Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu. (Nguồn: Sigmalive) |
Ngày 4/5, Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu, người đồng thời cũng là Chủ tịch AKP, đã có một cuộc gặp 90 phút với Tổng thống Recep Tayyip Erdogan. Theo giới truyền thông, đây là cuộc họp có tính quyết định đối với tương lai của vị thủ tướng trong bối cảnh có những thông tin về sự bất đồng giữa hai nhà lãnh đạo trong các lĩnh vực chính sách then chốt. Sau hơn một năm rưỡi phối hợp cùng nhau, những rạn nứt giờ đây đang xuất hiện giữa cặp đôi quyền lực này, ảnh hưởng tới tương lai của thủ tướng Davutoglu.
Cạnh tranh quyền lực
Ông Davutoglu đã có một thời gian dài là Ngoại trưởng trong khi ông Erdogan là Thủ tướng. Nhiều người đã cho rằng, ông Davutoglu sẽ là một Thủ tướng bị giật dây khi ông Erdogan chuyển sang làm Tổng thống vào tháng 8/2014. Song vị cựu Ngoại trưởng này đã nỗ lực hết mình để tạo lập nên danh tiếng cho riêng mình và có thể đã “chọc tức” người đứng đầu nhà nước.
Quyết định hồi tuần trước của Ban chấp hành đảng AKP về việc tước bỏ quyền của ông Davutoglu được bổ nhiệm các quan chức khu vực của đảng được coi là phát súng báo hiệu một cuộc xung đột sẽ hủy hoại quyền lực của ông Davutoglu. Chưa có tuyên bố chính thức nào được đưa ra sau cuộc họp tại Dinh Tổng thống ở Ankara. Tuy nhiên, ngày 4/5, các kênh CNN - Thổ Nhĩ Kỳ và NTV đã đưa tin đại hội sẽ được tổ chức vào cuối tháng này.
Việc triệu tập đại hội rất quan trọng bởi nó sẽ cho phép bầu ra một lãnh đạo đảng mới. Theo điều lệ đảng AKP, vị trí đứng đầu đảng và chính phủ luôn dành cho cùng một người. Các nhân vật kế vị có tiềm năng, những người có thể “dễ bảo” hơn đối với ông Erdogan, chưa “xuất đầu lộ diện”. Trong khi đó, giới phân tích dự đoán đó có thể là Bộ trưởng Giao thông Binali Yildirim - một người thân cận từ rất lâu với Tổng thống hoặc Bộ trưởng Năng lượng Berat Albayrak, 38 tuổi, con rể của Tổng thống.
Ilter Turan, Giáo sư môn Khoa học chính trị của Đại học Bilgi (Istanbul), nhận xét: “Chắc chắn những va chạm có khả năng xảy ra và chúng đã bắt đầu xảy ra. Rõ ràng đây là những người có tham vọng chính trị, nên có nhiều lý do để nghĩ rằng đang có sự cạnh tranh quyền lực thực sự trong đảng cầm quyền”.
Nhà bình luận nổi tiếng của Thổ Nhĩ Kỳ Abdulkadir Selvi, một cây viết uy tín của nhật báo Hurriyet, nói với hãng CNN rằng theo thông tin mà ông biết, ông Davutoglu sẽ không phải là ứng cử viên cho vị trí lãnh đạo đảng tại đại hội sắp tới. Nếu điều này xảy ra, nó sẽ có nghĩa là Thổ Nhĩ Kỳ đang chuẩn bị cho sự thay đổi Thủ tướng vào thời điểm mà Akara đang thực hiện thỏa thuận với Liên minh châu Âu (EU) về vấn đề người tị nạn và chiến đấu chống lại các tay súng người Kurd cũng như Hồi giáo.
Vết rạn khó lành
Giới quan sát cho rằng, quyết định ngày 29/4 của Ban chấp hành AKP về việc tước quyền Chủ tịch đảng của ông Davutoglu là một bước ngoặt đối với một đảng vẫn luôn tự hào về sự đoàn kết kể từ khi lên nắm quyền năm 2002 sau nhiều năm liên minh bất ổn. Ozgur Altug, nhà kinh tế trưởng của công ty tư vấn chiến lược BCG ở Istanbul, nói: “Chúng tôi không cho rằng cuộc đấu tranh quyền lực này dễ giải quyết. Rõ ràng là quan hệ giữa Thủ tướng và Tổng thống sẽ khó mà điều chỉnh được”.
Giáo sư Turan cho biết, mặc dù Thổ Nhĩ Kỳ đã từng có những cuộc xung đột giữa Tổng thống và Thủ tướng kể từ thời Tổng thống Turgut Ozal năm 1989, song “AKP tới giờ đã khá thành công trong việc không để những rạn nứt nội bộ phát triển thành tranh giành quyền lực”. Các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ vẫn luôn cười nhạo trước những đồn đoán về rạn nứt giữa ông Erdogan và ông Davutoglu. Phát ngôn viên AKP Omer Celik cũng bác bỏ có “khủng hoảng” trong đảng, và nói rằng quyết định của Ban chấp hành là động thái “kỹ thuật” mà chính ông Davutoglu đã phê chuẩn.
Ngày 3/5, trong bài phát biểu trước đảng, Thủ tướng Davutoglu lần đầu tiên đã đề cập tới những đồn đoán khi nói rằng “Tôi không sợ sự bất hòa mà ai đó đang cố gắng gieo rắc hay những gì mà ai đó viết ra. Tôi chỉ sợ mỗi Chúa”. Ông Davutoglu rất cẩn trọng để không bao giờ chỉ trích ông Erdogan một cách công khai, mặc dù dễ thấy rằng Tổng thống hiếm khi khen ngợi, cũng như đề cập tới Thủ tướng của mình. Phát ngôn viên quốc hội Ismail Kahraman, một đồng minh của ông Erdogan, nói: “Một chiếc xe có hai người lái không thể đi mà không gây tai nạn. Chắc chắn sẽ có tai nạn”.
Kể từ khi trở thành Tổng thống vào tháng 8/2014 sau một thập kỷ là Thủ tướng, ông Erdogan đã tìm cách tăng cường nắm chắc cán cân quyền lực, dẫn tới những lời chỉ trích cáo buộc ông độc đoán chủ nghĩa. Việc chỉ định một Thủ tướng có khả năng biết nghe lời hơn sẽ cho phép ông Erdogan tiếp tục củng cố quyền lực của mình.
Soner Cagaptay, Giám đốc Chương trình Nghiên cứu Thổ Nhĩ Kỳ tại Viện Washington, cho rằng, động thái này là bước tiến tiếp theo trong việc “đào sâu” vào các thể chế của Thổ Nhĩ Kỳ của ông Erdogan, người đã nắm được quyền kiểm soát cả quân đội và quốc hội.
Ông Cagaptay nói: “Nó cho thấy quyền lực được tập trung trong tay một người nhiều tới mức nào”, và nói thêm rằng ông Erdogan hiện đang thực thi nhiều quyền kiểm soát hơn bất cứ ai trong lịch sự nền dân chủ hiện đại của Thổ Nhĩ Kỳ.
Theo ông Cagaptay, sự ra đi của ông Davutoglu “sẽ cho phép ông Erdogan né tránh một số chính sách thất bại của ông mà có thể đổ lỗi cho ông Davutoglu”.