📞

Ấn Độ và tầm nhìn Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương

09:17 | 14/08/2018
Tầm nhìn Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương là sự phát triển và tích hợp từ các chủ trương Láng giềng trên hết, sáng kiến SAGAR và chính sách Hành động hướng Đông với một tầm nhìn bao quát cả khu vực rộng lớn từ Ấn Độ Dương sang Thái Bình Dương...
Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ Tôn Sinh Thành. (Ảnh: H.H)

Ngay từ khi lên cầm quyền năm 2014, Thủ tướng Narendra Modi đã đưa ra chủ trương Láng giềng trên hết và một năm sau là sáng kiến SAGAR (An ninh và phát triển cho tất cả các nước trong khu vực Ấn Độ Dương).

“Mua láng giềng gần”

Không chỉ mời lãnh đạo các nước Nam Á và Ấn Độ Dương (ÂĐD) dự lễ tuyên thệ nhậm chức, Thủ tướng Modi đã lần lượt đi thăm hầu hết các nước trong khu vực. New Delhi còn tranh thủ các nước láng giềng bằng cách tăng viện trợ phát triển, tăng số lượng và giá trị dự án đầu tư, kèm theo là các biện pháp thúc đẩy tiến độ các dự án.

Nhằm củng cố vai trò của Ấn Độ tại ÂĐD, Thủ tướng Modi thăm Seychelles và Mauritius tháng 3/2015 và tại Mauritius, ông đã đưa ra 5 điểm trong chính sách SAGAR, thể hiện rõ ưu tiên can dự hàng hải của New Delhi đối với ÂĐD: Ấn Độ sẽ bằng mọi cách bảo vệ các chủ quyền lãnh thổ, biển đảo và lợi ích hàng hải của mình và sẵn sàng nâng cấp hợp tác an ninh hàng hải với các nước ở Ấn Độ Dương. Cùng với việc tặng Seychelles thêm một hệ thống radar, Ấn Độ đã hoàn chỉnh mạng lưới giám sát hàng hải trên toàn bộ khu vực ÂĐD (Ấn Độ đã có 8 radar tại Mauritius, 8 tại Seychelles, 6 tại Sri Lanka, và 10 ở Maldives. Các radar này sẽ được nối với 50 radar nằm dọc theo bờ biển của Ấn Độ và nối với trung tâm điều hành ở Delhi). Ấn Độ chủ trương tăng cường các cơ chế an ninh đa phương tại ÂĐD, cụ thể là mở rộng sáng kiến an ninh ba bên Ấn Độ - Sri Lanka - Maldives cho Mauritius, Seychelles tham gia. Ấn Độ sẵn sàng cùng các nước ÂĐD phát triển kinh tế đại dương, nhất là khai thác tài nguyên, chống biến đổi khí hậu ở khu vực này…

Thủ tướng Modi cũng nhấn mạnh nguyên tắc xây dựng lòng tin và minh bạch, tất cả các nước tôn trọng luật lệ hàng hải quốc tế, quan tâm tới lợi ích của nhau, giải quyết hòa bình các vấn đề hàng hải. Hoan nghênh vai trò của Mỹ trong khu vực ÂĐD, Ấn Độ tăng cường tổ chức tập trận hải quân Malabar với Mỹ và Nhật với quy mô ngày càng lớn. Ấn Độ đang đàm phán để xây dựng một căn cứ hải quân trên đảo Assumption, Seychelles và một căn cứ nữa tại Mauritius. 

Thủ tướng Ấn Độ cùng các nhà lãnh đạo ASEAN, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc tại Phiên họp đối tác kinh tế khu vực toàn diện (RCEP) trong khuôn khổ Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 31 tại Philippines, ngày 14/11/2017. (Nguồn: AFP)

Từ quan sát sang hành động

Cùng với chủ trương Láng giềng trên hết và sáng kiến SAGAR, ngay trong năm 2014, Thủ tướng Modi đã nâng cấp chính sách Hướng Đông lên thành Hành động hướng Đông. Việc nâng cấp này nằm trong chủ trương của Ấn Độ thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ với các nước láng giềng mở rộng phía Đông, trên cơ sở tình hình mới, nhằm tranh thủ khai thác những cơ hội do sự phát triển kinh tế năng động của khu vực Đông Á, tăng cường quan hệ với ASEAN, Nhật, Australia, Hàn Quốc.

Nhìn vào những hành động cụ thể, có thể thấy chính sách Hành động hướng Đông có nhiều điểm mới so với chính sách Hướng Đông. Trước hết, Ấn Độ thực sự chuyển từ quan sát sang hành động bằng các dự án cụ thể, như việc đưa ra khoản tín dụng 1 tỷ USD để kết nối số giữa Ấn Độ với các nước ASEAN, lập quỹ 70 triệu USD hỗ trợ các công ty

Ấn Độ đầu tư vào các nước CLMV, đẩy nhanh tiến độ dự án Đường cao tốc 3 bên Ấn Độ - Myanmar – Thái Lan. Phạm vi địa lý của chính sách mới cũng được mở rộng hơn, không chỉ dừng lại ở các nước ASEAN mà còn vươn lên các nước Đông Bắc Á và Nam Thái Bình Dương (TBD), đặc biệt là Nhật và Australia. Nội dung hợp tác bao trùm tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa và quốc phòng an ninh.

