Lãnh đạo các đảng Bảo thủ, Tự do và Dân chủ mới tranh luận gay gắt trực tiếp trên truyền hình về chính sách đối ngoại ngày 28/9. |
Quyết tâm và hy vọng
Chiến dịch tranh cử dài nhất lịch sử Canada từ ngày thành lập liên bang - 78 ngày - đã được Thủ tướng Stephan Harper và đảng Bảo thủ (CPC) phát động nhằm giành ưu thế trước các đối thủ chính là đảng Tự do (LIB) và đảng Dân chủ mới (NDP). Nếu đắc cử, ông Stephan Harper sẽ là vị thủ tướng đầu tiên trong lịch sử Canada cầm quyền bốn nhiệm kỳ liên tiếp từ đầu thế kỷ XX đến nay.
Đảng Tự do, được mệnh danh là “Đảng cầm quyền tự nhiên” của Canada do có lịch sử cầm quyền lâu nhất ở Canada (trên 70 năm), quyết giành lại ngôi vị của mình sau ba kỳ bầu cử thất bại liên tiếp. Trong khi đó, đảng Dân chủ mới, tuy chưa bao giờ cầm quyền ở chính phủ liên bang, lại tràn đầy hy vọng khi lần đầu tiên tranh cử với tư cách đảng đối lập chính thức trên chính trường Canada. Đặc biệt là sau khi đảng này bất ngờ thắng cử vang dội trong cuộc bầu cử ở tỉnh Alberta vào tháng Năm, một trong những tỉnh đầu tàu kinh tế của Canada và là cái nôi truyền thống của đảng Bảo thủ trong hơn 40 năm qua.
Với ba đảng chính tranh cử đầy hy vọng và quyết tâm như trên, không ngạc nhiên khi cuộc chạy đua quyền lực ở Canada năm nay trở nên rất căng thẳng và đầy kịch tính. Các cuộc thăm dò dư luận cho thấy mức độ ủng hộ đối với ba đảng là gần ngang nhau và đều nằm trong phạm vi sai số thống kê của nhau.
Hướng đi ngược chiều về đối nội
Các chính sách đối nội luôn là nội dung quan trọng nhất và có tác động mạnh mẽ nhất tới quyết định của cử tri trong các đợt bầu cử của Canada, trong đó hai vấn đề nổi bật năm nay là chính sách kinh tế và vấn đề an ninh quốc gia. Đảng Bảo thủ chủ trương kích thích kinh tế bằng cách giảm thuế đối với các doanh nghiệp và tầng lớp thượng lưu. Tuy nhiên, chính sách này bị chỉ trích là thiếu hiệu quả khiến nền kinh tế Canada sáu tháng đầu năm 2015 đã chính thức rơi vào suy thoái, tốc độ tăng xuất khẩu thấp nhất kể từ sau Thế chiến II, trong khi nhiều chính sách xã hội bị cắt giảm và ngân sách thường xuyên thâm hụt.
Đảng Tự do, trong khi đó, đề xuất lấy tầng lớp trung lưu làm đòn bẩy kinh tế, hứa hẹn sẽ tăng thuế đối với nhà giàu, giảm thuế và tăng các chương trình hỗ trợ của chính phủ đối với tầng lớp trung lưu. Đảng Dân chủ mới, với thiên hướng của một đảng dân chủ - xã hội, lại tìm kiếm sự ủng hộ và phiếu bầu của đông đảo tầng lớp người lao động, cam kết mở rộng các chính sách xã hội như y tế, giáo dục, chăm sóc người cao tuổi, hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ...
Tuy nhiên, đảng Bảo thủ phê phán các chương trình kinh tế của đảng Tự do và Dân chủ mới là không khả thi về ngân sách, quá rủi ro và có thể đưa Canada vào “vết xe đổ” của nhiều nền kinh tế đang khủng hoảng ở châu Âu.
Về vấn đề an ninh, trong khi đảng Bảo thủ đề cao bảo vệ an ninh quốc gia, đưa ra nhiều biện pháp thắt chặt an ninh, đẩy mạnh cuộc chiến chống khủng bố, đơn phương tham gia các chiến dịch quân sự chống lại Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), thắt chặt vấn đề nhập cư thì các đảng Tự do và Dân chủ mới liên tục chỉ trích Chính phủ thổi phồng nguy cơ an ninh, gieo rắc sự sợ hãi trong dân một cách thái quá, hy sinh quyền tự do của người dân, thậm chí phân biệt đối xử, gây chia rẽ trong các cộng đồng nhập cư, đi ngược các “giá trị truyền thống” của Canada.
Đến khác biệt về chính sách đối ngoại
Không như các cuộc tranh cử trước, năm nay chính sách đối ngoại là chủ đề cử tri rất quan tâm để tìm sự khác biệt nổi trội giữa các đảng. Đảng Bảo thủ có xu hướng đẩy mạnh tự do hóa thương mại song phương và đa phương, trong đó có việc kết thúc đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Đại Tây Dương (TPP) vừa qua, nhưng sẵn sàng đơn phương trong các vấn đề an ninh và toàn cầu. Chính phủ của đảng Bảo thủ thực thi một chính sách hết sức cứng rắn với Nga và với IS.
