Trong năm học 2021-2022, lớp 2, lớp 6 không còn 2 bộ sách giáo khoa "Cùng học để phát triển năng lực" và "Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục" của NXB Giáo dục Việt Nam (Ảnh: Mỹ Hà). |
Theo quyết định phê duyệt Danh mục sách giáo khoa (SGK) lớp 2, lớp 6 sử dụng trong cơ sở giáo dục phổ thông, được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Phùng Xuân Nhạ ký ngày 9/2/2021, chỉ còn ba bộ sách "Cánh Diều", "Kết nối tri thức với cuộc sống" và "Chân trời sáng tạo" được phê duyệt sử dụng trong năm học 2021-2022.
Từ chỗ cả nước dùng chung một bộ sách giáo khoa, thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018, Bộ GD&ĐT chủ trương 1 chương trình nhiều bộ SGK. Năm học 2020-2021, có 5 bộ sách đã được phê duyệt đưa vào sử dụng trong chương trình lớp 1. Trong đó, 4 bộ sách "Kết nối tri thức với cuộc sống", "Cùng học để phát triển năng lực", "Chân trời sáng tạo" và "Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục" do Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam biên soạn.
Giữa "ma trận" SGK, quyền lựa chọn sách được "đá" về cho các nhà trường. Loay hoay giữa 5 bộ sách, bước vào năm học 2020-2021, các trường đã có bộ sách mới để dạy và học. Trong đó, nhiều trường học đã lựa chọn bộ sách "Cùng học để phát triển năng lực" và "Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục".
Bởi vậy, 2 bộ sách này "bỗng nhiên" biến mất trong danh mục SGK lớp 2 ở năm học tới đã khiến đội ngũ quản lý và giáo viên không khỏi băn khoăn, xáo trộn tâm lý. Bởi cứ một lần điều chỉnh sách giáo khoa, đây là đối tượng phải chịu tác động đầu tiên.
Theo lý giải của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, 2 bộ sách không có tên trong danh mục SGK vừa được Bộ trưởng phê duyệt không phải bị "khai tử" mà đã được "hợp nhất" với 2 bộ sách còn lại cũng của đơn vị biên soạn. Hiểu nôm na là mặc dù không có tên nhưng nội dung của 2 bộ sách này đã được "trộn" vào 2 bộ sách "Kết nối tri thức với cuộc sống" và "Chân trời sáng tạo".
Sự hợp nhất này được lý giải nhằm tập trung tối đa nguồn lực trí tuệ của đội ngũ tác giả; tập trung nguồn lực tài chính đầu tư cho công tác biên soạn, phát triển SGK. Đại diện đơn vị này cũng khẳng định việc hợp nhất này không làm ảnh hưởng đến việc dạy và học, cũng như việc lựa chọn SGK.
Với việc các nhà trường tự quyết định chọn 1 trong các bộ sách đã được thẩm định để đưa vào giảng dạy thì khi chỉ còn 3 bộ sách, áp lực trong việc chọn sách đã giảm hơn.
Tuy nhiên, chương trình dạy học cần phải có sự tiếp nối liền mạch từ lớp nhỏ lên lớp lớn. Việc "hợp nhất" 2 cuốn sách có thực sự không ảnh hưởng đến việc dạy và học như đại diện NXB Giáo dục Việt Nam nói hay không khi đến thời điểm này việc hợp nhất như thế nào, tỉ lệ nội dung giữa 2 bộ sách khi đưa vào bộ mới là bao nhiêu vẫn chưa được thông tin rõ ràng?
Thời gian để chuẩn bị cho năm học mới không còn nhiều, trong khi đó các trường đang tập trung cho công tác chuyên môn, hoàn thành nhiệm vụ năm học. Liệu các trường và giáo viên có đủ thời gian để nghiên cứu, chọn lựa bộ sách mới cho năm học tiếp theo không?
Chưa kể, những cuốn sách thuộc bộ sách "Cùng học để phát triển năng lực" và "Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục" được sử dụng trong chương trình lớp 1 hiện tại chưa kịp hoàn thành sứ mệnh của nó thì nay nguy cơ trở thành giấy loại hoặc chỉ mang giá trị tham khảo.
Dù 2 bộ sách này vẫn có thể "tái sử dụng" cho lớp 1 trong năm học tới nhưng chắc chắn các nhà trường sẽ phải có sự lựa chọn nhằm đảm bảo sự "liên thông" với lớp 2 trong năm tiếp theo, khi sử dụng bộ sách đã "hợp nhất". Tất nhiên, trừ những trường hợp bất khả kháng, chả ai tự làm khó mình để chọn lại cuốn sách đã bị "khai tử".
Để 5 bộ sách kia được đưa vào sử dụng, đương nhiên đã được thẩm định bởi một hội đồng các giáo sư, nhà giáo đầu ngành. Phải chăng việc thẩm định trước đó không có ý nghĩa gì và việc giáo viên dồn hết tâm trí để lựa chọn cuốn sách phù hợp nhất dạy cho học trò là điều thừa thãi?
Mất hàng trăm tỉ đồng để in ấn, phát hành, nếu bây giờ không được sử dụng, không được tiếp tục lựa chọn đó sẽ là một sự lãng phí khủng khiếp, cả về tiền bạc và trí tuệ, công sức và tâm huyết của những người biên soạn, những người chọn lựa để sử dụng.
Giáo dục là quốc sách, phát triển giáo dục là nhiệm vụ hàng đầu, quyết định sự phát triển hưng thịnh của mỗi quốc gia, nếu được đầu tư một cách đúng hướng, đúng trọng tâm.
Chiến lược phát triển của ngành giáo dục cần phải được xây dựng cho cả một giai đoạn, do đó cần phải được nghiên cứu kỹ lưỡng và cân nhắc cho mọi phương án, tránh tình trạng vừa làm vừa điều chỉnh hay "khắc nhập, khắc xuất" như hiện nay.