📞

Ba điểm mới trong lập trường của G7 đối với Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương

Minh Tuấn 15:12 | 13/09/2021
TS. Chee Leong Lee* có bài viết trên tờ Modern Diplomacy về ba điểm mới trong lập trường của nhóm G7 đối với Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường lớp Arleigh Burke USS Michael Murphy (DDG 112) và tàu khu trục nhỏ FNS Vendemiaire của Pháp tiến hành tập trận chung ở Thái Bình Dương. (Nguồn: Getty Images)

Trước khi diễn ra Hội nghị G7 vào tháng 6/2021, ngoại trưởng của 7 nước công nghiệp hàng đầu thế giới (G7) đã nhóm họp tại London, Anh để bàn về các vấn đề được thảo luận ở cấp lãnh đạo cao nhất.

Tuy nhiên, khác với trước đây, cuộc họp cấp bộ trưởng lần này đã đặt Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương làm trọng tâm chiến lược mới trong năm 2021.

Giới quan sát cho rằng, đây là một động thái thể hiện lập trường ngày càng rõ của G7 trong việc giải quyết các vấn đề liên quan đến Trung Quốc.

Theo Thông cáo chung của ngoại trưởng các nước G7, có 3 điểm mới trong lập trường của nhóm này đối với khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Trước hết, ngoại trưởng các nước G7 cam kết ủng hộ vai trò trung tâm của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) nhằm xây dựng quan hệ hợp tác bền vững với khu vực Đông Nam Á trong những năm tới.

Lần đầu tiên trong lịch sử hội nghị G7, các thành viên ASEAN được mời tham dự cuộc họp cấp bộ trưởng. Ngoài Brunei - nước Chủ tịch ASEAN, Tổng thư ký của hiệp hội cũng tham dự sự kiện này với tư cách là khách mời, cùng với ngoại trưởng các nước Australia, Ấn Độ, Hàn Quốc và Nam Phi.

Với việc các ngoại trưởng các nước G7 đặt trọng tâm vào ASEAN, dư luận đang dõi theo khả năng liệu có đại diện Đông Nam Á nào được mời tham dự các hội nghị G7 trong tương lai hay không.

Mặc dù vậy, việc đặt trọng tâm vào ASEAN không phản ánh bức tranh toàn cảnh của cuộc họp lần này. Vấn đề cốt lõi vẫn là sự ủng hộ của G7 đối với vai trò trung tâm của ASEAN ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Cụ thể, vấn đề này đòi hỏi G7 phải điều chỉnh hài hòa các chuẩn mực về nguyên tắc, quy định và giá trị của khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương với Triển vọng Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của ASEAN, thông qua hợp tác cụ thể giữa hai bên.

Ngoài vấn đề phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19 và biến đổi khí hậu được nêu trong thông cáo chung, sự linh hoạt trong kết nối khu vực cũng là vấn đề đặc biệt liên quan đến các nước thành viên ASEAN.

Do ASEAN được hình thành trong quá trình hội nhập kinh tế, nên việc phát triển chất lượng cơ sở hạ tầng và các dự án, vốn được nhấn mạnh trong thông cáo, chắc chắn là yếu tố quan trọng để các nước thành viên ASEAN đạt được mục tiêu phát triển bền vững trong dài hạn.

Thứ hai, tại cuộc họp hồi tháng 5 vừa qua, các ngoại trưởng G7 đã ủng hộ sự tham gia của Đài Loan (Trung Quốc) tại các diễn đàn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Đại hội đồng Y tế Thế giới (WHA).

Bên cạnh đó, các ngoại trưởng G7 cũng nhấn mạnh thành công của Đài Loan (Trung Quốc) trong việc ngăn chặn đại dịch Covid-19.

Cuối cùng, cuộc họp đã đưa vấn đề Eo biển Đài Loan vào lập trường của G7 đối với vấn đề Biển Hoa Đông và Biển Đông.

Khác với thông cáo năm 2019 - khi hội nghị bỏ qua vấn đề Eo biển Đài Loan, thông cáo mới nhất nhấn mạnh lời kêu gọi của G7 về việc duy trì hòa bình và an ninh ở khu vực này.

Đây cũng là lần đầu tiên vấn đề này được nêu rõ trong cuộc họp cấp bộ trưởng.

Về sự ủng hộ của G7 đối với vai trò trung tâm của ASEAN, những thách thức lớn sẽ bắt nguồn từ hai khía cạnh: Liệu các nước G7 có thể triển khai hợp tác với ASEAN như một thể chế chung hay không? Những quốc gia giàu có này có thể đóng góp như thế nào vào quá trình hội nhập của ASEAN, để từ đó trở thành những đối tác không thể thiếu của hiệp hội này?


*Chee Leong Lee hiện là nghiên cứu viên tại tổ chức tư vấn độc lập Anbound Malaysia có trụ sở tại Kuala Lumpur. Lĩnh vực nghiên cứu của Chee Leong Lee bao gồm ngoại giao Trung Quốc trong khu vực ASEAN, quyền lực mềm của Đài Loan (Trung Quốc) ở Đông Nam Á và các vấn đề quốc tế của ASEAN nói chung.

(theo moderndiplomacy.eu)