📞

Xung đột Nga-Ukraine: Trật tự an ninh mới sẽ hình thành

Xuân Thông 15:29 | 31/03/2022
Báo Thế giới và Việt Nam xin giới thiệu cùng bạn đọc cuộc trao đổi với Thiếu tướng, GS.TS. Nguyễn Hồng Quân, Nguyên Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Quốc phòng, Bộ Quốc phòng về những diễn biến gần đây trong quan hệ Nga-Ukraine.
Các nhà đàm phán Nga và Ukraine tại cuộc hòa đàm ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ, ngày 29/3. (Nguồn: Reuters)

Ông đánh giá thế nào về tác động của xung đột quân sự Nga-Ukraine tới cấu trúc an ninh và quan hệ quốc tế trong khu vực và thế giới ?

Cuộc xung đột Nga-Ukraine đã kéo dài hơn một tháng và chưa đến hồi kết, nhưng trật tự thế giới sau Chiến tranh Lạnh đã kết thúc. Trật tự an ninh mới sẽ được hình thành. EU có thể sẽ quay lại thời kỳ Chiến tranh Lạnh.

Cuộc khủng hoảng này là bước ngoặt lịch sử. Định ước Helsinki năm 1975 kết thúc phũ phàng, phải mất một thời gian dài để xây dựng lại bất kỳ hình thức dàn xếp khu vực nào.

Cuộc xung đột Nga - Ukraine còn là một bước ngoặt địa kinh tế. Các biện pháp trừng phạt của Mỹ và phương Tây là cứng rắn nhất chưa từng có, nhưng do yếu kém hiện có trong cấu trúc kinh tế và tài chính của thế giới, các biện pháp trừng phạt như vậy có khả năng gây ra hậu quả nghiêm trọng về chính trị và vật chất cho nền kinh tế thế giới nói chung, đặc biệt là ở các nước nghèo.

Cuộc khủng hoảng Nga-Ukraine để lại những hệ lụy gì?

Hệ lụy từ cuộc khủng hoảng này có thể cảm nhận rất rõ ở các lĩnh vực quân sự, chính trị, kinh tế và xã hội.

Thoạt nhìn, có vẻ Nga dễ dàng chiến thắng do có lợi thế vượt trội về quân sự. Tổng thống Putin tuyên bố mục tiêu của chiến dịch là phi quân sự hóa chứ không phải chiếm đóng Ukraine. Không thể loại trừ khả năng các hành động thù địch hiện nay ở Ukraine có thể lan rộng và leo thang, vượt ra ngoài tầm kiểm soát.

Trên bình diện chính trị, không thể nói không có rủi ro. Kinh tế - xã hội khó khăn khiến người ta không thể không liên tưởng tới các biến số mới đã và sẽ xuất hiện trong chính trị nội bộ Nga. Sự không chắc chắn về chính trị cũng lan rộng ra thế giới.

Trên bình diện kinh tế, thị trường hàng hóa quốc tế đã trở nên xáo trộn. Các thương nhân hoảng loạn sau khi phương Tây công bố gói trừng phạt thứ hai. Giá dầu thô, khí đốt tự nhiên, vàng… tăng vọt. Các công ty quốc tế tránh xa hàng xuất khẩu của Nga. Tình trạng thiếu ngũ cốc và kim loại bao trùm nền kinh tế toàn cầu. Cú sốc giá năng lượng đẩy lạm phát toàn cầu lên cao hơn. Các nước phụ thuộc nhập khẩu lương thực và năng lượng đang gặp khó khăn. Các nền kinh tế Trung Á cũng vướng vào cú sốc trừng phạt.

Tác động của các biện pháp trừng phạt vượt ra ngoài các quyết định của chính phủ các nước G7 và EU. Hàng trăm công ty lớn của phương Tây đang rút khỏi nước Nga.

Hậu quả xung đột về mặt xã hội là to lớn. Thiệt hại về nhân mạng và tàn phá của xung đột có thể dẫn đến cực đoan hóa và tội phạm hóa trong một quốc gia. Dư chấn xã hội không chỉ giới hạn trong phạm vi Ukraine. Xung đột ở Trung Đông đã khiến châu Âu đối mặt với khủng hoảng tị nạn năm 2015 và mối đe dọa khủng bố. Hôm nay, không loại trừ một kịch bản tương tự đang bắt nguồn từ chính trung tâm châu Âu. Trong khoảng hai thập kỷ nữa, những tác động ấy đối với Nga và châu Âu là rất đáng ngại.

Chính phủ Nga phản ứng ra sao trước các lệnh trừng phạt kinh tế này?

Gần như ngay lập tức, chính phủ Nga đã xác định những quốc gia không thân thiện và đưa ra thời hạn ngày 31/3/2022 để các quốc gia này phải chuyển tiền thanh toán khí đốt sang đồng Ruble. Tổng thống Putin đã ủy quyền các quan chức chính phủ, Ngân hàng Trung ương Nga và Ngân hàng Gazprombank thực hiện các bước cần thiết để chuyển tất cả các khoản thanh toán khí đốt tự nhiên của Nga từ các quốc gia không thân thiện sang đồng rúp. Thị trường ngay lập tức có phản ứng: tỷ giá đồng Ruble tăng so với USD và Euro, giá khí đốt tăng. Các chuyên gia có ý kiến lạc quan xen lẫn thận trọng trước quyết định này của Nga. Châu Âu đang phụ thuộc tới 40% lượng tiêu thụ khí đốt vào Nga nay phải loay hoay tìm giải pháp năng lượng thay thế.

Nga đáp trả các lệnh trừng phạt của phương Tây bằng kế hoạch kiểm soát xuất khẩu. Khủng hoảng Nga - Ukraine làm các chuyến bay và các chuyến hàng qua đường biển Á - Âu bị chậm lại. Nguồn cung cấp dầu khí, niken và lúa mì bị đe dọa. Các hãng ôtô phải đóng cửa nhà máy vì thiếu phụ tùng.

Theo ông, đàm phán Nga - Ukraine cần làm gì để tháo gỡ thế bế tắc hiện nay?

Đàm phán phải giải quyết được các yêu cầu cấp thiết đang đặt ra ở thực địa.

Trước hết, hai bên cần ngừng bắn, tạo điều kiện cung cấp viện trợ nhân đạo cho người tị nạn, sơ tán cả trong và ngoài Ukraine.

Thứ hai, cần đàm phán để chấm dứt xung đột, xác định những thỏa hiệp có thể được để Nga chấm dứt chiến dịch quân sự.

Thứ ba, cần bàn quy chế trung lập của Ukraine đi liền với quy chế đảm bảo an ninh và các lợi ích kinh tế cho Ukraine.

Thứ tư, các bên liên quan cần đóng góp vào tái thiết Ukraine. Phương Tây cần làm rõ các trường hợp sẽ dỡ bỏ các lệnh trừng phạt Nga..

Không có bên nào hài lòng với tất cả các khía cạnh của đàm phán cuối cùng, nhưng nếu không thỏa hiệp, xung đột có thể không kết thúc.

(thực hiện)