Dòng người lao động đi bộ từ Libya sang Tunisia để chuẩn bị lên đường về nước. |
Mười năm không phải quãng thời gian ngắn, đủ để nhiều câu chuyên trôi vào quên lãng. Tuy nhiên, với ông Bùi Quốc Thành, dù trên cương vị Tổng Lãnh sự tại Fukuoka (Nhật Bản) trước đây hay tại Perth (Australia) hiện nay, chiến dịch giải cứu công dân Việt Nam tại Libya cách đây một thập niên luôn là ký ức không thể phai mờ...
Khi ấy, ông giữ trọng trách là Phó Cục trưởng Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao), đồng thời là thành viên đoàn công tác đi Tunisia – nơi được coi là địa bàn trọng yếu trong chiến dịch.
Chiến dịch tổng lực
Tin liên quan |
NHÀ NGOẠI GIAO KỂ CHUYỆN. Kỷ niệm 10 năm chiến dịch giải cứu lao động Việt Nam tại Libya và những câu chuyện chưa kể (Kỳ I) |
Trước diễn biến phức tạp tại Libya, ngày 24/2/2011, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã chỉ đạo khẩn trương triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn cho người lao động Việt Nam. Ban chỉ đạo đưa công dân Việt Nam đang làm việc tại Libya về nước đã nhanh chóng được thành lập, do Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Gia Khiêm làm trưởng ban.
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo đã thành lập 5 tổ công tác, gồm đại diện Bộ Ngoại giao (làm trưởng các nhóm), Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Công an, Bộ Tài chính, Bộ Giao thông Vận tải, Tổng công ty Hàng không Việt Nam và Hiệp hội Xuất khẩu lao động Việt Nam cùng đại diện các doanh nghiệp, sang Thổ Nhĩ Kỳ, Ai Cập, Hy Lạp, Malta và Tunisia để phối hợp với các Cơ quan đại diện Việt Nam triển khai việc đưa lao động về nước.
Nhận được sự phân công của lãnh đạo, Phó Cục trưởng Cục Lãnh sự Bùi Quốc Thành đã nhanh chóng thu xếp lên đường đến thành phố Djerba của Tunisia, địa điểm cách cửa khẩu biên giới của Libya 150km. Djerba là nơi hầu hết lao động các nước dồn về, trong đó có lao động Việt Nam.
Sau hơn 10 ngày không ngừng nghỉ triển khai chiến dịch giải cứu công dân, tính đến ngày 13/3/2011, tổng số 9.020 lao động Việt Nam đã về nước an toàn.
Số lao động về từ Tunisia là 2.415 người, trong đó có 19 sinh viên người Campuchia, đi trên 7 chuyên cơ của hãng Hàng không Việt Nam và 2 chuyến bay của Tổ chức Di dân quốc tế (IOM).
Tại Thổ Nhĩ Kỳ, tổ công tác đã giải cứu thành công 2.824 lao động Việt Nam. Các công ty thuê lao động của nước này đã hỗ trợ mua vé trên các chuyến bay thương mại và thuê 4 máy bay chở 2.311 lao động Việt Nam về nước.
Còn Đại sứ quán Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ thuê 1 chuyên cơ chở 219 người, và Việt Nam cử 1 chuyên cơ sang chở 294 lao động về nước.
Số lao động Việt Nam sơ tán từ Libya qua Malta về nước là hơn 2.400 người, qua Ai Cập khoảng 900 người (trong đó có 1 chuyến chuyên cơ của Việt Nam), qua Hy Lạp là 229 người, và qua Algeria là 292 người.
Ngoài ra, hơn 1.000 lao động Việt Nam về nước bằng tàu biển từ cảng Benghazi của Libya về đến Quảng Ninh.
Theo thống kê, để đưa toàn bộ lao động về nước, Việt Nam đã thực hiện 10 chuyến bay của hãng Hàng không Việt Nam để chở 3.000 người, đồng thời vận động hiệu quả sự hỗ trợ của các chủ sử dụng lao động và các tổ chức quốc tế để đưa số lao động còn lại về nước, trong đó có 2 chuyến bay của IOM. |
Hình mẫu trong bảo hộ công dân
Khi cuộc chiến tại Libya sắp nổ ra, IOM có đặt vấn đề với Phái đoàn thường trực Việt Nam tại Geneva về việc sơ tán lao động Việt Nam tại Libya về nước.
Sau khi biết được thông tin Việt Nam đã đưa hết hơn 10.200 lao động về nước một cách nhanh chóng và an toàn, IOM rất ngạc nhiên và đề nghị Việt Nam cử người đại diện đã tham gia chiến dịch đến tham dự cuộc họp của Đại hội đồng IOM ở Geneva để trình bày và chia sẻ kinh nghiệm.
| Phối hợp tổ chức chuyến bay đưa công dân Việt Nam từ Canada và Nhật Bản về nước TGVN. Trong các ngày từ 27-29/12, các cơ quan chức năng Việt Nam, các cơ quan đại diện Việt Nam tại Nhật Bản và Canada, ... |
Phó Cục trưởng Cục Lãnh sự Bùi Quốc Thành lúc đó đã vinh dự được cử là người đại diện cho Việt Nam trình bày và chia sẻ kinh nghiệm, cũng như những nỗ lực của nước ta trong việc đưa số người lao động về nước một cách an toàn và trật tự.
