📞

Xuất khẩu ngày 4-7/5: Ô tô nhập khẩu tăng gần 190%; nóng ran chuyện thương hiệu gạo ST24, ST25 và nỗi buồn gạo Việt ở Anh

Hoàng Nam 07:00 | 07/05/2021
Ô tô nhập khẩu tăng gần 190% so với cùng kỳ năm ngoái; nóng câu chuyện thương hiệu gạo ST24 và ST25 và nỗi buồn gạo Việt tại Anh; Xuất khẩu nông, lâm, thủy sản tăng trên 24%... là những tin chính trong bản tin xuất khẩu ngày 4-7/5.
Chuyện bảo hộ thương hiệu gạo ST24, ST25 của Việt Nam tại các thị trường quốc tế là một trong trong những tin chính trong bản tin xuất khẩu ngày 4-7/5. (Nguồn: MK Logistic)

Tập đoàn PAN gấp rút bảo hộ thương hiệu gạo ST24 và ST25 tại các thị trường quốc tế

Tập đoàn PAN và doanh nghiệp tư nhân Hồ Quang Trí vừa đạt thỏa thuận hợp tác về việc ủy quyền đại diện làm thủ tục bảo hộ nhãn hiệu gạo ST24 và ST25 tại các thị trường quốc tế trọng điểm về xuất khẩu gạo thương hiệu.

Cụ thể, Tập đoàn PAN nhận ủy quyền đăng ký xác lập quyền sở hữu đối với giống cây trồng “ST24”, “ST25” tại các thị trường nước ngoài, đăng ký bảo hộ các nhãn hiệu hàng hóa liên quan, đồng thời thực hiện các hành động ngăn chặn, bảo vệ phù hợp đối với các tài sản sở hữu trí tuệ của chủ sở hữu.

Trước sự việc các doanh nghiệp tại Mỹ, Australia đăng ký nhãn gạo ST24, ST25 đã nổi tiếng của Việt Nam mà không phải do họ sở hữu, đại diện Tập đoàn PAN cho rằng, đây là hành vi không lành mạnh. Việc này dẫn tới hệ quả gây nhầm lẫn về nguồn gốc/xuất xứ, gây tổn thất với các doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu gạo Việt Nam và có khả năng làm hỏng hình ảnh của một thương hiệu, tài sản quốc gia đã được cộng đồng quốc tế thừa nhận…

Đồng thời, PAN cũng sẽ kết hợp với các cơ quan chức năng, cộng đồng, hiệp hội doanh nghiệp lên tiếng để nhận diện các hành vi này và cùng có các hành động chung tay bảo vệ thượng hiệu Việt.

Tập đoàn PAN cho biết, PAN hoan nghênh việc các thương vụ Việt Nam tại Mỹ và Australia gần đây đã nhanh chóng có ý kiến phản đối với cơ quan hữu quan tại nước sở tại về việc doanh nghiệp nước ngoài đăng ký bảo hộ nhãn hiệu ST24, ST25.

Cũng theo doanh nghiệp này, chúng ta sẽ cần học hỏi thêm kinh nghiệm hữu ích từ các quốc gia khác đã đi trước như Thái Lan chẳng hạn, đặc biệt trong việc phối hợp bảo vệ nhãn hiệu nông sản.

Gạo Việt tại thị trường Anh đều mang thương hiệu của nhà phân phối

Thương vụ Việt Nam tại Vương quốc Anh cho biết, hiện nay, hầu hết sản phẩm gạo của Việt Nam được tiêu thụ tại thị trường Anh đều mang thương hiệu của nhà phân phối, không mang thương hiệu của vùng trồng lúa hay thương hiệu của nhà xuất khẩu Việt Nam.

Theo đại diện Thương vụ Việt Nam tại Anh, nguyên nhân là do nhà xuất khẩu chưa làm thương hiệu hoặc nhà phân phối sở tại cho rằng, thương hiệu riêng của họ có hiệu quả marketing hơn thương hiệu của nhà xuất khẩu Việt Nam, nhất là khi thương hiệu gạo Việt Nam không được người tiêu dùng sở tại biết đến.

