10 tấn thanh long ruột đỏ của nông dân huyện Thuận Châu, Sơn La đã được xuất khẩu sang thị trường Nga. (Nguồn: CafeF) |
Giá lúa gạo xuống mức thấp nhất một năm rưỡi
Thời gian qua, do dịch Covid-19 kéo dài khiến việc xuất khẩu gạo của doanh nghiệp Việt đã gặp nhiều khó khăn, thậm chí giá gạo xuất khẩu đã giảm mạnh xuống còn 385 USD/tấn với gạo 5% tấm và là mức thấp nhất trong vòng một năm rưỡi trở lại đây.
Theo Reuters, giá gạo xuất khẩu loại 5% tấm của Việt Nam đã giảm xuống 385 USD / tấn trong phiên giao dịch ngày 19/8, giảm mạnh 83 USD/tấn so với hồi đầu tháng 7/2021 và là mức thấp nhất kể từ tháng 2/2020 là 390 USD/tấn. Không riêng gạo đồ của Việt Nam, giá gạo xuất khẩu của Ấn Độ trong tuần này cũng đã giảm xuống mức thấp do cầu thị trường yếu.
Hiện tại gạo đồ 5% tấm của Ấn Độ ở mức 352 - 356 USD, giảm mạnh so với mức 383 USD/tấn hồi đầu tháng 7/2021. Trong khi đó, giá gạo 5% tấm của Thái Lan tăng lên 387- 400 USD / tấn trong tuần, từ 380- 395 USD / tấn một tuần trước đây nhưng vẫn là mức thấp nhất trong vòng 2 năm nay của nước này.
Theo đó, giá gạo của Việt Nam đang ở mức thấp hơn Thái Lan và tiệm cận với gạo của Ấn Độ, trong khi hồi tháng 4 và tháng 5 vừa qua giá gạo Việt luôn cao hơn gần 100 USD so với gạo Ấn Độ.
Các thương nhân xuất khẩu cho hay: Nguyên nhân dẫn đến giá gạo giảm do nhu cầu thấp và chi phí vận chuyển cao hơn, trong khi đó Covid-19 bùng phát cũng làm hạn chế khả năng giao hàng của doanh nghiệp.
10 tấn thanh long ruột đỏ sang Nga
10 tấn thanh long ruột đỏ của nông dân huyện Thuận Châu, Sơn La đã được xuất khẩu sang thị trường Nga.
Thuận Châu là một trong những địa phương của tỉnh Sơn La thực hiện chủ trương phát triển cây ăn quả chất lượng cao.
Những năm qua, huyện Thuận Châu đã phát triển được 3.600 ha cây ăn quả các loại; trong đó, có 50 ha trồng thanh long ruột đỏ với 40 ha đã cho thu hoạch, tổng sản lượng năm 2021 ước đạt 440 tấn.
Theo kế hoạch, giai đoạn 2021-2025, huyện Thuận Châu sẽ phát triển thêm diện tích thanh long ruột đỏ lên từ 150-200 ha. Sản phẩm quả thanh long trồng trên địa bàn huyện Thuận Châu có kích thước đồng đều, mẫu mã đẹp, chất lượng đảm bảo, an toàn, trọng lượng đạt từ 500-800 gram/quả và được người tiêu dùng ưa chuộng.
Việc xuất khẩu thanh long ruột đỏ của huyện Thuận Châu sang thị trường Liên bang Nga sẽ góp phần nâng cao giá trị, ổn định đầu ra và giúp người nông dân yên tâm sản xuất, từ đó tạo đà thúc đẩy tăng trưởng, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Sơn La nói chung và huyện vùng cao Thuận Châu nói riêng.
Sơn La cũng đang mở rộng xuất khẩu thanh long sang Nhật, Ấn Độ.
Nhóm hàng xuất nhập khẩu đầu tiên đạt hơn 40 tỷ USD
Theo thông tin Tổng cục Hải quan, với 42,98 tỷ USD, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện là nhóm hàng xuất nhập khẩu đầu tiên đạt kim ngạch trên 40 tỷ USD (tính đến 15/8).
Cụ thể, chỉ 15 ngày đầu tháng 8, kim ngạch nhập khẩu máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt hơn 3 tỷ USD, qua đó nâng kim ngạch từ đầu năm đến 15/8 đạt 42,98 tỷ USD tăng 20,6% so với cùng kỳ 2020 (kim ngạch tăng thêm 7,34 tỷ USD).
Hiện, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện là nhóm hàng xuất nhập khẩu có quy mô kim ngạch lớn nhất cả nước. Riêng nhóm hàng này chiếm đến 21,3% kim ngạch nhập khẩu cả nước trong cùng thời điểm.
Về thị trường nhập khẩu, Trung Quốc và Hàn Quốc là hai cái tên dẫn đầu với kim ngạch đạt hơn 10 tỷ USD/thị trường (cập nhật hết tháng 7).
Cụ thể, nhập khẩu từ Trung Quốc đạt 11,57 tỷ USD, tăng 39,2% so với cùng kỳ năm trước; trong khi Hàn Quốc đạt 10,45 tỷ USD, tăng 10,8%.
Ở chiều xuất khẩu, từ đầu năm đến 15/8, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt kim ngạch 29,18 tỷ USD tăng 3,76 tỷ USD tương ứng tăng 14,8% so với cùng kỳ 2020.
