Một chiếc xe tăng Nga bị phá hủy được tìm thấy tại vùng ngoại ô Kherson, Ukraine ngày 16/11/2022. (Nguồn: Reuters) |
Báo cáo từ Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) của Mỹ đưa ra những con số ước tính thiệt hại nặng nề của quân đội Nga gồm gần 10.000 đơn vị thiết bị quan trọng như xe tăng, xe tải, pháo và máy bay không người lái (UAV).
Tuy nhiên, cũng theo báo cáo này, Nga có thể tận dụng các nguồn dự trữ vũ khí cũ ở tuyến đầu từ thời Chiến tranh Lạnh để bù đắp những tổn thất về công nghệ.
Tổn thất nặng nề
Bản báo cáo của CSIS nhấn mạnh tổn thất nghiêm trọng về xe tăng chiến đấu chủ lực của Nga. Theo đó, “Moscow ước tính đã mất từ 1.845 đến 3.511 xe tăng trong một năm tham chiến”, trong đó xe tăng chiến đấu chủ lực T-72B3 mới được nâng cấp và chuyển giao lần đầu vào năm 2013, được ghi nhận là thiệt hại đặc biệt nặng nề.
Trang web tình báo nguồn mở Oryx có trụ sở tại Hà Lan cũng tiết lộ, họ có bằng chứng trực quan về hơn 500 phiên bản của T-72B3 bị phá hủy, hư hỏng, bị bỏ lại hoặc bị thu giữ tính đến trung tuần tháng 4.
Các quan chức phương Tây phát biểu trong cuộc họp báo ngày 18/4 cũng ghi nhận áp lực đối với hạm đội xe tăng Nga: “Họ đang thụt lùi về mặt trang bị”.
Bản báo cáo của CSIS đặt ra vấn đề mà Nga gặp phải trong việc chế tạo xe tăng mới, theo đó, nhà máy xe tăng UralVagonZavod có thể sản xuất khoảng 20 xe tăng mỗi tháng. Tuy nhiên, cùng thời gian đó, Nga mất trung bình gần 150 xe tăng các loại tại chiến dịch ở Ukraine.
Ngoài ra, Nga còn phải đối mặt với sự thiếu hụt linh kiện hiện đại. Theo báo cáo này, Moscow phải tân trang và đưa những chiếc xe tăng cũ hàng thập kỷ của mình hoạt động trở lại vì không có đủ nguồn lực để chế tạo xe tăng mới. Các lệnh trừng phạt của phương Tây khiến Nga không thể tìm nguồn phụ tùng và công cụ cần thiết để lắp ráp một chiếc xe tăng hiện đại.
Bất lợi về nguồn cung
Theo báo cáo của CSIS, các biện pháp trừng phạt đã cắt giảm khả năng tiếp cận của Nga với các hệ thống quang học bao gồm các ổ bi và máy công cụ - cần thiết cho các xạ thủ xe tăng để xác định mục tiêu.
Cụ thể, Nga đã dựa vào hàng nhập khẩu của Pháp trong quá trình sản xuất trước xung đột, tuy nhiên với việc hạn chế nhập khẩu những mặt hàng này do lệnh trừng phạt, Nga buộc phải lắp kính ngắm cũ hơn, kém tinh vi hơn cho các xe tăng hiện đại nhất của mình, dẫn đến khả năng mất tầm bắn lên tới 2 km.
Trong trường hợp ổ bi chất lượng cao, 55% nguồn cung trước chiến tranh của Nga đến từ châu Âu và Bắc Mỹ. Với những nguồn này hiện đã bị mất, Nga có thể cố gắng bù đắp thâm hụt bằng nguồn cung sản xuất trong nước hoặc nhập khẩu nguồn cung chất lượng thấp hơn từ Trung Quốc hoặc Malaysia. Nhưng dù bằng cách nào, Nga cũng không thể đạt được chất lượng như trước xung đột.