Do đó, gạo Việt Nam được bán tại Anh quốc với các thương hiệu: Longdan, Golden Lotus, Buffalo (của Longdan Supermarket), Green Dragon (của Westmill UK) và Red Ant (của MediFood).

Trong khi đó, các sản phẩm mang thương hiệu của nhà phân phối mà không mang thương hiệu của nhà sản xuất lại là một trong những tập quán kinh doanh thông thường tại Anh, được Luật pháp nước này cho phép.

Bởi vậy, trong môi trường cạnh tranh có lợi cho người nhập khẩu sở tại hơn người xuất khẩu nước ngoài, các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam thường sẵn sàng chấp thuận xuất gạo không có thương hiệu và để cho nhà phân phối sử dụng thương hiệu riêng.

Chính vì thế, để có thể tạo ra đột phá thị trường lớn hơn nữa, tăng cường vị thế bền vững cho hạt gạo Việt Nam trên thị trường Anh cũng như các thị trường lớn khác, ngành lúa gạo Việt Nam cần triển khai một chiến lược thương hiệu phù hợp với từng thị trường.

Cùng với đó, chương trình thương hiệu quốc gia cần lựa chọn một số chủng loại gạo chất lượng cao có sản lượng lớn để đặt tên theo hướng đơn giản, dễ nhớ, dễ phát âm và gắn với địa danh nơi trồng lúa.

Thương vụ Việt Nam tại Vương quốc Anh cũng lưu ý doanh nghiệp có thể gắn thương hiệu đi liền với địa danh như gạo Sóc Trăng Việt Nam hay tên người tạo ra giống lúa là gạo Ông Cua để có thể đăng ký bảo hộ thuận lợi tại nước ngoài.

Trường hợp gạo ST25 là ví dụ điển hình, tuy đã được giải thưởng là gạo ngon nhất thế giới năm 2019 nhưng rất ít người dân Anh biết đến và không có nhiều hiệu quả marketing trên thị trường nước này.

Xuất khẩu gạo 4 tháng thu về trên 1 tỷ USD

Theo số liệu của Bộ Công Thương, xuất khẩu gạo tăng trở lại trong tháng 4, với 700.000 tấn sang các thị trường, đạt 362 triệu USD. So với tháng 3, gạo xuất sang các thị trường tăng hơn 160.000 tấn.

Tính chung 4 tháng đầu năm nay, xuất khẩu mặt hàng này đạt gần 1,9 triệu tấn, trị giá 1,01 tỷ USD (hơn 23.000 tỷ đồng). So với cùng kỳ năm ngoái, sản lượng xuất khẩu giảm gần 11%, nhưng giá trị lại tăng 1,2% nhờ đơn giá tăng.

Bình quân giá xuất khẩu gạo 4 tháng đầu năm đạt 534 USD/tấn. So với mức giá xuất khẩu trung bình năm 2020 là 499 USD/tấn, thì mỗi tấn gạo Việt xuất đi trong thời gian đầu năm tăng thêm 35 USD, tương đương 13,4%.

Năm ngoái, Việt Nam đã vươn lên vị trí thứ 2 về xuất khẩu gạo với 6,25 triệu tấn, xếp sau là Thái Lan khoảng 5,3 triệu tấn.

Xuất khẩu nông, lâm, thủy sản tăng trên 24%

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 4 tháng đầu năm 2021, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng nông, lâm, thủy sản ước đạt 32,07 tỷ USD; trong đó xuất khẩu đạt khoảng 17,15 tỷ USD, tăng 24,2% so với cùng kỳ năm ngoái; nhập khẩu khoảng 14,93 tỷ USD, tăng 48,7%.

