📞

6 vấn đề chiến lược để NATO gia tăng sức mạnh 'thét ra lửa' hậu thượng đỉnh

Hà Anh 06:37 | 25/06/2021
Theo tác giả Jamie Shea và Michael John Williams*, sau Hội nghị Thượng đỉnh NATO, tổ chức này sẽ phải chú trọng 6 vấn đề sau để tăng cường sức mạnh đương đầu với các thách thức mới.
Trong khi các nhà lãnh đạo EU sẵn sàng gia tăng hợp tác, thì Tổng thống Joe Biden cũng bày tỏ cam kết của Mỹ với mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương. Do đó, đây là thời điểm vàng để đẩy mạnh hợp tác EU-NATO. (Nguồn: Reuters)

Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) là một liên minh chính trị - quân sự. Tuy vậy, yếu tố chính trị ở liên minh này dường như đã biến mất trong những năm gần đây, trong khi những thách thức ngày một gia tăng.

Trước nhiều kỳ vọng rằng NATO cần phải là diễn đàn chính để điều phối chính sách và quản lý khủng hoảng xuyên Đại Tây Dương, NATO cần làm gì để trở thành một liên minh có sức mạnh "thét ra lửa"?

Các tác giả cho rằng, sau Hội nghị Thượng đỉnh NATO vừa qua, 6 vấn đề dưới đây nếu được chú trọng và triển khai hiệu quả có thể là con đường để NATO tìm lại hào quang của chính mình.

Đối phó với Trung Quốc

Trong mắt NATO, Trung Quốc là thách thức lớn nhất với trật tự thế giới hiện tại. Với dân số 1,3 tỷ người và nền kinh tế gần 16 nghìn tỷ USD, Trung Quốc là cường quốc không chấp nhận các quy chuẩn và luật pháp quốc tế hiện nay như tự do hàng hải, cũng như có quan điểm khác biệt với phương Tây về nhân quyền.

Quy mô và phạm vi tham vọng của Trung Quốc, cũng như việc nước này là đối tác thương mại hàng đầu của nhiều thành viên NATO khiến tình hình thêm phức tạp. Bản thân Liên minh châu Âu (EU) đã lảng tránh vấn đề này, nhưng cũng đã bắt đầu nhìn nhận bản chất của thách thức từ Trung Quốc.

Tại Hội nghị Thượng đỉnh, NATO đã lần đầu đưa thuật ngữ “thách thức từ Trung Quốc” vào tuyên bố chung. Hiện nay, rõ ràng tổ chức này phải vừa cân bằng với “thách thức cũ” là Nga, vừa đối phó với "thách thức mới" là Trung Quốc, lại vừa hướng đến châu Á qua xây dựng mạng lưới đối tác hiện đại ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Trung Quốc nên được coi là mối quan tâm hàng đầu với NATO và cần được thảo luận trong tất cả cuộc gặp cấp cao của tổ chức này, nhằm thiết lập một chiến lược chính trị toàn diện, trong bối cảnh Trung Quốc có khả năng trở thành cường quốc kinh tế dẫn đầu thế giới trong một thập kỷ tới.

Định hướng mới về kiểm soát vũ khí

NATO cần chú trọng trở lại công tác chống phổ biến vũ khí hạt nhân và kiểm soát vũ khí, những điều mà liên minh này từng thực hiện hiệu quả trước đây.

NATO đã nhiều lần cáo buộc Nga vi phạm hiệp ước về không phổ biến vũ khí hạt nhân và hạn chế vũ khí, cũng như tiếp tục phát triển những công nghệ mới và hiện đại hóa trong lĩnh vực hạt nhân. Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng đang mở rộng và hiện đại hóa kho vũ khí hạt nhân và vũ khí quân sự của mình.

