An Giang có 18 xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới thuộc diện đầu tư của Chương trình 135 của Thủ tướng Chính phủ. Thời gian qua, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững vùng dân tộc thiểu số và miền núi, tỉnh đã đa dạng hóa các giải pháp hỗ trợ, giúp người nghèo nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống và vươn lên thoát nghèo bền vững.
Từ nguồn vốn vay tín dụng ưu đãi dành riêng cho đồng bào dân tộc thiểu số, ông Chau Ráp ở ấp Phước Lộc, xã Ô Lâm (huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang) thực hiện mô hình nuôi bò sinh sản, giúp gia đình ông có thu nhập ổn định và vươn lên thoát nghèo bển vững. (Ảnh: Phương Nghi) |
Nguồn lực giúp đồng bào dân tộc thiểu số thoát nghèo
Trong những năm qua, nguồn lực vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) là nguồn lực rất thiết thực và phù hợp với ưu đãi về lãi suất cho vay, thời gian cho vay, quy trình thủ tục, tạo điều kiện thuận lợi cho đồng bào dân tộc thiểu số tiếp cận dễ dàng, kịp thời nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội.
Phó Giám đốc phụ trách NHCSXH Chi nhánh An Giang Trần Thế Loan cho biết: NHCSXH tỉnh An Giang triển khai 18 chương trình tín dụng chính sách xã hội cho vay đối với đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh An Giang đến ngày 30/10 là gần 180 tỷ đồng với 7.624 khách hàng (chiếm 27,88% tổng số hộ đồng bào dân tộc thiểu số); ngoài dư nợ các chương trình dành riêng cho đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào còn được vay vốn chương trình cho vay hộ nghèo là 19,74 tỷ đồng, cho vay hộ cận nghèo là 18,08 tỷ đồng, cho vay hộ mới thoát nghèo là 25,02 tỷ đồng, cho vay chương trình hộ nghèo về nhà ở là 21,02 tỷ đồng, chương trình học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn là 6,82 tỷ đồng, chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn đạt 21,35 tỷ đồng, chương trình hộ sản xuất – kinh doanh vùng khó khăn là 43,39 tỷ đồng… Dư nợ tín dụng bình quân của hộ dân tộc thiểu số là 23,1 triệu đồng/hộ.
“Việc hỗ trợ vốn vay tín dụng ưu đãi, đồng hành trong đa dạng sinh kế của NHCSXH tỉnh An Giang không chỉ giúp đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh An Giang vươn lên trong cuộc sống, mà còn làm chuyển biến nhận thức, thay đổi tư duy sản xuất của bà con dân tộc thiểu số nơi đây. Qua đó, đã có rất nhiều mô hình vay vốn làm ăn có hiệu quả và thoát nghèo. Điển hình tại 2 huyện Tịnh Biên và Tri Tôn, các hộ dân tộc thiểu số đã vay vốn tín dụng chính sách xã hội phát triển mô hình chăn nuôi bò, làm đường thốt nốt, dệt thổ cẩm mang lại hiệu quả kinh tế…”, ông Thế Loan nói.
Nguồn vốn tín dụng chính sách được đầu tư chủ yếu vào các hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, tập trung cho sản xuất nông lâm nghiệp, chăn nuôi, sửa chữa nhà ở, xây dựng công trình cung cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, hỗ trợ kinh phí học tập từ đó đã góp phần cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống làm chuyển biến nhận thức, thay đổi phương thức làm ăn cho đồng bào dân tộc Khmer nghèo.
Nhờ có nguồn vốn vay của NHCSXH, gia đình chị Neáng Tha Ray ở ấp Mằng Rò, xã Văn Giáo (huyện Tịnh Biên) từng là hộ nghèo đến nay đã vươn lên thoát nghèo và có thu nhập ổn định.
Chị Tha Ray nói: “Lúc trước, cuộc sống bấp bênh, thiếu vốn, do đó công việc nấu đường thốt nốt truyền thống gặp nhiều khó khăn. Được Hội phụ nữ tín chấp vay 40 triệu đồng vốn ưu đãi hỗ trợ đúng lúc, gia đình tôi mua được đủ dụng cụ nấu và chủ động nguyên liệu cho nghề nấu đường thốt nốt. Ngoài 25 cây thốt nốt của nhà, tôi còn mua thêm vài chục cây thốt nốt của bà con trong phum sóc để lấy nước mở rộng nghề nấu đường truyền thống, tăng thu nhập, sớm trả hết nợ vay ngân hàng, thoát cảnh nghèo túng”.
