Bài viết 'Người đồng chí thực sự' trên báo Độc lập của Nga. (Ảnh chụp màn hình) |
Niềm tin dành cho nhau
Trong bài viết, tác giả nhấn mạnh Việt Nam là đối tác tin cậy của Liên bang Nga không chỉ trong thời kỳ Liên Xô trước đây mà cả hiện nay. Đặc biệt, sự tin cậy trong quan hệ song phương một lần nữa được khẳng định ngay trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19, khi Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới phê duyệt vaccine Covid-19 của Nga.
Tháng 8/2021, lô vaccine Sputnik V đầu tiên đã được sản xuất thành công chính trên đất nước Việt Nam. Tác giả khẳng định: “Niềm tin đối với nước Nga, đối với người Nga đã ngấm vào trong máu của người Việt Nam”. Cụ thể, hai nước đồng quan điểm về nhiều vấn đề quốc tế, đáng chú ý, cả hai nước đều ủng hộ hệ thống trật tự thế giới đa cực, trong đó có nguyên tắc giải quyết các cuộc xung đột lớn trên thế giới bằng biện pháp ngoại giao hòa bình, trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế.
Đồng thời, chuyên gia Trofimchuk đánh giá cao vai trò và vị thế ngày càng tăng của Việt Nam trên trường quốc tế. Sau khi Liên Xô sụp đổ, Việt Nam vẫn luôn kiên định với hệ tư tưởng của mình, đưa nền kinh tế trong nước lên vị trí dẫn đầu khu vực. Bài báo nhấn mạnh, Việt Nam là thành viên đi đầu của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), thành viên ngày càng rõ nét của Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) và một loạt tổ chức có ảnh hưởng khác.
Theo tác giả, Việt Nam là quốc gia nằm ở giao điểm của tất cả các tuyến đường thương mại và chính trị quan trọng ở châu Á - Thái Bình Dương. Việt Nam với tư cách là quốc gia yêu chuộng hòa bình, đang làm tất cả những gì có thể để không xảy ra một cuộc chiến tranh mới trong khu vực. Điều này rõ ràng đã được chứng minh khi Việt Nam giữ vai trò Ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020 - 2021 ngay trong giai đoạn khó khăn nhất của thế giới.
Về hợp tác kinh tế - thương mại, năm 2015, Liên minh Kinh tế Á-Âu (EAEU) và Việt Nam đã ký Hiệp định về khu vực thương mại tự do, qua đó đưa Hiệp hội kinh tế này lên một tầm cao mới, không chỉ cho phép mở rộng trao đổi thương mại song phương, mà còn giúp mở rộng không gian Á-Âu sang khu vực Đông Nam Á. Tác giả khẳng định, Việt Nam chính là “một trong những đầu tàu quan trọng của khu vực châu Á-Thái Bình Dương, nơi được coi là trọng tâm của tăng trưởng kinh tế - tài chính thế giới”.
Nâng tầm quan hệ trong tương lai
Bình luận về chuyến thăm chính thức Nga của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, chuyên gia Trofimchuk dành khá nhiều thời lượng bài viết để khắc họa về ông. Theo đó, trong mắt của giới quan sát nước ngoài, đặc biệt là các chuyên gia, học giả Nga, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc thể hiện là người năng nổ, luôn có nụ cười hiền hậu và chân thành.
Tác giả nhắc lại thời điểm năm 1954, đã trở thành dấu ấn trong lịch sử đất nước, khi quân Pháp bị đánh bại trong chiến dịch Điện Biên Phủ, sau đó một phái đoàn do Chủ tịch Hồ Chí Minh dẫn đầu đã tham dự Hội nghị hòa bình Geneva để đàm phán chấm dứt sự hiện diện của thực dân Pháp ở Đông Dương nói chung.
Cho đến nay, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc luôn nỗ lực giải quyết mọi vấn đề quan trọng bằng biện pháp ngoại giao hòa bình bởi ông biết thế nào là cuộc chiến tranh thật sự chứ không phải như các cuộc tập trận hay huấn luyện. Cũng chính bởi vậy, người Việt Nam thích nói về tương lai hơn là về quá khứ.
Dẫn thông báo của Cơ quan báo chí Điện Kremlin, bài viết cho hay trong cuộc điện đàm giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc trước chuyến thăm lần này, hai bên đã thống nhất “một thỏa thuận chung nhằm phát triển hơn nữa quan hệ song phương mang tầm đối tác chiến lược toàn diện”. Chuyên gia này bình luận, quan hệ đối tác chiến lược toàn diện đã là mức độ hợp tác cao nhất có thể, tuy nhiên, quan hệ Việt Nam-Nga cần tiếp tục phát triển không có giới hạn và không thể đứng yên một chỗ.
Cuối bài viết, ông Trofimchuk bày tỏ hy vọng trong thời gian tới, thông qua mối quan hệ hợp tác tốt đẹp với Việt Nam, Nga sẽ thể hiện rõ hơn vai trò tại châu Á-Thái Bình Dương, một khu vực quan trọng của thế giới, tham gia tích cực hơn vào củng cố an ninh châu Á, trong đó có an ninh năng lượng.