TIN LIÊN QUAN | |
Pháp, Anh lên tiếng về căng thẳng giữa Triều Tiên - Mỹ | |
Quốc hội Pháp thông qua luật "thanh lọc" bộ máy chính trị |
Theo cuộc thăm dò do YouGov thực hiện mới đây, ông chủ Điện Elysee đang đối mặt với chỉ số tín nhiệm lao dốc không phanh, từ 66% xuống chỉ còn 36% chỉ sau ba tháng, xấp xỉ với người đồng cấp Mỹ Donald Trump. Đáng chú ý, đây là lần đầu tiên một Tổng thống Pháp có chỉ số ủng hộ sụt giảm nhanh như vậy trong hai thập kỷ qua.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. (Nguồn: AFP) |
Có thể nói, tài năng, sức trẻ và quyết tâm mãnh liệt phục hưng đất nước đã đưa ông Macron đạt đỉnh cao quyền lực tại Paris. Tuy nhiên, chính những yếu tố này lại đang trở thành rào cản trên con đường tiến bước của nhà lãnh đạo 39 tuổi cùng chính đảng của mình.
Hậu quả từ các quyết sách
Cựu lãnh đạo Đảng Xanh của Đức Daniel Cohn-Bendit từng nói: “Chẳng ai sinh ra đã là Tổng thống. Ngay cả nhà lãnh đạo tốt nhất cũng từng vấp ngã”. Tuy nhiên, người Pháp khó có thể lạc quan về những sai lầm mà nhà lãnh đạo của họ liên tiếp mắc phải trong vẻn vẹn 100 ngày đầu cầm quyền.
Sự thiếu kinh nghiệm của chính trị gia trẻ tuổi thể hiện ngay trong quá trình chọn lựa nội các. Cáo buộc về vụ bê bối tài chính hồi cuối tháng Sáu khiến bốn Bộ trưởng từ chức trong vỏn vẹn 48 tiếng đã đánh mạnh vào uy tín của ông Macron. Vào giữa tháng Bảy, bất mãn với chính sách cắt giảm 850 triệu Euro chi tiêu quốc phòng của nhà lãnh đạo Pháp, Tổng Chỉ huy các Lực lượng vũ trang Pháp Pierre de Villiers đã từ chức. Bên cạnh đó, quan hệ giữa Tổng thống Macron và Thủ tướng Eduardo Philippe cũng không được suôn sẻ khi nhà lãnh đạo Pháp công khai bác bỏ nhiều tuyên bố của quan chức do chính tay ông bổ nhiệm.
Ngoài ra, chuyên gia về chính trị Pháp của Đại học Oxford Sudhir Hazareesingh đánh giá việc ông Macron bổ nhiệm “những tay ngang” vào Lưỡng viện Pháp đã làm bộ máy hành chính của quốc gia này trở nên rối loạn. Ông nhận định: “Họ vẫn chưa thể làm quen với các quy trình của Quốc hội. Những người này thậm chí còn chẳng thể đoàn kết thành một khối”.
Với nội các chưa hoàn chỉnh cùng một Quốc hội non trẻ, những quyết sách có phần nóng vội của nhà lãnh đạo 39 tuổi chỉ càng “đổ thêm dầu vào lửa” cho tình hình chính trị rối ren tại xứ Gaul. Thay vì tập trung củng cố vững bộ máy chính quyền, tạo tiền đề cho những bước đi tiếp theo, Tổng thống Macron lại mong muốn thúc đẩy những dự luật gây tranh cãi trong xã hội Pháp như cải tổ lao động, cắt giảm ngân sách hàng năm và xóa bỏ các đặc quyền của nhiều quan chức Chính phủ. Việc nhà lãnh đạo này cố gắng hợp thức hóa danh phận Đệ Nhất phu nhân của người vợ 64 tuổi cũng gặp phải không ít sự phản đối.