Sau khi nghe phần trình bày của Việt Nam, cả hội trường họp vỗ tay ngưỡng mộ, đại diện nhiều nước và các tổ chức quốc tế đã phỏng vấn, đánh giá cao thành công của Việt Nam trong việc sớm sơ tán công dân ra khỏi Libya và đưa người lao động an toàn trở về nước.
IOM đánh giá Việt Nam là một trong những nước đầu tiên đã tích cực, khẩn trương đưa công dân tại Libya về nước và đã triển khai công việc này một cách an toàn, hiệu quả. |
Chuyện giờ mới kể - "giải cứu" 5 tấn hàng
Trong khi diễn ra chiến dịch, Việt Nam đã gửi 5 tấn hàng cứu trợ trên chuyến bay giải cứu của hãng Hàng không Việt Nam đến Tunisia, bao gồm lương khô, sữa Vinamilk, nước suối, mỳ ăn liền...
Khi làm thủ tục nhập khẩu số hàng trên, cơ quan thẩm quyền sân bay Djerba đã không cho Việt Nam nhận hàng, do không có giấy tờ cho phép và không có giấy tờ chứng minh là hàng cứu trợ.
Tuy nhiên, ngay sáng hôm sau, ông Bùi Quốc Thành và ông Nguyễn Văn Du (phiên dịch cho đoàn, cán bộ đang công tác tại Vụ Trung Đông-châu Phi, Bộ Ngoại giao) đã đến gặp và làm việc với Giám đốc sân bay Djerba với hy vọng rất mỏng manh.
Ông Thành kể lại: “Khi chúng tôi trình bày với ông Giám đốc sân bay rằng, vì thời gian chuẩn bị không nhiều, việc giải cứu công dân lại rất gấp, nên phía Việt Nam đã không kịp làm các thủ tục theo quy định.
Và đặc biệt, đây là hàng cứu trợ cho tất cả công dân của các nước, chứ không riêng gì công dân Việt Nam”.
Nghe đến đây, ông Giám đốc có vẻ lưỡng lự suy nghĩ, nhưng rất nhanh sau đó đã gật đầu và cho nhân viên đưa 2 cán bộ ngoại giao của ta đi lấy 5 tấn hàng.
Ông Giám đốc sân bay Djerba đánh giá rất cao nghĩa cử cao đẹp này của Việt Nam, tạo điều kiện cho ta được nhận số hàng trên và được miễn các thủ tục hải quan cũng như mọi chi phí vận chuyển, kho bãi.
Vì đột ngột không kịp chuẩn bị, lại lo ngại ông Giám đốc sân bay suy nghĩ lại rồi thay đổi quyết định, ông Thành và ông Du đã không ngần ngại trèo lên thùng xe tải để đi lấy 5 tấn hàng.
Đoàn công tác của Việt Nam phân phát hàng cứu trợ cho lao động người Việt tại Tusinia. |
Kho ngoại quan chứa hàng cứu trợ nằm sâu trong khu vực sân bay. Khi đến nơi, hai cán bộ của đoàn công tác mới “ngã ngửa ra” khi nhìn thấy đống hàng 5 tấn đồ sộ: nào là thùng lương khô, các két sữa Vinamilk, rồi các két nước suối…
Lái xe người Tunisia chỉ tay vào đống hàng, bảo hai cán bộ khẩn trương bốc lên xe tải để anh ta chở ra. Lúc này, kho ngoại quan vắng vẻ, không một bóng người, biết kêu ai nhờ giúp đỡ...
Ông Thành và ông Du lẳng lặng bắt tay vào bốc hàng lên thùng xe tải, tự động viên nhau cố gắng làm nhanh, sợ lái xe đổi ý.
Lúc bấy giờ, tình trạng sức khỏe của hai người đều không được tốt: Ông Thành bị thoái hóa cột sống, còn ông Du cũng đã cao tuổi.
Hai ông động viên nhau cố gắng bê vác số hàng chất lên xe tải thật nhanh. Mồ hôi nhễ nhại.
Thế rồi số hàng cũng được đưa lên xe tải và chở ra kịp thời để phân phát cho bà con trong lúc chạy nạn...
Sau khi bốc dỡ hàng xong, đêm về nơi ở, ông Thành may mắn không bị đau lưng, nhưng ông Du lại bị sốt cao.
Nhớ ra trước khi lên đường, cán bộ phòng y tế của Cục Lãnh sự có chuẩn bị ít thuốc cảm cúm, đau bụng và giảm sốt, ông Thành liền đưa cho ông Du uống.
Sau đó, ông Du ngủ một mạch đến sáng, khi tỉnh dậy sức khỏe trở lại bình thường.
“Điều mà tôi và anh Du rất vui là không ngờ đoàn công tác đã nhận được 5 tấn hàng một cách kịp thời để cứu trợ công dân Việt Nam đỡ đói trong lúc khó khăn.
Câu chuyện hôm nay mới kể, 5 tấn hàng đối với những người khác thì bình thường, nhưng đối với chúng tôi là một sự cố gắng.
Nhiều lúc nghĩ lại cũng thấy vui vì một việc rất nhỏ nhưng chúng tôi đã làm được đúng lúc, giúp cho công dân đang chạy nạn - một miếng khi đói bằng một gói khi no”, ông Thành nhớ lại một kỷ niệm không thể nào quên trong nghiệp ngoại giao của mình...