Trong khi đó, các đảng Tự do và Dân chủ mới thường phê phán đảng Bảo thủ chưa chú trọng đúng mức tới các diễn đàn đa phương như Liên hợp quốc, thờ ơ với các công ước quốc tế đa phương, làm ảnh hưởng tới hình ảnh và vị thế của Canada trên trường quốc tế, điển hình như việc đơn phương rút khỏi Nghị định thư Kyoto về biến đổi khí hậu.
Đảng Tự do cam kết nếu thắng cử sẽ tham gia mạnh mẽ vào các diễn đàn đa phương, đóng góp nhiều hơn cho lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc, tham gia công ước Liên hợp quốc về cấm buôn bán vũ khí, tham gia có trách nhiệm hơn giải quyết các vấn đề toàn cầu như biến đổi khí hậu và lấy lại uy tín của Canada như một “trung gian” tin cậy trong các vấn đề quốc tế và khu vực. Lãnh đạo của LIB cũng chủ trương thắt chặt trở lại quan hệ với đồng minh truyền thống là Mỹ, được cho là đã trở nên lỏng lẻo trong những năm gần đây.
Tương tự, Đảng Dân chủ mới đề cao Liên hợp quốc và sự cần thiết phải lấy lại hình ảnh và uy tín của Canada trên trường quốc tế, song chủ trương sẽ tập trung vào các vấn đề toàn cầu như môi trường, biến đổi khí hậu...
Viện trợ phát triển là một bộ phận quan trọng trong chính sách đối ngoại của Canada. Đảng Bảo thủ chủ trương không tăng số lượng viện trợ phát triển mà nâng chất lượng của các dự án hợp tác phát triển. Năm 2010, Chính phủ đã “đóng băng” ngân sách dành cho ODA trong năm năm tiếp theo. Trên thực tế, viện trợ phát triển của Canada đã giảm trong năm năm qua, chỉ đạt 0,24% GDP so với mức trung bình các nước phát triển là 0,39%.
Cùng cam kết tăng cường vai trò của Canada trong các vấn đề toàn cầu, đảng Dân chủ mới chủ trương tăng ODA hàng năm của Canada lên mức 0,7% GDP. Đảng Tự do cũng chủ trương đảo ngược xu thế cắt giảm ODA của Chính phủ đảng Bảo thủ hiện nay song chưa đưa con số cụ thể nào.
Cuộc đua khó dự báo
Với cương lĩnh tranh cử như trên, chiến dịch tranh cử ở Canada đang diễn ra hết sức kịch tính. Nếu đầu tháng 5/2015, theo thăm dò đảng Bảo thủ dẫn đầu với tỷ lệ ủng hộ là 32,9%, đảng Tự do thứ hai với tỷ lệ 31,3% còn đảng Dân chủ mới thứ ba với tỷ lệ 25,2% thì đến đầu tháng Bảy, tỷ lệ ủng hộ đối với đảng Dân chủ mới đã vọt lên đầu với 32% ủng hộ trong khi tỷ lệ ủng hộ đảng Bảo thủ tụt xuống chỉ còn 29%. 52% số người thăm dò cho rằng ứng cử viên của Dân chủ mới có khả năng thay thế Thủ tướng Harper.
Vào đầu tháng Chín, sau khi tỷ lệ ủng hộ đảng Bảo thủ tiếp tục tụt dốc xuống hàng thứ ba, đảng này đã quyết định nhờ cậy sự giúp đỡ của Lynton Crosby, cố vấn đặc biệt đã giúp các đảng Bảo thủ của Anh và đảng Tự do của Australia giành chiến thắng trong các đợt bầu cử gần đây. Quyết định này được cho là đã góp phần quan trọng trong các thay đổi chiến thuật tranh cử của đảng Bảo thủ từ giữa tháng Chín đến nay, giúp đảng này lấy lại được sự ủng hộ gần ngang hàng với đảng Tự do, vượt trên đảng Dân chủ mới trong những tuần tranh cử cuối cùng.
Với cục diện hiện nay, các chuyên gia cho rằng rất khó dự đoán kết quả bầu cử ngày 19/10 tới. Tuy nhiên, các ý kiến đồng thuận cho rằng rất khó có đảng nào có khả năng giành chiến thắng tuyệt đối để lập chính phủ đa số. Như vậy, chính phủ tới của Canada rất có thể là chính phủ thiểu số thứ 12 trong lịch sử của nước này và là một chính phủ thỏa hiệp giữa một số đảng, phái.
Dù kết quả bầu cử ra sao, Canada với tư cách là nước thành viên G7 cũng sẽ là một thành viên quan trọng của cộng đồng quốc tế. Một Canada phát triển, năng động và đóng góp tích cực tại các diễn đàn đa phương như Liên hợp quốc, Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF), có quan hệ ngày càng sâu rộng, chặt chẽ với các nước trong khu vực là mong muốn và kỳ vọng chung của Việt Nam và các nước ASEAN.
Trường An