Như vậy, giá trị nông, lâm, thủy sản xuất siêu khoảng 2,2 tỷ USD, giảm 41,1% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong số các mặt hàng xuất khẩu, nhóm nông sản chính ước đạt 5,9 tỷ USD, tăng 9%; lâm sản chính đạt 5,33 tỷ USD, tăng 50,9%; thủy sản ước đạt 2,39 tỷ USD, tăng 6,1%; chăn nuôi ước đạt 125 triệu USD, tăng 37,4%.

Từ đầu năm đến nay, nhiều sản phẩm/nhóm sản phẩm có giá trị xuất khẩu tăng như: cao su tăng gần 112%, chè gần 8%, gạo 1,2%, nhóm hàng rau quả 9,5%, sắn và sản phẩm từ sắn gần 24%, sản phẩm chăn nuôi 37,4%, cá tra gần 3%, tôm 5,5%, sản phẩm gỗ trên 71%…

Về thị trường xuất khẩu, giá trị xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của Việt Nam tới các thị trường thuộc khu vực châu Á chiếm 46,9% thị phần; châu Mỹ 27,6%, châu Âu 10%; châu Đại Dương 1,4% và châu Phi 1,4%.

Trong số đó, 4 thị trường xuất khẩu chính là Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc, giá trị xuất khẩu sang các thị trường này đều có sự tăng khá, đặc biệt là Mỹ tăng 58%, Trung Quốc tăng gần 36%...

Việt Nam vượt Trung Quốc xuất khẩu nhiều thành phẩm nội thất nhất vào Mỹ

Theo tạp chí Furniture Today ngày 3/5, Việt Nam đã thay thế Trung Quốc trở thành quốc gia xuất khẩu thành phẩm nội thất lớn nhất sang thị trường Mỹ.

Cụ thể, nghiên cứu của Furniture Today cho thấy Việt Nam đã xuất hơn 7,4 tỷ USD thành phẩm nội thất sang Mỹ trong năm 2020, tăng 31% so với con số 5,7 tỷ USD của năm 2019.

Để so sánh, Trung Quốc xuất khẩu 7,33 tỷ USD thành phẩm nội thất sang Mỹ trong năm 2020, giảm 25% so với con số 9,7 tỷ USD một năm trước đó.

Bài viết của Future Today đã được Hiệp hội thương mại Mỹ tại Việt Nam (AmCham Việt Nam) chia sẻ trên Facebook hôm 4/5.

Future Today nhận định: “Tuy chênh lệch giữa sản lượng xuất khẩu trên giữa Việt Nam và Trung Quốc khá khiêm tốn, vị thế của Việt Nam trên trường thế giới cho thấy quốc gia này đã trở nên quan trọng hơn trong những năm gần đây”.

Ô tô nhập khẩu về Việt Nam vẫn tăng cao so với cùng kỳ 2020

Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, ước tính ô tô nguyên chiếc các loại nhập khẩu về Việt Nam trong tháng 4/2021 đạt 14.000 xe, trị giá đạt 292 triệu USD.

So với tháng 3/2021 (16.980 xe, giá trị kim ngạch gần 386 triệu USD), kim ngạch nhập khẩu ô tô nguyên chiếc tháng 4/2021 đã giảm 17,6% về lượng và 24,3% về trị giá. Nhưng so với cùng kỳ năm ngoái lại tăng đến 189,1% về lượng và tăng 124,1% về giá trị.

Nếu tính tổng từ đầu năm đến hết tháng 4/2021, số lượng và giá trị ô tô nguyên chiếc nhập khẩu vẫn cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái.

Cụ thể, theo ước tính từ đầu năm đến hết tháng 4/2021, nhập khẩu ô tô nguyên chiếc các loại đạt hơn 49.000 xe, trị giá đạt 1,1 tỉ USD, tăng 55,2% về lượng và tăng 57,2% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái.

Việc số lượng xe nhập khẩu về Việt Nam đến hết tháng 4/2021 tăng có thể là một tín hiệu mừng đối với thị trường ô tô Việt khi nền kinh tế chung cả nước vẫn còn chịu nhiều ảnh hưởng xấu của dịch bệnh Covid-19.

(tổng hợp)