Neáng Tha Ray ở ấp Mằng Rò, xã Văn Giáo (huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang) đã khôi phục nghề nấu đường thốt nốt nên cuộc sống ngày càng sung túc hơn, từ nguồn vốn tín dụng ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội. (Ảnh: Phương Nghi) |
Trưởng ban Dân tộc tỉnh An Giang Men Pholly thông tin: “Trong những năm qua, nguồn lực vốn tín dụng chính sách từ NHCSXH là nguồn lực tạo điều kiện thuận lợi cho người nghèo, trong đó có đồng bào dân tộc thiểu số tiếp cận dễ dàng, kịp thời nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội. Qua đó, góp phần giảm hộ nghèo trung bình từ 3-4%/năm trong đồng bào dân tộc thiểu số, từng bước thu hẹp khoảng cách đời sống của cộng đồng dân tộc thiểu số so với mức bình quân chung cả nước. Nhờ đó đến cuối năm 2021, tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số (theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025) còn 14,6% (3.969 hộ), hộ cận nghèo 1.871 hộ (chiếm 6,88%)”.
Thành công của tín dụng chính sách xã hội cho đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh An Giang trong thời gian qua có sự chung tay, vào cuộc quyết liệt của các cấp ủy đảng, chính quyền, cả hệ thống chính trị cùng sự cố gắng nỗ lực của NHCSXH tỉnh An Giang để giúp đồng bào dân tộc thiểu số tự lực vươn lên phát triển kinh tế, nâng cao trình độ quản lý sản xuất, góp phần giảm nghèo nhanh và bền vững.
Giảm nghèo bền vững, từng bước nâng cao mức sống
Những năm qua, An Giang thực hiện hiệu quả các chính sách dân tộc, từ đó đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số được nâng lên, bà con từng bước xóa đói giảm nghèo, ổn định cuộc sống. Tuy nhiên, hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số còn khá cao.
An Giang phấn đấu đến năm 2025 nâng mức thu nhập bình quân của người dân tộc thiểu số tăng từ 2 lần so với năm 2020; hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số giảm từ 3-4%/năm; 50% số xã, ấp ra khỏi địa bàn đặc biệt khó khăn; 70% ấp vùng đồng bào dân tộc thiểu số có đường đến trung tâm được cứng hóa; 100% số trường, lớp học, trường dân tộc nội trú và trạm y tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số được xây dựng kiên cố; 99% số hộ vùng đồng bào dân tộc thiểu số được sử dụng điện lưới quốc gia và các nguồn điện phù hợp khác...
Đồng bào dân tộc Chăm tại ấp Phũm Soài, xã Châu Phong (thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang) vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội phát triển nghề dệt thổ cẩm. (Ảnh: Phương Nghi) |
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, ông Lê Văn Phước, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021 đến năm 2025 có tổng nguồn vốn trên 183 tỷ đồng (trong đó, ngân sách trung ương là 166,8 tỷ đồng, ngân sách địa phương là 16,6 tỷ đồng).
Từ nguồn vốn này, tỉnh An Giang sẽ tập trung đầu tư hỗ trợ giải quyết thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt là 47,8 tỷ đồng; đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi và các đơn vị sự nghiệp công lập của lĩnh vực dân tộc là 102 tỷ đồng; phát triển giáo dục đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là 21,7 tỷ đồng; bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch là 8,1 tỷ đồng...
“Đây là chương trình quan trọng, nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế của tỉnh và vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đẩy mạnh phát triển kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội, giảm nghèo nhanh, bền vững, từng bước nâng cao mức sống, thu nhập cho đồng bào dân tộc thiểu số tại An Giang”, ông Phước nói.
| Hậu Giang: Vùng đồng bào dân tộc đang đổi thay Những năm gần đây, tỉnh Hậu Giang thực hiện có hiệu quả các chương trình, dự án, chính sách của Đảng và Nhà nước cho ... |
| Sức sống mãnh liệt của văn hóa dân tộc Dao qua thời gian và không gian Tối 8/10, tại Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam, thành phố Thái Nguyên diễn ra lễ bế mạc Ngày hội Văn hóa ... |
| Lai Châu: Học trò đồng bào dân tộc Mông háo hức ngày tựu trường Ngày tựu trường đến gần, thầy và trò Trường PTDT bán trú Tiểu học và THCS Tà Tổng (Lai Châu) với chủ yếu là con ... |
| Thúc đẩy thực hiện quyền cho đồng bào dân tộc thiểu số ở Việt Nam Việt Nam đã và đang xây dựng các chính sách phát triển kinh tế - xã hội nhằm đảm bảo thực hiện đầy đủ quyền ... |
| Khi người dân tộc thiểu số học marketing về du lịch sinh thái Từ ngày 17-19/7, Helvetas phối hợp với Hội Du lịch cộng đồng Việt Nam tổ chức khóa tập huấn chuyên sâu về marketing du lịch ... |