Cập nhật theo thị trường hết tháng 7, xuất khẩu máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện sang Mỹ đạt 6,77 tỷ USD, tăng 27% so với cùng kỳ năm trước; sang thị trường Trung Quốc đạt 5,8 tỷ USD, giảm 6,3%; sang thị trường EU đạt gần 3,8 tỷ USD, tăng 19%...
Lưu ý khi xuất khẩu qua cửa khẩu Tân Thanh
Từ ngày 18/8, hoạt động xuất nhập khẩu tại cặp cửa khẩu Tân Thanh - Pò Chài đã trở lại bình thường sau 2 ngày tạm thời gián đoạn. Tỉnh Lạng Sơn và Quảng Tây (Trung Quốc) đã thống nhất được quy trình thông quan nhằm bảo đảm lưu thông hàng hóa xuất nhập khẩu và an toàn phòng chống dịch.
Bộ Công Thương hiện đang tiếp tục phối hợp chặt chẽ với tỉnh Lạng Sơn và các tỉnh biên giới phía Bắc theo dõi sát tình hình xuất nhập khẩu hàng hóa qua biên giới, để kịp thời xử lý các vướng mắc phát sinh.
Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), hiện nay quy trình chống dịch phía Trung Quốc đã có một số thay đổi, theo đó sẽ phát sinh chi phí cũng như khó khăn hơn cho doanh nghiệp vận chuyển hàng hóa.
Sở Công Thương Lạng Sơn cũng có những khuyến cáo tới Sở Công Thương các địa phương có doanh nghiệp thực hiện việc xuất nhập khẩu qua Cửa khẩu Tân Thanh (đặc biệt là xuất khẩu nông sản) lưu ý cũng như hướng dẫn đối với doanh nghiệp.
Cụ thể, từ ngày 18/8, phía Trung Quốc yêu cầu thay đổi quy trình giao nhận hàng qua Cửa khẩu Tân Thanh với lý do để nâng cấp công tác phòng chống dịch.
Phía Trung Quốc tuyệt đối không cho lái xe và chủ hàng đưa xe hàng sang bên phía nước bạn; phải giao xe hàng để lái xe của phía Trung Quốc đưa đến nơi giao hàng, sau khi hết hàng trên xe họ sẽ đánh xe không ra bãi trao trả.
Quy trình này sẽ phát sinh một số khó khăn và chi phí cho doanh nghiệp, xuất hàng chậm hơn cũng như sẽ phát sinh một số rủi ro.
“Sở Công Thương các địa phương nên có khuyến cáo đến các doanh nghiệp để nắm bắt thông tin, chủ động trong việc vận chuyển nông sản xuất khẩu qua Cửa khẩu Tân Thanh trong thời gian này, để tránh thiệt hại cho các doanh nghiệp xuất khẩu”, Cục Xuất nhập khẩu đề nghị.
Xuất khẩu hàng hóa sang UAE tăng ấn tượng
Thương vụ Việt Nam tại UAE (kiêm nhiệm Qatar) dẫn số liệu mới nhất của Tổng Cục Hải quan (Bộ Tài chính) cho thấy, tổng kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Các Tiểu Vương quốc Ả rập thống nhất (UAE) trong 7 tháng đầu năm 2021 đạt gần 3,1 tỷ USD, tăng khoảng 37,8% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong đó, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang UAE đạt xấp xỉ 2,8 tỷ USD, tăng 40,8% và kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ UAE đạt trên 286 triệu USD, tăng 13,3%.
UAE là một trong các đối tác của Việt Nam trên thế giới có tốc độ tăng trưởng xuất khẩu lớn nhất, và cao hơn với tốc độ tăng trưởng bình quân cả nước (26,4%).
Bên cạnh đó, UAE là 1 trong 10 đối tác xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam trên thế giới và là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam tại khu vực Trung Đông, châu Phi. Trong cán cân thương mại, Việt Nam luôn ở thế xuất siêu lớn với thị trường này.
Về cơ cấu hàng xuất khẩu, 7 tháng qua, điện thoại di động và linh kiện vẫn là mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất, tiếp theo là các mặt hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; máy móc, thiết bị dụng cụ và phụ tùng. Tuy nhiên, một số mặt hàng có kim ngạch giảm sút so với cùng kỳ năm trước, đáng kể là mặt hàng túi xách, ví, vali, mũ, ô dù; chè; gạo…
Với kết quả tăng trưởng khả quan như trên, cùng với việc nhu cầu tiêu thụ, tiêu dùng tại UAE và trên thế giới quay trở lại sau dịch bệnh, đặc biệt là thời gian các dịp lễ vào cuối năm, UAE sẽ tiếp tục là thị trường đầy tiềm năng để thâm nhập và phát triển đối với doanh nghiệp Việt Nam.
Đại diện Thương vụ Việt Nam tại UAE cho biết: “Kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và UAE được kỳ vọng sẽ đạt mức 5 tỷ USD trong năm 2021”.
| Xuất nhập khẩu vững vàng trước làn sóng Covid-19 thứ tư; kem của Nga được nhập ngày càng nhiều vào Việt Nam; công nhận 315 ... |
| Trung Quốc duy trì vị trí thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam, chi hơn 750 triệu USD nhập khẩu thịt và các ... |