Với bản báo cáo này, Thượng viện Mỹ đã khiến cho nhiều quan chức của CIA phản ứng dữ dội, trong khi lại vô hình trung làm vừa lòng các đối thủ của nước Mỹ. Cho dù còn nhiều tranh cãi song việc công khai các hoạt động nói trên của CIA là điều cần thiết. Thẳng thắn đối diện với quá khứ là sự bảo vệ tốt nhất cho tương lai.
Cụ thể, báo cáo của Thượng viện cáo buộc CIA hoạt động một cách sai lầm, cũng như cố tình che đậy các hành vi nghiêm trọng của mình trong suốt những năm qua. Trên thực tế, các biện pháp thẩm vấn tù nhân của CIA được đề xuất bởi hai nhà tâm lý học vốn chưa từng trải qua cương vị thẩm vấn viên hay chuyên gia về khủng bố. Bên cạnh đó, trái ngược với những gì CIA từng nói với Quốc hội, Nhà Trắng hay công luận Mỹ, các biện pháp thẩm vấn của họ hầu như không mang lại hiệu quả.
Về phần mình, CIA đã phản bác báo cáo của Thượng viện một cách quyết liệt. Cơ quan này cho rằng, tuy các biện pháp của họ có thể tàn bạo, nhưng sau vụ khủng bố 11/9, các hoạt động của CIA là cần thiết và kịp thời nhằm ngăn chặn nguy cơ bùng phát các vụ tấn công. Hơn nữa, chương trình thẩm vấn của CIA đã được thông qua một cách hợp pháp. Chính bản thân công chúng Mỹ cũng muốn chính quyền liên bang siết chặt an ninh bằng bất cứ biện pháp nào. Thậm chí, Phó Tổng thống Mỹ Dick Cheney, một chính trị gia “diều hâu” thời bấy giờ, cũng tỏ ra rất sốt sắng ủng hộ cho chương trình của CIA. Và một điều mang tính cốt lõi nhất, theo CIA, hoạt động thẩm vấn của họ trung thành với các giá trị, nguyên tắc căn bản của ngành tình báo.
Tuy nhiên, có thể thấy rằng lập luận của CIA cũng vướng phải nhiều thiếu sót. Cho dù các hoạt động của CIA là hợp pháp, song họ thực chất đã dùng các biện pháp gây nên sự đau đớn về tinh thần và thể chất của nghi phạm để khai thác thông tin. Đó chính là tra tấn. Dẫu rằng tra tấn là một cách thức hiệu quả để có thể lấy được thông tin, nhưng là một biện pháp tàn độc. Mặt khác, chính quyền Washington và Quốc hội có một số chính sách đặc quyền dành cho những người liên quan đến hoạt động thẩm vấn. Chính vì vậy rất dễ hiểu là tại sao CIA lại có nhiều điều kiện để che đậy các hoạt động bí mật của mình.
Mặc dù vụ việc đã khép lại với ý kiến pháp lý (legal opinion) từ Bộ Tư pháp song bê bối của CIA thực sự làm ảnh hưởng tới chính sách và hình ảnh của Mỹ ở nước ngoài. Việc tra tấn những người Hồi giáo có thể kích động ngọn lửa chủ nghĩa khủng bố, vốn là cơn ác mộng của nước Mỹ. Các nhà độc tài trên thế giới cũng có thể viện đến chính sách tra tấn của Mỹ như một tiền lệ mang tính “miễn trừ”. Các đối thủ cạnh tranh của Mỹ như Trung Quốc và Nga lại có cơ hội chỉ trích sự giả dối của CIA, giống như họ đã từng làm đối với vụ bê bối nghe lén của cơ quan này cách đây chưa lâu.
Sự bất bình của dư luận về trại giam của CIA cùng những thứ khủng khiếp bên trong nó có thể tạm lắng xuống. Nhưng trước thái độ “hả hê” của các đối thủ và sự bất đồng giữa hai đảng Quốc hội, chính quyền Washington cần phải đưa ra các giải pháp thiết thực. Mặc dù Tổng thống Barack Obama đã quyết định siết chặt và minh bạch hóa hoạt động thẩm vấn an ninh ngay từ những ngày đầu khi ông mới nhậm chức, song trại giam khủng bố “tai tiếng” ở vịnh Guantanamo chưa khi nào vắng bóng tù nhân. Hiện tại ông chủ Nhà Trắng được cho là vẫn “thả lỏng” các chiến lược của CIA, song tình hình rất có thể sẽ trở nên vô cùng nghiêm trọng nếu các biện pháp thẩm vấn này cứ tiếp diễn.
Quang Chinh (theo The Economist)