📞

Bầu cử Mỹ: Nga sẽ muốn ai là Tổng thống?

Ánh Nguyệt 13:30 | 07/10/2020
TGVN. Nga đang chuẩn bị cho cuộc đối đầu kéo dài 4 năm nữa với Mỹ, bất kể Tổng thống Donald Trump hay cựu Phó Tổng thống Joe Biden giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Mỹ tới đây.

Có một sự đồng thuận ngày càng tăng ở Moscow rằng cả ông Trump và ông Biden sẽ không cải thiện quan hệ với Nga nếu đắc cử, và quan trọng hơn, sự phân cực chính trị ngày càng sâu sắc ở Mỹ sẽ gây bất ổn cho việc ra quyết định chính sách đối ngoại của Washington trong tương lai gần.

Andrey Kortunov - Tổng Giám đốc Hội đồng các vấn đề quốc tế của Nga, một tổ chức tư vấn trực thuộc Bộ Ngoại giao Nga bình luận: “Kỳ vọng vào quan hệ với Mỹ là rất thấp bất kể ai giành chiến thắng vào tháng 11 tới... Có cảm giác các mối quan hệ không thể trở nên tốt đẹp hơn trong tương lai gần cho đến khi ít nhất là Mỹ thoát khỏi cuộc khủng hoảng chính trị trong nước. Tuy nhiên, cũng không có nhiều lý do để mọi thứ trở nên tồi tệ hơn vì quan hệ Nga-Mỹ đang ở mức rất thấp”.

Có một sự đồng thuận ngày càng tăng ở Moscow rằng cả ông Trump và ông Biden sẽ không cải thiện quan hệ với Nga nếu đắc cử. (Nguồn: Financial Times)

Chuẩn bị tiếp tục đối đầu

Khi ông Trump giành chiến thắng bất ngờ trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2016, nhiều người đã hy vọng rằng Nga có thể tìm thấy điểm chung với vị tỷ phú khoa trương người Mỹ. Các nhà lập pháp Nga đã đứng dậy vỗ tay tại Duma Quốc gia (Hạ viện Nga) khi biết ông Trump sẽ trở thành tổng thống tiếp theo của Mỹ.

Về phần mình, Điện Kremlin đã ra một tuyên bố gọi cách tiếp cận chính sách đối ngoại của Trump là “gần giống một cách phi thường” với cách tiếp cận của Tổng thống Vladimir Putin. Tuy nhiên, sự lạc quan ban đầu đó nhanh chóng tan biến khi tuyên bố của ông Trump về việc muốn nhượng bộ Nga đã vấp phải sự phản đối kịch liệt từ Quốc hội.

Mùa Hè 2017, trong lúc ông Trump đang đau đầu với những cáo buộc rằng chiến dịch tranh cử tổng thống của ông có liên quan tới Nga, Quốc hội Mỹ đã thông qua Đạo luật Chống đối thủ của Mỹ thông qua các biện pháp trừng phạt, trong đó yêu cầu tổng thống phải được Quốc hội chấp thuận trước khi dỡ bỏ bất cứ lệnh trừng phạt hiện có nào đối với Nga.

Hơn nữa, bất chấp những tuyên bố hùng hồn của ông Trump về việc muốn cải thiện quan hệ với Nga, chính quyền của ông vẫn theo đuổi đường lối cứng rắn chống Moscow. Dưới sự chỉ đạo của ông Trump, Mỹ đã rút khỏi 2 hiệp ước kiểm soát vũ khí với Nga, áp đặt các lệnh trừng phạt đối với đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy Phương Bắc 2 của Nga dẫn đến Đức, cung cấp tên lửa chống tăng Javelin cho Ukraine, tiến hành các cuộc tấn công tên lửa nhằm vào Syria bất chấp sự phản đối của Nga.

Dmitry Suslov, Giáo sư Quan hệ Quốc tế của Trường Kinh tế trực thuộc trường Đại học Nghiên cứu Quốc gia ở Moscow cho rằng Điện Kremlin có rất ít lý do để tin rằng nhiệm kỳ thứ hai của ông Trump sẽ mang lại bất kỳ sự khác biệt nào cho quan hệ Mỹ-Nga.