Nhận định về thực trạng hiện nay của nước Pháp, nhà phân tích Jerome Fourget cho rằng: “Đã đến lúc ông Macron phải trở về với thực tại và gánh chịu những hậu quả do những quyết sách của mình gây ra”. Có thể nói, đánh mất sự ủng hộ của người dân chính là cái giá đắt mà Tổng thống Macron phải trả cho sự thiếu kinh nghiệm của mình.
Điểm sáng đối ngoại
Tuy nhiên, liệu người dân xứ Gaul đã quá khắt khe với nhà lãnh đạo của mình? Công bằng mà nói, 100 ngày đầu của Tổng thống Macron không trải đầy hoa hồng, nhưng cũng chẳng hề là màu xám xịt.
Trong chuyến công du tới Italy hồi tháng Sáu dự Hội nghị Thượng đỉnh các nước phát triển (G20), Tổng thống Macron nhận được nhiều sự tán thưởng của cộng đồng quốc tế khi thể hiện tốt diện mạo nguyên thủ của một quốc gia trụ cột trong Liên minh châu Âu (EU). Hình ảnh nhà lãnh đạo trẻ tuổi, lịch thiệp trong giao tiếp nhưng kiên quyết bảo vệ lợi ích của đất nước đã khiến ông Macron ghi điểm trong mắt nhiều nguyên thủ quốc gia khác.
Đặc biệt hơn, Tổng thống Pháp cũng nhanh chóng dẹp tan những tin đồn về sóng gió trong mối quan hệ Washington – Paris sau khi Nhà Trắng tuyên bố rút khỏi Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu (COP21). Ông Macron đã khéo léo tận dụng thời điểm chuyến thăm của người đồng cấp Mỹ Donald Trump tới Paris hồi tháng Bảy để giành được sự đồng thuận của ông chủ Nhà Trắng trong nhiều vấn đề cùng quan tâm, đặc biệt là công cuộc chống khủng bố.
Quan trọng hơn cả, giữa những bất ổn liên quan đến Brexit, cam kết của Tổng thống Macron với châu Âu và mối giao tình gần gũi cùng Thủ tướng Đức Angela Merkel đã gieo hy vọng cho nhiều người về sự hồi sinh của trục Pháp – Đức, nền tảng đã xây dựng nên EU ngày nay.
Những thành công trong đối ngoại này có một phần không nhỏ đến từ kinh nghiệm của cựu Thủ Tướng/Ngoại trưởng Dominique de Villepin, người mà ông Macron đã nhiều lần trò chuyện trước khi nhậm chức Tổng thống hồi tháng Năm. Điều này phản ánh một thực tế rõ rệt: Ông Macron có và đủ khả năng trở thành một tổng thống đi vào lịch sử của nước Pháp. Thứ mà nhà lãnh đạo này cần là thời gian để củng cố vững chắc nền móng chính quyền non trẻ và học hỏi thêm kinh nghiệm sau những lần vấp ngã.
Có người từng nói: “Bài kiểm tra khó khăn nhất về tinh thần quả cảm là chịu đựng thất bại mà không nản lòng”. Đạp đổ rào cản, vượt qua định kiến để trở thành nhà lãnh đạo mà người dân Pháp mong muốn là nhiệm vụ mà Tổng thống Emmanuel Macron cần phải hoàn thành.
Thượng viện Pháp thông qua dự luật chống khủng bố Ngày 18/7, dự luật chống khủng bố của Pháp đã vượt qua được "cửa ải" đầu tiên, khi được Thượng viện nước này thông qua ... |
Tổng thống Mỹ khẳng định mối quan hệ bền vững với Pháp Ngày 13/7, Tổng thống Mỹ Donald Trump khẳng định mối quan hệ giữa Mỹ và Pháp là “không thể bị phá vỡ”. |
An ninh tại châu Phi là ưu tiên của Pháp Vừa qua, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã có chuyến thăm Mali và tham dự Hội nghị thượng đỉnh nhóm các quốc gia G5 Sahel. Mục ... |