Bối cảnh này đòi hỏi NATO phải tiếp tục theo đuổi cách tiếp cận của mình đối với vấn đề kiểm soát vũ khí, vừa răn đe quyết liệt, vừa nỗ lực giảm thiểu rủi ro. Những tiến triển trong lĩnh vực này có thể giúp NATO giành lại thế thượng phong trong các cuộc thảo luận về kiểm soát vũ khí.

Đồng thời, NATO cũng cần nghiên cứu để đề ra chiến lược và "làm gương" cam kết tôn trọng Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT) trong khi khôi phục các hiệp ước chia sẻ vũ khí hạt nhân.

Trên mặt trận dư luận, NATO cần hợp tác với các chuyên gia để giúp công chúng nhận thức được nhu cầu răn đe hạt nhân, tránh các hành động khiến NATO giống hình ảnh một bên gây hấn. Mặt khác, NATO cũng cần chủ động làm việc với cả Nga và Trung Quốc về các hiệp ước mới trong lĩnh vực này.

Xây dựng quan hệ EU-NATO hiệu quả hơn

Quan hệ EU-NATO dường như đang tiến triển tốt về lý thuyết, nhưng trên thực tế quan hệ hợp tác giữa hai bên vẫn chưa thực sự hiệu quả. Việc xây dựng quan hệ EU-NATO thêm gắn bó là điều cần thiết để đưa mối quan hệ này đi đúng hướng.

Trong khi các nhà lãnh đạo EU sẵn sàng gia tăng hợp tác, thì Tổng thống Joe Biden cũng bày tỏ cam kết của Mỹ với mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương. Do đó, đây là thời điểm vàng để đẩy mạnh hợp tác EU-NATO.

Cụ thể là, hai bên cần ủng hộ việc tăng cường khả năng phòng thủ của châu Âu, qua đó gia tăng sức mạnh cho NATO và dẫn đến chia sẻ chi phí công bằng hơn.

Ngoài ra, hai bên cũng cần “thể chế hóa” mối quan hệ giữa các quan chức thông qua các chương trình trao đổi hợp tác, chia sẻ thông tin và giảm thiểu hoạt động trùng lặp.

Cuối cùng, việc đổi mới mối quan hệ giữa EU và Mỹ cần hướng đến khả năng phục hồi. Đơn cử như các cuộc tấn công an ninh mạng nhằm vào Mỹ vừa qua, NATO và EU cần có khả năng giảm tác động tiêu cực của các cuộc tấn công, phục hồi hoạt động và cải thiện chiến lược chống lại các vụ tấn công mạng.

Một EU "có giá" hơn

Việc cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump từng cho rằng các đồng minh NATO đang lợi dụng Mỹ một cách không công bằng là biểu hiện của mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương đang rạn nứt. Hàng thập kỷ qua, nhiều ông chủ Nhà Trắng đã lên tiếng chỉ trích EU quá phụ thuộc vào Mỹ.

Giờ đây, EU cần tận dụng thiện chí của chính quyền ông Biden để gia tăng năng lực và sự tự chủ chiến lược trong khuôn khổ quan hệ xuyên Đại Tây Dương. Qua đó, EU sẽ trở thành đối tác, đồng minh an ninh "có giá" hơn trong mắt người Mỹ.

Bằng hành động thực tế, EU cần khẳng định khả năng đóng góp của mình tới hòa bình và an ninh toàn cầu.

Ngoài ra, NATO cũng cần hướng đến việc gia tăng năng lực thực tế thay vì chỉ nghĩ đến tăng chi tiêu quốc phòng. Việc yêu cầu các nước thành viên NATO tăng chi tiêu quốc phòng lên mức ít nhất 2% GDP tuy gây chú ý nhưng không giúp cải thiện được năng lực thực tế.

Các nhà lãnh đạo tham dự Hội nghị Thượng đỉnh NATO ngày 14/6. (Nguồn: AFP)

Ổn định mà không can thiệp

Trong 30 năm qua, NATO đã can thiệp vào nhiều khu vực ngoại vi của châu Âu và cả các khu vực khác trên thế giới. Một số chiến dịch thành công như Kosovo, nhưng cũng có một số chiến dịch thất bại như Afghanistan.

