Bài toán cân bằng lợi ích
Mâu thuẫn gần đây ở Biển Hoa Đông giữa Trung Quốc và Nhật Bản đối với quần đảo Senkaku/ Điếu Ngư đang góp phần làm gia tăng căng thẳng trong khu vực này. Thêm vào đó, tranh chấp tương tự đối với các đảo riêng biệt ở Biển Đông đe dọa mối quan hệ giữa Trung Quốc và các nước liên quan, trong đó có cả Mỹ.
Tình hình này đòi hỏi quốc gia châu Đại Dương phải có những chính sách ngoại giao đúng đắn, thông minh, cùng các biện pháp phòng ngừa xung đột và giải quyết tranh chấp hiệu quả. Australia là một trong những cường quốc khu vực, đồng thời có mối quan hệ thân thiết với cả Trung Quốc, Mỹ và Nhật Bản, đang đóng một vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy ngoại giao tại khu vực này.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, cựu Thủ tướng Australia Tony Abbott, Tổng thống Mỹ Barack Obama và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. (Nguồn: WSJ) |
Rõ ràng, Australia phải cân bằng lợi ích giữa hai đối tác thương mại lớn nhất của mình (Trung Quốc và Nhật Bản) với một liên minh quân sự với Mỹ. Có lẽ, đây cũng là một vị trí tốt cho Australia để hoạt động như một sứ giả trung gian hòa giải giữa các bên. Tuy nhiên, điều hòa những mối quan hệ này thực sự không phải chuyện dễ dàng, đặc biệt là giữa Bắc Kinh và Tokyo khi cả hai bên đều có thái độ rất cứng rắn.
Vai trò trung gian hòa giải
Để làm tốt vai trò trung gian của mình, trước hết, Australia cần đóng một vai trò tích cực trong việc thúc đẩy trao đổi và đối thoại giữa Tokyo và Bắc Kinh, bảo đảm để cả hai bên đều nhận thấy rằng nỗ lực ngoại giao có thể giải quyết mọi tranh chấp. Trong đó, Australia sẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc quản lý “giới hạn đỏ” để các bên liên quan cảm thấy công bằng.
Thêm vào đó, Australia cần hợp tác với các đồng minh của mình, đặc biệt là Mỹ cùng các thể chế khu vực để quản lý khủng hoảng. Điều này có thể bao gồm các cơ chế ngoại giao ngăn chặn leo thang căng thẳng và các biện pháp xử lý nếu va chạm xảy ra, các cuộc thảo luận hợp tác với sự tham gia của các cường quốc khu vực có liên quan để ngăn chặn xung đột và kiểm soát sau sự cố để bảo đảm rằng trong trường hợp có xung đột, thiệt hại về chính trị, kinh tế là tối thiểu. Điều này đặc biệt quan trọng không chỉ với cộng đồng quốc tế nói chung mà còn quan trọng đối với bản thân Australia nói riêng bởi các tác động kinh tế bất ổn mà một cuộc xung đột giữa các đối tác thương mại lớn nhất của Australia nếu xảy ra có thể ảnh hưởng ngay lập tức tới Australia.
Đồng thời, quốc gia châu Đại Dương cũng cần tính toán đến một số khả năng có thể tác động đến Australia khi tham gia giải quyết các tranh chấp. Từ đó, Australia cần phải cẩn trọng cân nhắc trước khi đưa ra quyết định. Ví dụ như ảnh hưởng kinh tế nếu xung đột với Trung Quốc, những phản ứng có thể có của Mỹ…
Cuối cùng, Australia cần phải có sự nhanh nhạy, linh hoạt trong chính sách và các biện pháp ngoại giao để ứng phó với mọi tình huống.
Nhìn chung, với sự phức tạp của tình hình và nguy cơ gây ảnh hưởng kinh tế từ các tranh chấp ở Biển Đông và Biển Hoa Đông, Australia nên bảo đảm tính trung lập của mình, hoạt động như một đầu mối và ủng hộ cơ chế giải quyết tranh chấp theo luật pháp quốc tế và luật hàng hải quốc tế (tương tự như phương pháp tiếp cận của Học viện Quốc phòng Australia đối với các tranh chấp ở Biển Đông). Đồng thời, Canberra cũng phải chủ động giữ mối quan hệ hữu hảo với tất cả các quốc gia liên quan, để đảm bảo rằng ngay cả khi tranh chấp không thể hòa giải, cũng không làm hỏng mối quan hệ của họ với Trung Quốc, Nhật Bản hay Mỹ.