“Moscow đang chịu áp lực phải thích nghi và bắt buộc phải chuyển sang các nhà cung cấp và tuyến cung ứng kém tin cậy và đắt đỏ hơn, nhập khẩu chất lượng thấp hơn hoặc cố gắng tái sản xuất các bộ phận của phương Tây trong nội bộ. Điều này có khả năng cản trở tốc độ và chất lượng sản xuất quốc phòng của Nga”, báo cáo cho biết.
Không chỉ xe tăng, sự mất mát của các bộ phận vũ khí nhập khẩu từ phương Tây còn được ghi nhận với máy bay có người lái và không người lái, tên lửa và thiết bị điện tử cần các bộ phận công nghệ cao, hiện đại, bao gồm cả vi mạch.
Nga vẫn giữ được lợi thế về số lượng vũ khí so với Ukraine nhờ lượng lớn trong kho dự trữ. Ảnh minh hoạ: Hệ thống chống tăng Shturm-S của Nga. (Nguồn: Rostec) |
Lợi thế về số lượng
Tuy nhiên, báo cáo của CSIS cũng cảnh báo rằng Ukraine và phương Tây không nên mong đợi những vấn đề về nguồn cung này sẽ buộc Nga phải chấm dứt chiến dịch quân sự, vì Moscow vẫn giữ được lợi thế về số lượng vũ khí so với Ukraine nhờ kho dự trữ lớn của mình.
Theo ước tính sơ bộ trong báo cáo, tính đến tháng 2/2023, tổng số máy bay mà Điện Kremlin sử dụng nhiều hơn 13-15 lần so với của Kiev. Nga có số lượng xe tăng gần gấp 7-8 lần và số phương tiện chiến đấu bọc thép nhiều gấp 4 lần, trong khi hạm đội hải quân của nước này lớn gấp 12-16 lần so với Ukraine.
Đồng thời, bản báo cáo cũng nhận định, lợi thế về số lượng sẽ cho phép Moscow duy trì cuộc xung đột với quân số khiến Ukraine, dù ít tổn thất hơn, cũng sẽ phải tiêu hao hết phần cứng trong năm tới.
Để bù lại những lợi thế về số lượng của Nga, các chuyên gia chỉ ra rằng các nước phương Tây phải tiếp tục cung cấp vũ khí vượt trội về công nghệ cho Ukraine.
“Đây là điểm mấu chốt của cuộc xung đột này trong năm thứ hai, quân đội Nga có thể dựa vào số đông của mình và tiếp tục sử dụng công nghệ cũ hoặc kém hơn, miễn là họ có thể tồn tại lâu hơn quá trình phương Tây chuyển giao vũ khí và các hệ thống cho Ukraine", CSIS nhận định.
| Đại sứ Nguyễn Văn Thảo: Chuyến thăm của Thủ tướng Luxembourg tạo dấu mốc quan trọng, là cơ hội để phát triển tài chính xanh Đại sứ Việt Nam tại Bỉ kiêm nhiệm Luxembourg Nguyễn Văn Thảo đề cao ý nghĩa chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Đại công ... |
| Phương Tây tìm cách cấm hàng hóa qua Nga; Moscow hé lộ thời điểm đàm phán về thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen Các nước phương Tây đang nghiên cứu gói trừng phạt mới bao gồm việc cấm quá cảnh nhiều hàng hóa qua Nga. Trong khi đó, ... |
| Tổng thống Ukraine chuẩn bị thăm Đức; Kiev buồn lòng vì EU trừng phạt Nga không 'đến nơi đến chốn' Ngày 3/5, báo chí Đức đưa tin Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky sắp thăm Đức. Cùng ngày, phía Kiev bày tỏ không bằng lòng với ... |
| Khám phá chăn tàng hình - vũ khí lợi hại mới của Nga ở xung đột Ukraine Tình hình xung đột Ukraine dự báo có nhiều chuyển biến đột phá với sự xuất hiện của công nghệ tàng hình mới từ Nga. |
| Cựu Đại sứ Anh: Quan hệ Việt Nam-Anh ngày càng phát triển mạnh mẽ và sâu sắc Theo ông Mark Kent, cựu Đại sứ Anh tại Việt Nam, chuyến thăm của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng cho thấy quan hệ hữu ... |