Do vậy, người ta thấy Thủ tướng Modi không bỏ qua một cuộc họp cấp cao nào với ASEAN, ông không chỉ đi thăm 9/10 nước ASEAN mà còn mời lãnh đạo 10 nước ASEAN tới dự lễ kỷ niệm ngày Cộng hòa Ấn Độ và Cấp cao kỷ niệm 25 năm quan hệ đối tác ASEAN - Ấn Độ tháng 1/2018. Bên cạnh đó, tần suất các chuyến thăm khu vực Đông Á của tàu chiến Ấn Độ, tập trận chung, tuần tra chung tăng lên rõ rệt. 

Điểm không thay đổi của chính sách Hành động hướng Đông so với chính sách Hướng Đông đó là Ấn Độ vẫn kiên định nhấn mạnh vai trò trung tâm của ASEAN cũng như sự đoàn kết của tổ chức này trong cấu trúc an ninh khu vực.

Tự do, rộng mở và bao trùm

Ngày 1/6/2018, Thủ tướng Modi lần đầu tiên tham gia Đối thoại Shangri-La và có bài phát biểu quan trọng về chính sách đối ngoại của Ấn Độ, trong đó chính thức đưa ra Tầm nhìn của Ấn Độ về khu vực ÂĐD – TBD. Ấn Độ coi đây là một khu vực địa lý tự nhiên, đồng thời nhấn mạnh chủ trương xây dựng khu vực ÂĐD – TBD tự do, rộng mở và bao trùm, bảo đảm tự do hàng hải, hàng không, thương mại không bị cản trở, giải quyết các tranh chấp không dựa trên sức mạnh mà đối thoại dựa trên luật pháp quốc tế, tôn trọng chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, không phân biệt đối xử.

Tầm nhìn ÂĐD – TBD là sự phát triển và tích hợp từ các chủ trương Láng giềng trên hết, sáng kiến SAGAR và chính sách Hành động hướng Đông vào một Tầm nhìn chung bao quát cả khu vực rộng lớn từ ÂĐD sang TBD. Ấn Độ coi đây không phải là một tập hợp nhằm giành sự thống trị và chống nước nào, mà là chủ trương hợp tác giữa các nước trong khu vực nhằm đối phó với những thách thức chung về an ninh, tự do hàng hải, hàng không, thương mại và kết nối trong khu vực, đặc biệt từ sự mất cân bằng quyền lực trong khu vực, đe dọa khu vực ảnh hưởng của Ấn Độ cũng như hòa bình, ổn định và tự do hàng hải hàng không ở Biển Đông và Ấn Độ Dương.

Để thực hiện Tầm nhìn này, Ấn Độ cần có sự hợp tác với các nước có song trùng lợi ích như Mỹ, Nhật, Australia và ASEAN. Ngay từ 2007, trong nhiệm kỳ đầu tiên, Thủ tướng Nhật Abe đã đưa ra khái niệm ÂĐD – TBD trong bài phát biểu trước Quốc hội Ấn Độ. Năm 2016, ông Abe chính thức giới thiệu “Chiến lược ÂĐD – TBD tự do và rộng mở”, nhấn mạnh hợp tác giữa các nước TBD, ÂĐD với châu Phi, nhất là về mặt phát triển cơ sở hạ tầng và kết nối. Mỹ cũng đã thông qua Chiến lược ÂĐD – TBD, với nhiều nội dung tương đồng với Chiến lược an ninh quốc gia năm 2017, nhấn mạnh mục tiêu đối phó với các thách thức địa chính trị, đặc biệt về an ninh hàng hải. Mỹ cũng đã đổi tên Bộ tư lệnh Thái Bình Dương thành Bộ tư lệnh ÂĐD – TBD. Australia đề cập khái niệm ÂĐD – TBD trong Sách trắng Quốc phòng năm từ 2013 và nhắc lại trong Sách trắng Đối ngoại năm 2017.

Sự tương đồng về lợi ích đã dẫn tới cuộc gặp đầu tiên tháng 11/2017 tại Manila giữa bốn bên Ấn - Mỹ - Nhật – Australia, trao đổi về việc phối hợp đảm bảo một trật tự quốc tế tự do và rộng mở ở ÂĐD – TBD trên cơ sở luật pháp quốc tế. Ấn Độ cũng như Mỹ, Nhật và Australia đều coi trọng vai trò của ASEAN trong việc triển khai tầm nhìn ÂĐD - TBD, nhất là trong kết nối hai đại dương cũng như vai trò trung tâm của tổ chức này. Trong số các nước ASEAN, Indonesia đã cùng Ấn Độ thông qua Văn kiện Tầm nhìn chung về hợp tác hàng hải Ấn Độ - Indonesia ở ÂĐD – TBD. Indonesia cũng đang thúc đẩy để ASEAN có Tầm nhìn chung về ÂĐD – TBD. 

Hiện nay Tầm nhìn ÂĐD – TBD chỉ mới là một bộ các nguyên tắc và mục tiêu hướng tới của khu vực, dựa trên những cơ chế sẵn có của ASEAN, EAS, ARF và lấy các cơ chế quan hệ Tam, Tứ giác làm nòng cốt. Tầm nhìn này cũng mới chỉ mang các nội hàm chính trị - ngoại giao. Khả năng thể chế hóa và mở rộng thêm nội hàm hợp tác của Tầm nhìn ÂĐD – TBD vẫn được bỏ ngỏ, tùy theo sự phát triển của tình hình trong khu vực, nhất là tình hình ở Biển Đông và Ấn Độ Dương.

Tôn Sinh Thành

Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