Xuất khẩu gạo Việt Nam đạt gần 3 triệu tấn với trị giá 1,64 tỷ USD, giảm 14,8% về lượng và 4,7% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Trong bối cảnh chung đó, gạo ST25 và ST24 lại có mức tăng trưởng cao. (Nguồn: Báo Công Thương) |
Giá gạo xuất khẩu giảm do cạnh tranh với Thái Lan, Ấn Độ
Báo cáo của Cục chế biến và Phát triển Thị trường Nông Sản Việt Nam cho thấy, tuần qua gạo Việt Nam tiếp tục cạnh tranh mạnh trên thị trường quốc tế. Theo đó, giá gạo Việt 5% tấm hiện giảm 5 USD một tấn so với tuần trước về mức 480 USD một tấn.
Mặc dù hạ nhiệt, giá gạo 5% tấm của Việt Nam vẫn cao hơn Thái Lan 55 USD và Ấn Độ là 109 USD.
Nguyên nhân khiến giá gạo các nước đi xuống là do tỷ giá đồng Baht giảm về mức thấp nhất trong năm qua. Còn tại Ấn Độ, đồng Rupee liên tục giảm giá cũng như kho dự trữ của chính phủ tiếp tục đưa hàng cứu trợ ra thị trường đã khiến cho giá giảm. Còn Việt Nam, do phải cạnh tranh mạnh với các nước trên nên đẩy giá đi xuống.
Philippines, thị trường nhập khẩu gạo lớn nhất từ Việt Nam, đạt rên 1,09 triệu tấn, tương đương 579,83 triệu USD, đang có những động thái hạn chế mua gạo Việt. Điều này có những tác động đáng kể lên thị trường lúa gạo nội địa trong thời điểm hiện nay.
Trung Quốc là thị trường nhập khẩu gạo đứng thứ 2 với hơn 580.900 tấn, tương đương trên 308 triệu USD. Thị trường Ghana đứng thứ 3 với 327.551 tấn, tương đương hơn 191 triệu USD.
Gạo ST24, ST25 được thế giới ưa chuộng
Thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, 6 tháng đầu năm nay, xuất khẩu gạo Việt Nam đạt gần 3 triệu tấn với trị giá 1,64 tỷ USD, giảm 14,8% về lượng và 4,7% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong bối cảnh chung đó, gạo ST25 và ST24 lại có mức tăng trưởng cao, dù mới được đưa vào sản xuất thời gian gần đây.
5 tháng đầu năm nay, xuất khẩu gạo ST24 đạt 23.560 tấn, tăng 800% so với cùng kỳ năm ngoái và gạo ST25 đạt 2.570 tấn, tăng đến 1.470% so với cùng kỳ. Trong đó, có khoảng 90% lượng gạo ST24 được bán cho Trung Quốc và gần như 100% gạo ST25 được xuất khẩu đi thị trường Mỹ.
Theo Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA), lượng xuất khẩu gạo ST24 và ST25 tăng cao do nguồn cung đang dần cải thiện trong khi nhu cầu ở các thị trường vẫn rất lớn.
Bên cạnh đó, Việt Nam vẫn đang làm tốt khâu quảng bá sản phẩm này nhưng do vấn đề nguồn cung còn hạn chế nên số lượng xuất khẩu vẫn chưa được nhiều.
Ngoài Mỹ, thị trường Liên minh châu Âu (EU) cũng đang quan tâm đến gạo ST25. Song trong số 9 giống lúa thơm của Việt Nam xuất khẩu sang EU được hưởng ưu đãi thuế quan theo hạn ngạch 30.000 tấn không bao gồm ST25.
Nguyên nhân là do Việt Nam đã thương thảo với EU đối với 9 loại gạo thơm từ rất lâu và đây là những giống gạo phổ biến ở Việt Nam. Trong khi đó, gạo ST25 mới được biết đến rộng rãi từ năm 2019 sau khi chiến thắng cuộc thi gạo ngon nhất thế giới.
Xuất khẩu sắn mang về gần 611,7 triệu USD
Theo Tổng cục Hải quan Việt Nam, trong 6 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn đạt 1,59 triệu tấn, trị giá 611,69 triệu USD, tăng 15,6% về lượng và tăng 29,9% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.
Trong 6 tháng đầu năm, giá xuất khẩu sắn tăng cao. Trung Quốc là thị trường nhập khẩu chính sắn và sản phẩm sắn của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2021, với 1,48 triệu tấn sắn và các sản phẩm từ sắn, trị giá 566,15 triệu USD, tăng 18,1% về lượng và tăng 32,8% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.
Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), cho biết: Thống kê của Tổng cục Hải quan Trung Quốc hồi tháng 5 vừa qua cho thấy, từ tháng 1 đến tháng 4.2021, tổng nhập khẩu sắn lát khô của Trung Quốc là khoảng 2,22 triệu tấn, tăng 73,43% so với cùng kỳ năm trước; nhập khẩu là 604 triệu USD, tăng 109,05% so với cùng kỳ năm trước.
Sản lượng sắn xuất của Việt Nam sang Trung Quốc chiếm 92,8% tổng số lượng sắn xuất khẩu trong thời gian qua.
Tại Việt Nam, Tây Ninh là địa phương trồng nhiều sắn để xuất khẩu, với diện tích khoảng gần 43.000ha, sản lượng đạt khoảng 1.430.550 tấn, chủ yếu để xuất khẩu và chế biến thức ăn chăn nuôi, sản xuất xăng sinh học...
