Lực lượng Taliban giành quyền kiểm soát Afghanistan trong thời gian ngắn "nằm ngoài dự báo". (Nguồn: Reuters) |
Nhanh bất ngờ
Mỹ và NATO rút quân, chính phủ của Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani thất thủ là điều được dự báo. Nhưng tình báo Mỹ cho rằng nhanh nhất cũng phải 90 ngày, tính từ khi Mỹ rút quân, Taliban mới có thể kiểm soát được Afghanistan. Đủ thời gian để Mỹ rút quân trong trật tự.
Một số nhà quân sự, ngoại giao và Đại sứ Mỹ tại Afghanistan Ryan Crocker dự báo “nội chiến kéo dài hiện hữu”. Thậm chí có người còn cho rằng Taliban khó kiểm soát hoàn toàn Afghanistan, “cân bằng sẽ sớm thiết lập”…
Nhưng tốc độ tiến công của quân Taliban nhanh hơn mọi dự đoán. Ngày 15/8, thủ đô Kabul đã thất thủ, Tổng thống Ashraf Ghani chạy ra nước ngoài, chính thức trở thành cựu Tổng thống. Taliban tuyên bố không cần một chính phủ chuyển tiếp.
Chính quyền Afghanistan do Mỹ dựng lên, chống lưng, cùng với một đội quân hơn 300.000 người, được xây dựng, huấn luyện trong 20 năm, trang bị nhiều vũ khí hiện đại, tổng chí phí hơn 1.000 tỷ USD. Mà tan rã theo kiểu không thể cưỡng lại, như những quân cờ domino.
Một chính phủ “mất gốc”, một đội quân mang tư tưởng “đánh thuê”. Tổng thống Joe Biden buộc phải thừa nhận: “Thêm 1 hay 5 năm, sự hiện diện của quân đội Mỹ không tạo ra sự khác biệt, nếu quân chính phủ Afghanistan không thể, không nắm giữ đất nước mình”.
Thất bại là điều không tránh khỏi.
Nhưng như lời Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken: “…điều đó xảy ra nhanh hơn chúng tôi dự tính”! Chính cái tốc độ tan rã làm cho thiên hạ và cả người trong cuộc cũng bất ngờ.
Nỗi lo không của riêng ai
Có tin Hội đồng điều phối quản lý chuyển giao quyền lực với sự tham gia của Abdullah, người dẫn đầu đoàn đàm phán với Taliban và lãnh chúa Gulbddin Hekmatyar vẫn cố níu kéo. Cựu Tổng thống Hamid Karzai cũng bày tỏ sẵn sàng đóng góp. Nhưng xem ra bất khả thi.
Không loại trừ một số sắc tộc, lãnh chúa ở Afghanistan, từng tham gia, hợp tác với chính quyền cũ sẽ tiếp tục chiến đấu để đấu tồn tại. Các thế lực bên ngoài cũng không ngồi yên. Nhưng một cuộc nội chiến dai dẳng, có thể xoay chuyển cục diện hầu như sẽ không xảy ra.
Tình thế ở Afghanistan đặt người dân và thế giới trước những nỗi lo.
Thứ nhất, nguy cơ khủng hoảng nhân đạo, áp đặt lại kiểu nhà nước Hồi giáo hà khắc, như trước khi xảy ra cuộc chiến tranh năm 2001. Taliban hứa sẽ không trả thù, chuyển giao quyền lực êm đềm. Họ có một người phát ngôn bằng tiếng Anh với truyền thông quốc tế. Nghĩa là Taliban muốn chứng tỏ đã thay đổi, muốn thế giới công nhận. Nhưng một quá khứ tàn bạo, đẫm máu khó làm cho mọi người tin.
Thứ hai, là dòng người tị nạn ồ ạt. Năm 2020, có 2,6 triệu người dân Afghanistan chạy tị nạn, xấp xỉ 1/14 tổng dân số. Con số đó chắc chắn sẽ gia tăng mạnh mẽ trong thời gian tới. Điểm đến của họ là các quốc gia láng giềng và châu Âu.
Thứ ba Afghanistan sẽ tiếp tục là quốc gia đứng đầu về trồng, sản xuất thuốc phiện. Theo số liệu năm 2020, Afghanistan sản xuất 6.300 tấn thuốc phiện, trị giá 350 triệu USD. Thuốc phiện sẽ tiếp tục là nguồn cung cấp tài chính lớn cho Taliban.
Thứ tư, Afghanistan sẽ tiếp tục là nơi trú ngụ, hoạt động của các tổ chức tội phạm quốc tế, khủng bố cực đoan, al-Qaeda, phiến quân nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).
Thứ năm, tổng hợp của các nhân tố trên, Afghanistan sẽ gây bất ổn cho khu vực, thế giới. Các nước láng giềng lo. Các nước lớn Nga, Trung Quốc, Ấn Độ… cũng lo.
Mỹ và đồng minh lại càng lo hơn. Như thừa nhận của cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta, “đó là mối đe dọa an ninh quốc gia đối với Mỹ”.
