Tổng thống Mỹ Barack Obama và Chủ tịch Cuba Raul Castro trong chuyến thăm ngày 20/3. (Nguồn: CNN) |
Tổng thống Mỹ Barack Obama đã tới Cuba ngày 20/3 để bắt đầu chuyến thăm lịch sử và mở ra một chương mới trong mối quan hệ giữa Washington và đảo quốc xinh đẹp này sau nhiều thập kỷ thù địch.
Ông Obama và gia đình đã được Ngoại trưởng Cuba Bruno Rodriguez tiếp đón nồng nhiệt khi hạ cánh xuống Sân bay Quốc tế Jose Marti. Lễ đón chính thức diễn ra trong ngày 21/3 khi Tổng thống Obama gặp Chủ tịch Raul Castro tại Phủ Chủ tịch. Đây là lần đầu tiên một Tổng thống Mỹ tới Cuba trong suốt 88 năm qua, và chuyến thăm kéo dài 3 ngày này là sự kiện đặc biệt quan trọng trong tiến trình ngoại giao được người đứng đầu hai nước công bố hồi tháng 12/2014, nhằm chấm dứt sự xa lánh và mâu thuẫn giữa Mỹ và Cuba, vốn bắt đầu từ sau khi cuộc Cách mạng Cuba năm 1959.
Tổng thống Obama, người tìm cách khép lại chính sách cô lập Cuba kéo dài hơn 50 năm qua, đã có những nỗ lực không ngừng để hiện thực hóa mục tiêu của mình. Tuy nhiên, để tiến tới bình thường hóa quan hệ, hai bên vẫn còn rất nhiều trở ngại phải vượt qua trong bối cảnh nhiều người chỉ trích ông Obama vì cho rằng vẫn còn quá sớm để tiến hành chuyến thăm này.
Biểu tượng và thực dụng
Diễn ra sau nhiều thập kỷ thù địch, chuyến thăm lần này của ông Obama vừa có ý nghĩa biểu tượng vừa mang tính thực dụng. Chuyến thăm biến ông Obama trở thành Tổng thống Mỹ đương nhiệm đầu tiên tới thăm Cuba kể từ sau chuyến thăm của cố Tổng thống Calvin Coolidge năm 1928. Đây cũng là một bước tiến quan trọng trong việc xóa bỏ những rào cản còn tồn tại trong lĩnh vực thương mại và du lịch giữa Mỹ và Cuba, đồng thời thúc đẩy tiến trình bình thường hóa quan hệ song phương. Kể từ sau khi người đứng đầu hai nước tuyên bố khởi động tiến trình hòa giải, hai bên đã khôi phục quan hệ ngoại giao và ký kết nhiều thỏa thuận thương mại về thông tin liên lạc và dịch vụ hàng không.
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều bất đồng, nhất là lệnh cấm vận kéo dài suốt 54 năm qua mà Mỹ áp đặt với Cuba. Ông Obama đã yêu cầu Quốc hội thông qua việc xóa bỏ lệnh cấm vận này song các nỗ lực của người đứng đầu Nhà Trắng cho tới nay vẫn gặp trở lực lớn từ phía các lãnh đạo của đảng Cộng hòa. Tổng thống Obama đã sử dụng quyền hành pháp của mình để nới lỏng các hạn chế về thương mại và đi lại nhằm thúc đẩy các nỗ lực bình thường hóa quan hệ với Cuba, một trong những ưu tiên về chính sách đối ngoại bên cạnh thỏa thuận hạt nhân với Iran. Tuy nhiên, Cuba vẫn chưa hài lòng với việc Mỹ vẫn đang nắm quyền kiểm soát căn cứ hải quân tại Vịnh Guantanamo theo thỏa thuận cho thuê năm 1934 mà chính quyền Havana cho là đã không còn hiệu lực.
Phát biểu trước báo giới, Bộ trưởng Thương mại và Đầu tư Nước ngoài Cuba Rodrigo Malmierca Diaz cho rằng các nỗ lực của ông Obama “đang đi đúng hướng”, song “chúng ta không thể hoàn tất quá trình bình thường hóa quan hệ nếu bao vây cấm vận vẫn còn hiệu lực và những vấn đề nổi cộm vẫn chưa được ngã ngũ”. Nhiều người Mỹ cho rằng ông Obama đang nhượng bộ quá nhiều trước chính quyền Cuba và ông đang lợi dụng chuyến thăm này để tạo dựng một di sản chính trị. Tuy nhiên, mục tiêu sâu xa của ông Obama là làm tất cả những gì có thể để đảm bảo các nỗ lực hòa giải với Cuba không bị tụt lùi, ngay cả trong trường hợp một tổng thống thuộc đảng Cộng hòa lên nắm quyền sau cuộc bầu cử ngày 8/11 tới.