Nhập siêu hơn 7 tỷ USD từ các thị trường ASEAN
Tổng cục Hải quan vừa công bố, 6 tháng đầu năm nước ta xuất khẩu sang các thị trường ASEAN đạt 13,9 tỷ USD, tăng 28,2% so với cùng kỳ năm ngoái.
6 tháng đầu năm, ASEAN chiếm 8,8% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước, lớn hơn cả thị trường Hàn Quốc (chiếm 6,5%) và Nhật Bản (chiếm 6,4%).
Ở chiều nhập khẩu, mức độ tăng trưởng còn cao hơn. Cụ thể, kim ngạch 6 tháng đầu năm đạt 21,2 tỷ USD, tăng tới 50,5% so với cùng kỳ 2020 và chiếm 13,3% kim ngạch nhập khẩu cả nước trong cùng thời điểm.
Đáng chú ý, 2 thị trường nhập khẩu ô tô lớn nhất của Việt Nam trong nhiều năm gần đây đều thuộc khu vực Đông Nam Á là Thái Lan và Indonesia.
Với tốc độ tăng trưởng của nhập khẩu cao hơn nhiều so với xuất khẩu, nên con số nhập siêu của Việt Nam từ các thị trường ASEAN đã lên đến 7,3 tỷ USD so với mức 3,2 tỷ USD của 6 tháng đầu năm 2020.
Các đối tác thương mại lớn của Việt Nam ở ASEAN như Thái Lan, Singapore, Malaysia, Indonesia, Philipinnes, Campuchia… với kim ngạch thương mại hai chiều đạt hàng tỷ USD/thị trường.
Trong đó, Thái Lan dẫn đầu với kim ngạch song phương đạt 9,6 tỷ USD, trong đó Việt Nam xuất khẩu hơn 3 tỷ USD.
Nhóm hàng nhập khẩu lớn nhất từ Thái Lan là ô tô nguyên chiếc với 40.485 xe, kim ngạch 758 triệu USD. Trong khi nhóm hàng xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam là điện thoại các loại và linh kiện với kim ngạch đạt 403 triệu USD.
Trong các thị trường lớn ở ASEAN, Việt Nam nhập siêu với hầu hết các quốc gia, riêng Philipinnes nước ta xuất siêu hơn 1 tỷ USD. Nhóm hàng xuất khẩu lớn nhất sang quốc gia này là gạo với sản lượng gần 1,1 triệu tấn, kim ngạch gần 580 triệu USD.
Campuchia cũng có quy mô kim ngạch ấn tượng khi đạt hơn 5 tỷ USD, trong đó kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam là 2,87 tỷ USD và xuất khẩu là 2,37 tỷ USD.
Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang Anh tăng 53,5%
Theo Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, giá trị xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang Anh trong 6 tháng đầu năm 2021 đạt 146,5 triệu USD, tăng 53,5% so với cùng kỳ năm 2020. Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực sang Anh như đồ gỗ xây dựng, ghế ngồi, nội thất nhà bếp, phòng ngủ, nội thất khác đều tăng từ 16% đến 47% trong nửa đầu năm 2021.
Phân tích từ số liệu thống kê cho thấy, trong 5 tháng đầu năm 2021, mặt hàng đồ gỗ sử dụng trong xây dựng như cửa gỗ, ván sàn, nép cửa,... có giá trị xuất khẩu đạt 3,46 triệu USD, tăng 42% so với cùng kỳ.
Mặt hàng ghế ngồi đạt 20,12 triệu USD, tăng 37% so với cùng kỳ năm 2020. Nội thất nhà bếp xuất đạt 6,7 triệu USD, tăng 16% so với cùng kỳ năm 2020.
Nội thất văn phòng đạt 17,69 triệu USD, tăng 17%. Giá trị xuất khẩu của mặt hàng nội thất bằng gỗ khác đạt 41,78 triệu USD, tăng 23%. Riêng sản phẩm bộ phần đồ gỗ giá trị xuất khẩu trong 5 tháng giảm 5%, chỉ đạt 2,58 triệu USD.
Ở chiều ngược lại, nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ từ Anh trong 5 tháng đầu năm 2021 chỉ đạt 0,97 triệu USD, giảm 2% so với cùng kỳ.
Theo số liệu thống kê từ Trung tâm Thương mại quốc tế (ITC), Anh nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ chủ yếu từ thị trường Trung Quốc và Ba Lan với tỷ trọng nhập khẩu từ 2 thị trường này chiếm 53,6% tổng trị giá nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ của Anh.
Việt Nam là thị trường cung cấp lớn thứ 3 cho Anh, nhưng trị giá nhập khẩu từ Việt Nam chỉ chiếm 7,5% tổng trị giá nhập khẩu mặt hàng này của Anh.
| Xuất khẩu ngày 20-23/7: Đơn hàng dệt may đang ra khỏi Việt Nam; trái ngọt từ UKVFTA; hồ tiêu bị xếp vào ‘luồng vàng’ hải quan? Đơn hàng dệt may đang ra khỏi Việt Nam; đồ gỗ hưởng ‘trái ngọt’ từ UKVFTA; hồ tiêu xuất khẩu bị xếp vào ‘luồng vàng’ ... |
| Xuất khẩu ngày 17-19/7: Hàn Quốc tăng nhập khẩu chuối từ Việt Nam, điểm sáng xuất khẩu rau quả giữa đại dịch Xuất khẩu khẩu trang y tế giảm mạnh, Hàn Quốc tăng nhập khẩu trái chuối từ Việt Nam... là những tin chính trong bản tin ... |