“Năm 2016, phần lớn giới lãnh đạo Nga thực sự hy vọng rằng chiến thắng của ông Trump sẽ mang lại cơ hội chấm dứt đối đầu và cải thiện quan hệ. Giờ đây, không có kỳ vọng nào như vậy nữa. Quan điểm phổ biến là bất kể kết quả của cuộc bầu cử Mỹ như thế nào, Nga phải chuẩn bị cho việc tiếp tục đối đầu với Mỹ”, ông Dmitry Suslov nhận định.

Tuy nhiên, ông Suslov lưu ý rằng giới lãnh đạo Nga có thể coi ông Biden là sự lựa chọn tồi tệ hơn vì ông vốn được biết đến là người ủng hộ việc gia tăng sức ép với Moscow trong vấn đề dân chủ và nhân quyền. Ông Biden cũng được cho là sẽ "nhiệt tình" hơn ông Trump trong việc ủng hộ Ukraine chống Nga. Trong chiến dịch tranh cử, ông Biden thường xuyên cáo buộc ông Trump không đủ cứng rắn với Nga. Cựu phó tổng thống cũng ám chỉ rằng ông sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt mới đối với Nga nếu ông đắc cử.

Trong chuyến thăm Moscow năm 2011, ông Biden được cho là đã khiến Điện Kremlin tức giận sau khi ông nói với các nhà lãnh đạo đối lập Nga rằng Mỹ không muốn thấy ông Putin tranh cử nhiệm kỳ tổng thống thứ ba. Sau khi Nga sáp nhập Crimea năm 2014, ông Biden trở thành nhân vật quan trọng của chính quyền Obama trong các vấn đề liên quan đến Ukraine và dẫn đầu các nỗ lực của Mỹ nhằm tập hợp các đồng minh châu Âu áp đặt các lệnh trừng phạt chống Điện Kremlin.

Tuy nhiên, ông Biden không phải lúc nào cũng có quan điểm cứng rắn với Nga. Một số nhận xét ban đầu của ông về Tổng thống Nga Putin cho thấy sự tâng bốc một cách bất thường. Thậm chí, khi còn giữ cương vị Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện, ông Biden từng so sánh ông Putin với Peter Đại đế - người đã có công hiện đại hóa và phương Tây hóa nước Nga.

Xích gần hơn với Trung Quốc?

Nga có kế hoạch gì để đối phó với một nước Mỹ có thể là khó lường trong 4 năm tới? Một lựa chọn của Nga là tiếp tục tăng cường quan hệ với Trung Quốc. Kể từ năm 2014, khi Moscow bị phương Tây “ghẻ lạnh” vì cuộc khủng hoảng Ukraine, Nga và Trung Quốc đã tăng thương mại song phương lên 110 tỷ USD vào năm 2019, đồng thời giảm bớt sự phụ thuộc vào đồng USD.

Hai nước hiện thường xuyên tổ chức các cuộc tập trận chung, bao gồm cả ở các điểm nóng về địa chính trị như Biển Baltic và Biển Đông. Nga cũng đã tìm cách giảm sự phụ thuộc về công nghệ vào Mỹ bằng cách chuyển sang các công ty công nghệ khổng lồ của Trung Quốc như Huawei.

Theo Giáo sư Suslov, Moscow và Bắc Kinh có thể sẽ xích lại gần nhau hơn trong 4 năm tới. Ông cho rằng hai nước có lợi thế để đẩy lùi Washington. Ông cũng dự đoán rằng sự phân cực ngày càng sâu sắc sẽ “làm suy yếu khả năng của Mỹ trong việc thực hiện một chính sách đối ngoại hiệu quả, khiến nước này trở nên bốc đồng hơn, theo chủ nghĩa trọng thương hơn, và ít có khả năng củng cố các đồng minh để đối đầu với Nga và Trung Quốc”.

“Nga đang giả định rằng chính sách đối đầu của Mỹ mặc dù gây đau đớn nhưng không gây chết người. Và về lâu dài, chính Mỹ sẽ phải điều chỉnh chính sách, thích ứng với một thế giới đa cực và chấp nhận cả Nga và Trung Quốc là những cường quốc hợp pháp”, ông nói.

(theo National Interest)