Cuộc chiến ở Afghanistan khiến NATO tốn kém về cả nhân lực và vật chất, đồng thời đặt ra nhiều thách thức nghiêm trọng với liên minh. Dư luận các nước thành viên NATO rất ít có khả năng ủng hộ các chiến dịch như vậy trong tương lai.

Việc đổi mới NATO như một diễn đàn chính trị sẽ bao gồm cách tiếp cận chủ động để giám sát và giảm thiểu rủi ro ở khu vực ngoại vi phía nam của NATO, từ Bắc Phi đến Trung Đông. Đây là khu vực trải qua bất ổn kinh niên, và đặt ra nhiều thách thức, áp lực với EU.

Rõ ràng, việc can thiệp vào khu vực này không được khuyến khích, đặc biệt khi cân nhắc kỹ lưỡng đến các hậu quả không mong muốn có thể xảy ra. Tuy nhiên, sự tham gia nhất quán, thường xuyên, dựa trên sự thảo luận và xây dựng chính sách chung trong NATO, giữa NATO với EU sẽ giúp liên minh thành công trong việc quản trị rủi ro ở các khu vực "khó nhằn" này.

Giải quyết các thách thức công nghệ

Hàng loạt vụ tấn công bằng mã độc tống tiền (ransomware) gần đây nhằm vào các cơ sở hạ tầng quan trọng cũng như các tổ chức của các nước thành viên NATO cho thấy các mối đe dọa an ninh mạng đang ngày càng phức tạp, tinh vi và thường xuyên hơn.

Trong tương lai, những cuộc tấn công an ninh mạng vào các thực thể cả công và tư sẽ còn xuất hiện nhiều hơn nữa. NATO cần là diễn đàn xây dựng nên chiến lược xuyên Đại Tây Dương về chủ quyền công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Thời gian tới, NATO không chỉ cần tập trung vào các công nghệ đột phá, mà còn cần đẩy mạnh hợp tác đa quốc gia trong nghiên cứu và phát triển các mối quan hệ đối tác quốc phòng về công nghệ.

Tuyên bố thiết lập mạng lưới đổi mới về quốc phòng và Quỹ Đổi mới NATO đáng được hoan nghênh, nhưng có lẽ liên minh này còn phải làm nhiều hơn nữa mới có thể nâng cao lợi thế công nghệ và củng cố sức mạnh trước những thách thức mới.

***

Việc đổi mới NATO thành một liên minh chính trị dựa trên 6 vấn đề trên chắc chắn không dễ dàng, nhưng nếu có một chính quyền Mỹ có khả năng làm điều này, thì đó là chính quyền của Tổng thống Joe Biden.

Ông Biden là Tổng thống Mỹ đầu tiên có xu hướng ủng hộ chủ nghĩa xuyên Đại Tây Dương kể từ thời cựu Tổng thống George H.W. Bush.

Kể từ năm 2000, mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương đã bị trách móc, thờ ơ bởi Nhà Trắng. Điều này đã gây ra thiệt hại to lớn, khiến NATO suy giảm năng lực với tư cách một chủ thể chính trị.

Bởi lẽ đó, một trong những di sản hàng đầu của ông Biden có thể là việc tạo ra nền tảng cho các thế hệ sau hướng về EU như các đồng minh hàng đầu trong một thế giới đầy cạnh tranh.


*Jamie Shea là Chủ tịch Trung tâm Nghiên cứu Chiến tranh tại Đại học Nam Đan Mạch (SDU), nguyên Phó Tổng thư ký NATO về các thách thức an ninh đang nổi lên.

Đồng tác giả Michael John Williams là thành viên cao cấp thuộc Sáng kiến ​​An ninh xuyên Đại Tây Dương của Trung tâm Scowcroft, Phó Giáo sư về các vấn đề quốc tế tại Đại học Syracuse (Mỹ).

(theo Atlantic Council)