibaba.com, quy trình xuất khẩu hàng hóa và ứng dụng thực tế.
Xuất khẩu điện thoại, linh kiện vượt mốc 46 tỷ USD
Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, xuất khẩu mặt hàng điện thoại các loại và linh kiện đạt 46,57 tỷ USD, tăng 10,4% so với cùng kỳ năm 2020.
Tính riêng trong tháng 10, xuất khẩu nhóm hàng điện thoại các loại và linh kiện trong tháng 10/2021 đạt trị giá 5,56 tỷ USD, giảm 2,3% so với tháng trước.
Cũng theo Tổng cục Hải quan, xuất khẩu nhóm hàng này sang thị trường Trung Quốc đạt 11,85 tỷ USD, tăng mạnh 41,2%; sang thị trường Hoa Kỳ đạt trị giá 7,87 tỷ USD, tăng 1,4%; sang EU (27 nước) đạt 6,29 tỷ USD, giảm 17,2% so với cùng kỳ năm trước.
Tin liên quan |
Xuất khẩu ngày 29/10-1/11: Đường nhập khẩu 'né thuế' ồ ạt tràn vào Việt Nam; Cảnh báo sớm, giảm thiểu rủi ro cho doanh nghiệp xuất khẩu |
Cũng theo số liệu của Bộ Công Thương công bố trước đó, điện thoại là một trong những sản phẩm công nghiệp ghi nhận mức tăng trưởng cao so với cùng kỳ. Theo đó, sản xuất nhóm linh kiện điện thoại trong nước đã tăng 38,8%.
Trong 10 tháng qua, xuất khẩu mặt hàng điện thoại các loại và linh kiện đạt 46,57 tỷ USD, tăng 10,4% so với cùng kỳ năm 2020.
Ngược lại, trị giá nhập khẩu nhóm hàng này trong tháng 10 là 6,48 tỷ USD, giảm 6,3% so với tháng trước. Lũy kế 10 tháng năm 2021, trị giá nhập khẩu nhóm hàng này là 60,35 tỷ USD, tăng 17,7% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong 10 tháng năm 2021,nhóm hàng này nhập khẩu nhiều nhất từ thị trường Trung Quốc, đạt 17,43 tỷ USD và tăng 23,7% so với cùng kỳ năm trước. Tiếp theo là Hàn Quốc với 16,24 tỷ USD, tăng 15,2% và Đài Loan là 7,84 tỷ USD, tăng 25,8%.
Tổng cục Hải quan cũng cho biết, tính chung 10 tháng năm 2021, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa của cả nước đạt 539,42 tỷ USD, tăng 22,6% với cùng kỳ năm trước, tương ứng tăng 99,54 tỷ USD.
Trong đó, trị giá hàng hóa xuất khẩu đạt 269,77 tỷ USD, tăng 17,4%, tương ứng tăng 40,02 tỷ USD và nhập khẩu đạt 269,65 tỷ USD, tăng 28,3%, tương ứng tăng 59,5 tỷ USD.
Trong tháng, cán cân thương mại hàng hóa thặng dư 2,74 tỷ USD.
Tính trong 10 tháng năm 2021, cán cân thương mại hàng hóa của cả nước thặng dư 125 triệu USD.
| Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ vươn ra biển lớn Đứng trước nhu cầu, khó khăn của các doanh nghiệp xuất, nhập khẩu, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) và Hiệp hội Thương ... |
| Còn nhiều dư địa xuất khẩu nông thủy sản sang thị trường Trung Quốc, VinFast xuất lô xe đầu tiên sang thị trường Lào, xuất ... |