Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải - Phó Chủ tịch Hội đồng Thương hiệu quốc gia Việt Nam phát biểu tại họp báo. (Ảnh: Vân Chi) |
Đây là thông tin được Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải - Phó Chủ tịch Hội đồng Thương hiệu quốc gia Việt Nam đưa ra tại cuộc họp báo ngày 25/10 về Lễ Công bố sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam lần thứ 8 năm 2022.
Thứ trưởng nhấn mạnh, từ rất sớm, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã quan tâm đến vai trò của thương hiệu. Vì vậy từ năm 2003, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Công Thương là cơ quan thường trực, chịu trách nhiệm phối hợp với các Bộ, Ngành triển khai thực hiện Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam. Điều này đã thể hiện rõ quyết tâm, điều hành hiệu quả các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng và phát triển thương hiệu, tạo mối quan hệ chặt chẽ giữa Chính phủ và doanh nghiệp, đồng hành cùng doanh nghiệp.
Từ đó khẳng định vị trí, vai trò và những đóng góp quan trọng của doanh nghiệp trong nền kinh tế để quảng bá hình ảnh đất nước Việt Nam là quốc gia có hàng hóa, dịch vụ chất lượng, tạo dựng uy tín và nâng cao sức cạnh tranh cho các doanh nghiệp Việt Nam trên thị trường trong nước và quốc tế.
“Chương trình không phải là giải thưởng mà việc lựa chọn các thương hiệu sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam chỉ là sự khởi đầu để các doanh nghiệp trở thành đối tác của Chương trình. Nhà nước không làm thay cho doanh nghiệp nhưng sẽ đứng ra bảo trợ cho các thương hiệu sản phẩm có chất lượng và uy tín nhằm giúp doanh nghiệp Việt Nam tạo chỗ đứng vững vàng trên thị trường trong nước, đẩy mạnh phát triển thương hiệu của mình ra thế giới”, Thứ trưởng khẳng định.
Đặc biệt, Chương trình đã góp phần nâng cao ý thức của cộng đồng doanh nghiệp về vai trò quan trọng của thương hiệu trong việc gia tăng giá trị cho sản phẩm cũng như giá trị của doanh nghiệp, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp và khẳng định vị thế trên thị trường.
Năm 2022 là năm thứ hai Bộ Công Thương triển khai Quyết định số 30/2019/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư số 33/2019/TT-BCT của Bộ Công Thương và là năm đầu tiên triển khai Thông tư số 25/2021/TT-BCT của Bộ Công Thương.
“Với việc đổi mới trong chính sách cũng như quy trình xét chọn nghiêm ngặt của Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam, kết hợp cùng với những hoạt động hỗ trợ thiết thực cho doanh nghiệp, chúng tôi tin tưởng rằng Thương hiệu quốc gia Việt Nam trong bối cảnh mới sẽ ngày càng vững mạnh, chiếm lĩnh vị trí cao trên thị trường quốc tế”, ông Đỗ Thắng Hải bày tỏ.
Thông tin về điểm mới trong công tác xét chọn sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia năm nay, ông Hoàng Minh Chiến - Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Phó Trưởng ban, Ban Thư ký Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam cho biết, kỳ xét chọn năm nay ghi nhận số lượng doanh nghiệp và số lượng sản phẩm đạt thương hiệu quốc gia tăng với tỷ lệ cao nhất từ trước đến nay, tăng 48 doanh nghiệp so với năm 2020 (124 doanh nghiệp).
Số lượng các doanh nghiệp mới tham gia Chương trình có sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia cũng tăng mạnh với 64 doanh nghiệp, chiếm 37,2% trên tổng số doanh nghiệp có sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia. Bên cạnh đó, kết quả năm nay tiếp tục ghi nhận con số đáng tự hào khi 19 doanh nghiệp đã có 8 lần liên tiếp có sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia kể từ kỳ xét chọn đầu tiên năm 2008.
Đáng lưu ý, trong số các sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia năm nay đã xuất hiện thêm nhiều tên tuổi, thương hiệu nổi tiếng trên thị trường. Lĩnh vực hoạt động của các doanh nghiệp trải dài trên 30 ngành hàng khác nhau. Về mặt địa lý, các doanh nghiệp có sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia năm 2022 đến từ 35 tỉnh thành thuộc cả ba miền Bắc, Trung, Nam.
Giải đáp những thắc mắc của doanh nghiệp và truyền thông tham gia sự kiện về những quyền lợi được hưởng sau khi sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia, ông Vũ Bá Phú- Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Trưởng ban, Ban Thư ký Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam, cho hay: "Sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia sẽ được Chương trình hỗ trợ và đồng hành quảng bá trên thị trường trong nước và quốc tế, thông qua đó quảng bá cho Chương trình và quốc gia Việt Nam.
Cụ thể, doanh nghiệp có sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia sẽ được sử dụng logo của Chương trình trên sản phẩm truyền thông cho sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia. Doanh nghiệp có sản phẩm được công nhận cũng sẽ được tập trung hỗ trợ kỹ thuật nâng cao năng lực quản trị và phát triển thương hiệu. Hỗ trợ quảng bá hình ảnh và thương hiệu của doanh nghiệp".
Cũng theo ông Phú, yếu tố đổi mới, sáng tạo luôn được đánh giá cao và là tiêu chí “đinh” trong công tác xét chọn sản phẩm. Trong kỳ xét chọn này, Ban tổ chức đã làm việc chặt chẽ với các chuyên gia để mỗi doanh nghiệp có sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia luôn được các chuyên gia cân nhắc kỹ yếu tố đổi mới sáng tạo.
Dự kiến, lễ công bố sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam năm 2022 sẽ được tổ chức vào 19h30 ngày 2/11 tới tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia và truyền hình trực tiếp trên Đài Truyền hình Việt Nam. |
| Gia tăng thương hiệu quốc gia, tạo bệ phóng cho sức cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam được coi là điểm sáng nhờ sự thăng hạng vượt bậc về giá trị thương hiệu quốc gia đi cùng những kết quả ... |
| Xây dựng và phát triển văn hóa ẩm thực Việt Nam thành thương hiệu quốc gia, giai đoạn 2022-2024 Ngày 17/6, Hiệp hội Văn hóa ẩm thực Việt Nam (VCCA) tổ chức họp báo công bố đề án “Xây dựng và phát triển văn ... |
| Khai mạc Diễn đàn Thương hiệu quốc gia Việt Nam năm 2022 Ngày 20/4 tại Hà Nội, Cục Xúc Tiến thương mại - Bộ Công Thương và Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ... |
| Tuần hàng Việt Nam tại Hà Lan: Thúc đẩy tiêu dùng hàng Việt, nâng cao thương hiệu quốc gia Tuần hàng Việt Nam tại Hà Lan nhằm truyền tải thông điệp sản phẩm Việt không ngừng vươn ra thế giới. |
| Thương hiệu Trung Quốc: Quyết làm chủ ‘sân nhà’ Sau nhiều thập kỷ, vươn lên từ nền tảng là công xưởng của thế giới, các thương hiệu Trung Quốc dần tự nâng cấp để ... |