Bức tranh cổ động "Ở nhà là yêu nước" của họa sĩ Lê Đức Hiệp. |
Theo tờ The Guardian, thời gian gần đây, bức tranh cổ động chống Covid-19 của họa sĩ Lê Đức Hiệp vẽ hình một nhân viên y tế với chiếc khẩu trang trên khuôn mặt và dáng đứng hiên ngang như một người lính, bên cạnh là khẩu hiệu “Ở nhà là yêu nước” đã được chia sẻ mạnh mẽ trên mạng xã hội ở Việt Nam.
Bên dưới tranh cổ động là lời nhắn gửi người dân khai báo các triệu chứng hoặc báo cáo bất cứ ai trốn cách ly.
Bức tranh này cùng với bài hát rửa tay ngừa virus Ghen Cô Vy, chỉ là một trong hàng loạt loại hình nghệ thuật xuất hiện ở Việt Nam, phản ánh đúng tinh thần phòng chống dịch Covid-19 như trong thời chiến của toàn bộ đất nước.
Thoạt nhìn ban đầu, người ta cứ ngỡ bức tranh của họa sĩ Lê Đức Hiệp mang dáng dấp của những bức tranh tuyên truyền của chính phủ Việt Nam xuất hiện trên đường phố cách đây vài chục năm mà vẫn ẩn chứa trong đó sự hiện đại. Nhưng họa sĩ Lê Đức Hiệp đã chọn một thiết kế mà anh cảm thấy có thể tuyên truyền vận động tới những người không tuân theo các quy tắc.
“Sau khi Chính phủ kêu gọi mọi người ở nhà để giúp ngăn chặn Covid-19, tôi thấy trên mạng xã hội nhiều người vẫn tụ tập, ra quán cà phê và nhà hàng, điều đó thực sự làm tôi bực mình. Tôi muốn vẽ lên một thứ gì đó có thể lan truyền nhanh chóng, nâng cao nhận thức và truyền cảm hứng cho mọi người để làm điều đúng đắn. Tôi đã chọn phong cách tuyên truyền vì nó quen thuộc với người Việt Nam và phong cách này luôn khơi gợi những cảm xúc yêu nước”, The Guardian dẫn lời Lê Đức Hiệp.
Lê Đức Hiệp không phải là họa sĩ Việt Nam duy nhất khơi gợi lại cảm xúc yêu nước và tinh thần “chống dịch như chống giặc”. Phạm Trung Hà, một họa sĩ nổi tiếng từ thời “thế hệ vàng” của hội họa Việt Nam, đã hợp tác với Bộ Y tế và Công Ty Tem Việt Nam để thực hiện hai mẫu tem mới.
Bộ Ngoại giao Việt Nam bộ tem mang tên "Chung tay phòng, chống dịch Covid-19" trên trang Twitter chính thức của Bộ. |
Bộ tem mang tên "Chung tay phòng, chống dịch Covid-19" nhằm gửi thông điệp toàn dân đoàn kết trong cuộc chiến chống Covid-19. Ngày 29/3, Bộ Ngoại giao Việt Nam cũng đã giới thiệu bộ tem này trên trang Twitter chính thức của Bộ.
Chính phủ Việt Nam cũng đã kêu gọi các họa sĩ trên toàn quốc gửi tranh cổ động nhằm tuyên truyền về phòng chống Covid-19 rộng rãi. Mặc dù đang điều trị ung thư, họa sĩ Lưu Yên Thế, 73 tuổi vẫn nộp hai bức tranh cho Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch và cả hai đều được chấp nhận và hiện đang treo trên đường phố.
“Vẽ tranh cổ động tuyên truyền là sở thích của tôi từ thập niên 60 và 70 khi Việt Nam tập trung thống nhất đất nước và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Tại thời điểm đó, bạn có thể thấy những bức tranh tuyên truyền khổng lồ ở khắp mọi nơi trên đất nước tôi”, hoạ sĩ Lưu Yên Thế nói.
“Mặc dù hiện tại sức khỏe tôi đang kém và sắp hết hạn nộp, nhưng tôi quyết định tham gia dự án này để giúp đỡ mọi người trong cuộc chiến chống dịch. Nếu chúng tôi không thể ở tiền tuyến, tất cả các nghệ sĩ có thể hỗ trợ theo cách riêng của mình bằng cách cung cấp thông tin thông qua các bức tranh cổ động”, ông nói thêm.
Tranh cổ động của họa sĩ Lưu Yên Thế. |
Với những thông điệp như này, cùng với biện pháp phòng chống dịch sớm và quyết đoán, đã giúp Việt Nam không rơi vào tình trạng “vỡ trận” như châu Âu và giữ cho số lượng các ca nhiễm dừng lại ở con số hàng trăm, mặc dù chia sẻ biên giới với "tâm dịch" Trung Quốc.
Theo tờ Guardian, các quốc gia không đủ điều kiện xét nghiệm hàng loạt, số ca nhiễm thực có thể cao hơn con số chính thức. Nhưng với Việt Nam, sau khi thực hiện hơn 110.000 xét nghiệm, chỉ có 251 người nhiễm Covid-19, đã chữa khỏi 128 trường hợp và đặc biệt không có ca tử vong nào.
Việt Nam đã tập trung vào việc cách ly bất cứ ai có tiếp xúc với một trường hợp nhiễm bệnh, cũng như cách ly toàn bộ những người mới nhập cảnh, cho đến nay là hơn 67.000 người. Lệnh hạn chế đi lại, giãn cách xã hội được áp dụng từ ngày 1/4.
Các nghệ sĩ Việt Nam, như Huỳnh Kim Liên, đồng sáng lập studio KAA Illustration khẳng khái nói: “Tại Việt Nam, Chính phủ nói rằng chống dịch như chống giặc, vì vậy, là một nghệ sĩ, chúng tôi thực hiện công việc của mình trong một cuộc chiến: Chúng tôi vẽ”.