Các công ty hoạt động tại thành phố Hải Phòng phải thông báo về số lượng công nhân Trung Quốc đang làm việc. (Nguồn: AP) |
Theo bài báo, thành phố cảng Hải Phòng - trung tâm sản xuất mới nổi ở phía Đông Bắc Việt Nam mới đây đã yêu cầu các công ty thông báo về số lượng công nhân Trung Quốc đang làm việc tại công ty. Việt Nam có chung đường biên giới dài khoảng 1.406km với Trung Quốc - nơi đang là "tâm bão" của dịch bệnh, nên sáng kiến của Hải Phòng được đánh giá là kịp thời trước thời điểm các công ty quay trở lại hoạt động với hàng ngàn công nhân đến từ Trung Quốc sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 2020.
Hải Phòng đã ghi nhận mức tăng trưởng hơn 16% trong năm 2019 nhờ vào dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), đóng vai trò ngày càng quan trọng trong chuỗi cung ứng khu vực. Tuy nhiên, việc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuyên bố sự bùng phát chủng virus corona mới từ Trung Quốc là "tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu" vào hôm 31/1 đã khiến cho nhiều nhà sản xuất, nhiều công ty hoạt động tại các khu công nghiệp của thành phố không khỏi lo lắng.
“Các công ty nước ngoài phải hạn chế công nhân quay trở lại các nhà máy ở Hải Phòng từ tỉnh Hồ Bắc và các tỉnh bị ảnh hưởng khác của Trung Quốc” - tuyên bố được đăng trên Cổng thông tin điện tử TP. Hải Phòng cho biết.
Ủy ban nhân dân TP. Hải Phòng sau đó đã triệu tập một cuộc họp khẩn cấp vào sáng 31/1 với đại diện 90 công ty đang hoạt động tại Khu kinh tế Hải Phòng có vốn đầu tư từ Trung Quốc đại lục, vùng lãnh thổ Đài Loan hoặc Hong Kong (Trung Quốc).
Hiện Hải Phòng có khoảng 3.000 công nhân Trung Quốc đang sinh sống và làm việc. Riêng khu kinh tế Hải Phòng đang có hơn 1.600 công nhân Trung Quốc, bao gồm 104 người từ Hồ Bắc, làm việc.
Tại cuộc họp về công tác phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vius corona, ông Lê Văn Thành, Bí thư Thành ủy Hải Phòng đã chỉ đạo hạn chế người Trung Quốc và tạm thời không cho người từ Hồ Bắc nhập cảnh vào thành phố trong thời gian dịch bệnh.
“Động thái của TP. Hải Phòng yêu cầu các công ty báo cáo số lượng chuyên gia, công nhân người Trung Quốc là bước cần thiết để hạn chế sự lây lan của virus corona tại thành phố cảng. Dựa trên những thông tin được báo cáo, chính quyền có thể tăng cường nỗ lực kiểm soát các ổ dịch tiềm năng”, một chuyên gia kinh tế nhận định trên tờ Nikkei Asian Review.
Hôm 2/2, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cũng yêu cầu các đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức sử dụng lao động là người nước ngoài tại các địa phương tạm dừng tiếp nhận lao động Trung Quốc về quê ăn Tết quay trở lại Việt Nam làm việc trong thời gian công bố dịch virus corona. Cũng theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, số lao động Trung Quốc được cấp phép làm việc tại Việt Nam là 91.500 người, khoảng 40% số lao động này đã trở về Trung Quốc đón Tết Nguyên đán 2020.
Công ty thời trang có trụ sở tại Hong Kong (Trung Quốc) Regina Miracle International đang hoạt động tại Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore ở Hải Phòng hiện có 301 công nhân Trung Quốc. Hơn 100 nhân viên đã trở lại Hải Phòng làm việc từ Hồ Bắc đang bị cách ly và chờ đợi quyết định tiếp theo từ chính quyền Hải Phòng.
Đại diện Công ty TNHH Gang thép Hưng nghiệp Formosa ở Hà Tĩnh cũng cho biết, trước tình hình dịch bệnh gia tăng, doanh nghiệp này đã yêu cầu khoảng 430 chuyên gia và người lao động Trung Quốc về quê nghỉ Tết Nguyên đán không quay trở lại làm việc trước ngày 15/2. Các trạm kiểm tra sức khỏe cũng đã được thiết lập tại Khu kinh tế Vũng Áng - nơi đặt nhà máy sản xuất thép.
Với diễn biến phức tạp của dịch bệnh do virus corona mới đang bùng phát mạnh ở Trung Quốc, mới đây, nhà máy Alumin Nhân Cơ (tỉnh Đắk Nông) cũng đã yêu cầu Tập đoàn Chalieco (Trung Quốc) - nhà thầu duy nhất của dự án - không để 12 chuyên gia Trung Quốc trở lại làm việc tại công ty. Theo lịch trình trước đó, các chuyên gia này sẽ quay lại Việt Nam sau ngày 8/2.
Việt Nam đạt mức tăng trưởng GDP 7,02% trong năm 2019, phần lớn là nhờ việc thúc đẩy thương mại quốc tế, thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài vào khu vực sản xuất. Đầu tư trực tiếp nước ngoài đã tăng 7,2% trên toàn quốc trong năm 2019, riêng Hải Phòng thu hút gần 1,5 tỷ USD. Vì vậy, theo Công ty nghiên cứu thị trường SSI, bất kỳ sự gián đoạn lớn nào của chuỗi cung ứng toàn cầu, bao gồm cả Trung Quốc, có thể sẽ là mối lo cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm nay.