Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến thăm một Nhà máy sản xuất đất hiếm ở tỉnh Giang Tây vào ngày 20/5. (Nguồn: Getty Images) |
Dư luận cũng đồn đoán rằng, Chính phủ Trung Quốc đã chuẩn bị các bước cần thiết để sử dụng đòn ‘bóp nghẹt’ nhằm khiến nền kinh tế số 1 thế giới phải chịu tổn thương, bằng cách chấm dứt nguồn cung các khoáng sản quan trọng đối với kinh tế Mỹ.
Trong đó, đất hiếm được cho là ‘ứng cử viên số 1’- loại nguyên liệu quan trọng sử dụng trong các thiết bị điện tử, mà các nhà sản xuất Mỹ hiện phụ thuộc tới 80% nguồn cung đất hiếm từ Trung Quốc. Một nguồn tin cho hay, kế hoạch có thể nhanh chóng được thực hiện ngay khi Bắc Kinh ra quyết định, tuy nhiên, chưa có thêm chi tiết nào khác.
Trên thực tế, theo nhận định của chuyên gia nghiên cứu thị trường kim loại tại Thượng Hải Racket Hu, đây vẫn chỉ là một khả năng mà Trung Quốc có thể lựa chọn, có thể là cấm hoặc có thể chỉ là một số hạn chế. Nhưng nếu điều đó xảy ra, thì chúng tôi tin rằng, giá đất hiếm sẽ tăng, chuyên gia Hu trích dẫn những diễn biến đã xảy ra trong năm 2010, khi Trung Quốc kiềm chế các chuyến hàng đến Nhật Bản.
Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia, cơ quan hoạch định kinh tế hàng đầu của Trung Quốc đã không trả lời ngay lập tức yêu cầu của giới truyền thông về kế hoạch này.
Cổ phiếu của các công ty đất hiếm Trung Quốc đã tăng mạnh vào thứ Sáu. Cổ phiếu của Công ty Công nghệ cao đất hiếm Trung Quốc niêm yết tại đại lục đã tăng 5,9%, mức cao nhất trong vòng một năm qua, trong khi cổ phiếu của Công ty đất hiếm Minmetals Trung Quốc tăng khoảng 4,4%.
Đất hiếm là nhóm nguyên tố hiếm có hàm lượng ít trong vỏ Trái đất và rất khó tách ra từng nguyên tố riêng biệt. Đất hiếm được chia thành hai loại chính, nặng và nhẹ, tương ứng với trọng lượng nguyên tử. Đất hiếm được sử dụng trong nhiều ngành công nghiệp quan trọng của Mỹ, trong đó có cả ngành sản xuất vũ khí... Đất hiếm nặng ít phổ biến hơn, bao gồm nguyên tố dysprosium, được sử dụng trong nam châm, rất phổ biến trong hầu hết các xe hơi và nhiều mặt hàng tiêu dùng. Trong đất hiếm còn có nguyên tố yttrium, được sử dụng trong chiếu sáng và màn hình phẳng, cũng như ytterbium có ứng dụng trong điều trị ung thư, theo dõi động đất… và nhiều ứng dụng quan trọng khác.
Theo một lưu ý trong nghiên cứu của Goldman Sachs, bất kỳ động thái nào lên thị trường đất hiếm đều có khả năng làm sâu sắc thêm một cuộc đối đầu và làm tổn hại đến tăng trưởng toàn cầu. Tác động của bất kỳ hạn chế nào đều sẽ rất quan trọng và báo hiệu rõ ràng rằng, căng thẳng thương mại đang leo thang cực độ.
Người Phát ngôn Bộ Thương mại Trung Quốc mới đây tuyên bố rằng, Bắc Kinh sẽ kiên quyết bảo vệ lợi ích quốc gia và không thể chấp nhận nguồn cung đất hiếm của mình đang được sử dụng để kiềm chế sự phát triển của Trung Quốc, nhưng ông này cũng nói thêm rằng, Bắc Kinh vẫn sẵn sàng cung cấp cho các nhu cầu chính đáng của những đối tác còn lại trên thế giới.
"Đối với các loại đất hiếm nặng, Trung Quốc chắc chắn thống trị nguồn cung và nếu ‘Bắc Kinh quyết định sử dụng đất hiếm là ‘vũ khí tấn công’, tôi không nghĩ rằng Mỹ có thể tìm thấy các nguồn cung thay thế. Trong đó dysprosium có thể là một trong những yếu tố quan trọng vì nó được sử dụng trong nam châm vĩnh cửu", chuyên gia Hu khẳng định.
Theo nguồn tin thông thạo về kế hoạch này, hiện chưa rõ những điều kiện mà Bắc Kinh có thể đặt ra để phía đối phương có thể đáp ứng nhằm hạn chế khả năng kích hoạt loại ‘vũ khí cực nặng này’. Trong đó, Trung Quốc cũng có thể đang xem xét các khả năng Mỹ có thể đưa phản đối lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
Một cuộc phong tỏa về nguồn cung cấp đất hiếm có thể tàn phá kinh tế khắp các vùng, miền của nền kinh tế Mỹ, theo Technology Metal Research LLC. Đơn giản vì Trung Quốc là nơi sản xuất 95% sản lượng đất hiếm của thế giới.