Nhìn từ hai phía
Để đạt được điều đó, Tổng thống Obama phải sử dụng kỹ năng diễn thuyết của ông để vẽ lên viễn cảnh về một tương lai tươi sáng, hấp dẫn đủ để thuyết phục những công dân trên hòn đảo này, đặc biệt là đối với thế hệ những người sinh từ năm 1980-2000 đầy tham vọng và thông minh ở Cuba cũng như những người Mỹ gốc Cuba muốn đầu tư vào viễn cảnh này. Nhà Trắng cũng có thể tận dụng chuyến thăm đó để xây dựng tầm ảnh hưởng rộng rãi của ông Obama đối với quốc đảo, để ông có thể nói chuyện trực tiếp với những người dân Cuba về nguyện vọng của họ trong tương lai.
Về phía Mỹ, các nhân tố chính phục vụ cho việc bình thường hóa quan hệ là các lợi ích về kinh tế, nông nghiệp, nhân quyền, hoạt động của các nhóm tôn giáo hoặc có cả sự tò mò, háo hức của một số công dân Mỹ muốn tìm hiểu về Cuba sau nhiều thập kỷ tách biệt. Mặc dù phần lớn người dân Mỹ gốc Cuba và gốc Mỹ Latinh đều lựa chọn liên kết hơn là cấm vận, song họ vẫn chưa thể thuyết phục Quốc hội Mỹ dỡ bỏ cấm vận đối với Cuba. Các nghị sỹ Mỹ vẫn cho rằng La Habana đã làm quá ít để giải quyết những vẫn đề hóc búa lớn trong danh sách dài các yêu cầu mà Washington đưa ra, nhất là trong lĩnh vực then chốt như nhân quyền hay cải tổ nền kinh tế.
Về phía Cuba, Chủ tịch Raul Castro nhận ra rằng khả năng của Cuba trong việc bảo vệ thành quả xã hội của cuộc cách mạng phụ thuộc vào việc bình thường hóa với Mỹ để thúc đẩy sự hội nhập của Cuba đối với nền kinh tế thế giới. Nền kinh tế Cuba rất cần thương mại, trao đổi công nghệ, du lịch từ Mỹ - những điều hoàn toàn có thể đạt được nếu lệnh cấm vận của Mỹ được dỡ bỏ hoàn toàn. Những doanh nghiệp gia đình, người nông dân, thế hệ trẻ và các chuyên gia trong lĩnh vực phần mềm, công nghệ sinh học của Cuba cũng đã sẵn sàng để gặt hái thành quả từ những thay đổi này.
Chuyến thăm trên cũng mang lại cho cả hai nhà lãnh đạo cơ hội hiếm có để bày tỏ với người dân hai nước rằng sự thay đổi này không phải từ một phía mà là sự thỏa hiệp chung. Chuyến thăm có thể mở ra tiến trình xem xét việc nới lỏng cấm vận của Mỹ đối với Cuba. Những quy định mới của Chính quyền Mỹ gần đây đã thúc đẩy hợp tác thương mại giữa các doanh nghiệp Mỹ với các thành phần kinh tế đang nổi và các doanh nghiệp nhà nước Cuba. Cuba cũng cần thực hiện một số bước đi tiếp theo để tạo điều kiện cho những hoạt động thương mại như vậy, trong đó có những vấn đề Quốc hội Mỹ rất quan tâm như tìm giải pháp cho các tuyên bố đòi tài sản của người Mỹ gốc Cuba có từ những năm 1960. Giải pháp nhanh chóng cho vấn đề này có thể tạo ra khối cử tri mạnh mẽ tại Mỹ đòi hỏi dỡ bỏ cấm vận và là dấu hiệu rõ ràng nhất để các nhà đầu tư nước ngoài tin rằng Cuba đã chuẩn bị để tôn trọng quyền sở hữu và các quy định pháp luật.
Bên cạnh đó, chuyến thăm của Tổng thống Obama chỉ một tháng trước Đại hội Đảng Cộng sản Cuba, điều này cho thấy Chủ tịch Castro và các quan chức trong Chính quyền Cuba hoan nghênh một cú huých đối với việc khôi phục quá trình cải cách mà ông đã tuyên bố từ năm 2008. Chuyến thăm này cũng nhấn mạnh còn rất ít thời gian trước khi nước Mỹ bầu một vị tổng thống mới - nhân vật có đủ quyền lực để có thể rút lại những bước đi mà ông Obama đã thực hiện cho tới thời điểm hiện nay. Một sự kết hợp hài hòa giữa lợi ích ngắn hạn và dài hạn có thể khiến Tổng thống Obama làm nên lịch sử.