📞

Ẩm thực: Con đường hội nhập qua… dạ dày

10:00 | 30/09/2016
Muốn hiểu được nền văn hóa (của một quốc gia), hãy bắt đầu từ những món ăn”.

Hơn 30 năm trước, khi đầu bếp người Trung Quốc Martin Yan đến Mỹ lập nghiệp, nước Mỹ lúc đó chỉ có khoảng 3.000 - 4.000 nhà hàng Trung Quốc. Đến nay, con số này đã tăng gấp 10 lần. Vị đầu bếp nổi tiếng Martin Yan, người còn được biết đến trong loạt chương trình truyền hình Yan Can Cook, tin rằng đây chính là một trong những minh chứng rõ ràng nhất cho thấy sự gắn kết ngày càng tăng giữa Mỹ và Trung Quốc.

“Ẩm thực đem chúng ta lại gần nhau. Tôi luôn quan niệm rằng ẩm thực là  cầu nối tốt nhất, là vị đại sứ tốt nhất", ông Martin Yan chia sẻ tại một hội thảo mang tên “Ẩm thực Trung Quốc như một đại sứ văn hóa” được tổ chức tại Chicago vừa qua.

Bữa ăn tại một nhà hàng Trung Quốc ở thành phố Daly, bang California, Mỹ. (Nguồn: Flickr).

Ông Martin Yan nhấn mạnh thêm rằng: “Muốn hiểu được nền văn hóa (của một quốc gia), hãy bắt đầu từ những món ăn”.

Đồng tình với quan điểm này, nhà làm phim Ian Cheney cho rằng khi chúng ta coi thức ăn như một cánh cửa mở ra thế giới bên ngoài, thì chúng ta bắt đầu đánh giá cao không chỉ nguồn gốc của nó mà cả những người mang nó đến với chúng ta. 

“Với nhiều người trên thế giới, đồ ăn là cánh cửa đầu tiên đưa họ đến một nơi mà họ có thể chưa từng đặt chân đến”, ông Ian Cheney nhấn mạnh.

Ông Ian Cheney cho biết làn sóng chống người nhập cư Trung Quốc diễn ra dữ dội tại Mỹ vào cuối thế kỷ XIX và thậm chí kéo dài đến cuối thế kỷ XX. Tuy nhiên, người nhập cư Trung Quốc tìm ra một con đường hội nhập riêng khi khéo léo sử dụng thức ăn như một cách hòa nhập với cộng đồng người Mỹ - cả về mặt tài chính và xã hội.

Nhà làm phim nổi tiếng cho biết, những nhà hàng Trung Quốc dần phổ biến trên khắp nước Mỹ, giữa người và người cũng bắt đầu xây dựng mối liên kết văn hóa tích cực lúc nào không hay.

“Tôi nghĩ rằng ẩm thực đã góp một phần không nhỏ tạo nên sự trao đổi văn hóa giữa hai nước và thay đổi thái độ đối với văn hóa Trung Hoa ở Mỹ”, ông Ian Cheney kết luận.

Ngày nay, sự phát triển của ngành du lịch và sự bùng nổ về tính đa dạng của các món ăn Trung Quốc cũng đã tác động tích cực đến trao đổi văn hóa giữa hai nước và ngược lại.

"Ngày xưa, khi tôi mới đến Mỹ, tôi chỉ nhìn thấy những món Trung Quốc cơ bản như súp gà, mỳ vằn thắn, thịt lợn chua ngọt hay trứng cuộn. Nhưng giờ đây tới Mỹ bạn có thể thưởng thức đủ món đặc sản nhiều vùng miền từ Thượng Hải, Hong Kong, Hồ Nam, Thiểm Tây cho đến Tứ Xuyên…”, đầu bếp Martin Yan nói và nhấn mạnh đây cũng là biểu hiện cho sự tôn trọng của người Mỹ đối với sự đa dạng dân tộc, văn hóa và ngôn ngữ của Trung Quốc.

(theo Asia Society)