Vai trò cầu nối
Cả thế giới đang hướng về Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 tại Thành phố Đà Nẵng của Việt Nam - một trong những nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang có dấu hiệu suy giảm.
Với tư cách là chủ nhà Năm APEC 2017, Việt Nam nỗ lực dung hòa mọi lợi ích, tạo ra một sân chơi chung để làm cầu nối cho những sự khác biệt và thúc đẩy hợp tác giữa các thành viên APEC. Trong Tuần lễ Cấp cao APEC 2017, các đại biểu sẽ thảo luận về các lĩnh vực bao gồm tăng trưởng kinh tế, phát triển nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số cũng như tạo điều kiện cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Việt Nam đã sẵn sàng cho Tuần lễ Cấp cao APEC 2017. (Ảnh: HQ) |
Tờ Economic Times nhận định, là đối tác thân thiết của Ấn Độ trong Đông Nam Á, Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong việc tạo điều kiện cho Ấn Độ gia nhập APEC. Hiện nay, Ấn Độ là một trong 10 đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam. Việt Nam đã trở thành quốc gia có thu nhập trung bình với nhiều tiến bộ đạt được trong công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Năng lực cạnh tranh của Việt Nam cũng được cải thiện đáng kể. Theo bảng xếp hạng tổng hợp chỉ số năng lực cạnh tranh của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), năm 2016 Việt Nam đứng thứ 60/138 nền kinh tế.
Song song với đó, Việt Nam đã đạt được mục tiêu phát triển thiên niên kỷ trước thời hạn. Tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống trung bình 2%/năm. Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi đi làm năm 2015 là 2,3%. Lực lượng lao động được đào tạo vào năm 2015 đạt 27,88 triệu người, gần gấp đôi so với con số 14,36 triệu vào năm 2006. Hệ thống cơ sở y tế, dịch vụ y tế được đưa đến khắp mọi nơi.
Tuy nhiên, nền kinh tế Việt Nam cũng đang gặp phải một số thách thức nhất định như GDP theo đầu người còn thấp so với nhiều nước đang phát triển khác, kinh tế vĩ mô chưa thực sự ổn định…
Theo Economic Times, Ấn Độ có thể giúp Việt Nam đạt được mục đích tăng trưởng nhanh chóng và bền vững. Thương mại song phương giữa Ấn Độ - Việt Nam chứng kiến những con số ấn tượng. Trong vòng 1 năm qua, tổng kim ngạch thương mại song phương ở khoảng 6,2 tỷ USD. Hai bên đồng ý đặt mục tiêu cho thương mại song phương ở mức 15 tỷ USD năm 2020. Đa số hàng hoá xuất khẩu từ Ấn Độ là các máy móc thiết bị, hải sản, các loại bông, nhựa thông, hoá chất, các loại sợi, thép, vải, kim loại trang sức và đá quý.
Mục tiêu phát triển kinh tế của Thủ tướng Narendra Modi và các chính sách mà ông đề ra đều phù hợp với các mục tiêu và sáng kiến của APEC trong hai thập kỷ trở lại đây. (Nguồn: Rohan Kachalia) |
Mong muốn từ New Delhi
Theo trang mạng Swarajyamag, Năm APEC 2017 có tác động tới Ấn Độ, bổ sung cho Chính sách Hành động hướng Đông. Các chương trình kinh tế của Ấn Độ hiện chủ yếu dựa vào việc tiếp cận các thị trường ở nước ngoài, các nguồn đầu tư và chuỗi giá trị nhằm thúc đẩy sản xuất và tạo ra việc làm ở trong nước.
Các nền kinh tế APEC đang rất nỗ lực đơn giản hóa các quy định thủ tục, hạ bớt các rào cản đối với thương mại và đầu tư nước ngoài, thúc đẩy mở cửa nền kinh tế, tăng cường đối thoại và hợp tác. Tại APEC thường xuyên diễn ra các cuộc thảo luận xung quanh nhiều vấn đề toàn cầu như an ninh lương thực, môi trường, phát triển đô thị; tiếp cận thị trường, cũng như hiệu quả trong thương mại, đầu tư; hoạt động của chuỗi giá trị và công nghệ… Đây đều là những vấn đề hết sức quan trọng với Ấn Độ. Mục tiêu phát triển kinh tế của Thủ tướng Narendra Modi và các chính sách mà ông đề ra đều phù hợp với các mục tiêu và sáng kiến của APEC trong hai thập kỷ trở lại đây. Đó là lý do vì sao việc Ấn Độ gia nhập APEC là hết sức quan trọng.
Trang mạng Swarajyamag nhấn mạnh, Chính phủ New Delhi dưới sự dẫn dắt của Thủ tướng Modi rất chú trọng vào lĩnh vực vốn đầu tư nước ngoài cũng như các mối quan hệ mạnh mẽ trong Chuỗi Giá trị Toàn cầu (GVC) để mở rộng khu vực sản xuất. Các nền kinh tế hội nhập sâu sắc và mạnh mẽ nhất với GVC chính là các nền kinh tế thành viên của APEC. Việc Ấn Độ có thể bước chân vào APEC không chỉ đem lại lợi ích cho chính bản thân quốc gia này mà với tư cách là một trong những nền kinh tế mở cửa đang trên đà phát triển nhanh chóng, Ấn Độ sẽ đóng góp đáng kể cho diễn đàn này.
Tại Hội nghị cấp cao APEC lần thứ 5 (1997) tại Vancouver (Canada), các nền kinh tế thành viên APEC quyết định sau khi kết nạp thêm 3 thành viên vào năm 1998 sẽ tạm ngừng hoạt động này trong vòng 10 năm để tạo điều kiện cho việc tập trung phát triển và thực hiện Mục tiêu Bogor về tự do và thuận lợi hóa các hoạt động thương mại, đầu tư. Tới Hội nghị cấp cao APEC lần thứ 15 (2007) tại Sydney (Australia), quyết định tiếp tục ngừng kết nạp thành viên được kéo dài tới năm 2010 và đến nay lại một lần nữa được gia hạn để các nền kinh tế thành viên có thể tập trung phát triển các mục tiêu chung một cách hiệu quả.
Ngoài Ấn Độ, rất nhiều nền kinh tế khác cũng muốn gia nhập APEC. Trong chuyến thăm chính thức tới Mỹ vào năm 2016, Bộ trưởng Tài chính Arun Jaitley đã nhấn mạnh tới mong muốn gia nhập APEC của Ấn Độ, và những tuyên bố của ông Jaitley được nhiều tổ chức quốc tế, nhất là những thể chế thương mại xem là thể hiện quyết tâm mạnh mẽ của Chính phủ New Delhi nhằm tham gia APEC. Thời cơ đã chín muồi để Ấn Độ đẩy mạnh nền tảng ngoại giao và đầu tư vào những nguồn lực để hướng tới mục tiêu này càng sớm càng tốt.