Không loại trừ việc Taliban sẽ kích hoạt cuộc chiến mới chống Mỹ và đồng minh. Taliban không có vũ khí hạt nhân, tên lửa xuyên lục địa. Nhưng các tổ chức khủng bố cực đoan sẽ là thứ vũ khí nguy hiểm. Đích nhắm của chúng là các công trình, doanh nghiệp, quan chức… của Mỹ, đồng minh ở khắp nơi và ở ngay tại quốc gia của họ.
Những toan tính
Các nhà quân sự, ngoại giao quốc tế cho rằng không thể cản trở Taliban, đành chấp nhận thực tế và tìm cách triển khai những chính sách thực dụng.
Đa số các nước sẽ không hoặc chưa công nhận chính quyền Taliban. Ngày 16/8, hơn 60 quốc gia ra tuyên bố chung kêu gọi lập tức chấm dứt các hành động bạo lực, khôi phục an ninh và trật tự dân sự.
Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc tổ chức cuộc họp khẩn về tình hình Afghanistan. Ngoại trưởng các nước EU họp trực tuyến về tình hình ở Afghanistan vào hôm nay (17/8).
Mỹ vội đưa 6.000 quân đến hỗ trợ sơ tán khẩn cấp nhân viên, những người cộng tác. Cùng với tuyên bố sẽ đáp trả mạnh mẽ nếu Taliaban đe dọa an ninh Mỹ.
NATO có ý không hài lòng khi Mỹ quyết định rút quân, cũng chẳng thể làm gì hơn. Đa phần, chính phủ các nước thành viên NATO lo bảo đảm an toàn, rút nhân viên Đại sứ quán và công dân khỏi Afghanistan.
Nga lo ngại chủ nghĩa khủng bố, bất ổn ở Afghanistan ảnh hưởng đến mình và các “sân sau” là láng giềng của Taliban. Nga sẽ không can dự trực tiếp, mà thông qua Liên hợp quốc và các tổ chức khu vực, tìm cách “dựng hàng rào” ngăn chặn bất ổn lây lan, hạn chế tác động xấu.
Việc Moscow tuyên bố không đóng cửa Đại sứ quán và các tiếp xúc trước đó cho thấy Nga có dự tính và con bài nhất định.
Trung Quốc được cho là có khả năng lấp “khoảng trống quyền lực” nhất. Nhưng Bắc Kinh được cảnh báo về “nghĩa trang của các đế chế” nên sẽ không dại trực tiếp nhảy vào thay thế Mỹ. Chính sách thực dụng, chơi nhiều con bài là sở trường của Bắc Kinh.
Trước đó, họ ủng hộ chính phủ Afghanistan nhưng cũng giữ quan hệ với Taliban. Tháng 7, một phái đoàn Taliban đến Trung Quốc và được Ngoại trưởng Vương Nghị tiếp. Ngầm ý của Taliban là tranh thủ và thông qua Bắc Kinh để được thế giới công nhận.
Bắc Kinh tuyên bố “không can dự công việc nội bộ”. Theo đánh giá của các học giả quốc tế, bây giờ, ai cầm quyền ở Kabul không còn là vấn đề quan trọng với Bắc Kinh. Quan trọng hơn là không để tổ chức Hồi giáo cực đoan can dự gây bất ổn ở Tân Cương. Đồng thời tìm cách triển khai các dự án đầu tư, hợp tác xây dựng cơ sở hạ tầng theo chiến lược “vành đai, con đường”. Trong đó nhắm đến các mỏ đất hiếm và quặng đồng... có trữ lượng lớn.
New Delhi có quan hệ với chính phủ của Tổng thống Ashraf Ghani, đang tìm đối sách hạn chế ảnh hưởng từ bất ổn ở Afghanistan và việc Pakistan lợi dụng Taliban để chống phá Ấn Độ.
Iran muốn nắm quyền lãnh đạo lực lượng Hồi giáo dòng Shia. Nhưng phải lo giữ biên giới, ngăn chặn bất ổn lây lan và đối phó với Mỹ, Israel nên cũng không rảnh tay để có thể làm gì đó.
Thổ Nhĩ Kỳ, có tham vọng hiện diện, tranh giành ảnh hưởng ở khu vực, nhất là trong tình trạng “đục nước” ở Afghanistan. Nhưng Ankara cũng phải nghe ngóng, chờ cơ hội.
Một đứa trẻ di tản trong bối cảnh giao tranh giữa lực lượng an ninh Afghanistan và các phiến quân Taliban ngày 10/8. (Nguồn: Reuters) |
***
Nỗi lo ai cũng thấy, nhưng cần và làm gì để thay đổi thì chưa thấy, hoặc có nhưng chưa đủ độ. Các tổ chức quốc tế, một số nước có thể tiến hành biện pháp gây sức ép, trừng phạt kinh tế. Nhưng tác động đến đâu cũng khó nói trước.
Bài học xuất khẩu mô hình dân chủ, áp đặt ý chí chính trị cho nhân dân nước khác thất bại. Buộc các nước lớn phải cân nhắc trước khi can dự. Quyết định vẫn là ý chí và hành động của người dân Afghanistan.
Với nội tình như thế, bên ngoài tính toán như vậy, nên việc Taliban nắm quyền, thành lập Tiểu vương Quốc Hồi giáo xem ra đã an bài, ít nhất là trong vài năm tới.
Tương lai lâu dài của Afghanistan còn phải chờ xem.